Góp thêm tư liệu tìm hiểu các nhà khoa bảng Việt Nam qua văn bia đình Đông Linh ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Góp thêm tư liệu tìm hiểu các nhà khoa bảng Việt Nam qua văn bia đình Đông Linh

GÓP THÊM TƯ LIỆU TÌM HIỂU CÁC NHÀ KHOA BẢNG VIỆT NAM
QUA VĂN BIA ĐÌNH ĐÔNG LINH
HOÀNG NHUNG
Sở Văn hoá Thông tin Thái Bình
Đình Đông Linh còn có tên gọi là đình Cư Nhân nay thuộc làng Đông Linh (tên nôm: làng Nghìn) xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình – là nơi lưu giữ nhiều tấm bia có giá trị lịch sử văn hoá, trong đó đáng chú ý là tấm bia mang tên “BẢN HUYỆN TIÊN HIỀN DUỆ HIỆU BI KÝ” khắc tên các vị khoa cử của huyện Phụ Dực xưa(1) - đặc biệt mặt trước văn bia chép tên 27 nhà khoa bảng từ khoa thi Thái học sinh năm Canh Thìn niên hiệu Thánh Nguyên (1400) đời Hồ Quý Ly đến khoa nhi Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 33 (1772) đời Lê Hiển tông).
Tấm bia được tạo từ đá thường; cao 1,6m - rộng 0,9m; trán bia cong hình bán nguyệt, phẳng; toàn bia không có hoa văn trang trí. Bia dựng vào năm Long Đức thứ 3 (1734) triều vua Lê Thuần Tông, niên đại được khắc rõ: “Hoàng Lê Long Đức vạn vạn niên chi tam mạnh thu cốc nhật”. Các tác giả bia là: Ngụy Năng Xưởng (soạn văn); Bùi Giai (chép) và Trần Viết Xuân (khắc).
Tác giả soạn bia đã nêu rõ: dựa trên cơ sở các sách đăng khoa lục, một số tài liệu ở địa phương và gia phả dòng họ mà khắc tên các vị tiên hiền ở mặt trước của bia, phần cuối mặt bia trước và mặt bia sau còn để trống cho người sau khắc tiếp tên các vị hậu hiền vì lẽ đó tên một số vị khoa bảng và nhiều ông cử tú về sau của huyện Phụ Dực được khắc ghi.
Trong số 27 vị đỗ đại khoa được khắc ở mặt trước bia, khi đối chiếu với các sách đã xuất bản về các nhà khoa bảng Việt Nam chúng tôi thấy tên 19 vị đã được khẳng định nên không đề cập tới trong bài viết này, 8 vị còn lại không tìm thấy tên ở các sách đã tra cứu bởi vậy chúng tôi tạm coi là sạng tồn nghi, chờ có dịp đi điền dã và đối chiếu với nhiều nguồn sử liệu khác để bổ cứ thêm, song cũng xin giới thiệu ở đây mong được các nhà nghiên cứu coi như là việc góp thêm tư liệu cho việc tìm hiểu các nhà khoa bảng Việt Nam:
1- Vũ Tiên sinh quê xã Bất Nạo, đỗ Trạng Nguyên làm chức Điều quan, Khân Phụng đại phu.
2- Đỗ Tiên sinh, người xã An Bài, đỗ Tiến sĩ, chức Giám sát ngự sử.
3- Nguyễn tiên sinh người Làng Kim Lũ, đỗ Tiến sĩ chức Hàn Lâm viện học sĩ, Giám sát ngự sử.
4- Phùng tiên sinh quê làng Địa Linh, đỗ Tiến sĩ, chức Hiến sát sứ.
5- Hà tiên sinh người xã Tô Hải đỗ tiến sĩ chức Đài cai quan.
Đây là 5 trường hợp không ghi rõ tên, năm đỗ còn lại là các trường hợp được khắc rõ tên và năm đỗ.
1- Nguyễn Hữu Pháp quê xã Tô Xuyên đỗ Trạng Nguyên, niên hiệu Thánh Nguyên 1 (1400) đời vua Hồ Quý Ly, làm chức Điều quan, sang sứ Trung Quốc.
2- Phạm Công Tuyền (Tuấn ?) hiệu Độc Lâm tiên sinh, người xã Tô Hồ đỗ Tiến sĩ năm Thuận Thiên thứ 3 (1430), chức Hàn Lâm viện học sĩ, Án sát sứ, tước Bắc Khê hầu.
3- Nguyễn Diễn: Người xã Tô Xuyên, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái 2 (1587) chức giám sát ngự sử.
Trong 3 trường hợp này thì Phạm Công Tuấn hiệu Độc Lâm còn có tên là Phạm Nhữ Dực là một tác gia văn học cổ đã được đưa vào Từ điển văn học (Nxb Khoa học xã hội, 1981). Tuy nhiên với trường hợp này tác giả soạn văn bia đã nhầm khoa thi. Theo các sách đăng khoa lục thì chỉ có khoa Minh Kinh năm Kỷ Dậu, niên hiệu Thuận Thừa 2 (1429) đời Lê Thái Tổ và Khoa Hoành Từ năm Tân Hợi niên hiệu Thuận Thiên 4 (1431) đời Lê Thái Tổ. Cả hai khoa này đều không chép số người thi đỗ chỉ ghi họ tên các Tiến sĩ và không thấy có Phạm Công Tuấn. Trường hợp Nguyễn Diễn tác giả văn bia cũng nhầm năm thi. Năm Đoan Thái 2 (1587) không có khoa thi chỉ có năm Đoan Thái 1 (1586) nhưng trong danh sách những người đỗ cũng không thấy có tên Nguyễn Diễn.
Chú thích:
1. Huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình nay vốn được thành lập từ hai huyện cũ: Phụ Dực và Quỳnh Côi.
Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.3??-355
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ