Cửa Hà - dòng sông gấm
Nguyễn Liên
|
Cẩm Thủy - cứ theo Hán tự mà suy thì đó là dòng sông Gấm, dòng chảy từ ngược đổ về đến giữa địa phận huyện chợt gấp khúc trườn qua bãi đá ngầm mà bất cứ dân thuyền bè nào mưu sinh theo đường sông cũng lấy đó làm cửa sinh tử. Không hiểu sao người đời lại đặt cho nó cái tên "Ngốc Cùng". Lách qua được chiều đá ngầm thì lao ngay vào nách núi đá dựng đứng, dòng nước quẩn lại rồi mới thong thả tuôn về xuôi, nơi chân núi nước quẩn cuốn vào đó bao nhiêu bí ẩn và truyền thuyết về sự xuất hiện của ngọn núi đá với dòng sông, nơi đó người ta gọi là: "Động Cửa hà", Cửa hà nghĩa là cửa sông. Cái cửa sông này nó lại trở thành biểu tượng của người Cẩm Thủy, về vùng đất mà người ta cho rằng đó là vùng địa linh, từ xưa đã xuất hiện nhiều nhân sỹ, hiền tài. Dòng sông Gấm dấu hiệu của sự giàu có chỗ nào không biết, nhưng "giàu về di tích" thì đã có, giàu về núi non tạo nhiều cảnh quan tuyệt tác thiên nhiên cũng có. Có người ví von ngọn núi cửa hà như một cây bút, dòng sông Mã quẩn dưới chân núi như một nghiên mực; cây bút chấm vào nghiên mực khoắng lên bầu trời xanh vẽ nên bức tranh Cửa Hà ban tặng cho người Cẩm Thủy một danh lam thắng cảnh góp phần vào tiềm năng du lịch của Xứ Thanh.
Lần ấy anh Bùi Trọng Kiên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy khoe với tôi một ý tưởng: "Huyện sẽ dựng ngôi nhà sàn giữa Trung tâm Văn hoá huyện làm nhà Bảo tàng dân tộc. Cũng sẽ dựng một cái nhà sàn nữa bên bờ sông Mã đón du khách đến thưởng ngoạn; ngồi trong nhà sàn uống rượu cần với thịt nướng, ngô nướng khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sơn thủy hữu tình của dòng sông Mã và núi Cửa Hà sừng sững bên kia bờ". Tôi mừng bởi một huyện còn muôn vàn việc phải làm mà người lãnh đạo huyện nghĩ được vậy quý lắm, ý tưởng nung nấu sâu xa hơn là tính toán nguồn lợi trước mắt. Theo phác thảo của anh tôi mê mẩn nghĩ về một ngày cái huyện trung du miền núi quê tôi xoá cảnh đường đất ổ gà ổ voi, sẽ giang tay đón các bậc tao nhân mặc khách tới thăm.
Cửa Hà, ai từng một lần đến không khỏi ngỡ ngàng, một ngọn núi cao vời vợi đứng ngay mép bờ sông Mã để con sóng lúc dữ dằn khi hiền hoà dập dờn vuốt ve. Giống như bà Nữ Oa vô tình đội đá để rơi một tảng lớn được gọt đẽo tô màu tuyệt mỹ cắm xuống mặt đất, thành núi, thời gian trồng lên đó đủ loại cây xanh ngan ngát bốn mùa. Dưới chân núi, trên bờ con sóng, có một cái động linh nghiêm; không hiểu từ bao giờ người ta dựng lên đó một ngôi đền mái cong ép vào vách động thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh làm nổi thêm cảnh đẹp thiên nhiên. Cứ đến độ xuân mà xem, trăm hoa khoe sắc cài vào vách núi, chim muông kéo nhau về làm tổ, từng đàn khỉ chí choé hái quả trườn xuống cả mái đền. Có lẽ từ xa xưa lắm người ta đã coi động Cửa Hà là thứ trời cho, hiếm hoi cần gìn giữ để người đời chiêm ngưỡng. Không thế mà bên cạnh mái đền còn hiện hữu một bài thơ chữ Hán được khắc trên vách đá của một văn nhân thời Nguyễn vào năm Quý Tỵ (1883), dịch ý rằng:
Núi cao vời vợi nước trong xanh
Cảnh cũ người nay thật hữu tình
Những tưởng mình chơi vườn ngọc bích
Vung roi vó ngựa chốn mây xanh.
Văng vẳng nhạc thiều âm sáo trúc
Rì rầm suối ngọc khúc liên thanh
Du lãm chốn này bao quý khách
Bồng lai tiên giới, cảnh quê mình.
Cảnh trần đem so với tiên giới còn lời lẽ nào hơn. Từ trung tâm huyện lỵ đi về phía tây nam chừng một cây số còn có ngọn núi Thuý Sơn, có động Diệu Sơn với ngôi chùa Ngọc Châu gắn với chứng tích một thời của nghĩa quân Lam Sơn. Dường như cả một vùng Cẩm Thủy là nơi trú quân tập hợp binh mã của Lê Lợi để thuỷ quân xuôi theo dòng Mã giang, bộ binh theo quốc lộ 217 chừng hai chục cây số, dừng lại ở eo núi dàn binh bố trận tấn công thành Nhà Hồ cách đó bốn cây số đánh đuổi giặc Minh hồi đầu thế kỷ XV nên mới có tên gọi Eo Lê (eo nhà Lê). Từ Eo Lê nhìn qua bên kia sông là ngọn núi Mầu có ngôi chùa Mầu thâm nghiêm chơi vơi lưng núi. Vào sâu một chút là dãy núi đá như thành quách bao bọc, từ xưa vẫn quen gọi: "Thành nhà Mạc". Các nhà khảo cổ lập hồ sơ di tích cho rằng đó là nơi Mạc Đăng Dung khởi binh chống lại Nhà Lê trước khi chạy ra đóng thành tại Lạng Sơn. Chà, một vùng đất đón nhận bao kẻ sỹ hiền tài nhưng cũng từng chứng kiến biết mấy những bi hùng của cha ông.
Từ trung tâm huyện nếu ngược lên bằng đường sông hay đường bộ theo quốc lộ 217 chừng mười cây số cũng lại gặp cảnh núi non trùng trùng có di tích Chùa Rồng, nơi luyện tập binh mã của Lê Lợi. Cái tên Hang rèn, hang muối, hang lương... đã khắc vào thời gian để đến hôm nay như còn văng vẳng đâu đây tiếng gươm khua xung trận của nghĩa quân Lam Sơn lẫn tiếng trách cứ của tiền nhân với những con người vừa thoát khỏi ách phong kiến lập tức xắn tay áo dựng xây xã hội. Xây cái mới thì phải bỏ cái cũ, chùa chiền miếu mạo đền đài liền xếp vào diện mê tín dị đoan, những gì liên quan tới chữ nho chữ Hán là tàn dư phong kiến. Vậy là tấm bia đá ghi danh dòng họ Phạm (Mường Phấm, Cẩm Thạch) có những công thần mấy triều đại phò vua đánh đuổi giặc ngoại xâm đã bị đem ra bắc cầu lót đường cũng chỉ bởi khắc cái chữ Hán phong kiến. Khi một ông cán bộ tỉnh phát hiện thì bước chân người đã làm mòn vẹt ít nhiều mặt chữ. Như vậy cũng còn là may, ông Phạm văn Sơn hậu duệ dòng họ cao quý mới cọ rửa sạch đem về chôn truớc nhà thờ phụng tổ tiên. Giáo sư Trần Quốc Vượng đọc dịch mà ngỡ ngàng về một vùng đất với những cái tên tướng công Phạm Ngưu Tất thời Trần, khai quốc công thần Phạm Cuống thời Lê, Phạm Quý Phi v.v...
Bên kia sông Mã là dãy núi Trường Sinh, có suối cá thần Cẩm Lương gắn với truyền thuyết về vùng đất huyền thoại cố đô của người Mường. Truyền rằng thuở cây chu đá lá chu đồng, sinh ra ba ông vua Mường. Vua thứ nhất chọn cho mình đất Mường Động tỉnh Hoà Bình, ông vua ba trị vì đất Sơn Tây, còn vua hai đã chọn vùng đất Mường Phấm, Cẩm Thuỷ để dựng kinh đô. Lúc ấy muôn loài nghe tin đất thiêng liền kéo về chầu, nhưng dãy Trường Sinh có chín mươi chín ngọn núi không đủ cho một trăm con đại bàng về đậu. Đất vua chọn không thành, trăm vật tiếc nuối mà hoá đá. Thực hư không hiểu thế nào nhưng ông Bùi Minh Quyết dòng họ thờ vua còn đó, người Cẩm Lương vẫn quen gọi các địa danh theo tên gọi từ ngàn xưa: Núi Cố, Ngai vua, Bến vua (nơi vua ngự thuyền), Bến ả nàng (nơi dành cho công chúa), hồ sen trước triều v.v... Dãy núi Trường Sinh có một cái hang xuyên qua núi gọi là Động Đăng, cửa hang cách mặt đất chừng năm mươi mét. Hang động Đăng là hang tự nhiên, đẹp có thể sánh với nhiều hang đá nổi tiếng trong nước, những mảng thạch nhũ buông từ trên cao xuống, mọc từ dưới đất lên đủ hình đủ dạng. Trong ánh lửa những tinh thể phát sáng như khối kim cương. Theo sự tưởng tượng của con người mà đặt cho nó những cái tên: đụn lúa, kho muối, mẹ con, tình yêu, thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc v.v... giữa lòng hang có một đường thông xuống suối cá, cùng với nguồn nước trong vắt có một loài cá đông đúc như tuôn ra từ ruột núi. Loài cá tựa cá trắm, mắt đỏ như cá chày, vây hồng giống cá chép; chúng quẫy mình bơi lội trong nắng ánh lên muôn màu sắc khác nhau, dân địa phương gọi là cá thần. Cá thần và dòng suối còn gắn với câu chuyện truyền thuyết về thần Tứ phủ long vương, thời vua Minh Mạng phong sắc lập đền thờ hẳn hoi, truyền rằng cá thần linh thiêng lắm, người Cẩm Lương bao đời nay không dám động lưới, họ còn hương khói cầu may cho sự bình yên của vùng đất. Lần ấy có ba cặp nam thanh nữ tú cưỡi xe máy từ thành phố Thanh Hoá vượt chặng đường hơn bảy chục cây số lên thăm suối cá thần. Bất chấp tấm biển bảo vệ đàn cá, các cô cậu hiếu động thi nhau bắt cá, bắt không được dùng cây que đập xem cá thần thiêng đến đâu. Chuyện rồi cũng không ai để ý, mấy ngày sau đó xuất hiện một đoàn người cả già lẫn trẻ cùng với lễ vật lên suối cá. Thì ra hôm ấy sáu cô cậu cưỡi xe máy chạy trên đường về thành phố mà như lượn trên sóng, dừng rồi lại đi, gượng mãi cuối cùng vẫn lao vào gốc cây bên đường, một người tử vong, một người phải vào bệnh viện đầu đau như có người đập búa. Hỏi ra biết chuyện, người lớn mới sinh lo. Hiếu động như thế làm sao tránh khỏi tai nạn giao thông. Cũng có thể do bia rượu cũng nên, nhưng mấy cô cậu cùng đi cứ nhất quyết cho rằng chính hai đứa ấy dùng gậy đập vào đầu cá.
Lại nói tới chuyện động Cửa Hà. Cũng bởi năm điểm di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh của huyện Cẩm Thuỷ được ngành chức năng khảo sát lập hồ sơ cho tỉnh ra quyết định công nhận, cũng mới dừng lại ở tỉnh, mà tỉnh thì không thể quy hoạch cấp kinh phí trùng tu tôn tạo một di tích. Trong lúc chờ đợi cấp Trung ương, tuỳ theo điều kiện từng địa phương mà tự biên tự diễn. Vậy là xã Cẩm Phong giao cho hội phật giáo quản lý trông coi khu thắng cảnh Cửa Hà. Hội này liền quyên góp thiết kế tu bổ nhằm đáp ứng tâm linh các phật tử, họ thuê đúc hẳn một tượng Phật bà Quan Thế Âm bồ tát dựng ngay trước cửa đền hướng ra sông cho thêm phần thâm nghiêm. Đêm ấy mưa gió sấm chớp đùng đùng, một tảng đá lớn từ vách núi tụt xuống giúi cả pho tượng phật lẫn sân đền vào lòng đất. Dân gian lại bạo mồm quy kết: "Đền thờ Thánh đâu phải nơi Phật ở. Trời phạt đấy thôi!". Thực hư không nói đến, chỉ tiếc cho một cảnh quan thiên nhiên giờ đây phải nhờ bàn tay con người gây dựng lại, chắc gì được như cũ.
*
Bây giờ thì Cẩm Thuỷ đã có hai tuyến quốc lộ chạy qua trải nhựa bê tông phẳng ru. Khai thác tiềm năng du lịch không còn là điều mơ ước nữa. Suối cá thần Cẩm Lương đã giao cho ngành văn hóa lên kế hoạch khai thác, các điểm di tích trong huyện dần xúc tiến việc quy hoạch trùng tu. Làm vậy cũng đúng thôi, sai thì sửa, dù không được như cũ thì con cháu cũng tường tận được truyền thống lịch sử vùng đất mà tự hào giới thiệu với người bốn phương. Du lịch mở ra sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác cùng đi lên, đó là phát triển nghề dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần, phương tiện đưa đón khách... sẽ có nguồn thu nhập lớn, chắc chắn hơn hẳn thu nhập từ cây lúa cây ngô. Nhưng cái được hơn cả là mở mang giao lưu văn hoá, văn minh giữa người cẩm Thủy với trăm miền. Như các anh lãnh đạo huyện từng mong mỏi "du lịch mang tính văn hoá", điều này bất kỳ một hoạt động nào phục vụ cho du lịch cũng rất cần. Bởi nhãn tiền từng bày ra đây đó các khu thắng cảnh nổi tiếng, nhờ phát triển du lịch mà nhiều người làm giàu. Muốn giàu có người không từ những mánh khoé làm tiền, chặn cầu đường, chẹt thuyền đò, gian trá bán mua cả nơi đất phật cửa thiền, giàu đấy nhưng chắc gì đã sang. Có được miếng cơm chớ nên để rơi mất cái tình người văn minh. Mỗi lần về quê gặp các anh chị lãnh đạo huyện bây giờ trẻ trung năng động, chị Bùi Thị Riên- Bí thư Huyện ủy, anh Nguyễn Văn Thành- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, như cách nói của cánh nhà văn nhà báo chúng tôi thì các anh các chị thuộc thế hệ 8X dám nghĩ dám làm để chúng tôi tin rằng thông qua hoạt động du lịch người dân Cẩm Thủy được giao lưu với khách mà giàu hơn, sang hơn.
Khi tôi sắp khép lại cái bút ký này, chợt Cao Thanh Hưng, anh bạn đồng niên đồng ngũ gọi điện thoại rủ lên núi thăm một khu trang trại vườn đồi. Thì ra anh bạn bác sỹ của tôi đang có manh nha xây dựng làng du lịch sinh thái. Họ đã ủi con đường cho ô tô lượn từ dưới chân núi lên lưng đồi thì dừng lại, một mặt bằng thung lũng trải rộng trên mười héc ta đã được quy hoạch trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, trên núi lại còn có cả ao thả cá, có sân bóng chuyền, bể bơi nữa xen với bảy nóc nhà sàn của bảy hộ người Mường, mà anh bạn tôi là người khởi xướng. Họ gọi làng Hạc bởi nó nằm giữa thung Hạc. Người dân làng Hạc bàn nhau thành lập một đội cồng chiêng giữ lấy bản sắc văn hoá truyền thống để tự hào khoe với du khách. Dưới chân thung Hạc là đường Hồ Chí Minh nhộn nhịp xe vào Nam ra Bắc chỉ cách trung tâm huyện lỵ chừng hai cây số, như vậy tiện lợi cho khách đến thăm.
Từ trên đỉnh thung Hạc nhìn xuống, dòng sông Mã uốn lượn ôm gọn lấy trung tâm huyện lỵ như khoác vào đó một dải gấm, hai bờ Cẩm Sơn, Cẩm Phong ánh lên lung linh như viên kim cương trong nắng. Nhà cao tầng đua nhau mọc, người xe, chợ búa tấp nập. Tháp nhà thờ đổ bóng xuống dòng sông, những tiếng chuông thong thả ngân nga như ru những chiếc bè cá lồng dọc hai bờ sông say giấc ngủ trưa. Có con thuyền nào đó đang rì rì lướt sóng ngược lên phía suối cá thần Cẩm Lương; lại có những bè luồng bè nứa nối đuôi nhau xuôi về hướng chùa Mầu Cẩm Vân, hướng Thành Nhà Hồ. Con đường Hồ Chí Minh từ nam ra, quốc lộ 217 từ ngược về giao nhau đầu cầu bên này, tách ra cuối cầu bên kia về hai ngả ra bắc, xuống xuôi. Cây cầu bê tông nối đôi bờ sông như cái thước kẻ đặt cạnh nghiên mực quẩn dưới chân cây bút Cửa Hà; hình như trong man mác gió mây vờn, ngọn bút đang khoắng lên bầu trời tô thắm thêm bức tranh thiên nhiên Cẩm Thủy. Để một người xa quê như tôi không khỏi ngây ngất tự hào ª
Nguồn: Rút từ Cửa Hà, dòng sông gấm. Ký của Nguyễn Liên. NXB Văn học, 2008. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét