Về tấm bia mộ Phạm Phú Thứ ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Về tấm bia mộ Phạm Phú Thứ

VỀ TẤM BIA MỘ PHẠM PHÚ THỨ
TRẦN THỊ THANH
Đại học Khoa học Huế
1. Vài nét về Phạm Phú Thứ và tấm bia mộ
Nằm ở phía nam kinh đô Huế, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay là phần đất Thừa tuyên đạo Quảng Nam, xuất hiện trên bản đồ nước Đại Việt từ năm 1471 và là phần xứ Đàng Trong từ năm 1558 khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm ở đất Thuận Hóa. Bởi vậy, việc học hành thi cử vùng đất này muộn hơn rất nhiều so với miền Bắc. Để tuyển nhân tài trong bộ máy nhà nước, năm 1601 chúa Nguyễn Hoàng đã tổ chức khoa thi đầu tiên. Từ đó đến năm Kỉ Mùi (1919), nhà Nguyễn đã tổ chức 48 khoa thi Hương, 39 khoa thi Hội và thi Đình. Trong từng ấy năm, sĩ tử Quảng Nam có 254 người đỗ cử nhân, 39 người đỗ tiến sĩ, phó bảng. So với thời xưa đây là một con số rất lớn nên Quảng Nam được mệnh danh là “Đất học”, đất của “ Ngũ tụng tề phi”, đất của “Tứ hùng”, “Tứ hổ”, Tứ kiệt”. Những danh xưng này giành cho các khuôn mặt nổi trội trong khoa cử ở đất Quảng Nam, trong đó Phạm Phú Thứ được xếp vào một trong những “Tứ hổ” của đất Quảng. (1/ Phạm Như Xương (1844-1917); 2/ Phạm Phú Thứ (1821-1883); 3/ Phạm Liệu (1873-1937); 4/ Trần Quý Cáp (1870-1908)).
Phạm Phú Thứ quê ở Đông Bàn, huyện Diên Phước, nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 23 tuổi đỗ thủ khoa Cử nhân khoa Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842). Năm 24 tuổi ông thi Hội, đỗ Hội Nguyên, vào thi Đình đổ đầu bảng Đệ nhất giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843). Vì ông hai lần đỗ đầu Giải nguyên khi thi Hương và thi Hội nên người đời tôn ông làm ông Nghè Song Nguyên. Ngay sau khi thi Đình được giải, vào năm thứ 3 niên hiệu Thiệu Trị, ông được bổ chức Tri phủ Lạng Giang, sau sung Kinh diên khởi cư chú. Ông là người có tình nghĩa với cha mẹ, anh em làng xóm bạn bè, có lòng trung quân ái quốc. Tuy nhiên, ông cũng là người rất nghiêm khắc, khi thấy vua có những việc làm sai trái ông lập tức dâng sớ can ngăn không e ngại, thậm chí có lúc quá lời khiến vua nổi giận bắt tội. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), trong tờ sớ dâng vua ông đã phê phán một số sinh hoạt ở triều đình. Đọc xong vua Tự Đức cho là: “lời nói quá khích, hủy báng”. Sau sự kiện này ông bị phạt tội và bị điều xuống làm lính đưa công văn ở trạm Thừa Nông. Với nghĩa vụ của bầy tôi, ông sẵn sàng tuân lệnh và làm việc tích cực. Hai năm sau ông lại được phục chức và bổ làm Tri phủ Tứ Nghĩa rồi thăng làm Án sát hai tỉnh Thanh - Hà. Trong sự nghiệp, ông đã nhiều lần được thăng quan tiến chức nhưng cũng bị giáng chức đi giáng chức lại. Năm Tự Đức thứ 16 (1863) sung làm Khâm sai đại thần. Ông đã từng tới Gia Định cùng Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thay mặt triều đình thương thuyết với thực dân Pháp. Sau đó ông lại được sung làm Phó sứ cùng Chánh sứ Phan Thanh Giản lập thành một phái đoàn sang Pháp để chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam bộ. Vì công lao to lớn của ông đối với đất nước nên năm 1865 niên hiệu Tự Đức thứ 15 ông được tiến Thự Hộ bộ Thượng thư sung Cơ mật viện đại thần. Trong gần 10 năm làm ở Cơ mật viện, ông đã đóng góp rất nhiều công sức cho triều đình. Những tác phẩm Nam giao nhạc chươngQuốc triều văn tuyển, Nguyễn Trường Tộ điều trần tập (bài bạt và bài luận của Trần Tiến Thành và Phạm Phú Thứ) và một số dịch thuật, viết tựa sau khi dịch được ông viết trong thời gian này. Với thực tài của mình, năm thứ 27 niên hiệu Tự Đức (1874), ông được cử làm Tổng đốc Hải Dương kiêm Tổng lý thương chánh đại thần. Thời gian này thực tài của ông đã được thi thố. Dưới sự chỉ đạo của ông những biện pháp cai quản miền biên cương từ Cát Bà đến Quảng Yên, Hải Phòng đã được thực thi. Tình hình kinh tế, chính trị nơi này tạm thời ổn định. Tuy nhiên, do tính tình thẳng thắn lời tấu khó lọt tai vua, nên năm 1881 tức niên hiệu Tự Đức 34 ông bị giáng chức làm Quang lộc tự khanh lĩnh Tả Tham tri Bộ Binh. Lúc này ông vừa tròn 60 tuổi. Thấy tuổi già sức yếu, khó lòng đảm tránh công việc như thời trai trẻ, ông liền cáo bệnh từ quan về quê nhà sinh sống rồi qua đời vào ngày 5/2/1882.
Sau khi mất, ông được các quan ở tỉnh Quảng Nam tâu lên vua. Tự Đức rất thương tiếc một con người tài năng, xông xáo, cương trực đôi lúc quá thẳng thắn, nên đã ban tặng ông một bài văn tế, ban cho rượu cúng cùng lụa là gấm vóc để gia đình lo việc mai táng. Vì việc này nên các quan ở Nội các đã vâng theo thượng dụ để soạn bài bia mộ của Phạm Phú Thứ. Bia mộ được dựng ngay phần mộ của Phạm Phú Thứ ở tại quê nhà. Mộ của ông nằm giữa cánh đồng, gần phía Văn miếu cũ. Tấm bia được áp vào bức bình phong ở phía trước mộ, mặt quay về hướng đông, chất liệu là một tấm đá thanh, trán và riềm bia không được trang trí. Bia lộ thiên. Ngoài điều kiện khách quan do mưa nắng bào mòn, tấm bia mộ này bị hư hại đổ xuống rồi lại dựng lên. Năm 2007 lớp sinh viên Hán Nôm khóa 27 khoa Ngữ Văn Trường Đại học Khoa học Huế chúng tôi đi điền dã đã ghi chép tấm bia mộ này. Trên bia có một số chỗ bị vỡ và nứt nên tuy chữ viết chân phương, khá rõ nhưng nhiều chỗ mờ đã bị mất nét. Chúng tôi phải dựa vào ngữ cảnh của văn bia để phục chế lại một đôi chữ đã mất. Đặc biệt ở phần đầu, phần niên hiệu và tháng năm mà các vị đại thần trong Nội các vâng theo chỉ dụ để soạn bài bia mộ thì đã mất hẳn. Câu đó chỉ còn lại chữ 二十肆日Chúng tôi căn cứ vào ngày tháng năm mất của Phạm Phú Thứ để phục chế lại. Dịch bài bia mộ, chúng tôi thấy phần nào hiểu được tình cảm của vua Tự Đức giành cho ông. Khi nghe tin Phạm Phú Thứ mất, nhà vua thực sự thương tiếc. Một người đã từng giữ vai trò quan trọng trong Cơ mật viện, một người đã từng giúp vua đi thương thuyết với Pháp để đòi lại ba tỉnh Nam Kì, một người có tư tưởng tân kì muốn cải cách xã hội, ảnh hưởng rất lớn tới phong trào Duy Tân ở đầu thế kỉ XX nhưng không được nhà vua và các đại thần nghe theo. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự thăng giáng trong sự nghiệp làm quan của ông. Điều này đã được bài văn bia ghi lại và Tự Đức đã nhận xét về ông là “Công tội ngang nhau”. Bước đường sự nghiệp đầy gian truân trắc trở này của ông đã được vua Tự Đức cảm khái. Do vậy, khi ông mất đi vua Tự Đức đã ban cho lụa là, rượu cùng bài văn tế. Đây là trường hợp hi hữu. Không phải bất cứ một vị quan nào của triều đình khi chết cũng được vua ban cho đặc ân này mà chỉ là những người thân thích, tài giỏi “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” thì vua Tự Đức mới có nỗi niềm chia sẻ.
Dựa vào phẩm vật được ban để mai táng và cúng lễ Phạm Phú Thứ, chúng tôi nghĩ rằng bài bia mộ này các đại thần trong Nội Các vâng theo chỉ dụ của nhà vua để soạn sẽ là cùng tháng cùng năm với lúc Phạm Phú Thứ mất. Với lý do ấy chúng tôi thêm vào 嗣德三十五年二月 vào trước các chữ 二十肆日để dịch là “ngày 24 tháng 2 năm thứ 35 niên hiệu Tự Đức”. Một điều nữa chúng tôi còn băn khoăn là tấm bia mộ này không có dòng lạc khoản. Thường thì các bia mộ có dòng lạc khoản ghi ở phần cuối (Ví dụ: Chúng tôi đã dịch tấm bia mộ của Miên Thẩm, tham gia Hội nghị Thông báo Hán Nôm năm 2001 thì có dòng lạc khoản ghi là: “ngày tốt tháng 7 năm thứ 33 niên hiệu Tự Đức, con là Hồng Phi vâng theo sắc chỉ mà dựng bia đá”. Nhưng tấm bia mộ của Phạm Phú Thứ không thấy ghi ngày dựng bia và ai tuân theo sắc chỉ để dựng bia. Vả lại, việc bố trí các dòng chữ được khắc trong lòng bia đã cân đối, không bị hở ra một khoảng lớn và không có dấu vết cùng nét chữ bị mờ ở phần cuối, do vậy chúng tôi nghĩ rằng: Có thể tấm bia này không có dòng lạc khoản ghi rõ ngày tháng năm nào dựng bia. Tuy nhiên, theo thiển ý chúng tôi thì tấm bia mộ này cũng sẽ dựng vào một tháng nào đó trong năm 1883-năm ông mất (vì bia mộ Miên Thẩm được dựng cách thời gian các quan đại thần trong Nội các vâng theo thượng dụ soạn là 2 tháng). Để tỏ lòng kính trọng đối với một con người tài cao học rộng (giới văn sử đánh giá ông là người có nhiều sáng tác nhất của thế kỉ XIX, phong phú về đề tài, sung mãn về nội dung). Chúng tôi xin dịch nghĩa toàn bộ bia mộ này.
Ngày 24 tháng 2 năm thứ 35 niên hiệu Tự Đức(1). Chúng thần ở Nội các là Vũ Nhự, Tôn Thất Hồng Sâm, Phạm Như Xương, Tạ Thúc Dĩnh kính cẩn vâng theo thượng dụ.
Quang lộc tự khanh, lĩnh Tham tri tả Bộ Binh(2), sung Cơ mật viện(3), Thương biện(4) Phạm Phú Thứ đã qua đời, khiến cho người hiền kẻ ngu đều rơi nước mắt. Nghĩ rằng người này vừa có tài văn học vừa có tài biện luận, có ảnh hưởng rất lớn đến các kẻ sĩ ở các tỉnh phía Nam. Bình sinh ông là người có khí tiết, lịch thiệp hơn hết ở đời. Riêng ông là bầy tôi luôn thừa lệnh trên giống như con ngựa đã tung vó hàng nghìn dặm đi khắp mọi nơi. Đó chẳng phải là việc của kẻ có tài, cũng biết sợ, biết hối lỗi về những việc khác đã làm ư ?
Trẫm vốn chẳng ruồng bỏ ông ta(5), đại khái chỉ muốn dằn ép một chút, khiến ông biết mà hối cải, may mắn thì có thể làm gương cho mọi người. Trẫm đã thể tất chuẩn cho về quê điều trị mong bệnh của ông sớm thuyên giảm, rồi sẽ phục dụng, thiết tưởng có thể báo đáp cho đất nước. Chẳng những trẫm biết ông là người có khả năng, mà còn bảo chớ xử án ông quá nặng. Được tin ông mất, trẫm đâu thắng nổi được sự thương tiếc. Nhớ lại, con người đó đã từng trải qua nhiều bước gian truân, đông tây trôi nổi. Tuy thân thể yếu nhưng không giám từ nan. Người này có khả năng ôm mệnh, nhất nhất những việc đã qua đều tìm ra đầu mối, sau nữa có thể lo liệu để người đời noi theo.
Việc mở đồn điền ở Nam Sách (Hải Dương), việc ổn định biên cương ở tỉnh Quảng Yên thật là tính kỹ lo xa. Xét một cách công bằng những việc làm hằng ngày đó của ông công lao trác tuyệt thật đáng biểu dương. Chỉ việc sung Cơ mật viện để giúp giải quyết việc chính sự thì nhất thị nhất phi ông cũng chẳng giám khinh thường. Ông mất đi công lao của ông thật quá lớn với người đương thời. Căn cứ theo đó mà ngự tặng và chuẩn ban cho nhận hai loại: gấm Tống 3 cây, lụa sa trắng cống phẩm phương Nam các loại 5 cây. Gia đình ông lấy đó làm việc mai táng, bởi lẽ nó là cái cần thiết để quàn cho ông trong lúc yên nghỉ. Thêm vào là một viên quan sở tại của tỉnh khâm mệnh ban bài văn tế, ban cho rượu. Một lần nữa để làm sáng tỏ và khuyến khích cái đạo sâu dày.
Khâm thử!
Cung kính chép bài văn tế được ban.
Bài văn tế viết: Cúc thơm lan đẹp nhớ mãi hoài. Mạng người như ngọn đèn trước gió, như sương buổi sớm đẩy nhanh về phía bên kia. Buồn sầu miên man khi nghĩ về cái chết là sự đi xa mãi mãi. Việc đại sự lúc sinh thời làm thế nhân cảm khái. Cố tả Tham tri, bộ Binh sau khi chết được truy tặng Hiệp biện Đại Học sĩ(6). Phạm Phú Thứ sớm đăng khoa giáp, từng trải sĩ đồ, phên xanh gác tía, trong triều ngoài quận đều trọng tiếng tăm. Bè sao cờ sứ, biển cả mênh mông, đường đi trập trùng, binh cơ nghị định, thương thuyết bằng lời, thành công đâu chỉ ngày một. Tụ tập trong Nam làm kế hạ sách, xét công và lỗi hai nửa ngang nhau, nhưng nghĩa quân thần thì thủy chung làm sao quên được. Trẫm chẳng bỏ mặc mà vẫn xót thương. Cho nên tìm khanh như tìm kiếm(7) mà sao không thấy. Than ôi! chết rồi giống như bóng mây bay đi không bao giờ quay trở lại. Gió xuân dìu dặt, mây biếc Hành Sơn(8), sóng êm Trà Úc(9), khanh như bóng trăng lơ lửng. Kỳ hẹn gặp nhau là xa vô tận. Than ôi! Người cảnh biết đi đâu, mong ông về thượng hưởng.

Chú thích:
1-Tháng 2 năm thứ 35 niên hiệu Tự Đức là phần bị mất trên bia, chúng tôi phục chế lại.
2-Quang lộc tự khanh, lĩnh Tham tri tả Bộ Binh là chức sau khi bị giáng, chức cuối cùng trước khi ông mất.
3-Cơ mật viện là cơ quan mà Phạm Phú Thứ được tiến cử (vào năm thứ 18 niên hiệu Tự Đức).
4-Thương biện cũng là một chức khi ông được vua Tự Đức cử đi thương thuyết và tranh luận với Thực dân Pháp.
5-Câu này ý muốn thanh minh hai lần vua Tự Đức đã giáng chức Phạm Phú Thứ.
6-Hiệp biện Đại Học sĩ là tước hiệu Phạm Phú Thứ được vua truy tặng sau khi chết.
7-Mượn điển “Khắc chu cầu kiếm” của Trung Quốc để nói rằng Phạm Phú Thứ mất rồi thì tìm gặp ông cũng đáng nực cười như người nước Sở trong Lã thị Xuân Thu đi đò qua sông chẳng may đánh rơi kiếm xuống nước, luống cuống anh ta đánh dấu vào mạn thuyền. Khi thuyền cập bến, anh ta theo dấu ở mạn thuyền mà mò kiếm.
8, 9. Hành Sơn, Trà Úc là tên dãy núi và con sông ở tỉnh Quảng Nam./.
(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.847-854)

Trần Thị Thanh
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ