Di tích văn hóa Chùa Đồng Quan ở Hải Phòng ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Di tích văn hóa Chùa Đồng Quan ở Hải Phòng

Chùa Đồng Quan được khởi công xây dựng năm Sùng Khang (1572), đời vua Mạc Mậu Hợp, vị vua thứ 5 của vương triều Mạc (căn cứ vào tấm bia còn lưu giữ trong nội thất của chùa). Theo nhân dân địa phương, người có công đầu hưng công khởi dựng ngôi chùa Đồng Quan (Bảo Quang Tự) quy mô lớn là hai bố con vị thành hoàng làng Phạm An Khê và Phạm Viết Kính. Ngoài ra còn có sự hưởng ứng của đông đảo thiện nam tín nữ thập phương, sự đóng góp của nhiều thân vương, quận công tước hầu, bá, các phi tần, công chúa có tên tuổi trong Vương triều Mạc đương thời. Tương truyền, để xây dựng được ngôi chùa có qui mô lớn như vậy, mọi vật liệu như gỗ, đá đều được chuyển theo đường sông từ tận kinh đô Thăng Long về.
Chùa Đồng Quan nằm trên vị trí cao ráo, cách không xa khu dân cư. Mặt chính của chùa quay về hướng nam, cảnh quan xung quanh còn di tích của một số rặng chuối cổ thụ cùng dấu vết ngôi đình thờ hai vị thành hoàng họ Phạm và miếu thờ bản địa. Do thời gian và biến cố lịch sử giữa hai triều Lê - Mạc, chùa Đồng Quan không còn được nguyên trạng nhưng hiện tại vẫn còn toà tiền đường, gian Phật điện kiểu chữ "đinh" (J) và nếp nhà tổ hình chữ "nhất" (-). Ở phía sau toà tam bảo 3 gian gác chuông, xây kiểu chồng diêm nóc cái cao 7m (đã được tháo dỡ trong kháng chiến chống Pháp) vẫn còn nhận rõ chân móng. Chùa được kết cấu bởi 6 hàng vì kèo, tạo thành ba gian hai chái. Đây là một trong số ít các công trình kiến trúc tôn giáo mang dấu ấn văn hoá Mạc cuối thế kỷ XVI trên đất Hải Phòng.
Về mặt giá trị văn hoá, chùa Đồng Quan còn lại một số lượng tượng tháp không nhiều nhưng các pho tượng còn lại đều là những tác phẩm điêu khắc có giá trị tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Cách bày trí nội thất chùa Đồng Quan hết sức độc đáo. Toà Phật điện (hậu cung) gồm 4 hàng tượng thấp dần từ trong ra ngoài. Vị trí cao nhất là bộ tượng tam thế, tiếp theo là hàng tượng A di đà, hàng tượng Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu. Phía trên toà tam bảo đặt bộ thập điện minh vương. Toà tiền đường phía tả gian bày bài vị thành hoàng họ Phạm có công xây dựng chùa, phía hữu gian đặt vị tượng Bồ Tát Huyền Quang tổ sư. Hai gian hồi đốc đặt tượng hộ pháp. Hai pho tượng hộ pháp nằm trong chư vị kim cương bảo vệ luật pháp, răn rạy phật tử tránh làm điều ác, khuyến khích mọi người sống từ bi. Cả hai pho tượng đều mang dáng dấp một võ tướng, thân thẳng đứng dựa trên mình con mãnh sư nhe răng nhọn sắc. Đầu hai vị tướng đội mũ trụ thiên, diềm mũ sát khuôn mặt là đường gờ nổi viền vàng, giữa gờ có cụm là cách điệu. Diềm trên là hàng mặt trời với những ngọn đao lửa bốc lên. Điểm xuyết trong mảng trang trí trên mũ là những bông cúc và mặt trời. Vị tượng Hộ Thiện mặt trắng, tai trái cầm minh châu, tượng mặc áo giáp trụ bối tử (mảng che trước ngực) ở hai bên thêu nổi hình rồng uốn tròn, giữa gắn hình hoa các cách điệu, cổ áo hai nếp viền hình lá sen, áo giap trụ che kín thân hình, sư tử có tai xoè như tai trâu, mặt tròn lồi, lỗ mũi rộng. Đây là một trong những pho tượng hộ pháp bằng đất có niên đại sớm nhất ở nước ta hiện nay.
Ngoài ra, còn phải kể đến bộ tượng thập điện minh vương gồm 10 pho tương tự như nhau: chất liệu đất, đặt dọc hai bên toà tam bảo, tượng đội mũ 'bình thiên' trong tư thế thiết triều. Tiếp đến là tượng Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu. Tượng Ngọc Hoàng ngồi giữa mang dáng dấp một vị vua, đội mũ, tai to và đầy. Tượng ngồi trên bệ hình trụ, một mặt là hình thang cân như bộ tượng 'Thập điện minh vương'. Đáng chú ý là pho tượng Đức tam tổ Huyền Quang. Tượng đặt trên ban thờ gian hữu quan toà tiền đường. Từ trang phục mũ, áo cà xa, vẻ mặt phảng phất giống Đức Đường Tăng trong thiên truyện Tây du ký.
Hiện tại, chùa Đồng Quan còn lưu giữ được tấm văn bia quí giá, với tên chữ "Bảo Quang tự chung bia ký" (văn bia về quả chuông ở chùa Bảo Quang). Bia dẹt, cao 1,2m, ngang 0,68m, dày 0,16m; trán bia hình bán nguyệt, ở chính giữa chạm mặt nguyệt to tròn (bán kính 0,8cm) xung quanh có nhiều tua mây; về phía hai bên là đôi rồng chầu, thân ngắn, đuôi mập. Ngăn giữa trán bia và thân bia là một đường chỉ viền trên khắc tên bia trang trí vân ám, với hàng chữ "Hoàng đế vạn tuế", phía dưới hàng chữ là ghi danh sách các tín chủ và tín thế, người chủ chốt đứng lên xây chùa và những người tiến cúng tiền của. Phần trang trí diềm tấm bia theo dải băng hoá dây uốn lượn mềm mại, với những cánh sen nổi nhỏ tiếp nhau. Bài văn bia được viết bằng chữ Hán, nét khắc rõ ràng, tinh tế. Nội dung văn bia có lời minh và lời trần thuật việc xây dựng chùa Bảo Quang (chùa Đồng Quan), việc đúc quả chuông và danh sách các tín chủ và tín thế cúng tiến tiền của vào việc công đức.
Với những quang cảnh và di vật trên, chùa Đồng Quan được coi là di sản văn hoá phản ánh tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo của địa phương Đồng Quan (Dũng Tiến) nói riêng. Chùa đã được Bộ Văn hoá thông tin ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hoá ngày 4-8-1992.
Nguồn: Hoa Phượng Đỏ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ