Người họ Phạm ở Thái Bình ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Người họ Phạm ở Thái Bình

3035. Phạm Bôi (1397 - 1471)
Công thần khai quốc triều Lê, được ban quốc tính, gọi là Lê Bôi. Quê x. Đông Địa Linh, nay là th. Dục Linh, x. An Ninh và Đông Linh, x. An Bài, h. Quỳnh Phụ. Từ nhỏ, đã nổi tiếng học giỏi và thích võ nghệ. 18 tuổi đã là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa. Là một trong 18 người dự hội thề Lũng Nhai (1416). Từng tham gia đánh thành Khâu Ôn (1426), chặn viện binh giặc ở cửa ải Pha Lũy (1427). Được thăng Thiếu úy, lại được ban lọng vàng. Thuận Thiên năm thứ 2 (1429), sau khi lên ngôi vua Lê Lợi ban hiển ngạch công thần cho 93 người. Lê Bôi được phong Huyện hầu, tên ông đứng trước 45 người khác. Năm 1437, làm Đông đạo hành quân tổng quản. Lê Thái Tông mất, ông cùng một số đại thần được giao nhận di mệnh đưa Hoàng tử Bang Cơ lên ngôi (tức vua Lê Nhân Tông). Thời Lê Nhân Tông ông được phong Nhập nổi kiểm hiệu Thái Bảo và được sai đi đánh giặc Chiêm. Sau lần ấy, ông bị bệnh. Năm 1449, ông vào triều, được vua ban 20 quan tiền và ghi rõ: “Bôi là công thần khai quốc bị trúng phong đã lâu, đến đây bệnh hơi bớt, vào chầu cho nên được ban ơn riêng”. Khi ông mất, dân x. Đông Địa Linh tôn ông và các tùy tướng của ông làm Thành hoàng.
3036. Phạm Cảnh (tk. XVI)
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Hưng Trị thứ 2 (1589) đời Mạc Mậu Hợp. Tên tự là Hiếu Liêm, hiệu Trung Thành, quê l. Kỳ Trọng, nay là th. Kỳ Trọng, x. Đông Hà, h. Đông Hưng. Được bổ làm Hiến sát sứ Hải Dương. Năm 1592, nhà Mạc phải bỏ Thăng Long, ông bị nhà Lê bắt hợp tác. Ông miễn cưỡng cáo biệt gia tộc, rồi lên thuyền về Kinh. Thuyền gần đến Kinh thành, ông lấy giấy bút vừa viết vừa đọc: “Sinh Mạc thời, sĩ Mạc triều, thực Mạc lộc, sự nhị hà kham” (Sinh thời Mạc, làm quan ăn lộc nhà Mạc không thể thờ hai chúa). Đọc xong, ông liền nhảy xuống sông tự tử. Nhân dân quê ông và Bát Tràng, nơi ông tự vẫn đã lập đền thờ ông.
3037. Phạm Chí Thiện (1917- ?)
Giáo sĩ phản động, gây nhiều tội ác.  Người h. Xuân Trường, t. Nam Định. 1949, làm Phó xứ Trung Đồng (nay thuộc x. Nam Trung, h. Tiền Hải). 10 -1949, lập ra Đoàn thanh niên công giáo diệt cộng. 11-1949, cho một số thanh niên ở đoàn này sang Giao Thủy (Nam Định) liên lạc với bọn phản động,  ăn tập đến 20-2-1950, được võ trang cho trở về Trung Đồng. 21-2-1950, tổ chức cuộc nổi loạn chống lại Chính phủ, bắt giáo dân phải đi biểu tình, hô khẩu hiệu đả đảo Chính phủ Hồ Chí Minh, ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại. Y lập nhà tù ở Trung Đồng, bắt ép nhân dân tg Đông Thành lập tề, hàng ngày trực tiếp chỉ huy bọn vệ sĩ đi quây quét đốt phá các xóm lương, gia đình cán bộ và những người tình nghi mang về đánh đập tra khảo. Y hạ lệnh cho bọn vệ sĩ chôn sống 8 người, trong đó có cả đồng bào công giáo; cộng tác với tên Vũ Đức Luật tổ chức tuần lễ diệt cộng, trừ thanh từ ngày 1 đến 15-5-1950, đốt hàng trăm nóc nhà, bắt rất nhiều người vô tội ở x. ái Quốc (h. Tiền Hải) mang về đánh đập hoặc bí mật đem ra cửa bể Ba Lạt bắn chết; đặc biệt là vụ y hạ lệnh cho bọn vệ sĩ Trung Đồng cùng với vệ sĩ Cao Mại, Bắc Trạch đi quây x. Bình Định (Kiến Xương), bắt được bí thư và chánh phó chủ tịch cắt đầu đem về Trung Đồng một, Cao Mại một và Bắc Trạch một. 10-1951, Phạm Chí Thiện đổi sang coi xứ Hải Linh (nay thuộc x. Thái Đô, h. Thái Thụy), hàng ngày cho bọn vệ sĩ Hải Linh phối hợp với ngụy binh đi quấy cướp, rà sát vùng Thần Huống (Thái Ninh). Khi ta hoạt động mạnh, 2-1952 y bỏ chạy đi Hải Phòng. 6-1952, lại về tx. Thái Bình, làm việc với phòng nhì. 7-1952, về làm phó xứ Cao Mộc (nay thuộc x. Đồng Tiến, h. Quỳnh Phụ), y ngăn cấm giáo dân Cao Mộc không được liên lạc với Việt Minh. Thường thường y còn hóa trang, ban đêm đi phục kích ở các lối đi lại để bắt cán bộ.
3038. Phạm Chuyên (s. 1943)
Thiếu tướng Công an nhân dân (1998). Quê x. Hồng Thái, h. Kiến Xương. Nguyên Giám đốc Công an tp. Hà Nội. Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa X (1997-2002). Tốt nghiệp đại học An ninh, đại học tổng hợp Văn, đại học Luật. Đã nghỉ hưu.

3039. Phạm Công Bang
Nhà thờ tại l. Long Bối, x. Đông Hợp, h. Đông Hưng. Thờ Phạm Công Bang, thuộc tướng của Nguyễn Hữu Cầu, từng tham gia trận huyết chiến ở Ngự Đại (Thanh Hà, Hải Dương)...  Cấu trúc kiểu chữ “nhị”: 2 tòa, 6 gian, xây cuốn. Cửa trước mi hiên bổ 4 trụ gian. Tất cả xây hồi văn 5 đấu, nội thất bổ trụ, cuốn vòm, lợp ngói mũi. Hiên trước xê nô xây gạch, bổ 4 trụ đấu soi, chạy viền chỉ kép, chia thành các ô đắp nổi văn triện và hoa lá. Dưới xê nô: 2 gian phía hồi, trổ cửa sổ. Gian trung tâm xây cửa cuốn, đóng cánh cửa phản. Cổ vật còn một cỗ ngai sơn son thếp vàng khá đẹp. Một cỗ khám thờ lắp 3 tầng cửa võng, bệ chân  quì dạ cá chạm tứ quý, chạm trổ tinh tế. Xưa nhà thờ làm bằng tranh lá. Năm Bảo Đại thứ nhất (1929) xây lại và truyền đến ngày nay.
3040. Phạm Công Huân (1651 - ?)
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697), đời Lê Hy Tông. Vốn tên là Phạm Quang Huân, khi đi thi đổi là Công Huân. Quê l. Hoàng Xá, nay là th. Hoàng Xá, x. Đông Phương, h. Đông Hưng. Được bổ chức Đốc đồng Hải Đông, sau chuyển làm Đốc trấn An Bang. Vùng đất mà ông cai quản suốt giải duyên hải không có cướp biển, miền núi không có phỉ, dân sống yên ổn. Ông rất chăm lo đến sản xuất, giảm bớt phu phen tạp dịch, chống tệ nạn tham nhũng, ức hiếp dân. Dân trong vùng chịu ơn ông. Vua Lê Hy Tông nhận xét: “Phạm quả là người hiền lương đáng được cất nhắc song đảm đương một vùng đông bắc liệu trọng thần các bộ đã mấy ai lo được”, vì vậy ông chỉ được ở chức Đốc trấn nhưng được phong tước Vĩnh Lộc Đại phu, được bàn việc nước. Năm 67, tuổi ông xin về hưu. Mất tại quê nhà. Đền thờ ông nay vẫn còn.
3041. Phạm Công Thế (1702 - 1738)
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái thứ 8 (1727) đời Lê Dụ Tông. Ông người họ Nguyễn, quê x. Phúc Khê, nay thuộc x. Thái Phúc, h. Thái Thụy. Được ông ngoại là Tiến sĩ Phạm Công Huân, quê x. Hoàng Xá, h. Đông Quan, dạy dỗ và nuôi cho ăn học, khi đi thi lấy họ mẹ nên có tên Phạm Công Thế. Được bổ giữ chức Đông các hiệu thư ở viện Hàn lâm. Năm Mậu Ngọ (1738), phẫn nộ trước việc chúa Trịnh Giang lấn át vua Lê, Phạm Công Thế cùng một số đại thần trong triều liên kết với Lê Duy Mật, Lê Duy Chúc… âm mưu cuộc gây biến Kinh thành. Việc bại lộ, một số bị bắt, trong đó có Phạm Công Thế. Có người trách: “Nhà ngươi là người trong khoa giáp, làm sao lại đi theo bọn phản nghịch?”. Phạm Công Thế cười trả lời: “Danh phận không sáng tỏ đã lâu rồi, còn phân biệt thế nào là thuận với nghịch được nữa!”, rồi vươn cổ chờ chém không một chút nao núng.
Cháu nội Phạm Công Thế là Phạm Cổ phải lẩn trốn đến th. Phú Cấm thuộc x. Cao Mỗ, tg Cao Mỗ, h. Thần Khê (từ cuối tk. XIX là th. Phú Vinh, nay là th. Phú Vinh, x. Đồng Phú, h. Đông Hưng), sinh ra dòng họ Phạm Đồng. Cháu ruột Phạm Cổ là Phạm Chính Trực (biệt danh là Cả Vẽo) đã liên kết với Nguyễn Sơn mộ quân đánh chiếm p. Tiên Hưng, rồi kéo ra Yên Quảng hội quân với tướng Thiêm Liên, nhiều trận đánh bại quân triều đình. Khi Tây Sơn ra Bắc, các ông theo Nguyễn Huệ.
Xt: Họ Phạm Đồng (1706); Họ Nguyễn xã Thái Phúc (1680)
3042. Phạm Công Tuyển (t k. XV)
Danh thần thời Lê sơ, hiệu Độc Lâm tiên sinh, người x. Tô Đàm, h. Phụ Dực, p. Thái Bình (nay là th. Tô Đàm, x. An Mỹ, h. Quỳnh Phụ). Đỗ Tiến sĩ năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), đời Lê Thái Tổ; được bổ vào Viện Hàn lâm, rồi Giám sát ngự sử ở Ngự sử đài, tước Bắc Khê hầu. Ông không có tên trong sách Đăng khoa lục nhưng bia Tiên hiền đặt ở văn từ h. Phụ Dực (khắc dựng năm 1732) tên ông đứng hàng thứ 2 trong 27 đại khoa của bản huyện. Gia phải họ Phạm làng Tô Đàm cũng ghi về ông như trên.
3043. Phạm Diệu (tk. XVIII)
Quê l. Luyến Khuyết, nay là th. Đồng Hòa, x. Thụy Phong, h. Thái Thụy. Học xong chương trình ở trường của tr. Sơn Nam, ông không đi thi mà trở về dạy học. Ông nổi tiếng là một thầy giỏi. Trong số các môn sinh của ông có tới 4 Tiến sĩ, 3 Phó bảng, 32 Cử nhân, 188 Tú tài. Học trò cuối cùng của ông là Vũ Thụ, quê ở l. Bình Cách (nay thuộc x. Đông Xá, h. Đông Hưng), làm hậu bổ ở Thái Bình, đỗ Cử nhân năm 83 tuổi. Tiến sĩ Phạm Thế Hiển, Phó bảng Phạm Thế Húc là con trai ông.
3044. Phạm Duy Du (1855 - ?)
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa ất Mùi niên hiệu Thành Thái thứ 7 (1895). Quê x. Cần Phán, nay là th. Cần Phán, x. Quỳnh Hoàng, h. Quỳnh Phụ. Là con trai Phó bảng Phạm Quý Đức. Được bổ làm Tri huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Phạm Duy Du đã liên hệ với Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm và Mạc Đình Phúc chống Pháp, làm nội ứng giúp Mạc Thiên Binh nổi dậy chiếm phủ lỵ Kiến Thụy. Bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo.
3045. Phạm Duy Trực (tk. XVII)
Là con trai quận công Phạm Duy Uy, quê x. Bồ Xuyên, h. Vũ Tiên, p. Kiến Xương. Nối tiếp nghiệp võ của cha, Phạm Duy Trực xung vào quân và được cử đi đánh quân Mạc ở Cao Bằng, lập nhiều công trạng. Bị tử trận trong một cuộc giao tranh với quân Mạc. Được đặc cách phong tặng danh hiệu Phụ quốc công thần, tước Trực Quận công. Ông có người con gái tên là Phạm Thị Ngọc được sung làm phi của chúa Trịnh.
3046. Phạm Duy Uy (tk. XVI)
Quê x. Bồ Xuyên, h. Vũ Tiên, p. Kiến Xương. Thuở nhỏ cha mất sớm, phải ở với cậu. Khi nhà Lê tuyển người con của cậu đi lính, người cậu sai ông đi thay. Lúc đầu, ông giữ chức đội trưởng. Trong trận Lê Tương Dực tiến về kinh đô Thăng Long (1509), ông cầm cờ tiến lên trước, giao chiến với giặc, quân giặc thua chạy, ông bắt sống được rất nhiều quân và cả voi của giặc. Dẹp xong giặc ông lại trở về ở cho cậu, để người con của cậu về yết kiến triều đình. Quần thần nhận diện biết người ấy không phải là ông, vua cho người về triệu ông vào Kinh trong lúc ông đang đi cày trên ruộng, phong cho ông là Phụ quốc công thần, hàm Thượng tướng quân. Sau trở thành phò mã đô úy, tước Uy quận công. Ông mất tại quê nhà, mộ phần để ở x. Kỳ Bá. Sách Thái Bình phong vật chí của Phạm Văn Thụ còn cung cấp thêm chi tiết: “Ông có tài thuần phục voi, vì vậy khi tiến đánh giặc ở Hồng Đàm (Thanh Trì, Hà Nội) voi của giặc trông thấy ông liền quỳ xuống nên giặc thua”.
3047. Phạm điện suý Ngũ Lão
Thần thờ ở l. Đào Động, tg. Vọng Lỗ, h. Phụ Dực (nay thuộc x. An Lễ, h. Quỳnh Phụ). Sự tích : Phạm Ngũ Lão người l. Phù ủng, p. Hồng Châu. Vốn theo đạo Tiên, có nhiều phép thuật, hay làm thơ, thạo đường cung kiếm. Tương truyền, khi quân Nguyên lăm le bờ cõi, vua Trần Nhân Tông lệnh cho Hưng Đạo Vương đi chiêu mộ anh tài trong thiên hạ ra giúp nước. Đến khi quan quân  tới Hồng Châu, gặp một trang nam tử hình dung tuấn tú đang ngồi ở bên đường vót nan đan sọt, binh lính quát nạt đuổi không đi, hỏi cũng không trả lời, bèn đâm mũi giáo vào đùi cũng không nhúc nhích. Trần Hưng Đạo biết ngay không phải người thường, cho dựng kiệu đến tận nơi để thử tài, quả nhiên người ấy trả lời thông thái mọi điều. Trần Hưng Đạo rất hài lòng ngài bèn đem người con gái út của mình là Công chúa Trần Thị Nguyên gả cho. Tới khi bệ kiến, vua rất vui, phong cho chức Phò mã Thượng tướng quân, giữ ấn Ngũ Phù ở triều. Sau thăng lên Chỉ huy sứ tiền Ngô lộ Tả tướng quân đem binh mã đi bủa vây đồn giặc Mông Cổ trên sông Bạch Đằng, bắn giết hơn một ngàn tên, bắt sống tướng giặc Trần Bá Linh, truy đuổi lũ tàn quân của chúng về đất Bắc.
Đất nước thanh bình, ông xin vua cho vợ chồng đi chu du thiên hạ định đất an cư. Vua thuận cho, con thuyền của ông bà cập bến Đào Động, h. Phụ Dực (thời ấy còn gọi là Phụ Phượng). Ông bà bỏ tiền của ra để chẩn cấp cho người nghèo khổ, chiêu dân lập ấp, dậy dân cấy trồng, dậy dân học hành lễ nghĩa, ông bà cũng dành riêng một dinh cơ, gọi là trại Hoa Hồng. Sau vua cử Văn Hầu Phó tướng Phiêu kỵ Tướng quân tên là Trần Nhân Huệ phụ tá ông bà. Phạm Ngũ Lão để Văn Hầu lưu lại trại Hoa Hồng giúp đỡ phu nhân còn ông trở lại thăm tỉnh quê hương tổ tiên, rồi ngài đi vào cõi thần tiên, hóa sinh bất diệt, báo mộng cho phu nhân biết.
Thái Bình tỉnh thần tích (Q4 -18/VIII,11(2).
3048. Phạm Đình Hoàn (tk. XVI)
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa ất Mùi, Mạc Đại Chính năm thứ 6 (1535). Quê l. Hòe Nhai, nay là th. Hòe Nhai, x. Thụy Chính, h. Thái Thụy. Được bổ vào viện Hàn lâm. Năm 1540, làm Tham chính Hải Dương. Ông là bạn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; tuy đỗ đạt cao, song ông là người đức độ nên được mọi người kính nể, Trạng Trình đã nhiều lần viếng thăm.
3049. Phạm Đình Lựu (s. 1935)
Giáo sư Y học (1996), Tiến sĩ (1979), Nhà giáo ưu tú. Quê x. Vũ Lăng, h. Tiền Hải,  t. Thái Bình. Đảng viên ĐCS VN. 1985 - 1991: Phó Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý học, trường đại học Y Hà Nội. Bí thư Đảng ủy (1994 - 2003), Chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý học (1995 - 2003) Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Y tế, trường đại học Y - Dược tp. Hồ Chí Minh.

Hướng nghiên cứu chủ yếu: Sinh lý học và sinh lý bệnh học thận. Các chỉ số về huyết học, về hô hấp, về chuyển hóa và điều nhiệt. Sự biến đổi các chỉ số trong lao động, các bệnh ký sinh trùng và dị ứng, bệnh bại phổi và hen suyễn. Các vấn đề về miễn dịch và dị ứng. Hướng dẫn thành công 4 luận án Tiến sĩ và 2 luận văn Thạc sĩ, 4 bác sĩ nội trú, 15 bác sĩ chuyên khoa sơ bộ. Tác giả và đồng tác giả 32 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Công bố 35 bài báo khoa học. Xuất bản 7 cuốn sách giáo khoa (đồng tác giả).
3050. Phạm Đình Sĩ (tk.  XVIII)
Quê l. Bác Trạch, nay là th. Bác Trạch, x. Vân Trường, h. Tiền Hải. Vốn là người dũng lược, mưu trí, được điều đi lính, sau là thuộc tướng của Quận công Phạm Đình Trọng. Được đặc cách tới chức Thượng tướng quân. Trong các trận đánh vào Mã Lao, Hương Nhi (Bình Lục, Hà Nam) Lộng Khê, Quang Dực, Tô Xuyên, Tô Đàm, Bến Hệ (Quỳnh Phụ) Phạm Đình Sĩ đã lập công lớn, được vua Hiển Tông ban khen. Sau chiến thắng ở Thanh Hóa, Phạm Đình Sĩ giữ chức Đô đốc chỉ huy đội quân Thần Vũ bảo vệ hoàng cung, được ban tước Quận công. Khi về trí sĩ, ông cùng con trai Lân Dương hầu Phạm Đình Thiện mở lò võ. Ông mất tại quê nhà. Được ban phong tước Thái Bảo. Đền thờ ở l. Bắc Trạch hiện còn nhiều hiện vật gắn bó với cuộc đời võ tướng của ông. Gia đình ông cả hai cha con đều được thờ là bề tôi tiết nghĩa của nhà Lê.
3051. Phạm Đình Thiện
Là con trai Viêm Quận công Phạm Đình Sĩ, quê l. Bác Trạch, nay là th. Bác Trạch, x. Vân Tường, h. Tiền Hải. Cuối thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), giữ chức Quản binh. Thời vua Lê Chiêu Thống (1787-1788), được phong chức Đề đốc kiêm Hiệp lý Bộ Binh, tước Lân Dương hầu. Năm 1789,  Quang Trung đánh bại 20 vạn quân Thanh, Phạm Đình Thiện đã phò giá Chiêu Thống về Nam Kinh (Trung Quốc). Bị nhà Thanh ép cải đổi phong hóa dân tộc, vua tôi Chiêu Thống phản đối, nhà Thanh bắt các vong thần đầy đi các nơi, chỉ để một vài người hầu Chiêu Thống, trong đó có Phạm Đình Thiện. Ông cũng là người góp công đưa hài cốt của Chiêu Thống về Thanh Hóa. Sau khi về quê, ông đã cùng với cha là Quận công Phạm Đình Sĩ mở lò võ, thường cùng học trò ngâm vịnh: “Cương thường trực ngũ vạn dư lý -  Tuế nguyệt ma nhân thập ngũ niên” (Vì đạo lý cương thường mà ta phải đi xa ngoài ngàn dặm. Năm tháng làm mòn mỏi thân ta trong 15 năm). Khi ông mất, triều Nguyễn đưa ông vào “Cố Lê tiết nghĩa từ”, thờ chung với các bề tôi tiết nghĩa của triều Lê.
3052. Phạm Đôn Lễ (1454 - ?)
Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức 12 (1481). Quê l. Hải Triều, h. Ngự Thiên, nay thuộc x. Tân Lễ, h. Hưng Hà. Xuất thân trong một gia đình nghèo, phụ thân làm nghề xuôi ngược trên sông Luộc, mẹ bán nước vối, dựng lều ở bến đò Cà. Một hôm, khách qua đường thấy “tướng mạo ra vẻ thần nho” nhận làm con nuôi, cho học hành, đi thi đỗ Trạng nguyên. Năm 1484, giữ chức Chánh sứ sang Yên Kinh. Nhân chuyến đi ông học được kỹ thuật chế tác khung dệt chiếu, pha chế mầu nhuộm cói... về nước truyền dạy lại cho dân, nhờ đó mà chiếu Hới quê ông càng nổi tiếng, nghề chiếu được truyền ra nhiều nơi. Dân tôn ông là Trạng Chiếu. Khi ông mất, dân lập đền thờ và gọi là đền Quan Trạng
3053. Phạm Đôn Lễ
Đền thờ tại l. Hải Triều, x. Tân Lễ, h. Hưng Hà. Có từ thời Lê sơ do các phường dệt chiếu Thanh Triều, Hải Triều, Hà Xá, Quan Khê, Kiều Thạch, Bùi Xá, Hà Xá, Thụy Vân, Xuân Trúc... (tg. Thanh Triều) khởi dựng, ghi ơn Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, người đã có công cải tiến và phát triển nghề dệt chiếu vùng cửa sông Luộc, đưa chiếu Hới (Hải Triều) thành mặt hàng sản phẩm chất lượng cao tiêu biểu của Việt Nam.
Đền đã qua nhiều lần trùng tu. Lần cuối cùng đại tu là năm 1916. Nay vẫn giữ nguyên trạng. Quần thể kiến trúc chia làm 2 khu. Tiền cảnh là một hồ nước rộng trên 4.000m . Bờ phía đông xây 4 cột trụ biểu và tường hoa. Sau tường xây một nhà bia chồng diêm cổ các, cao 2,5m, có đặt tấm bia đá lớn khắc chữ Quốc ngữ tóm tắt sự nghiệp và công ơn của tổ nghề chiếu. Khu đền chính bố cục chữ “nhị. Bái đường 5 gian (dài 15 m, rộng 7 m), điện thờ 3 gian, dài 8,5m, rộng 4,4 m. Các ban thờ đều sơn son thếp vàng. Đồ thờ tự còn nhiều. Quý nhất là bộ lư đồng thời Lê, 2 hòm đựng sắc bằng đồng phù dung chim trĩ (thời Nguyễn) và chiếc bát đời Khải Định bằng bạc chạm hoa văn nhiều tầng, nhiều lớp. Được xếp hạng DTLS cấp Quốc gia (1990)
3054. Phạm Đôn Lễ
Đường phố, được đặt tên ngày 9-9-2003, dài 0,8km, nền đường 10,5m, mặt đường 5,5m, chạy theo hướng đông bắc - Tây nam, thuộc ph. Tiền Phong và Bồ Xuyên. Phố chưa xây dựng xong, đã cắm biển tên phố.
3055. Phạm Đức Chấn (s. 1949)
Trung tướng CANDVN (2009). Quê quán th. Lộc Điển, x. Việt Hùng, h. Vũ Thư. Đảng viên ĐCSVN. Tốt nghiệp trường đại học An ninh nhân dân (1973). Tốt nghiệp trường đại học Sư phạm I  Hà Nội (1976). Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học Giáo dục tại Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô (1989). Vào ngành Công an nhân dân 1968; Thượng tá, Phó Cục trưởng V26 Bộ Công an (1984); Đại tá (1998); Thiếu tướng (2004), Cục trưởng, Bí thư Đảng ủy Cục V26 Bộ Công an từ 2003. Hiện nay là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an. Khen thưởng: Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; Huân chương Hữu nghị của Nhà nước CHDCND Lào; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng...

3056. Phạm Đức Lộ (s. 1934)

Giáo sư ngành Thú y (1996), Tiến sĩ (1982). Quê x. Đông Lĩnh, h. Đông Hưng. Đảng viên ĐCSVN. 1951-1955: Hoạt động trong vùng địch tạm chiếm và học ngoài vùng tự do. 1956-1959: Học tại trường đại học Nông Lâm Hà Nội (khóa I). 1959-1962: Học trường đại học Bắc Kinh và trường đại học Nông nghiệp Bắc Kinh (Trung Quốc). 1962-1997: Cán bộ giảng dạy đại học và sau đại học, trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Thỉnh giảng tại trường đại học Nông nghiệp II, III và trường đại học Tây Nguyên. Đã đảm nhận các chức vụ: Phó Chủ nhiệm khoa, Trưởng phòng Đào tạo, Tổng thư ký Hội Thú y Việt Nam. Nghỉ hưu 1977, tham gia Ban Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Đã hướng dẫn thành công 5 luận án Tiến sĩ, 4 luận văn Thạc sĩ và nhiều đồ án tốt nghiệp đại học. Giảng dạy và tổ chức học cho nhiều khóa sinh viên ngành Thú y và chăn nuôi; nhiều lớp cao học. Đã công bố 40 bài báo cáo khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Sách và giáo trình tiêu biểu: Tế báo tổ chức học , 1996. Tổ chức và phôi thai học , 1970. Tổ chức học , 1982. Sinh học phân tử tế bào , 1999 (giáo trình cao học) và nhiều giáo trình thực tập tổ chức học.

3057. Phạm Đức Nhận (? - 1950)
Quê quán l. Dưỡng Thông, nay thuộc x. Thượng Hiền, h. Kiến Xương. 9-1929, là một trong 3 hội viên VNCMTN đầu tiên ở Dưỡng Thông trở thành đảng viên thuộc chi bộ ĐCS ở ba làng Nam Huân, Thịnh Quang, Dưỡng Thông. Đầu 4-1930, được dự một lớp học chính cương, điều lệ Đảng 3 ngày 3 đêm mở tại nhà thờ họ Phạm (l. Nam Huân). Đầu 1937, được tổ Đảng phân công tổ chức Hội phụ nữ tương tế l. Dưỡng Thông, đến 7-1937 có trên 100 hội viên, chia làm 5 tổ ở 5 thôn của l. Dưỡng Thông. Các cuộc đấu tranh về kinh tế, chính trị ở địa phương, Hội đều huy động đông đảo hội viên tham gia. Sau các dịp thử thách, chi bộ đã chọn những hội viên vững vàng, hăng hái tổ chức vào phụ nữ phản đế. Tại Hội nghị Mặt trận huyện ngày 1-2-1938,  do Nguyễn Danh Đới chủ trì, bàn kế hoạch phát triển rộng rãi các tổ chức tương tế, ái hữu… đẩy mạnh đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và chọn người ra tranh cử nghị viên dân biểu Bắc Kỳ, Phạm Đức Nhận là một trong 9 đại biểu được bầu vào ban Mặt trận huyện. 1938, số đảng viên phát triển thêm, tổ Đảng Dưỡng Thông tách khỏi chi bộ Trình Phố, thành lập chi bộ riêng, do Nguyễn Đức Nhận  làm Bí thư.  Chi bộ đã lãnh đạo đấu tranh chống phù thu lạm bổ thuế ở l. Dưỡng Thông thắng lợi. Trong KCCP, 5-1950 bị giặc bắt tra tấn dã man, đồng chí vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, hiên ngang trước kẻ thù, bi chúng bắn chết.
3058. Phạm Hoàng Hải (s. 1952)
Tiến sĩ khoa học, Nghiên cứu viên cao cấp. Quê quán x. Thụy Phong, h. Thái Thụy. Đảng viên ĐCSVN. Tốt nghiệp THPT tại trường cấp III Tây Thụy Anh (1969). Tốt nghiệp đại học tại trường đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev (1975). Bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1987 tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ucraina; bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học năm 1999 tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ucraina,  chuyên ngành Địa lý Tự nhiên, Địa Vật lý và Địa Hóa học Cảnh quan. Tốt nghiệp quản lý hành chính Nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia (2002); tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị Hồ Chí Minh (2005). Công tác tại Viện Địa lý thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Trưởng phòng chuyên môn (1989), Phó Viện trưởng (2001 - nay). Đã và đang chủ trì trên 30 đề tài khoa học các cấp; hướng dẫn 7 NCS làm luận án TS và hơn 20 học viên cao học làm luận văn Thạc sĩ. Đã công bố trên 50 bài báo trong và ngoài nước, 1 sách chuyên khảo phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học-Công nghệ (2005).

3059. Phạm Hồng Thái (s. 1953)
Giáo sư Luật học (2007), Tiến sĩ (1994), Phó Giáo sư (2002). Quê  x. Thái Phúc, h. Thái Thụy. Tốt nghiệp khoa Luật trường đại học Quốc gia Cu Ban - Craxnôdar (Liên Xô). Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật Học viện Hành chính quốc gia. Chủ nhiệm một số đề tài khoa học cấp Bộ, đã ứng dụng vào giảng dạy tại Học viện chính trị Quốc gia. Có trên 30 công trình nghiên cứu khoa học gồm các bài báo, sách (tác giả, đồng tác giả) đã xuất bản.
3060. Phạm Hồng Thám (1902 - 1978)
Quê x. Bách Thuận, h. Vũ Thư. 17 tuổi bỏ học theo chú ra làm phu mỏ tại Cẩm Phả. Bị đuổi việc vì tham gia đấu tranh chống chủ ngược đãi. 8-1920 vào lính, 1921 sang Pháp, 1925 về Việt Nam, là lính khố đỏ thuộc Trung đoàn pháo thủ số 3 Bắc Kỳ, đóng tại tx Bắc Ninh. 9-1928, Bí thư chi bộ Hội VNCMTN lính khố đỏ thành Bắc Ninh (7 người). 8-1929, Bí thư chi bộ ĐDCSĐ trại lính khố đỏ thành Bắc Ninh. 27-1-1930, Pháp bắt kết án 20 năm khổ sai, giam ở Hỏa Lò rồi đày ra Côn Đảo. Từ 1931, liên tiếp 3 lần vượt biển không thành. Đêm 30-4-1935, cùng một số tù chính trị vượt biển trót lọt, về h. Vĩnh Châu (Bạc Liêu) nối lại hoạt động. 1936, chỉ đạo vận động thành lập ủy ban hành động thanh niên dân chủ, Hội phụ nữ giải phóng, Hội đá banh, Hội truyền bá quốc ngữ. 1937, Bí thư Đảng bộ Cà Mau. 7-1937, đại diện Liên Tỉnh ủy Hậu Giang tại ba tỉnh Bạc Liêu, Rạch Giá, Sóc Trăng. 3-1940 bổ sung vào Xứ ủy Nam Kỳ; 7 - 1949, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời t. Sóc Trăng; 8 - 1940, Thường vụ Xứ ủy, phụ trách Ban quân sự kiêm binh vận khu vực Cáp Xanh Jắc (Vũng Tầu), Bà Rịa, Biên Hòa. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), trở về U Minh. Cuối 1942, gây dựng cơ sở Hà Tiên, lập Hội nông dân và Thanh niên phản đế, Chi bộ Thuận Yên, huấn luyện du kích... 1942-1945, Trưởng Ban vận động tái lập Đảng bộ Nam Kỳ, ra báo “Độc lập”, in truyền đơn kêu gọi nhân dân chống Nhật, Pháp. Đầu 8 - 1945, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời t. Hà Tiên, lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh. 1946 chỉ huy Vệ quốc đoàn tỉnh, xây dựng công binh xưởng, khu căn cứ U Minh. 1947-1949, chỉ huy tác chiến các mặt trận Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long Xuyên, Cần Thơ, Long Châu Hà. Đặc phái viên Thanh tra quân sự Liên khu Nam Bộ (1951), Giám đốc Sở kho thóc Nam Bộ (1953 - 1954). Sau 1954, bảo vệ đồng chí Lê Duẩn trong thời kỳ hoạt động ở Nam Bộ. 1964, công tác ở Ban tổ chức Khu ủy miền Tây Nam Bộ. 1967 nghỉ điều dưỡng lâu dài. Mất  5 - 8 - 1978 tại Hà Nội.

3061. Phạm Huề Chùy (1914-1941)
Hiệu là Minh Tú, bí danh Lương Văn Giáo. Xuất thân trong một gia đình giàu có ở l. Phú Lễ, nay thuộc x. Tự Tân, h. Vũ Thư. 1927, tham gia học sinh hội ở trường tư thục Kỳ Giang tx. Thái Bình do Nguyễn Tường Loan làm hiệu trưởng. 1929, được công nhận là đảng viên ĐCS. Cuối 1930, bị bắt do viết truyền đơn và in tài liệu cách mạng. Chưa đến tuổi thành niên,  tòa án không xử được phải tạm tha. Đầu 1931, bị bắt quả tang lúc treo cờ búa liềm, băng khẩu hiệu ở cửa nhà thờ tx. Thái Bình phản đối đàn áp nông dân Tiền Hải và ủng hộ Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Khám nhà trọ, mật thám thu được 1 khẩu súng lục còn 8 viên đạn.
Tại phiên tòa tháng 3-1931 ở tx. Thái Bình, Phạm Huề Chùy lên án mạnh mẽ chế độ thực dân và bè lũ tay sai, bị kết án 5 năm tù giam và 9 năm quản thúc. ở nhà tù Hà Nội, anh chống án lên tòa Thượng thẩm, vì còn ở tuổi vị thành niên. 9-1931, tòa án Thượng thẩm xử phúc thẩm, giao anh cho nhà chức trách địa phương quản thúc. Anh tiếp tục hoạt động, xây dựng cơ sở, tuyên truyền giác ngộ quần chúng. 1936-1939, anh cùng người bạn đời là Trịnh Thị Chính (con gái cụ Lý trưởng, Bá hộ Trịnh Xuân Viêm l. Vô Ngại, nay thuộc x. Dũng Nghĩa, h. Vũ Thư và là em ruột của hai nhà cách mạng Trịnh Tam Tỉnh và Trịnh Xuân Yên) xây dựng phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Thư Trì và Vũ Tiên. Anh là người khôi phục chi bộ Thư - Vũ và làm Bí thư chi bộ này năm 1939. Năm 1940, bị bắt lần thứ 3 tại quê hương, giam ở nhà lao Nam Định, chi bộ nhà tù bố trí cho trốn ra. Anh lên chiến khu Chi Nê (Hà Nam), tham gia xây dựng Đảng bộ t. Hà Nam ở các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Lạc Thủy. Hy sinh ngày 11-4-1941, vì bệnh sốt rét ác tính.
 
Lăng mộ Phạm Huề Chùy được Đảng bộ
x. Ba Sao, h. Kim Bảng, t. Hà Nam xây dựng.

3062. Phạm Huy Đĩnh (tk. XVIII)
Quê l. Cao Mỗ, nay là th. Cao Mỗ, x. Chương Dương, h. Đông Hưng. Đỗ Hương cống, làm Thị Nội ở phủ Tĩnh Vương (Trịnh Sâm), sau thăng đến chức Tể tướng, tước Quận công. Là người xông xáo, có mặt ở mọi nơi, mọi việc nghị án, tuần sát đều hợp ý chúa, được nhà chúa tin yêu. Sử sách còn ghi nhận ông rất quan tâm đến việc học hành ở tr. Sơn Nam. Lê Quý Đôn - khi đang giữ chức Tả Thị lang Bộ Công, đã ghi nhận: “Đức tính ông năng động, thuần phác, tỏ rõ khí trượng của người có kiến thức sâu  xa, có lòng thương xót đồng loại…”. Hộ bộ Thượng thư, Đông các quốc sử tổng tài Xuân quận công Nguyễn Nghiễm thì viết: “Ngài vốn là bậc tài giỏi, nhanh nhẹn. Dân yêu kính ngài như cha mẹ, coi ngài như ngôi tuế tinh…”, song cũng có những lời chê ông coi chúa hơn vua.
3063. Phạm Huy Nghệ (s. 1952)
Anh hùng LLVTND, tuyên dương ngày 16-11-1978, quê th. Kim Ngọc, x. Liên Giang, h. Đông Hưng. Nhập ngũ năm 1970, y tá của đại đội 1, tiểu đoàn 19, trung đoàn 116 quân khu 7. Từ cuối năm 1972 đến 4-1975, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam  Bộ. Trong hoàn cảnh đơn vị gặp nhiều khó khăn lương thực, thuốc men thiếu thốn, thương binh có lúc phải nằm lại, không gửi về tuyến sau được, đồng chí đã nêu cao tinh thần hết lòng phục vụ, tìm kiếm rau, củ rừng, thuốc nam để nuôi dưỡng và điều trị thương binh. Còn trực tiếp chiến đấu, lập chiến công xuất sắc. Đã đánh 11 trận, tự tay diệt 25 tên địch, phá huỷ 4 khẩu pháo, 15 xe tăng, đánh sập 14 nhà lính. Trận đánh chiếm cầu xa lộ Biên Hoà ngày 28-4-1975 đồng chí đã chỉ huy một tổ ngoan cường đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, góp phần cùng đơn vị giữ vững khu đầu cầu, bảo đảm cho các đơn vị qua cầu tiến vào Sài Gòn. Được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công giải phóng (1 hạng nhì, 2 hạng ba), 2 lần là Dũng sĩ.

3064. Phạm Huy Quang (1846 - 1888)
Thủ lĩnh chống Pháp tiêu biểu, còn có tên là Phạm Huy Ôn, dân gian quen gọi theo chức vụ là “Quan Ngự sử”. Quê l. Phù Lưu, nay là th. Phù Lưu, x. Đông Sơn, h. Đông Hưng. Tham gia hoạt động chống Pháp từ ngày còn học ở trường Nam Định. Sau chiến dịch Bình Tây sát tả, ông bị bắt sung quân đưa lên quân thứ Hưng Hóa. Trước sức ép của dư luận, triều đình Huế phải tuyên bố hủy bỏ kỷ luật với Phạm Huy Quang, cho trở lại trường. Năm 1869, ông thi đỗ Cử nhân, được cử giữ chức Hàn lâm cung phụng làm việc ở viện Đô sát. Năm 1874, được chuyển làm Hàn lâm điền bạ, sau giữ chức Ngự sử Kinh Bắc. Triều đình nghị hòa, ông bị gọi về Kinh để quản giám Thái Miếu, nhân đó ông dâng sớ xin về quê dạy học. Vua Hàm Nghi xuống Chiếu Cần vương, Phạm Huy Quang trở thành Phó soái của Đại nghĩa đoàn. Cuối năm 1888, Phạm Huy Quang bị Pháp bắt, rồi bị giết, đầu bêu giữa chợ Châu Giang. Cả nhà Phạm Huy Quang, ngoài ông còn anh trai Phạm Huy Quỹ, em trai Phạm Huy Quế, con trai cả Tiến và cậu ruột Cao Gia Huynh, thân quyến Phạm Gia Quỳnh, Phạm Gia Quyền đều xả thân vì nước.
3065. Phạm Huy Quang
Nhà thờ, l. Phù Lưu, x. Đông Sơn, h. Đông Hưng; xây trên nền nhà cũ của Ngự sử Phạm Huy Quang. Gia phả họ Phạm làng này do chính anh trai Phạm Huy Quang là án sát t. Hải Dương Phan Huy Quỹ (cùng Phạm Huy Quang lãnh đạo phong trào Cần vương p. Thái Bình) chép: "Vì em tôi theo sự nghiệp Cần vương, công việc không thành, Tây về làng đốt hết. Năm Đinh Hợi, triều Nguyễn (1887), tôi cùng em dâu là Lã Thị Thư đứng ra làm lại". Vậy là ngôi nhà thờ này do Phan Huy Quỹ và phu nhân quan Ngự sử tái dựng, khi ấy Ngự sử đang giữ đại bản doanh ở Bình Cách.
Nơi thờ quan Ngự sử là ngôi nhà 5 gian, mái lợp ngói mũi, hiên đóng cánh cửa khay, nội thất dựng vì kèo thượng quang đèn hạ kẻ. Hai gian hồi bưng thuận gỗ, tách ra thành buồng. Xưa bà Ngự vẫn ở. Ba gian giữa có gắn cửa võng nhưng chạm khắc đơn giản kiểu văn triện cài lá. Bảo vật còn lại là một ấn chuyền tay, nghe nói khi ông vâng lệnh đi Trung Quốc mua súng đạn, được người Thanh tặng. Và bức họa chân dung (vẽ từ năm 1869, khi ông làm việc ở viện Hàn lâm). Được xếp hạng DTLS cấp Quốc gia (1993)
3066. Phạm Huy Quang
Đường phố, đặt tên ngày 9-9-2003, dài 0,8km, nền đường 12 m, mặt đường 7,0 m. Có hai đoạn chuyển hướng rõ rệt. Đoạn đầu từ đường Trần Lãm chạy theo hướng đông nam - tây bắc. Sau trên 100 m, đường hơi chếch hướng đông bắc - tây nam. Điểm đầu giáp đường Trần Lãm, điểm cuối giáp phố Lý Thường Kiệt. Phố thuộc ph. Trần Lãm.
3067. Phạm Hưng Văn (tk.  XV)
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475). Khoa thi này, đứng trên ông chỉ có 1 người là Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa Cao Quýnh). Quê l. Động Hối, nay là th. Đồng Lang, x. Đông Vinh, h. Đông Hưng. Được bổ vào viện Hàn Lâm, thăng dần đến Đô ngự sử. Năm Đinh Tỵ (1497), dẫn đầu đoàn sứ bộ Đại Việt sang nhà Minh. Khi trở về ông cùng đi với 2 đoàn sứ bộ nhà Minh, một đoàn sang viếng tang vua Lê Thánh Tông, một đoàn sang phong vương cho vua Lê Hiến Tông. Phạm Hưng Văn cùng trao đổi xướng họa thơ văn với các nhân sĩ, trí thức Trung Quốc, được họ hết lời khen ngợi. Đi sứ về ông bị bệnh qua đời. Có người cho rằng “ông bị hại” (?); thực hư chưa rõ nhưng ông được vua Lê Hiến Tông truy phong Thượng thư bộ Hình, được làm Phúc thần làng.
3068. Phạm Hữu Chỉnh (1870 - 1930  )
Quê th. Tè, x. Khánh Mỹ, nay thuộc x. Liên Hiệp, h. Hưng Hà. Ông là em ruột Đốc Chính (Phạm Hữu Chính) và là con thứ hai của Đề Dần (Đề Dần không có con trai, nuôi Chính và Chỉnh là con người em làm con). Năm 16 tuổi, Phạm Hữu Chỉnh đã theo cha và anh làm liên lạc trong phong trào Cần vương. Khi cha và anh bị Pháp bắt, giết hại, ông phải lánh về Đa Cốc (Kiến Xương) quê mẹ (mẹ ông là em gái các ông Lê Văn Tập, Lê Hoành, Lê Đán). Về sau ông đứng trong hàng ngũ của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm tiếp tục kháng Pháp và được Kỳ Đồng bồi dưỡng về học vấn. Thơ văn của Phạm Hữu Chỉnh hiện còn nhiều, do ông Phạm Tường An (con trai) ở Phủ Lý lưu giữ được. Một số bài được trích in trong sách Thơ văn yêu nước chống Pháp ở Thái Bình (Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao Thái Bình xb năm 1997).
3069. Phạm Hữu Độ  (1768 - ? )
Công thần triều Nguyễn. Quê l. Nam Huân, tg Nam Huân, h. Chân Định (nay thuộc x. Đình Phùng, h. Kiến Xương), thuở nhỏ gọi là Phạm Trung Tương. Sinh trưởng trong gia đình nghèo, mồ côi từ nhỏ, có gương mặt khôi ngô, dáng điệu đàng hoàng, sức khỏe  hơn người, có hoài bão lớn. Năm 18 tuổi theo dân chài ra biển đánh cá nên chèo thuyền và bơi lội đều giỏi. Bấy giờ loạn lạc liên miên, Phạm Hữu Độ tìm đường vào Gia Định, được biên chế vào thủy đội, sau được thăng dần đến chức chánh xuất đội trong doanh Tiệp Cơ. Trong lần phò giá chúa Nguyễn đánh thành Chà Bàn, quân Gia Định bị thua, rút ra biển gặp bão tố, cột buồm bị gẫy, một tay ông chống đỡ chèo lái vượt sóng gió cứu chúa Nguyễn thoát nạn, được chúa phong hàm Phu Tài bá. Khi Nguyễn ánh thu được Bắc Thành cho vời ra giúp việc. Minh Mệnh lên ngôi, ông được thăng làm Phu Tài hầu, lo binh thuyền cho thủy quân Bắc Thành. Ngày 1- 8 năm Đinh Hợi (1827), Phu Tài hầu mất tại nhiệm sở. Triều đình ban đồ khâm liệm, cho chuyển linh cữu về quê tế táng rất long trọng.
3070. Phạm Ích Roanh (1912-1940)
Biệt hiệu Tiên Chu, con trai cụ Tú Phạm Đình Liêu ở xóm Chùa, l. Phú Lễ, nay thuộc x. Tự Tân, h. Vũ Th­ư. Phạm Ích Roanh tốt nghiệp tiểu học Pháp -Việt ở Việt Trì, làm tr­ưởng xe ga Quy Nhơn (Bình Định).
Tr­ước đòi hỏi mới của phong trào công nhân đường sắt Bình Định, khoảng cuối 7-1939, một tổ Cứu tế đỏ của công nhân đề pô Diêu Trì đ­ược thành lập. Khoảng 9-1939, chi bộ cộng sản đầu tiên của công nhân đ­ường sắt Bình Định đ­ược thành lập, do Nguyễn Đình Thụ làm Bí th­ư, Phạm Ích Roanh là một đảng viên. Cuối 1939, chi bộ Đảng đã tổ chức các cuộc đấu tranh chống chính sách kinh tế thời chiến của thực dân Pháp. Ngày 17-3-1940, công nhân viên chức ga Quy Nhơn bí mật làm nghẽn bộ phận hãm của 2 toa xe gần đầu máy của đoàn xe chở hàng quân sự từ Quy Nhơn đi Nha Trang. Tại ga Diêu Trì cũng có cuộc đấu tranh vào 22-3-1940, nhằm chặn một đoàn tầu chở lính chuẩn bị sang Pháp. Thực dân Pháp điên cuồng tr­ước những cuộc đấu tranh này. Tháng 4-1940, chúng dựng ra vụ “Cộng sản gài mìn” tàu nghỉ mát của Bảo Đại tại Ghềnh Ráng để lấy cớ đàn áp. Ngày 3-5-1940, Nguyễn Đình Thụ, Phạm Ích Roanh và hơn 20 công nhân viên chức ga Quy Nhơn lần l­ượt bị bắt. Nguyễn Đình Thụ và Phạm Ích Roanh bị tra tấn đến chết. Lúc bị hỏi cung, Phạm Ích Roanh đã dùng tay bị khóa, đập dây xích và khóa vào mặt tên chánh  mật thám và đã hi sinh rất oanh liệt trong xà lim lúc 15 giờ ngày 15-5-1940. Ng­ười con trai duy nhất của Phạm Ích Roanh là Phạm Mạnh Xứng, sĩ quan binh chủng tên lửa, hi sinh ngày 26-10-1967, tại mặt trận Hà Nội, khi vừa tròn 29 tuổi.
Sau Cách mạng tháng 8-1945, nhân dân xóm Chùa đã lấy biệt hiệu Tiên Chu đặt tên xóm để tưởng nhớ ng­ười con anh hùng của quê h­ương.
3071. Phạm Khánh (? - 43)
Thần thờ ở th. Buộm, ttr. Hưng Nhân, h. Hưng Hà. Thần vốn là con ông Phạm Phúc và bà Cao Thị Nguyên, quê ấp Buộm (còn gọi là Phú Khu), bộ Lục Hải, nay là th. Buộm, ttr. Hưng Nhân, h. Hưng Hà. Phạm Khánh cùng mẹ về Phong Châu tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và được ban chức Phụ chính quốc. Lại giao cho ông thảo hịch gửi đi cả nước. Trong cuộc chiến đấu chống lại 20 vạn quân Mã Viện, năm 43, Phạm Khánh phải lui quân về Cấm Khê. Sau khi hai Bà Trưng tuẫn tiết, Phạm Khánh phá vây, rút quân về quê nhà cùng Bát Nạn tướng quân tiếp tục chiến đấu. Giặc truy đuổi về tận quê ông, Phạm Khánh cùng nghĩa sĩ đã chiến đấu nhiều trận và hi sinh tại làng Buộm. Đời sau, đền thờ và lăng mộ ông được lập ngay trên nền đất cũ nhà ông. Hài cốt bà Cao Thị Nguyên ở tận Luy Lâu cũng được đưa về để thờ. Các đời sau đều phong ông là Thượng đẳng thần.
3072. Phạm Khoản (s.1940)
Tiến sĩ khoa học (1989). Quê x. An Ninh, h. Tiền Hải. Trưởng phòng nghiên cứu Địa Vật lý - Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản. Viện sĩ Viện Hàn lâm quốc tế về tài nguyên khoáng sản năm 1997. Hội viên Hội khoa học kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam. Đã thực hiện 5 đề tài nghiên cứu khoa học. Biên soạn và xuất bản quy phạm kỹ thuật thăm dò điện, từ, phóng xạ để sử dụng trong các ngành Địa chất, xây dựng, GTVT, quốc phòng. Nghiên cứu, khoanh định cấu trúc địa chất ẩn sâu và xác định tiềm năng quặng mỏ ở đới sâu sông Mã (gồm các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu).

3073. Phạm Kim Ngô (1888 -1943)
Quê gốc ở th. Nam Huân, nay thuộc x. Đình Phùng, h. Kiến Xương, sau gia đình chuyển lên ở l. Tam Lạc, nay thuộc x. Vũ Lạc, tp. Thái Bình. Là người thông minh, hài hước, ứng đối nhanh. Hai lần thi Hương chỉ đỗ Nhị trường. Chính quyền thực dân Pháp nhiều lần dụ dỗ cộng tác, ông căm ghét, một mực bất hợp tác, sống trọn cuộc đời của một nhà nho thanh cao. Trước tác của ông khá nhiều, nhất là tài liệu dịch thuật cổ văn. Bài thơ “Hội Trí tri” và bài “Văn điếu Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn” của ông được tuyển in trong Thơ văn yêu nước chống Pháp ở Thái Bình (Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao Thái Bình xb năm 1997).
3074. Phạm Kim Tôn (1914 - 1989)
Quê th. Nam Huân, x. Đình Phùng, h. Kiến Xương. 9-1929, được kết nạp vào thanh niên Cộng sản đoàn, sau đó trở thành đảng viên ĐCSVN. 11- 1929, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng mười Nga, đã cùng với Phạm Luận treo cờ đỏ búa liềm trên cổng phủ Kiến Xương, dán truyền đơn lên tường nhà Tri phủ Lê Đình Trân. Cả hai đều bị bắt, giải lên Tổng đốc Thái Bình, nhưng không có chứng cớ gì, buộc chúng phải thả. Ngày 12-4-1930, trong cuộc đấu tranh vay thóc cứu đói ở tg Phúc Khê (Thái Ninh), Phạm Kim Tôn đã diễn thuyết trước hơn nghìn người, nói về tinh thần đấu tranh của nông dân Nam Huân và mục đích, kế hoạch của cuộc đấu tranh ở Phúc Khê. 2-1931, được dự lớp học Luận cương chính trị của Đảng, do Trần Quang Tặng, Quyền Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ huấn luyện. Sau đó bị bắt,  bị kết án 6 tháng tù giam, 5 năm quản thúc. 1937, Nguyễn Văn Năng và Trần Cung, làm ở xưởng chiếu Luật Trung, sáng tác vở kịch “Nỗi lòng cô Loan” đả kích tên Thống sứ Sa ten. Phạm Kim Tôn được giao sắm vai cô Loan. Công sứ Thái Bình ngăn cấm không cho diễn. Phạm Kim Tôn liền về Nam Huân lập ra đoàn kịch gồm những hội viên thanh niên dân chủ hăng hái, không chỉ biểu diễn ở địa phương, còn được mời đi diễn ở nhiều nơi như Động Trung, Vũ Lăng, Trình Phố. Ngày 30-3-1939, tại lễ truy điệu nhân ngày mất của đồng chí Phạm Quang Lịch, Phạm Kim Tôn đã thay mặt các chính trị phạm đọc lời điếu, bầy tỏ lòng thương tiếc Phạm Quang Lịch và căm thù bọn thực dân cướp nước. Tối 20-8-1945, tại cuộc họp ở x. An Bồi bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền, đã cử Phạm Kim Tôn làm Chủ tịch ủy ban cách mạng lâm thời phủ. Trong cuộc mít tinh lớn chiều 22-8-1945 sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch UBCM lâm thời p. Kiến Xương Phạm Kim Tôn đã ra mắt đồng bào và đọc thông báo số 1 của chính quyền cách mạng. Từ 8/1945 - 1947: Chủ tịch h. Kiến Xương, Huyện ủy viên, Thường vụ Huyện ủy (1947); đầu 1948, là ủy viên UBKCHC t. Thái Bình; cuối 1948, là ủy viên UBKCHC t. Nam Định; cuối 1949, công tác tại Văn phòng UBKCHC Liên khu III; 6/1950 - 1954: Tỉnh ủy viên, công tác tại UBKCHC t. Thái Bình; 1955- 1960: Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng; 1961- 1972: Cục phó Cục Vật tư Bộ Nông nghiệp. Cuối 1972 nghỉ hưu. Mất năm 1989. Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng hai. Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

3075. Phạm Kính Ân (1169 - 1251)
Quê ấp Đặng Xá, nay là ttr. Hưng Nhân, h. Hưng Hà. Từ triều Lý, đã làm quan Nội hầu. Ông đã góp công hưng nghiệp triều Trần. Tám năm sau, ông mới được phong Thái phó, tước Bảo trung quan nội hầu. Hai năm sau ông được trả lại chức Thái uý, đặc cách ban cho mũ áo Đại Vương. Mùa đông năm Bính Tý (1240), làm Đốc tướng đi đánh giặc Tống ở biên giới, thu hồi đất đai, cương giới. Vua Trần Thái Tông đã trọng thưởng cho ông và binh sĩ (tương truyền ông đã đem hết bổng lộc ban phát cho các binh sĩ nên đương thời ông được khen là liêm chính). Khi ông mất (1251), được ghi công là người mở nghiệp, được ban lộc điền. Xưa, ở Đặng Xá có ấp Kính Ân.
3076. Phạm Mạnh Hùng (s. 1945)
Giáo sư Y học (1996), Tiến sĩ (1979). Quê x. Đông Hà, h. Đông Hưng. Đảng viên ĐCS VN. 1968-1979: Giảng viên trường đại học Y khoa Hà Nội, Nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc. 1980-1993: Nhập ngũ, giảng viên Học viện Quân y. Thượng tá, Chủ nhiệm bộ môn Miễn dịch học, Học viện Quân y (từ 1990). Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia (1992), Trưởng phòng Huấn luyện Học viện Quân y (1993). 1993-1996: P. Hiệu trưởng, P. Bí thư Đảng ủy, trường đại học Y khoa Hà Nội. 6-1996: Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, bộ Y tế, Uỷ viên Ban cán sự Đảng. 1997-2003: Thứ trưởng bộ Y tế, Uỷ viên Ban cán sự Đảng. Từ 12-2003: P. Ban Khoa giáo TƯ Đảng. Hướng nghiên cứu: Miễn dịch học trong ghép cơ quan. Tác động của một số hợp chất trong cây cỏ tới hệ thống miễn dịch. Một số đề tài liên quan đến công bằng trong y tế.

Đã hướng dẫn thành công 19 luận án Tiến sĩ và 4 luận văn Thạc sĩ. Chủ trì 3 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Đã công bố 87 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Sách và công trình khoa học tiêu biểu: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về ghép thận (KHCN 11-12). Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về công nghệ sinh học (KHCN 10-01-01). Miễn dịch học , 1982. Từ điển Miễn dịch học Anh - Việt và Việt Anh , 1995. Một số khía cạnh miễn dịch học trong bệnh học .
3077. Phạm Mẫn (1910 - 2009)
Tên khai sinh là Phạm Hoài. Quê th. Nam Huân, x. Đình Phùng, h. Kiến Xương. 9-1929, được kết nạp vào thanh niên Cộng sản đoàn, sau đó trở thành đảng viên ĐCSVN. 12-1929, cùng với Phạm Luận phụ trách cửa hàng tạp hóa ở chợ Lụ (Kiến Xương) là nơi liên lạc của Đảng. Tháng 4-1930, được dự lớp học chính cương, điều lệ Đảng tại nhà thờ họ Phạm, do các Xứ ủy viên, Tỉnh ủy viên trực tiếp huấn luyện. Ngày 17-10-1930, bị địch bắt lần thứ hai, kết án 10 năm khổ sai, giam ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Ra tù, đầu 1945 trốn lên Thái Nguyên hoạt động. 1945 - 1948: ủy viên UBHC, UBKCHC t. Thái Nguyên. 1949, ủy viên UBKCHC t. Bắc Cạn, Bí thư Đảng đoàn chính quyền. 1950 - 1952: Huyện ủy viên, Chủ tịch UBKCHC h. Phụ Dực (Thái Bình). 1953, Sở trưởng Sở Thuế t. Thái Bình. 1954 - 1956: Thư ký vụ ủy ban tiếp quản khu vực 300 ngày tại Hải Phòng. 1957, Chủ nhiệm Công ty Bách hóa bông vải sợi Hải Phòng. 1965, Hiệu phó trường trung học Nông nghiệp Hải Phòng. 1970, Hiệu phó trường trung học Kinh tế Hải Phòng. Nghỉ hưu 1976. Mất ngày 26-3-2009. Huân chương Độc lập hạng ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 60 năm tuổi Đảng.

Xt: Vụ cộng sản ở Thái Bình
3078. Phạm Năng Vũ (s. 1942)
Giáo sư Địa Vật lý (1991), Tiến sĩ khoa học (1983). Quê x. Vũ Thắng, h. Kiến Xương. 1969-1996: Phó, Chủ nhiệm bộ môn trường đại học Mỏ-Địa chất.TSKH Địa vật lý (1983).  1996-2004: Phó Giám đốc Trung tâm thuộc trường đại học Mỏ - Địa chất. Hướng nghiên cứu: Hoàn thiện thu phát sóng trong địa chấn và hoàn thiện phương pháp địa chấn phục vụ tìm kiếm dầu khí. áp dụng địa vật lý phục vụ khảo sát, kiểm tra chất lượng xây dựng các công trình lớn kể cả công trình ngầm. Các cấu trúc địa chất thềm lục địa Việt Nam. Cấu trúc sâu đới đứt gãy sông Hồng.

Đã hướng dẫn thành công 8 luận án Tiến sĩ và 7 luận văn Thạc sĩ. Công bố hơn 50 công trình khoa học (gồm các bài báo, báo cáo, tham luận) trên các tạp chí trong và ngoài nước. Đã xuất bản 9 cuốn sách, giáo trình, sách tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.
3079. Phạm Ngọc Đính (s. 1947)
Giáo sư, Tiến sĩ Y học. Quê x. Song Lãng, h. Vũ Thư. Quá trình công tác: 1967-1972, học khóa I trường đại học Quân y; 1977-1980, nghiên cứu sinh chuyên ngành Dịch tễ học tại đại học Y khoa Szeged, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary; 1981-2000, giảng dạy tại Học viện Quân y, Phó Chủ nhiệm (từ 1987) rồi Chủ nhiệm (từ 1992) bộ môn Dịch tễ học quân sự, Trưởng phòng Khoa học và Huấn luyện Cục Quân y (từ 1998); từ 2000 là Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, từ 2009 là nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cơ hữu của Viện .

Thành tựu khoa học: Tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, cao đẳng Y-Dược. Hướng dẫn 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ; chủ biên 2 cuốn sách; đồng tác giả của 20 cuốn sách khác về các lĩnh vực Dịch tễ học, Bệnh học của các bệnh truyền nhiễm gây dịch; có 59 bài báo khoa học đăng ở các tạp chí trong nước và 6 bài đăng ở các tạp chí nước ngoài;  chủ nhiệm 4 đề tài cấp Bộ, tham gia nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện về các lĩnh vực Dịch tễ học, Vắc xin và Miễn dịch học, Vi sinh y học.
Được phong Nhà giáo ưu tú (1998), Phó Giáo sư (1996), Giáo sư (2009). Được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (2005), Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục (1996), Huy chương Vì sức khỏe nhân dân (2000).
3080. Phạm Ngọc Mậu (1919-1993)
Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN. Tên khai sinh: Phạm Ngọc Quyết. Quê x. Thượng Hiền, h. Kiến Xương. Tham gia cách mạng năm 1938, nhập ngũ năm 1945, Thượng tướng (1986). Đảng viên ĐCS VN (1939). Tháng 9-1940, bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù khổ sai, đầy đi Sơn La. Tháng 3-1945, vượt ngục, hoạt động ở Sơn Tây, được chỉ định vào Ban Cán sự tỉnh. Tháng 8-1945, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Sơn Tây; Phó Chủ tịch kiêm ủy viên quân sự tỉnh Sơn Tây; khu phó Khu II. Tháng 12-1946 đến 1949 làm Chính ủy Khu I, Trung đoàn 121, Trung đoàn 246 bảo vệ căn cứ địa Trung ương. Tháng 5-1951 đến 1952: Phó Chính ủy rồi Chính ủy Đại đoàn 351. Tháng 7-1954: Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 305. Năm 1955: Chủ nhiệm chính trị, Phó chính ủy rồi Chính ủy Bộ Tư lệnh pháo binh. Tháng 4-1956 đến 1957: Cục trưởng Cục cán bộ BTTM, Cục điều động - đề bạt Tổng cục cán bộ. Năm 1959: Cục trưởng cục tổ chức Tổng cục Chính trị. Năm 1961-1988: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đại biểu Quốc hội khóa III, V. Huân chương: Hồ Chí Minh, Quân công (2 nhất, 1 ba), Chiến thắng hạng nhất, Kháng chiến hạng nhất…

3081. Phạm Ngọc Thao (s. 1934)

Giáo sư Toán học (1992), Tiến sĩ khoa học (1981), Nhà giáo ưu tú. Quê x. Thượng Hiền, h. Kiến Xương. Đảng viên ĐCSVN. 1953-1956: Nhập ngũ, Sư đoàn 351. 1959-2000: Giảng viên khoa Toán - Cơ-Tin học trường đại học Tổng hợp, Hà Nội, nay là đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội. Tổ trưởng bộ môn Giải tích, bộ môn Tôpô - Đại số - Hình học. Nghỉ hưu năm 2000. Hướng nghiên cứu: Phương trình toán lý; Bài toán về điện từ trường, phương trình Maxwell; Giải tích trên đa tạp Riemann; Toán tử vi phân tự nhiên trên đa tạp Riemann và các bài toán bờ. Đã hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Thực hiện 1 đề tài khoa học cấp Bộ, 2 đề tài cấp trường. Công bố 14 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí. Xuất bản 2 cuốn giáo trình về Giải tích. Được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

3082. Phạm Ngũ Lão
Đường phố, được đặt tên ngày 9-9-2003, dài 0,39km, nền đường 10m,  mặt đường 5,5m, chạy theo hướng đông bắc - Tây nam, thuộc ph. Bồ Xuyên. Điểm đầu giáp phố Trần Nhật Duật, điểm cuối giáp phố Lý Bôn. Mặt đường rải đá, láng nhựa, vỉa hè láng xi măng. Mặt phố phía nam có mặt bên của trường tiểu học Lý Tự Trọng.
Phạm Ngũ Lão (1255-1320): Danh tướng đời Trần, quê l. Phù ủng, h. Đường Hào, ph. Thượng Hồng, t. Hải Dương. Tuổi nhỏ ham đọc sách và rèn luyện võ nghệ. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ hai và lần thứ ba ông đã lập nhiều chiến công lớn ở Tây Kết, Vạn Kiếp, sông Bạch Đằng. Ông làm quan dưới ba triều vua nhà Trần, được phong đến chức Hữu Kim ngô vệ Đại tướng quân, Điện suý Thượng tướng quân và nhiều chức tước quan trọng trong triều. Ông mất năm 1320, thọ 65 tuổi. Thơ văn ông nay chỉ còn truyền tụng 2 bài: Thuật hoài và Vãn Hưng Đạo Đại Vương .
3083. Phạm Nguyên Chẩn (1470-1530)
Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Mùi  niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499), đời Lê Hiến Tông. Quê l. Hải Triều, nay thuộc x. Tân Lễ, h. Hưng Hà. Là cháu Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Được bổ dụng vào làm quan ở Ngự sử đài, Giám sát ngự sử Đông Đạo; sau thăng Thiêm Đô ngự sử. Năm Cảnh Thống thứ 5 (1502), được sung vào đoàn sứ bộ sang nhà Minh. Khi làm quan ở Ngự sử đài ông dám nói thẳng. Mùa xuân năm Mậu Thìn (1508), Lê Uy Mục bổ dụng Mạc Đăng Dung chức Đô chỉ huy sứ thuộc về Thiên Võ, ông đã can gián, vua không nghe. Tháng 4 năm Tân Mùi (1512), Lê Tương Dực phong Mạc Đăng Dung làm Vũ Xuyên bá, ông lại can ngăn, vua cũng không nghe, ông trao trả ấn tín, cáo quan về quê. Năm Minh Đức thứ nhất (1527), nhà Mạc ba lần mời ra làm quan, ông từ chối. Sử chép ông vào bậc “bề tôi tiết nghĩa” (trong số 44 tấm gương tiết nghĩa từ Đinh, Lê, Lý, Trần).
3084. Phạm Nguyễn Hợp (đầu tk. XX)
Tác giả sách Tiên Hưng phủ chí Quê h. Diên Hà, nay là h. Hưng Hà. Ông dạy học ở phủ Tiên Hưng, một lần, nhân có việc ra chơi h. Chí Linh (Hải Dương), bạn bè ở đây hỏi ông về câu ca: “Đã là con mẹ, con cha thì sinh ở đất Diên Hà - Thần Khê” và hết lời ca ngợi quê ông, một vùng quê văn hiến. Sau việc ấy, ông cảm thấy như có lỗi vì ít hiểu biết về quê hương mình. Để bù vào chỗ thiếu sót đó, ông đã bỏ công đi khắp các xã, huyện trong phủ khảo sát địa danh, địa hình, đền miếu, phong tục, nhân vật, chuyện lạ để viết sách Tiên Hưng phủ chí gồm, 4 tập: Tập I - Cương mục hình thể, địa danh qua các đời, Tổng, xã, ruộng đất, thuế khóa, đồn lũy các đời, cây cối, đê kè, đường đi. Tập II gồm các nội dung: Hùng kiệt, huyền tuệ lệ chí, thư lệnh, đền miếu, chùa quán, di tích, binh sự ký, tạp ký. Tập III gồm Thần tích ký, hương lệ, khoán ước. Tập IV - gồm ký tài, văn nghệ, tặng đáp thư từ, ca dao ngạn ngữ.
3085. Phạm Như Trinh (tk. XV)
Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490). Ông còn có tên là Phạm Trinh, quê l. Mai Xá, nay là th. Phong Xá, ttr. An Bài, h. Quỳnh Phụ. Được bổ vào viện Hàn lâm làm Hiệu lý, thăng đến Thiêm đô ngự sử. Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông cáo quan về nhà dạy học, mất tại quê nhà. Thời Lê Trung hưng phong ông là công thần. Phạm Như Trình nổi tiếng về thơ - trước ông, thời Trần Hồ, ở vùng này đã có nhà thơ Phạm Nhữ Dực nên dân gian có câu: “Văn chương Mai Xá - Đục đá Quốc Oai”, là do có những người nổi tiếng như ông.
3086. Phạm Nhữ Dực (cuối tk. XIV đầu tk. XV)
Nhà thơ, tên chữ là Mạnh Thần, hiệu Bảo Khê, quê l. Đa Dực, nay là th. Dục Linh, x. An Ninh, h. Quỳnh Phụ. Ông sống vào thời Trần - Hồ. Đỗ Cử nhân, làm Giáo thụ h. Tân Sơn. Khi giặc Minh xâm lược, ông chạy vào núi lánh nạn. Tình cảnh thời ấy được ông viết trong bài Tỵ tặc sơn trung thử dạ (Đêm 30 tránh giặc trong núi): “Rượu thuộc nghiêng bình khô khốc giọt - Ngựa Hồ chặt xóm bạt ngàn doanh”. Ông bị giặc bắt làm Huấn đạo p. Tân An. Là tác gia có tên tuổi trên thi đàn Việt Nam. Thơ ông  hầu hết đã bị mai một, còn lại 61 bài được Lê Quý Đôn tập hợp in trong Toàn việt thi lục Tuyển tập thơ văn Lý Trần giới thiệu 41 bài.
3087. Phạm Phòng Át
Thần thờ ở l. Văn Ông, tg Đồng Hải, h. Thanh Quan (nay thuộc x. Đông Vinh, h. Đông Hưng). Sự tích : Thần họ Phạm, húy là Hổ, còn húy là An; tự là Phòng át, xưa quê ở đất Đường, thuộc Bắc quốc. Thời Ngô Vương triều (tức Ngô Quyền) cứ thủ Đằng Châu, chính là một trong mười hai sứ quân. Về sau đem binh sĩ bản bộ lệ vào Đinh Tiên Hoàng, làm chức Thị vệ Tướng quân và Triệu mưu tá tích, Thác thổ khôi cương (giúp vua hiến mưu, vỡ đất khôi phục biên cương). Ngày 16 tháng chạp, giá vũ đằng vân, thát phong trên điện, Hiển thánh huy quang (đi mưa về mây, chớp dật gió gào, hiển thánh linh quang). Từ đó trở đi ngày càng linh dị, nhân dân mới xây hai đền, một ở th. Đằng Châu, h. Kim Động và một ở x. Xích Đằng để phụng thờ. Một hôm, vua du chơi tới đây, thuyền đang đi ở giữa sông, bỗng gặp mưa lớn gió to, phải dừng lại. Vua hỏi đền bên sông là đền gì, có linh thiêng không. Có người đáp: "Đó là miếu Bản thổ, dân trong châu xin mưa cầu tạnh đều được ứng nguyện". Vua quát to: "Nếu có trận mưa lớn mà nửa sông bên này vẫn tạnh, nửa sông bên kia vẫn mưa thì mới coi là anh linh!” Trong khoảnh khắc quả nhiên đúng như lời vua nói. Vua cho là rất linh thiêng mới gia phong: Khai thiên hộ quốc, Thông linh hiển ứng, Tối linh Đại Vương, cho tu sửa đề miếu phụng thờ thần.
Thái Bình tỉnh thần tích (AE.a5/38,208), (Q4 -18/VIII,01) và  tham khảo truyện Vị thần ở xứ Đằng Châu trong Lĩnh Nam chích quái.
3088. Phạm Phú Thái (s. 1949)
Trung tướng (2007). Quê th. Nam Huân, x. Đình Phùng, h. Kiến Xương. Sinh ra trong một gia đình cách mạng, thân phụ là cụ Phạm Thuần, đảng viên 1930, nguyên Chủ tịch UBHC t. Phú Thọ. Nhập ngũ 1965, vào Đảng 1968. Trưởng thành từ Binh nhì: Học viên bay tại trường Không quân Liên Xô (1965-1968); Phi công chiến đấu, Biên đội trưởng, phi đội trưởng, Trung đoàn phó (1968-1977); Học viên Học viện Quân sự Gagarin - Bộ Tư lệnh Không quân Liên Xô (1977-1980); Thanh tra bay Quân chủng Không quân (1980-1982); Trung đoàn trưởng Quân chủng Không quân (1982-1986); Sư đoàn phó, Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371 (1986-1989); Học viên Học viện Chính trị Quân sự và Học viện Quốc phòng (1989-1991); Tham mưu phó Quân chủng Không quân (1991-1992); Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân (1993-1995); Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, (1995-1999); Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh thứ nhất Quân chủng Phòng không - Không quân (1999-2007); Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng (từ  2008). Trực tiếp chiến đấu với không quân Mỹ, đánh gần 30 trận. Xuất kích chiến đấu 121 lần với hàng chục nhiệm vụ chiến đấu khác nhau. Trực tiếp bắn rơi 4 máy bay Mỹ, cùng đồng đội bắn rơi 5 chiếc và hiểm hộ, bảo vệ đơn vị bạn bắn rơi nhiều chiếc khác. Được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công, 6 Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng III , Huân chương quân kỳ Quyết thắng, Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng I, II, III.

3089. Phạm  Phúc Thiện (tk. XVIII)
Con cháu đời xa của công thần khai quốc triều Lê Phạm Văn Xảo, lánh nạn chạy xuống vùng biển Chân Định, sinh ra chi họ Phạm ở Thư Điền, Phương Trạch và Trình Phố (nay đều thuộc h. Tiền Hải). Thuở nhỏ có học hạnh, được Tham tụng Phạm Công Trứ chọn làm gia khách. Năm Đinh Tỵ (1677) nhân triều đình có lệnh “phong ấm", Phạm Phúc Thiện được tấn phong Thị lang Bộ Lại, được vua Hy Tông trọng dụng. Khi vua băng, Lê Dụ Tông càng sủng ái, án Đô vương Trịnh Cương tin dùng. Năm 1713, triều đình hạ lệnh "cho quan hoặc dân nộp thóc, sẽ lượng theo số thóc mà trao cho chức tước hoặc phẩm hàm rồi đem số thóc ấy phân phối phát chẩn cho dân"... ông cho tính số thóc đủ ăn tới vụ, còn bao nhiêu đều dâng nộp. Vua ban tước lộc, ông chỉ xin lời khen "thiện, phúc".
Năm 1719, Phủ liêu sai quan đi khám đạc ruộng công, ruộng tư, năm 1723 vua xuống chỉ yêu cầu đánh thuế ruộng tư, việc xưa chưa từng có... Quan chức trấn, phủ, huyện và nhà giầu ta thán, Thị lang Phạm Phúc Thiện khuyên bảo con cháu phải giữ nghiêm phép nước. Tể tướng Lê Anh Tuấn khen Phạm Phúc Thiện: “Phúc” và “Thiện”; vua Lê Dụ Tông tấn phong ông tước Quận công.
Tháng 10 năm Kỷ Dậu, đời Bảo Thái (1729), tuổi đã cao, quận công Phạm Phúc Thiện cáo lão về quê (Trình Phố), rồi mất tại nhà riêng.

3090. Phạm Phúc Thiện
Nhà thờ, dựng trên đất cũ họ Phạm thuộc x. An Ninh, h. Tiền Hải gồm 2 tòa, 6 gian, bố cục chữ “nhị”. Bái đường 3 gian, tường xây hồi văn cánh bảng, hiên thượng đắp cuốn thư và rồng chầu, hiên đóng cửa khay, nội thất lòng thuyền tứ trụ, vì kèo thượng quang đèn, hạ kẻ. Cung thờ phong cách kiến trúc giống bái đường. Đồ thờ tự gồm 3 ban thờ cổ, một cỗ khám, một bộ bát bửu, nhiều cây đèn, cây nến, ống hương, ống hoa. Di vật quí còn tấm biển, tương truyền của vua Lê ban tặng, đề 5 chữ "Lê triều Phạm quận công".
3091. Phạm Quang Cử ( s. 1959)
Thầy thuốc nhân dân, Thiếu tướng CANDVN (2010). Quê quán x. Thanh Tân, h. Kiến Xương. PGS, TS, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an.





3092. Phạm Quang Lịch (1901-1937)
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (1933). Quê l. Nam Huân, nay thuộc x. Đình Phùng, h. Kiến Xương. Xuất thân trong một gia đình địa chủ, có tới trên 90 mẫu ruộng. 1927-1929 tham gia Hội VNCMTN, 7-1929 trở  thành đảng viên ĐCS. Nhiều lần bán ruộng, bán vàng để lấy tiền hoạt động. 1930, trong cuộc đấu tranh đòi vay thóc cứu đói, chi bộ Đảng Nam Huân đã vạch kế hoạch chỉ đạo đấu tranh rất sát sao và đã giành nhiều thắng lợi. Sau cuộc biểu tình Tiền Hải, bị địch bắt, bị kết án 20 năm khổ sai, giam tại Hỏa Lò, Hà Nội. Đêm 25-12-1932, vượt ngục Hỏa Lò, về Thái Bình. Đầu 1933, Ban Tỉnh ủy Lâm thời được thành lập, Phạm Quang Lịch làm Bí thư. 11-1933, lại bị bắt, bị kết án 20 năm khổ sai và đày lên Sơn La. Do bị đánh đập và tra khảo tàn nhẫn, Phạm Quang Lịch bị ho ra máu và ngày 30 -3-1937, đã qua đời ở nhà tù Sơn La. Nhiều anh em con cháu ông tham gia cách mạng từ trước khởi nghĩa 8 -1945 như Nguyễn Xuân Hàm (em rể), Phạm Bái (con trai), Phạm Kim Tôn, Phạm Mẫn.

3093. Phạm Quang Lịch
Mộ chí tại th. Nam Huân, x. Đình Phùng, h. Kiến Xương. Năm 1937, Phạm Quang Lịch mất, chôn tại khu gò nhỏ cạnh nhà tù. Năm 1990, hài cốt được đưa về quê, xây mộ cạnh trục đường từ UBND xã vào di tích "Nhà đồng chí Phạm Quang Lịch - cơ sở in Xứ ủy Bắc Kỳ", cách đường độ 10 mét, có lối dẫn vào nhà bia. Toàn khu rộng 10 m, sâu 7 m, chung quanh xây dậu hoa. Chính tâm đặt một khối trụ tròn, cao 0,4m, đường kính 1,6m; phía sau có nhà bia nhỏ giống tòa phương đình, cột xà đều bằng bê tông. Giữa là một tấm bia khắc Quốc ngữ: "Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chiến sĩ cách mạng Phạm Quang Lịch. Sinh năm 1901, quê thôn Nam Huân, xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, hy sinh ngày 30-3-1937, tức ngày 18-12, năm Đinh Sửu, tại nhà tù Sơn La". Nhà thờ, mộ chí Phạm Quang Lịch được xếp hạng DTLS cấp Quốc gia (1993).
3094. Phan Quang Nhuận (1884-1950)
Hòa thượng, đạo hiệu là Thích Quang Nhuận, người l. Nguyệt Giám, nay thuộc x. Minh Tân, h. Kiến Xương. Ông thuộc dòng dõi Phan Bá Vành, giàu lòng yêu nước, đã giúp đỡ các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục... Có lần một bộ tướng của Tán Thuật là Tán Đức về hoạt động ở Kiến Xương, bị Pháp truy lùng, chạy vào chùa Thanh Nê được Hòa thượng che chở mà thoát nạn. Bài thơ “Kính viếng Hòa thượng Lãng Đông” của ông được in trong Tổng tập văn học Việt Nam.
3095. Phạm Quang Thẩm (1905-1945)
Quê l. Tri Phong, h. Vũ Tiên (nay là th. Tri Phong, x. Hồng Phong, h. Vũ Thư). Gia đình khá giả nên được học hành từ nhỏ, khi trưởng thành thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. 1929 tham gia Hội VNCMTN, 3-1930 vào ĐCS. Học sư phạm rồi ra dạy học tại Gia Khánh (Ninh Bình), vừa dạy học vừa tuyên truyền cách mạng và xây dựng cơ sở... Tháng 3-1932, bị bắt, bị đày ở Hoả Lò và nhà tù Sơn La. 1936 ra tù, trở lại hoạt động ở quê nhà. 1937, được bầu vào ban Tỉnh uỷ, phụ trách phong trào Thư - Vũ. Tháng 10-1939, bị địch bắt lần thứ 2, bị giam tại nhà tù Nghĩa Lộ. Tháng 3-1945, chi bộ chủ trương phá ngục, ông được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho các đồng chí ra trước, ông đã giết chết một tên quan cai ngục người Pháp để các đồng chí vượt qua, khi ông chuẩn bị rút thì bị địch bắn chết, ngày 14-3-1945.
3096. Phạm Quốc Sắc (1918-1991)
Quê th. Phương Trạch, x. Phương Công, h. Tiền Hải. Tham gia hoạt động cách mạng từ đầu năm 1945 tại Sài Gòn, là trưởng đoàn Thanh niên Tiền phong ga xe lửa Sài Gòn. Sau Cách mạng tháng Tám, công tác trong ngành quân báo tại Sài Gòn - Chợ Lớn, bị địch bắt giam từ 4-1946 đến 12-1947 tại bót Catina và Khám lớn Sài Gòn. Sau khi ra tù, tiếp tục công tác trong ngành quân báo, tháng 7-1948 được kết nạp vào ĐCSVN, tháng 8-1954, được cử làm  Phó Ban binh vận Tỉnh ủy Chợ Lớn. Cuối 1955, bị địch bắt, giam tại các nhà tù ở Chợ Lớn, Ty Đặc cảnh miền Đông, Trung tâm cải huấn Tân Hiệp (Biên Hòa), đến tháng 1-1957 bị đầy ra nhà tù Côn Đảo đợt đầu tiên cùng với 360 tù chính trị, mở đầu cho việc thực hiện chế độ nhà tù của Mỹ và chế độ Sài Gòn, trong đó trọng tâm là bức ép, khuất phục tư tưởng chính trị bằng những thủ đoạn khủng bố tinh thần hết sức khủng khiếp kèm với những trận đòn đánh đập tàn khốc. Cuộc đấu tranh chống ly khai của hàng ngàn tù chính trị ở Côn Đảo đã diễn ra quyết liệt, hàng trăm chiến sĩ  cách mạng đã hy sinh trong giai đoạn này. Đến cuối tháng 8-1961, lực lượng chống ly khai cộng sản ở Chuồng Cọp chỉ còn lại 7 người: Lưu Chí Hiếu, Cao Văn Ngọc, Trần Trung Tín, Hoàng Sơn, Phan Trọng Bình, Nguyến Đức Thuận và Phạm Quốc Sắc, đã vẹn toàn khí tiết, toàn thắng trở về. Giáo sư Sử học Trần Văn Giàu đã nhận xét: “Đó là những anh hùng thật sự, hàng trăm lần anh hùng” ( Tạp chí Xưa và Nay , số 356, tháng 5-2010).

Tháng 7-1964, nhà thầu khoán Mai Hồng Quế trong dinh Độc Lập (cơ sở của Đảng) bảo lãnh ra tù và đưa ra căn cứ an toàn.  Từ 7-1965 là ủy viên Ban tổ chức kiêm ủy viên ủy ban Kiểm tra Đảng khu Trung Nam Bộ (Khu 8). Trong thời gian thi hành Hiệp định Pari, ông công tác tại Tiểu ban trao trả nhân viên quân sự và dân sự trong Ban Liên hiệp quân sự 4 bên và 2 bên ở Tân Sơn Nhất. Sau 30-4-1975, công tác tại Ban Tổ chức Trung ương cục, phụ trách công tác tiếp nhận hồ sơ công an tình báo, chiêu hồi và nhà tù Mỹ ngụy. Từ 6-1976, là Phó Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng Ban Tổ chức Trung ương, thường trực Tiểu ban Bảo vệ Đảng Trung ương. Nghỉ hưu 3-1979 tại tp. Hồ Chí Minh. Được tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng hai,...
Xt: Trần Văn Lai (4206)
3097. Phạm Quý Đức (1803 - ?)
Đỗ Phó bảng Ân khoa năm Mậu Thân, Tự Đức thứ 1 (1848). Quê l. Cần Phán, nay là th. Cần Phán, x. Quỳnh Hoàng, h. Quỳnh Phụ. Buổi đầu làm Tư nghiệp Quốc Tử giám, sau đổi sang chức Toản tu. Năm 1862, phản ứng trước việc triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước nhường 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ cho Pháp, ông bỏ quan về quê. Noi gương ông, con trai Phạm Duy Du và con rể ông là Nguyễn Đình Tốn (Bang Tốn) đều chống Pháp.
3098. Phạm Quý Ngọ (s. 1954)
Trung tướng CANDVN (2009). Quê x. Đông Cường, h. Đông Hưng. Đảng viên ĐCSVN. Tốt nghiệp đại học Cảnh sát, cao cấp lý luận chính trị. Các chức vụ đã đảm nhiệm: Phó trưởng Công an h. Quỳnh Phụ (1984); Phó Ban chỉ huy Cảnh sát kiêm Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an t. Thái Bình (1989); Phó Giám đốc Công an t. Thái Bình (1994); Q. Giám đốc, Giám đốc Công an tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy, Đại biểu Quốc hội khóa XI, Đại biểu Hội đồng nhân dân t. Thái Bình (1998-2004); Phó Tổng cục trưởng TCCS Bộ Công an (2005); Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng kiêm Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (2006); Q. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (2007); Đảng ủy viên Đảng ủy Công an TƯ, Bí thư Đảng ủy Tổng cục, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (2008). Thứ trưởng Bộ Công an (2010). Khen thưởng: 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì và nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương khác.

3099. Phạm Siêu
Thần hờ ở đền x. Cao Mỗ, h. Thần Khê (nay thuộc x. Chương  Dư­ơng, h. Hư­ng Hà).  Sự tích :Phạm Siêu, nội giám ở phủ chúa Trịnh Sâm. Tương truyền sinh thời ông có gia tâm cung tiến tiền của để tu bổ đền miếu ở địa phương. Sau khi mất đ­ược phong t­ước Đại Vương, mộ táng ở bản xã.
Việt dư­ kỉ thắng (A.769,94b), Thái Bình tỉnh thần tích (Q4 -18/VIII,523).
3100. Phạm Sinh (tk XVIII)
Tổ nghề gầu giai, còn có tên Phạm Tú Châu, gốc quê l. Giai  (Cổ Trai), h. Diên Hà, p. Tiên Hưng. Năm Kỷ Sửu (1769), Phạm Sinh được theo Phan Phai hầu Nguyễn Phan đi phá căn cứ Trình Quang. Ban đầu, quân triều tiến rất thuận lợi nhưng khi đến vây đại bản doanh ở Trình Quang (Nghệ An) thì gặp luỹ tre ken dầy, tên bắn trả như mưa. Không tiến quân được, Phạm Sinh bày kế dùng dầu thông, dầu trẩu tẩm vào hàng trăm con mèo, đoạn phóng hoả, rồi đánh trống hò reo. Mèo lao thục mạng vào rừng nứa, chạy đến đâu rừng bốc lửa đến đấy, cho tới khi đốt cháy hết đồn luỹ của nghĩa quân Lê Duy Mật. Phạm Sinh vốn xuất thân là người lao động nhân thấy nứa bánh tẻ bị cháy nổ toác ra, bị dẫm đạp thành những thanh dẹt, mỏng, liền dạy cho binh lính đan gầu, lại lấy những thanh nứa ép thành phên làm lưỡi gầu. Lại hướng dẫn họ tát nước, dập lửa. Gầu do 2 người tát, chẳng bao lâu lửa bị dập tắt, cứu được rừng. Xét công, ông được phong Phấn dũng tướng quân. Khi về hưu ông không trở về quê cũ mang sang mở đất ở x. Nội Lãng, vùng đất mới mở được đặt tên làng cũ làng Giai, tên chữ là Thanh Trai. Ông đem nghề đan gầu hướng dẫn cho dân làng. Cả làng đều làm gầu, xa gần đến mua, gầu giai nổi tiếng khắp nước. Sau một số nơi cũng làm gầu nhưng đều lấy nơi đã sản sinh ra đầu tiên mà gọi tên. Phạm Sinh được tôn làm tổ nghề. Khi mất được dân lập đền thờ.
3101. Phạm Thế Hiển (1803 - 1861)
Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh thứ 10 (1829). Quê l. Luyến Khuyết, nay là th. Đồng Hòa, x. Thụy Phong, h. Thái Thụy. Được bổ làm Tri phủ Thăng Long. 1832 được phong chức Thái thường tự khanh, 1835 thăng Hữu Thị lang Bộ Hộ kiêm Hữu Thị lang Bộ Binh, rồi làm án sát sứ Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Yên cho đến 1840. 1847 được giao thêm chức Phó đô ngự sử, 1848 lại được điều về làm Tuần phủ Hà Tĩnh cho đến 1851. Năm 1852, làm Hữu tham tri Bộ Lễ, rồi Khâm sai đi tra xét các vụ tham nhũng, ức hiếp dân ở Hưng Yên, Hải Dương. 1853 trở về Bộ Lễ, cùng các Thượng thư duyệt quyển. Tham gia soạn 2 bộ sách Thiệu Trị văn quyvà Đại Nam sự lê hội điển. Ngày 1-9-1858, Pháp tấn công Đà Nẵng, ông cùng Nguyễn Tri Phương lo chống giặc. Pháp đánh Nam Bộ, ông lại được điều vào làm Tham tán quân vụ cùng Nguyễn Tri Phương bảo vệ Gia Định. Gia Định thất thủ, ông rút quân về Biên Hòa, chuẩn bị đánh lấy lại Gia Định thì được gọi về Kinh. Dọc đường, ông bị ốm và chết tại Phú Yên. Vua Tự Đức đánh giá ông là “một con người hết lòng yêu dân, để nơi biên thùy được tươi tốt”. Bạn bè, đồng liêu thì đánh giá ông là người “làm tôi thì trung, làm con thì hiếu, làm quan văn thì không tham tiến, làm quan võ thì không sợ chết, lòng chỉ mong thiên hạ thái bình”.
3102. Phạm Thế Hiển
Đường phố, đặt tên ngày 9-9-2003, dài 0,72km, nền đường 13m, mặt đường 7,0m, chạy theo hướng tây bắc - đông nam  qua ph. Tiền Phong và ph. Quang Trung. Điểm đầu giáp phố Trần Tháí Tông, điểm cuối giáp phố Quang Trung.
3103. Phạm Thế Húc (1809 - ?)
Phó bảng khoa Quý Mão, Thiệu Trị năm thứ 3 (1843). Quê x. Luyến Khuyết, nay là th. Đồng Hòa, x. Thụy Phong, h. Thái Thụy. Là em trai Tiến sĩ Phạm Thế Hiển. Được bổ chức Thị đội sung vào toà Kinh Diên dạy các Thái tử. Tự Đức lên ngôi (1848), cho ông làm Tri phủ Phú Vang, sau lại chuyển ông ra làm Đốc học Sơn Tây, Nam Định.
3104. Phạm Thị Ba
Người x. Lạc Đạo, h. Vũ Tiên, vốn người đức độ, ăn ở nhân hậu, hay thương và cứu những người lâm vào cảnh bệnh tật, khó khăn. Nhắc đến bà, ai cũng quý mến và tôn trọng. Bà rất  hay quan tâm  đến những việc phúc lợi trong xã. Thấy chiếc cầu được bắc từ lâu, ọp ẹp, dân xã qua lại rất nguy hiểm, bà đã tự bỏ tiền ra sửa cầu. Bà lại tô tượng cúng vào chùa để chùa làng thêm huy hoàng, trang nghiêm. Để nêu gương sáng của bà, dân xã đã dựng bia ca tụng công đức và truyền lại cho con cháu đời sau
Phạm Thị thạch bi (N 20170)
3105. Phạm Thị Mỹ Oanh (s. 1950)
Anh hùng LLVTND, còn có tên Nguyễn Thị Oanh. Cha là Phạm Văn Ruyến, quê l. Đồng Hoà, nay thuộc x. Thụy Phong, h. Thái Thụy; 1940 đi phu cạo mủ cao su ở đồn điền Dầu Tiếng, sau 1945 về x. Đức Lập, h. Đức Hòa, t. Long An tham gia công tác cách mạng. Phạm Thị Mỹ Oanh nhập ngũ năm 15 tuổi, là chiến sĩ giao liên của đội Biệt động tp. Sài Gòn - Gia Định. Từ 1965 đến 1974, đã vận chuyển vũ khí và trực tiếp chiến đấu, đưa đón 200 lượt cán bộ ra vào nội thành Sài Gòn an toàn. Bản thân diệt được 25 tên địch, phá huỷ 2 đại liên. Nổi bật là trận đánh chiếm bộ Tổng tham mưu nguỵ năm 1968. Suốt 3 ngày bám trụ, lúc dùng súng tiểu liên, lúc dùng súng B40 đã diệt được nhiều địch, phá hỏng 2 khẩu đại liên của chúng. Có lúc trèo lên cây quan sát hoả lực địch, báo cho đồng đội nổ súng. Đã vượt qua lưới lửa dày đặc của địch chuyển được 2000 viên AK, 35 kg thuốc nổ để các chiến sĩ tiếp tục chiến đấu. Tháng 5-1968, cùng đơn vị đánh chiếm quận 5 và quận 6 Sài Gòn. Được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, Huân chương Quyết thắng, 3 Huân chương Giải phóng 1,2,3. Ba lần là Dũng sĩ diệt Mỹ. Khi được phong Anh hùng (6-11-1978) là đảng viên, Chuẩn uý, chiến sĩ biệt động tp. Hồ Chí Minh.

3106. Phạm Thị Ngọc (tk. III tr. CN)
Thần, theo thần tích tại đền thờ “Hoa Diêm thánh mẫu”, quê bà ở trang Đào Động, nay thuộc x. An Lễ, h. Quỳnh Phụ. Làm con nuôi Phạm Hải, quan lệnh doãn h. Thụy Anh (nay thuộc h. Thái Thụy). Bà sinh ra Phạm Vĩnh. Cuối đời Hùng Duệ Vương, Thục Phán đem quân lấn cõi. Phạm Vĩnh tình nguyện triệu cả hai em ở Thanh Do và Hoa Diêm (đều ở Thụy Anh) cùng ông đánh giặc, được Hùng Duệ Vương phong Trấn Tây, giữ các vùng biển Giao Châu, ái Châu, Hoan Châu. Bấy giờ, Thục Phán cầu viện binh phương Bắc, chia quân làm 5 đạo thủy bộ cùng tiến đánh Kinh đô Văn Lang nhưng bị Phạm Vĩnh đánh tan. Nghe tin thắng trận, Hùng Duệ Vương liền cho giết trâu, mổ bò khao thưởng quân sĩ, lại ban thưởng cho anh em Phạm Vĩnh. Ông từ chối, chỉ xin vua cho dân Đào Động, Mai Diêm, Thanh Do không phải chịu sưu dịch. Phạm Thị Ngọc được phong Quận chúa. Khi bà trăm tuổi vua lại cho tiền xây đền thờ và phong là Hoa Diêm thánh mẫu. Đền ấy nay vẫn còn.
3107. Phan Thị Ngọc Ty
Người x. Tống Văn, h. Vũ Tiên, t. Thái Bình. Năm Giáp Thìn, mùa màng thất bát, dân thôn không đủ tiền nộp sưu thuế. Bà đã rộng lòng nhân đức cúng cho dân 90 quan tiền và 2 mẫu 2 sào ruộng để bán đi thêm tiền nộp thuế. Đền đáp ơn trên, dân thôn đồng lòng nhất trí tôn bà là hậu Thần, hậu Phật. Hằng năm cúng giỗ, biếu theo quy định. Dân còn tạc bia, làm bài minh 20 câu ca ngợi đức độ của bà.
Tân tạo hậu Thần Phật bi ký ( N 17157)
3108. Phạm Thị thạch bi chí 范 氏 石 碑 誌
Bia dựng năm Tự Đức thứ 18 (1865), ở chùa th.
Cự Lộng, x. Lạc Đạo, h. Vũ Tiên, p. Kiến Xương (nay là ph. Trần Lãm, tp. Thái Bình). Bia 1 mặt, khổ 0,62m x 0,40m. Gồm 11 dòng, khoảng 300 chữ. Chạm hoa văn. Người soạn: Tú tài Nguyễn Huy Du. Nội dung: Ghi việc bà Phạm Thị Ba xuất tiền, ruộng để sửa chữa cầu, tô tượng Phật, được bầu Hậu Phật. Bài minh 16 câu, ca tụng công đức. N.20170.
3109. Phạm Thị Xuân Dung (đầu tk. I)
Tổ nghề trồng dâu nuôi tằm, còn có tên ả Lã Phương Dung hay Xuân Dung Công chúa. Theo thần tích l. Thuận Vi và l. Hà Xá: Bà từng theo Hai Bà Trưng chống nhà Hán, sau đó về l. Thuận Vi mở đất, dạy dân trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ, dệt vải… Những người theo bà về từ buổi đầu đều lấy theo họ bà - họ Phạm. Bà mất, dân l. Thuận Vi lập đền thờ và tôn bà làm Tổ nghề. Họ Phạm l. Thuận Vi thờ bà là Tổ họ. 11 đạo sắc phong Thần cho bà ghi nhận “Ngài là bậc băng ngọc phong tư, quế lan tố chất, giữ đạo đức mà nêu cao mỹ tục… Một lòng cứu nước thương dân, thôn ấp thấm nhuần ơn lớn, linh thiêng sống trong sử sách” (Cảnh Thịnh). Dân l. Hà Lão (x. Tân Lễ, h. Hưng Hà) lại truyền rằng: “Phạm Thị Xuân Dung quê trang Thiên Tân (h. Tiên Lữ, Hưng Yên), quê bà có nghề chăn tằm dệt vải, bà thường đem tơ lụa sang đất Hà Xá, Đìa (x. Hồng An) để bán. 21 năm sau khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị dập tắt, Xuân Dung trở lại Hà Xá đem nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo sợi dạy cho dân… Bà mất, dân lập đền thờ. Nghề trồng dâu nuôi tằm và đền thờ bà ở l. Hà Lão nay vẫn còn”.
3110. Phạm Thôn
Chùa th. Phạm, x. Phú Châu, h. Đông Hưng. Tên chữ là “Khánh Long tự”. Khởi xây từ năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1715), đại tu năm Long Đức thứ 3 (1734), đời vua Lê Thuần tông, nay vẫn còn bia đá chép tên những tín chủ hưng công, trợ lực... Trong KCCP, chùa hoang cảnh phế. Năm 2003, dựng lại trên nền cũ. Chùa bố cục chữ “đinh”, bái đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Sau chùa đặt 4 tấm bia lớn, 2 bia chữ đã quá mờ, một bia khắc niên hiệu Vĩnh Thịnh (1732-1735), một bia dựng năm Long Đức thứ 3 (1705-1719), đời Lê Dụ Tông và Lê ý Tông. Các gian điện Phật lắp 3 tầng cửa võng chạm tứ linh, tứ quý, rực rỡ vàng son. Tòa tam bảo hiện còn 12 tượng Phật. Tòa Cửu Long có tượng Tất Đạt Đa, 9 rồng kết động, 12 vị Tam thế, Kim Cương hầu chầu... Tuy đã qua nhiều lần sửa chữa, dấu vết kiến trúc Lê chỉ còn trên bia đá, nhưng lần sửa cuối cùng đã sao bản chép cũ nên chùa Phạm vẫn giữ được hồn kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
3111. Phạm Thôn
Đình th. Phạm, x. Phú Châu, h. Đông Hưng. Khởi dựng từ đời Lê Vĩnh Thịnh (1705-1719), đại tu đời Lê Vĩnh Hựu (1735 - 1740), mở rộng, sửa lại khoảng triều Khải Định (1916 - 1925). Nay còn giữ trọn vẹn kiến trúc đầu tk. XX. Đình tọa lạc trên khuôn viên 900m , bố cục chữ “Nhị”. Hiên trước bẩy chạm tứ quý hóa rồng, 2 gian hồi xây tường gạch, trổ cửa sổ chữ “Thọ”, quét vôi trắng, ba gian trung tâm đóng cánh cửa khay thượng sơ hạ mật. Nội thất: lòng thuyền tứ trụ, vì kèo chồng đấu hoa sen. Hậu cung 3 gian. Gian giữa đặt ban thờ, chính giữa bầy tượng thần Phạm Linh Duệ, 2 bên đặt ngai, bài vị thánh phụ, thánh mẫu. Được xếp hạng DTKTNT cấp tỉnh (1996).
3112. Phạm Thuần (1905-1999)
Quê th. Nam Huân, x. Đình Phùng, h. Kiến Xương. Tham gia cách mạng từ 2-1927, Bí thư chi bộ VNCMTN liên xã Nam Huân-Thịnh Quang, kiêm phái viên liên lạc của Tỉnh bộ. Tháng 9-1929 được chuyển thành đảng viên ĐCS. Bị bắt trong cuộc đấu tranh vay thóc cứu đói đầu năm 1930, bị phạt 8 tháng tù giam, ở tù được 2 tháng thì trốn được, đi thoát ly làm ở cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy Thái Bình. Tháng 4-1931, cùng Lê Tuân đi họp xứ, cả hai đều bị bắt ở Hà Nội trong vụ Nghiêm Thượng Biền phản bội, bị kết án 10 năm tù khổ sai và 20 năm quản thúc, giam ở các nhà tù Hà Nội, Côn Đảo. Tháng 8-1937 được ra tù, về địa phương tiếp tục hoạt động. Tháng 2-1945, đội trưởng tự vệ xã. Tháng 8-1945, được cử làm Chủ tịch ủy ban cách mạng lâm thời x. Nam Huân.  Năm 1946 làm Phó Giám đốc nhà máy đúc tiền Thái Nguyên. Từ 1947, công tác ở t. Phú Thọ: Huyện ủy viên, rồi Bí thư Huyện ủy Phù Ninh (1947-1948); Bí thư Nông hội tỉnh (1949); Bí thư Huyện ủy Đoan Hùng (1950); Huyện ủy viên h. Thanh Thủy (1951); Tỉnh ủy viên, Trưởng ty Công an (1952-1956); ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách sửa sai (1956); Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBHC tỉnh (1956-1961); ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBHC tỉnh (1961-1963); ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy (1963-1967); Chủ tịch UBMTTQ t. Phú Thọ (1967-1975). Nghỉ hưu từ 3-1975. Được thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất. Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 60 năm, 70 năm tuổi Đảng. Con trai ông là Phạm Phú Thái, Trung tướng, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng.

3113. Phạm Thuyên (1912 - 2001)
Tức Mai Côn, quê x. Dưỡng Thông, nay thuộc x. Thượng Hiền, h. Kiến Xương. Sớm tham gia hoạt động cách mạng,  6-1940 sa vào tay giặc, bị giam ở các nhà lao Thái Bình, Nam Định, Hỏa Lò (Hà Nội) rồi đầu 1942 bị đày đi căng Bá Vân. Tại các nhà giam, dù bị giam cầm tra tấn, vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, tích cực hoạt động, là Chi ủy viên của chi bộ căng Bá Vân. 8-1944, cùng 7 đồng chí vượt ngục thành công và được Xứ ủy Bắc Kỳ điều về phụ trách phong trào cách mạng vùng Hải Phòng - Kiến An. Sau khi nhận bàn giao, về hoạt động tại khu vực Kim Sơn, Kính Trực, Lão Phong (Kiến Thụy). Tại đây, ông mở những lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày để đào tạo gấp cán bộ cho phong trào cách mạng trong vùng, kết nạp được 3 đảng viên mới và thành lập chi bộ đầu tiên của Kiến Thụy vào ngày 22-9-1944. Khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) cũng là lúc nạn đói xảy ra nghiêm trọng, Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân phá kho thóc Đoan Xá, chia hơn 3.000 phương thóc (khoảng 60 tấn) cho dân. Khi thời cơ khởi nghĩa vũ trang xuất hiện, ban chỉ đạo Việt Minh t. Kiến An do Phạm Thuyên phụ trách đã tổ chức cuộc tập kích đồn Tiểu Bàng và khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở l. Kim Sơn vào 12-7-1945.
Sau Cách mạng tháng Tám, phụ trách Ban cán sự Đảng t. Kiến An. Đầu 1948, là Liên khu ủy viên, Chủ nhiệm Việt Minh Liên khu III. 10-1948, được điều động sang Lào, làm Bí thư Ban cán sự Thượng Lào và Trưởng phái đoàn liên lạc của Chính phủ Việt Nam bên cạnh Chính phủ kháng chiến Xuphanuvông. Sau chiến dịch Sầm Nưa, được cử làm Phó Bí thư Ban cán sự Đảng toàn Lào. 1955 về nước, là ủy viên Ban Biên chính Trung ương (sau đổi thành Ban Đối ngoại của Đảng). 1958 -1962, là Trưởng phái đoàn kinh tế -văn hóa của Chính phủ Việt Nam bên cạnh Chính phủ Vương quốc Lào. Về nước, làm Vụ trưởng Vụ Các nước XHCN, sau đó được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Chính phủ Việt Nam tại nước CHND Bungari. Từ 1968, làm Vụ trưởng thuộc Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương. Được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.
3114. Phạm Thược (s. 1936)
Tiến sĩ khoa học (1987) Quê  x. Tự Tân. h. Vũ Thư. Cán bộ trạm nghiên cứu cá biển Hải Phòng; Trưởng phòng nguồn lợi Viện nghiên cứu Hải sản; Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản. Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu Hải sản;  ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam. Bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học tại Học viện Nông nghiệp Szdczecin Ba Lan, chuyên ngành Sinh vật học cá biển. Đề tài luận án Tiến sĩ Khoa học: "Trữ lượng cá biển Việt Nam, đặc điểm sinh vật học nghề cá, xác định trữ lượng và khả năng khai thác". Được phong PGS năm 1984. Chủ nhiệm các đề tài  “Nghiên cứu xác định khu vực cấm và hạn  chế đánh bắt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản” (cấp Nhà nước); “Điều tra nguồn lợi cá tầng đáy biển Việt Nam”. Chủ nhiệm chương trình hợp tác nghiên cứu thăm dò nguồn lợi cá biển giữa Việt Nam và Liên Xô. Giải thưởng Nhà nước về cụm công trình "Nghiên cứu đánh giá nguồn lợi hải sản vùng biển Việt Nam"

3115. Phạm tộc gia phả 范 族 家 譜 (壽域 )
Sách do Phạm Bá Tiên 范 伯 先  biên tập năm Quý Hợi. 1 bản viết, 16 tr. Khổ 27 x 16. A. 2301. Nội dung: Gia phả họ Phạm ở x. Thọ Vực, h. Tiên Hưng: Tên, húy, hiệu, tự, chức tước, vợ con, ngày giỗ các vị tổ trong họ. Bài khấn tổ tiên vào ngày giỗ.
3116. Phạm Trọng Điển (1860 -1917)
Người th. Kim Ngọc, x. An Lạc, h. Thần Khê, nay thuộc x. Liên Giang, h. Đông Hưng. Thuộc dòng dõi Nho gia. Pháp sang, ông bỏ học văn theo học võ ở trường cụ Ngự sử Phạm Huy Quang. Trong phong trào chống Pháp cuối tk. 19 đầu tk. 20, Phạm Trọng Điển là một nghĩa sĩ yêu nước đủ cả văn mưu võ lược, nhân dân gọi ông là Đốc Điển. Mất năm 1917 khi cùng Việt Nam Quang Phục hội hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, thọ 57 tuổi. Đã sưu tầm được một số thơ văn của ông, in trong sách Thơ văn yêu nước chống Pháp ở Thái Bình (Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao Thái Bình xb năm 1995).
3117. Phạm Trường Uy (s. 1936)
Anh hùng LLVTND, quê th. Tam Lạc, x. Vũ Lạc, h. Kiến Xương. Khi được phong Anh hùng (3-9-1073) là đảng viên, Đại uý tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 64 tên lửa, trung đoàn 236, Sư đoàn 367, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.

Từ 1965 đến 1972, đã tham gia chiến đấu gần 100 trận. Là sĩ quan điều khiển, Phạm Trương Uy đã nghiên cứu kỹ các thủ đoạn hoạt động của địch để xử lý kịp thời, góp phần cùng đồng đội bắn rơi 22 máy bay Mỹ. Khi là tiểu đoàn trưởng, đồng chí lãnh đạo đơn vị chiến đấu ngoan cường, chọn đúng mục tiêu hạ lệnh bắn kịp thời nên bắn rơi được 9 máy bay Mỹ. Mỗi trận chỉ bằng hai quả đạn: Ngày 15-10-1965, ở Phù Ninh (Phú Thọ), diệt gọn cả tốp 2 máy bay F105; tháng 2-1967, ở Yên Nghĩa (Hà Đông cũ), hạ hai máy bay; ngày 31-3-1972 ở Vĩnh Linh, hạ tại chỗ 1 máy bay F4. Tại đây mấy ngày sau, ở độ cao 11 km, cho phóng 3 quả đạn, bắn  rơi một chiếc. Ngày 3 tháng 4, đồng chí lại chỉ huy đánh 3 trận, bắn 3 quả đạn hạ 3 máy bay Mỹ. Ngày 27-8-1972, máy bay bay địch đánh vào trận địa ta 7 lần. Đồng chí vừa cho cứu chữa thương binh, sửa chữa khí tài, triển khai chiến đấu ngay, nửa đêm bắn rơi 1 máy bay B52. Phạm Trương Uy cùng cán bộ chỉ huy xây dựng được hai kíp trắc thủ giỏi, rút kinh nghiệm được cách điểu khiển tên lửa trong tiểu đoàn. Được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công hạng 3...
3118. Phạm Tuân (s. 1947)
Trung tướng, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động và Anh hùng Liên Xô (1980). Quê th. Đắc Chúng, x. Quốc Tuấn, h. Kiến Xương. Nhập ngũ 1965, đảng viên ĐCSVN (1968), Phó tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân (1989), Chủ nhiệm Tổng cục công nghiệp quốc phòng (1999). Khi tuyên dương Anh hùng là thượng úy, biên đội trưởng không quân thuộc Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, quân chủng phòng không - không quân; phi công vũ trụ đầu tiên của VN. Đêm ngày 27-12-1972, nhận nhiệm vụ đánh máy bay B52 của Mỹ ném bom hủy diệt Hà Nội, Phạm Tuân đã mưu trí vượt qua các máy bay phản lực F4 bảo vệ, xông thẳng vào máy bay B52, bắn rơi tại chỗ một máy bay B52. Phạm Tuân là người đầu tiên dùng máy bay M.G-17, M.O21 bắn rới máy bay B52 của giặc trong điều kiện đêm tối.

Năm 1980 tham gia chuyến bay lên vũ trụ cùng với phi công LX Gorobatcô trên tổ hợp quỹ đạo Chào Mừng-6, Liên Hợp -36, Liên Hợp 37. Được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Lênin và 2 Huân chương Quân công hạng ba.
Phạm Tuân với các nhà báo người Thái Bình
3119. Phạm Tư Trực (1869 - 1921)
Nhà thơ yêu nước. Thuở nhỏ có tên là Phạm Đăng Thê, sau đổi là Tư Trực, tự Bang Phu, hiệu Trọng Thăng. Quê l. Hoàng Xá, nay là th. Hoàng Xá, x. Nguyên Xá, h. Vũ Thư. Đỗ Tú tài 2 khoa liền năm Canh Tý (1900) và năm Quý Mão (1903) nên gọi Tú kép. Khoa thi năm Bính Ngọ (1906), khoa thi Hương ở Nam Định đỗ thủ khoa. Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải dụ ông ra làm quan, ông đã chối từ. Sau ông nhận làm Huấn đạo h. Thanh Miện (Hải Dương). Chính trong thời gian này ông đã tích cực tham gia Đông Du, Duy Tân. Phủ thống sứ Bắc Kỳ lập Ban tu thư, giao cho ông soạn một cuốn sử Việt Nam, ông đã viết với nội dung tràn đầy tinh thần yêu nước thương nòi (tự dịch từ Hán văn ra Quốc ngữ), thực dân Pháp tình nghi, trả ông về làm Huấn đạo Thanh Miện như cũ. Năm 1911, ông cho con trai là Phạm Tư Giản sang Trung Quốc hoạt động cùng Phan Bội Châu. Thực dân càng thêm nghi kỵ, bắt giam ông ở Hỏa Lò (Hà Nội) hơn 5 tháng rồi tha cho về quê, chịu sự quản thúc của quan đầu tỉnh Thái Bình. Ông mất ngày 15-3-1921, tại quê nhà, thọ 52 tuổi. Một số thơ văn của ông được in trong sách Thơ văn yêu nước chống Pháp ở Thái Bình (Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao Thái Bình xb năm 1997).
3120. Phạm Tử Hiền (tk. XV - XVI)
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu  niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481). Còn gọi Phạm Xá Trai, quê l. Cao Dương, nay là th. Cao Dương, x. Thụy Hưng, h. Thái Thụy. Được bổ làm Hiệu lý ở viện Hàn lâm, sau chuyển đi làm Hiến sát sứ Thanh Hóa. Được mấy năm, ông cáo quan về quê. Ông là người có công tổ chức dân khai phá ruộng hoang để trồng cấy, đặc biệt là trồng trầu không. Vùng đất mới có tên Xá Thị vì có nhiều người đến mua bán trầu. Sau phát triển thành làng. Ông được tôn là Tiên công (mở làng) và được thờ, nên nhiều người cho rằng ông quê l. Xá Thị. Nhà Mạc mời ông ra làm quan, ông khước từ. Bị nhà Mạc bắt, ông chết ở đâu, năm nào không rõ.
3121. Phạm Tường Hạnh (s. 1920)
Lão thành cách mạng, Nhà văn. Tên khai sinh là Phạm Trọng Hân. Quê x. Vân Trường, h. Tiền Hải. Sinh trưởng trong một gia đình nho học, cha là Phạm Trọng Điềm, đậu Tú tài khoa thi cuối cùng trường Nam Định. 10 tuổi, theo cha lên tx. Thái Bình sinh sống, học hành và được giác ngộ cách mạng ở đây. 1936 -1937, vào Đoàn thanh niên dân chủ, Chủ tịch Hội ái hữu thợ may, cộng tác với báo Tin tức của Trần Huy Liệu và báo Tin tức của Đào Duy Kỳ. Rồi vào Sài Gòn làm bồi bàn khách sạn và liên lạc với các ông Huỳnh Tấn Phát, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng. Tham gia viết báo cách mạng và hoạt động trong phong trào thanh niên, Bí thư thanh niên Hộ 6 (gồm q. 10 và q. Tân Bình bây giờ). 1945 tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn. Trong KCCP, chỉ huy một đơn vị 200 người án ngữ phòng tuyến cầu Công Lý. Sau làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền t. Thủ Dầu Một; Chủ nhiệm báo Giải phóng t. Thủ Dầu Một; Thư ký tòa soạn báo Tiền Đạo , sau đổi là Vệ Quốc Quân khu VII. Khi Nam Bộ chia làm Quân khu Miền Đông và Miền Tây, được phân về báo Vệ Quốc quân Miền Tây 1954 là phóng viên, biên tập phòng Văn nghệ Đài TNVN. 1965 về Ban sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam. Từ 1975, trở lại Sài Gòn làm phóng viên, biên tập báo Văn nghệ tp. Hồ Chí Minh, đến 1979 nghỉ hưu.

Tác phẩm chính: Vợ chồng Bảy Thẹo (tập truyện ngắn); Buổi sáng trên bến Nhà Rồng (tập truyện);Ngọn lửa Krông Jung (kịch bản phim truyện); Giọt mật cho đời (tập ký sự); Đất Sài Gòn (tập ký sự); Bức thư tìm cha (tập truyện và ký); Cất cánh (tập truyện và ký)...
3122. Phạm Văn Dẫn (s. 1948)
Anh hùng LLVTND, quê th. Vị Thuỷ, x. Thái Dương, h. Thái Thụy. Khi được tuyên dương Anh hùng (1973) là đảng viên, Đại đội trưởng đại đội 1 súng máy 12,7 ly, tiểu đòan 24, sư đòan 7, Bộ Tư lệnh Miền.

Từ 1966 đến 1973, chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, đã tham gia gần 400 trận, trực tiếp bắn rơi 12 máy bay và diệt nhiều lính bộ binh địch, trong đó đáng chú ý là trận Đức Vinh ngày 19 và 20-9-1972. Ngày hôm sau, đơn vị bắn rơi 7 máy bay nữa. Ngày 16-10-1972, đơn vị Phạm Văn Dẫn yểm trợ cho bộ binh đánh địch ở Vĩnh Tường, lại bắn rơi 1 máy bay AD6, diệt 30 tên bộ binh địch. Riêng đồng chí diệt 10 tên,  thu 1 súng. Được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.
3123. Phạm Văn Điền (1903 - 1998)
Nghệ nhân dân gian (chèo). Quê l. Khuốc, x. Phong Châu, h. Đông Hưng. Từ nhỏ đã theo gánh chèo l. Khuốc đi biểu diễn ở các tỉnh. Sau 1954 được Ty Văn hoá Thông tin Thái Bình mời truyền nghề cho các đội chèo trong tỉnh. Từ 1959 đến 1963 được mời giảng dạy tại khoa chèo trường Ca kịch dân tộc Việt Nam, tiền thân của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh ngày nay. Được Ban nghiên cứu chèo Trung ương mời cung cấp các kịch bản, làn điệu chèo và diễn vai mẫu chèo cổ. Từ sau 1963 đến khi qua đời về quê, có công truyền nghề cho các thế hệ diễn viên, nhạc công chèo làng Khuốc. Được Hội VNDGVN truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian” .
3124. Phạm Văn Đông (s. 1921)
Tên khai sinh Phạm Văn Đậu, quê th. Lưu Phương, x. Tây Phong, h. Tiền Hải. 8/1936-1938: Công nhân nhà in Ngọ Báo (Hà Nội), hoạt động truyền bá quốc ngữ, Thanh niên dân chủ, ái hữu thợ may. 1939, về quê tham gia Thanh niên phản đế, bị Pháp bắt giam ở nhà tù Thái Bình,  rồi đưa lên giam ở nhà tù Hà Nội. 1940 ra tù, bị quản thúc, tiếp tục hoạt động. 1945, tham gia tự vệ chiến đấu, khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương, cán bộ Việt Minh rồi Chủ tịch xã. Từ 12-1946, chính trị viên đại đội Đề Thám, Trưởng ban giao thông của Tỉnh ủy Thái Bình. Từ 1949, cán bộ kiểm tra thuộc Tổng Quân ủy, Trưởng ban chính trị Cục Quân pháp, Giám thị cải hội xá trung ương, Trưởng ban căn cứ địa Bộ Quốc phòng, cán bộ bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ bảo vệ Cục bảo vệ, Trưởng phòng hành chính quản trị trường cán bộ cao cấp Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm hậu cần Đoàn 40. Từ 1958, chuyển ngành sang Bộ Y tế làm Giám đốc, sau đó là Bí thư Đảng ủy nhà máy Y cụ. 1967-1969, Bí thư Đảng ủy Công ty vận tải đường sắt Hà Nội. Nghỉ hưu 1982. Được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

3125. Phạm Văn Đổng (s. 1928)
Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình (1983-1986). Quê l. Khuốc, x. Phong Châu, h. Tiên Hưng (nay thuộc h. Đông Hưng). Tham gia cách mạng từ 1945. Ngày 3-8-1946, được kết nạp vào Đảng CSVN. Từ 1945 đến 1949, gia nhập vệ quốc đoàn. Tháng 1-1950 đến 4-1951, Bí thư chi bộ xã, chính trị viên xã đội x. Phong Châu. Tháng 5-1951, Huyện uỷ viên Tiên Hưng. Từ 8-1953 đến 10-1954, cán bộ tổ chức Khu uỷ Tả ngạn. Từ 1955 đến 1958, Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC h. Hải An - Hải Phòng. Từ 1-1959 đến 2-1961, Chánh văn phòng UBHC t. Thái Bình. Tháng 1-1964 đến 5-1975, chuyên gia tại nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Từ 1975-1977, Uỷ viên ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban tổ chức Tỉnh uỷ Thái Bình. Từ 11-1977 đến 11.1979, Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Huyện uỷ Đông Hưng. Từ 1979 là Phó Bí thư Tỉnh uỷ, rồi Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình. Được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng II; Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng 3; Huân chương chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Isala hạng nhất (CHDCNN Lào); Huân chương Chiến thắng hạng 3. Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

3126. Phạm Văn Đỡ (s. 1952)
Anh hùng LLVTND, quê ở l. An Cố, x. Thụy An, h. Thái Thụy. Khi được tuyên dương Anh hùng (1973) là đảng viên, Trung sĩ, trung đội phó, đại đội 11, tiểu đoàn 6, trung đoàn 88, sư đoàn 308. Đã tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971 và chiến dịch Quảng Trị năm 1972, đã đánh 5 trận, 2 lần bị thương đều không rời trận địa, tự tay diệt 38 tên địch, phá huỷ 8 ụ đại liên. Nổi bật là 3 lần đánh điểm cao 500, ngày 13.2 và ngày 18-2-1971; dù bị thương vẫn tự băng bó và tiếp tục chiến đấu, diệt 20 tên, phá huỷ 4 ụ đại liên, rồi ngất đi. Trận đánh điểm cao 35 (đông nam Mỹ Chánh) ngày 27-4-1972, 4 lần vào ra vị trí địch trinh sát. Trận này, đơn vị diệt và làm bị thương 96 tên, riêng đồng chí diệt và làm bị thương 16 tên. Hai lần bị thương sức khoẻ giảm sút, được đơn vị cho phục viên nhưng vẫn xin ở lại chiến đấu. Được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì.

3127. Phạm Văn Nam
Tức Giám, người làng Bích Du, nay thụôc x. Thái Thượng, h. Thái Thụy. Tháng 1-1932,  hội nghị cán bộ Đảng tại l. Thần Đầu (nay thuộc x, Thái Tân, h. Thái Thụy), Phạm Văn Nam được bầu vào ban Tỉnh ủy lâm thời cùng với 5 người nữa là Tăng Văn Thiều, Vũ Văn Vịnh, Trần Văn Thử, Nguyễn Thế Long (Bí thư Tỉnh ủy). Sau hội nghị này, Phạm Văn Nam bị bắt, đã đầu hàng và làm tay sai cho địch. Hắn giả vờ trốn về tiếp tục hoạt động, nhưng là để làm tay sai cho mật thám bắt cán bộ và phá hoại cơ sở cách mạng của Đảng. Giữa lúc các cơ sở của Đảng đang được khôi phục, phong trào cách mạng của quần chúng đang có đà vươn lên thì tháng 3-1932, đồng chí Nguyễn Thế Long bị địch bắt ở bến đò Cam Châu (lối Thụy Anh sang Thái Ninh). Sau đó các đồng chí cán bộ Tỉnh ủy khác cũng lần lượt bị bắt. Những vụ bắt bớ này đều do Nam chỉ điểm. Các cụ cao tuổi ở địa phương cho biết, Phạm Văn Nam vẫn sống đến ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, sau bỏ đi đâu không ai biết.
3128. Phạm Văn Sinh (s.1958)
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình. Quê x. Quỳnh Minh, h. Quỳnh Phụ. Được kết nạp vào ĐCSVN ngày 1-10-1981 (chính thức 1-4-1983). Đã qua đào tạo: Kỹ sư Trồng trọt (Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội, 1976-1981, chính quy); bồi dưỡng sau đại học về Quản lý kinh tế (Đại học KTQD, 1985-1988, tại chức); Cử nhân Luật (Đại học KHXH và NV, 1992-1996, tại chức); Cao cấp Lý luận chính trị (Học viện CTQG Hồ Chí Minh, 2003-2004, tập trung); Trung cao cấp Quản lý nhà nước (Học viện HCQG, 1992, tập trung).

Quá trình công tác: Cán bộ giảng dậy ĐHNN I, Hà Nội (5/1981 - 10/1984); Chuyên viên Văn phòng Huyện ủy Quỳnh Phụ (10/1984- 5/1986); Phó Trưởng Trạm giống lúa h. Quỳnh Phụ (5/1986 - 9/1986); Phó Trưởng phòng Nông nghiệp, ủy viên BCH Đảng bộ h. Quỳnh Phụ (9/1986 - 6/1987); Giám đốc Công ty Vật tư dịch vụ cây trồng h. Quỳnh Phụ, ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, đại biểu HĐND huyện khóa 14, đại biểu HĐND tỉnh khóa 11 (7/1987 - 3/1992); ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, đại biểu HĐND huyện khóa 15, Phó Chủ tịch UBND h. Quỳnh Phụ (4/1992- 12/1995); Phó Bí thư Huyện ủy, đại biểu HĐND huyện khóa 16, Chủ tịch UBND h. Quỳnh Phụ, đại biểu HĐND tỉnh khóa 13 (1/1996 - 11/2000); Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND h. Quỳnh Phụ (12/2000 - 6/2003); Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy,  đại biểu HĐND tỉnh khóa 14 (7/2003 - 10/2004); Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy (11/2004- 11/2005); ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, kiêm Trưởng Ban Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cán bộ t. Thái Bình (12/2005 - 1/2007); ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND t. Thái Bình (2/2007 - 7/2008); Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình (từ 7 - 2008 ). Huân chương Lao động hạng ba (2008).
3129. Phạm Văn Sức (s.1942)
Anh hùng LLVTND, quê th. Đông Hoè, x. Đồng Tiến, h. Quỳnh Phụ. Khi được tuyên dương Anh hùng (25-8-1970) là đảng viên, Thượng sĩ, Trung đội trưởng vận tải ô tô, đại đội 33, tiểu đoàn 909, binh trạm 18, Cục vận tải, Tổng cục Hậu Cần. Từ 2-1965, lái xe vận chuyển hàng trên các tuyến đường trọng điểm. Hơn 5 năm, vượt được 62 nghìn km, vận chuyển hơn 800 tấn hàng tới đích an toàn. Tháng 6-1966, máy bay địch đánh vào nơi trú quân của đơn vị, Sức nhanh chóng cứu xe mình, rồi xe bạn. Tháng 10-1967, đoàn xe chở thương binh từ mặt trận về tuyến sau bị máy bay địch oanh tạc, Sức khoác áo trắng đi trước, dẫn đoàn xe ra khỏi khu vực nguy hiểm. Có lúc đã ngâm mình dưới nước đẩy phà hoặc bốc bớt hàng xuống cho xe qua trước rồi hàng sau. Một lần, xe bạn không may lao xuống bến Mục Sơn (t. Thanh Hoá), tuy trời rét, đồng chí vẫn vui vẻ cùng bạn lặn ngụp dưới nước sâu hơn 6 m để vớt đạn, kéo xe. Lần khác, xe của đơn vị bạn bị máy bay địch tấn công, cả 3 người trên xe đều bị thương, Sức đưa đồng đội đến trạm cấp cứu, giao xe cho đơn vị rồi tắt rừng đi bộ hàng chục km trở về đơn vị. Được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 4 lần là Chiến sĩ thi đua.

3130. Phạm Văn Thanh
Thần thờ ở đền x. Dưỡng Trực (Rãng Thông), tg Tân Cơ, h. Trực Định (nay thuộc x. Thượng Hiền, h. Kiến Xương). Sự tích : Phạm Văn Thanh, người có công chiêu dân đắp đê khai phá đất hoang lập thành x. Dưỡng Trực. Nguyên quán x. Mạn Trung, h. Giao Thủy (nay là h. Xuân Thủy, t. Nam Định), từng làm Văn hàn thư lại ở  Bắc Thành (Thăng Long), làm Cai án p. Hoài Đức. Sau ông theo quan Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đi khai hoang lấn biển lập h. Tiền Hải, được giữ chức Chánh tổng Tân Cơ trong 5 năm. Ông mất, được dân bản xã dựng đền thờ.
Thái Bình tỉnh thần tích (AE.a5/6), (Q.4 -18/VIII,67).
3131. Phạm Văn Thọ (s. 1945)
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (1997 - 20000). Quê x. Nhật Tân, h. Gia Lộc, t. Hải Dương. Tốt nghiệp đại học Tài chính - Kế toán - Ngân hàng, vào bộ đội thời chống Mỹ tại Sư đoàn F.304B. 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ra quân về công tác ở Ty Tài chính t. Hải Hưng; 1980 làm Phó giám đốc sở. 1981-1983: Học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn ái Quốc. 1983-1986: Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Kinh tế Tỉnh ủy Hải Hưng. 1986-1988: Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Hải Dương. 1988-1989: Phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Hưng. 1989-1991: Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Hưng. 1991- 2003: Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình. 2000-2003: Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương. 2003-2007: Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương. Từ 2007 đến nay: Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, X.

3132. Phạm Văn Thụ (1866 - 1930)
Tuần phủ Thái Bình. Tự  Đàn Viên, hiệu Đông Bạch Phái, người l. Bạch Xam, h. Mỹ Hào, t. Hưng Yên. Đỗ Phó bảng khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1892), lần lượt được bổ làm Tri huyện các huyện: Thư Trì (1893), Thần Khê (1894), Duyên Hà (1895), Phụ Dực (1895); Tri phủ các phủ: Kiến Xương (1896-1898), Tiên Hưng (1898-1903); Án sát Thái Bình (1904-1908); Liêm phóng sứ Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (1908-1911); Tuần phủ Phúc Yên (1911-1913), Tuần phủ Thái Bình (1913-1920); Tổng đốc Bắc Ninh (1920), Tổng đốc Nam Định (1920-1923). Tháng 8-1923 được điều về Huế, thăng đến Thượng thư Bộ Hộ dưới triều Khải Định.

Khi còn làm quan, Phạm Văn Thụ viết Thái Bình phong vật chí ( chữ Hán, 1900), Bài ca nước lụt năm Quý Sửu (chữ Nôm) thể văn vần, miêu tả sự tàn phá của “giặc lụt”, đời sống khốn khổ của nhân dân và tinh thần tương thân tương ái giúp nhau trong lúc hoạn nạn cũng như sự lao động không mệt mỏi của nhân dân trong việc hàn khẩu đê sau trận năm 1913 ở Thái Bình. Lúc hưu quan, ngồi viết Đàn Viên ký ức lục (hồi ký), ghi lại nhiều sự việc liên quan đến Thái Bình. Mất tại l Bạch Xam. Con trai Phạm Văn Thụ là Phạm Văn Bính, chiếm cứ một vùng bãi biển Tân Bồi ở các làng Chỉ Thiện, Vũ Biên (nay thuộc x. Mỹ Lộc, h. Thái Thụy). Thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945, Phạm Văn Bính cầm đầu nhóm Đại Việt ở Thái Bình, định phát tán tài liệu, lợi dụng thời cơ, dựa vào Nhật nhảy ra nắm chính quyền, đã bị lực lượng cách mạng chặn đứng không kịp hành động.
3133. Phạm Văn Viêm (1928-1971)
Liệt sĩ, được truy tặng Anh hùng LLVTND (2004), quê x. Thụy Ninh, h. Thái Thụy. Tham gia du kích xã từ năm 19 tuổi và được kết nạp vào Đảng năm vừa tròn 20 tuổi. 1949 nhập ngũ, giữ chức vụ Trung đội phó, tham gia chiến dịch Hòa Bình và bị thương. 1965 tham gia CCRĐ tại Hà Đông (nay thuộc tp. Hà Nội). Sau đó về công tác tại Ty Thương binh Thái Bình. 1957 phục viên về địa phương, lần lượt được cử giữ các chức vụ: Chi ủy viên, ủy viên HĐND xã, Chính trị viên xã đội và Trưởng Công an xã. Cuối 1959 được điều lên Công an huyện. 1962 được bầu vào BCH Đảng bộ huyện, ủy viên UBHC huyện, Trưởng Công an h. Thụy Anh. 1964 cùng 10 cán bộ Công an t. Thái Bình tình nguyện lên đường chi viện cho An ninh miền Nam. 1965 được giao làm Phó đoàn B11, kiêm Trung đội trưởng, cùng tập thể lãnh đạo đoàn B11 chỉ huy lực lượng chi viện cho An ninh t. Kon Tum. Sau cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968, được đề bạt Trưởng ban An ninh tx. Kon Tum (tiền thân của Công an tx. Kon Tum ngày nay), phụ trách đội công tác A 25, hoạt động trong lòng địch. Ngày 29-10-1971, khi bị địch phát hiện, đồng chí đã rút xuống hầm bí mật, từ chối mọi lời dụ hàng, rồi bật nắp hầm, đánh địch đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng.

3134. Phạm Vân Đình (s. 1946)
Giáo sư Kinh tế (2003), Tiến sĩ (1986), Nhà giáo ưu tú. Quê th. Vị Thủy, x. Thái Dương, h. Thái Thụy. Đảng viên ĐCSVN. Từ 1969 đến nay, liên tục công tác tại trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Chủ nhiệm bộ môn, Trưởng khoa Kinh tế nông nghiệp. Chủ trì đề tài cấp Bộ (Bộ NN &PTNT): “Nghiên cứu chính sách phát triển nguồn nhân lực nông thôn đến 2020”; chủ trì đề tài cấp thành phố (Hải Phòng): “Nghiên cứu các giải pháp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông thôn Hải Phòng” và hoàn thành 4 đề tài khoa học khác. Công bố trên 40 bài báo, tham luận, báo cáo khoa học trên các tạp chí, hội thảo trong và ngoài nước. Hướng dẫn thành công 9 luận án Tiến sĩ, 80 luận văn Thạc sĩ.

Tác phẩm: Phương pháp phân tích chính sách kinh tế trong nông nghiệp, 1993; Phát triển xí nghiệp Hương Chấn ở Trung Quốc , 1998; Phương pháp phân tích ngành hàng nông nghiệp , 2001; Kinh tế nông nghiệp , 1997; Chính sách nông nghiệp , 2005; Quản trị HTX nông nghiệp , 2009. Được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2005).
3135. Phạm Xuân Vượng (s. 1941)
Giáo sư Cơ khí (1996), Tiến sĩ (1980), Nhà giáo ưu tú. Quê x. Thượng Hiền, h. Kiến Xương. Đảng viên ĐCS VN. 1963-1990 và 1995-2003: Cán bộ giảng dạy trường đại học Nông nghiệp I, Hà Nội, trong đó có 3 năm làm Chuyên gia ở Ănggôla. 1991-1995: Chuyên gia Giáo dục tại Angiêri. Chuyên nghiên cứu những vấn đề về máy thu hoạch nông nghiệp như gặt, đập, thu hoạch cây có củ, quả. Nghiên cứu những vấn đề về công nghệ sau thu hoạch: sấy, chế biến sản phẩm. Hướng dẫn thành công 3 luận án Tiến sĩ và 7 luận văn Thạc sĩ. Đã công bố nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành. Chủ biên, tác giả, đồng tác giả 5 cuốn giáo trình, sách tham khảo và viết một số bài giảng phục vụ cho học tập, giảng dạy và nghiên cứu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ