Họ Phạm Văn làng Quảng Hạ (xã Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình) ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Họ Phạm Văn làng Quảng Hạ (xã Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình)

GIA PHẢ HỌ PHẠM VĂN LÀNG QUẢNG HẠ


Chân dung thành viên thân tộc, dòng họ



GIỚI THIỆU

Dòng họ Phạm Văn sinh sống tại làng Quảng Hạ, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Bộ gia phả của dòng họ viết bằng chữ Hán, qua nhiều đời được lưu giữ tại nhà thờ họ, do Trưởng họ quản lý, hàng năm cập nhật ghi bổ sung những thay đổi trong họ theo một quy định chặt chẽ. Đến năm Cải cách ruộng đất - 1955 do biến động của tình hình xã hội nên gia phả của dòng họ bị mất. Ngót 50 năm sau, dòng họ tổ chức xây dựng kiên cố các ngôi mộ tổ nhằm bảo vệ lâu dài, lúc ấy trong họ nêu ý tưởng phải viết lại gia phả để lưu truyền cho con cháu mai sau. Vào ngày 25 tháng 7 năm 2007, buổi họp họ tại nhà Trưởng họ (ông Phạm Văn Tuyến – xóm 1, Trà Tu xã Yên Thắng), thống nhất lập lại bộ gia phả của dòng họ Phạm Văn. Việc cung cấp thông tin các đời gần đây do đại diện các chi ghi lại. Việc tổng hợp, nghiên cứu tư liệu để viết gia phả, lập phả hệ đồ do ông Phạm Văn Uýnh biên soạn.

- Cấu trúc của bộ gia phả dòng họ Phạm Văn gồm 7 phân hệ:
+ Phả ký;
+ Thủy tổ;
+ Phả hệ đồ;
+ Tộc ước;
+ Hương hoả;
+ Hình ảnh.

- Ngôn ngữ viết gia phả bằng tiếng Việt; sử dụng máy vi tính để soạn thảo.

- Bộ gia phả chính thức được in, đóng thành sách, lưu giữ tại nhà Trưởng họ. Các bản khác được sao chép từ bản chính để nhiều gia đình sử dụng. Hàng năm các gia đình trong họ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Trưởng họ để cập nhật, ghi bổ sung những thay đổi vào gia phả.

- Bộ gia phả được đưa lên mạng Internet cho con cháu các nơi dễ dàng truy cập, xem thông tin. Website do ông Phạm Văn Uýnh thiết kế, cập nhật thông tin, bảo quản hoạt động trên mạng. 

Khi soạn gia phả, tác giả sử dụng các phương pháp: Sưu tầm tư liệu, hiện vật, mộ chí; ghi chép thực tế, phỏng vấn qua lời kể của các cụ cao niên trong họ, trong làng; đối chiếu giữa hiện vật, tư liệu, lời kể với các tài liệu khác có mối liên quan v.v.. Các thông tin đều được xem xét đối chiếu khoa học để tránh việc ghi nhầm vai, bậc, thế hệ trong dòng họ. Về nguyên tắc, khi tên tuổi, vai vế, mộ chí của ai chưa rõ, thì chưa ghi vào gia phả, hoặc có ghi nhưng chú thích thêm. Khi có đủ tư liệu tin cậy sẽ được bổ sung hoàn chỉnh. Tuy nhiên, do việc sưu tầm, khảo cứu, đối chiếu với các bộ gia phả khác của các họ trong làng, những sắc phong ở đền, chùa, những văn bia, thư tịch cổ chưa đầy đủ nên có điểm nào chưa chính xác mong các bậc tiền nhân – tổ tiên thứ lỗi, các cụ trong họ, trong làng góp ý bổ sung để bộ gia phả của dòng họ được hoàn chỉnh, bảo đảm tính khánh quan, trung thực, chính xác.



THỦY TỔ


Thủy tổ của dòng họ tên là Phạm Văn. Đời ông bà vào cuối nhà Hậu Lê đến hết nhà Tây Sơn (1760 – 1802). Theo truyền miệng kể rằng: Ông người dòng họ Phạm, quê ở Bến Vạc, nay là thôn Yên Thịnh, xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ông có vóc dáng cao to tráng kiện, hoạt bát, do quen biết và thường đến nhà ông bà cũng là họ Phạm thuộc gia đình khá giả ở làng Quảng Hạ chơi, nên gia đình cảm tình đã gả con gái và cho ở rể. Ngày ấy làng Quảng Hạ có chiến lược đưa người của làng đi khai hoang chiếm giữ vùng đất mới để mở rộng đất đai canh tác (Trước đó làng Quảng Hạ đã thành công trong việc đưa thanh niên của làng lên giữ giới ở phía Bắc, lập nên xóm Đông Tân), ông là người đối đáp thông minh, lại mạnh khỏe nên được làng chọn, đã dẫn đầu cùng một số thanh niên trai tráng lên giữa cánh đồng hoang vu khai phá đất đai lập nghiệp, lập nên trại gọi là Trại Sối.
Khu đất mở mang được tính từ đỉnh đồi Dù (phía Nam), phía Tây giáp Đầm Khánh, phía Đông giáp làng Khả Lạp (Làng Khả Lạp do dịch bệnh, dân làng bị chết, nay không còn người nào. Vị trí làng Khả Lạp nay là Cầu Cọ bắc qua Hồ Yên Thắng), phía Bắc giáp xóm 4 Trà Tu. Ngày nay Trại Sối gần với đập Đồi Chuông, phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp, cách Quốc lộ 1A gần 2 km, cách làng Quảng Hạ khoảng 4 km về hướng Tây. Ban đầu chỉ là các lán trại, sau một thời gian ngắn Trại Sối đã tập hợp nhiều hộ về đây lập nghiệp. Ông bà ăn ở với nhau có con thì thời gian ấy có sự kiện chiến tranh xảy ra. Đó là năm 1788, quân Thanh vào xâm lược nước ta; quân Tây Sơn theo kế của Ngô Thì Nhậm, không giữ thành Thăng Long mà lui về phòng thủ tại tuyến Tam Điệp để bảo toàn lực lượng, chờ đại binh của Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra.
Trại Sối thuộc Tổng Đàm Khánh (xã Yên Thắng ngày nay), sát ngay chân dãy Tam Điệp, được chiếu lệnh của Quang Trung, nhân dân trong vùng đã đóng góp quân lương, khí tài, thanh niên gia nhập quân ngũ đánh giặc. Ông Phạm Văn là người mưu lược, khỏe mạnh nên được tuyển vào quân đội đi tiên phong; ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong trận đại thắng quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789 của dân tộc. Suốt thời gian tham gia quân đội Tây Sơn, ông đã xông pha nhiều trận mạc, lập chiến công; thành tích được ghi vào cho tổng Đàm Khánh, nhân dân vui mừng ngưỡng mộ; gia đình cũng được ban cấp ruộng đất quản lý một vùng. Ngày nay ở tại đền Năn thuộc làng Quảng Thượng còn lưu giữ khẩu súng thần công và 2 đồng tiền thời Quang Trung, đã nói lên dấu tích sự kiện lịch sử vào thời gian ấy.
Sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Ánh đưa quân từ Nam tiến ra đánh chiếm lật đổ nhà Tây Sơn; ông chạy về quê nương náu, nhưng vẫn bị truy kích sát hại cả nhà, xóm Trại Sối tan hoang. Những người còn sống chạy xiêu dạt về Đầm Khánh và làng xã lân cận thay tên đổi họ, làm con nuôi gia đình khác. Ông mất đi để lại nỗi đau thương kinh hoàng trong họ tộc, dân làng; thi thể ông được nhân dân an táng tại ngay nền nhà bị đốt cháy. Một trong số người con trai còn nhỏ trốn được, ông bà ngoại đưa về làng Quảng Hạ cưu mang nuôi dưỡng. Từ đó hậu duệ dòng họ Phạm Văn sinh sôi, phát triển đến ngày nay.
Sau sự kiện trên, thời gian qua đi, tình hình tư thù của nhà Nguyễn với Tây Sơn đã lắng, làng Đầm Khánh đã tổ chức lễ dâng hương, xuống làng Quảng Hạ xin rước chân nhang từ bàn thờ họ Phạm Văn để đưa ông về thờ. Suy tôn ông là một trong các vị thần thành hoàng có công gây dựng, che trở, bảo vệ dân làng.

Xóm Trại Sối ngày nay.

Vào đời cụ Phạm Văn Hiểu (1895-1963) còn về Yên Thịnh cúng tổ, sau này do các đời quá xa nên không có điều kiện đi lại nữa. Những năm nửa đầu thế kỷ XX, hàng năm họ Phạm vẫn lên Trại Sối thanh minh, tôn đắp 3 ngôi mộ ở đây, vị thế mộ nằm trên gò đất rộng, cao ráo, trước đây là nền nhà của ông bà. Trong 3 ngôi mộ này, 2 ngôi mộ lớn là mộ ông bà tổ, còn 1 ngôi mộ nhỏ hơn nằm phía sau là mộ một người con. Đến những năm sau cải cách ruộng đất (1956), nhà nước lập trại đào ao nuôi cá ở vùng đất Trại Sối, 3 ngôi mộ ở đây bị thất lạc.

            Như vậy, từ sau cuộc khai phá đất hoang lập nên Trại Sối của ông tổ Phạm Văn vào cuối thế kỷ 18 bị đốt phá, lại thêm làng Khả Lạp ở giáp phía Đông bị tuyệt tự và làng Bình Hào bị chết thảm gần hết do dịch bệnh, cho mãi đến năm 1959 cả vùng quanh Trại Sối vẫn hoang vu, đầm lầy, vắng người sinh sống. Đến năm 1960, nhân dân xã Yên Thắng hoàn thành đắp đập Đồi Chuông, xây hồ Yên Thắng, nắn dòng nước lũ từ Tam Điệp chảy về Tiên Dương, mở ra điều kiện canh tác, khai khẩn vùng đất này, từng bước hình thành mới xóm Trại Sối. Năm 2009 xóm Trại Sối đã có 44 hộ, với khoảng trên 200 nhân khẩu. Họ là cư dân mới của nhiều làng, nhiều nơi về đây lập nghiệp.




Hậu duệ ngày nay trước bàn thờ Tổ (Từ trái qua: Phạm Thị Loan, Phạm Văn Bính, Phạm Văn Tuyến, Phạm Văn Uýnh, Phạm Văn Lợi, Phạm Văn Quyênh-Trưởng họ, Phạm Văn Lộc, Phạm Văn Tợi, Phạm Văn Đài, Phạm Thị Liến - Ảnh chụp ngày 25/7/2007).

Hậu duệ ngày nay hưởng lộc trước bàn thờ Tổ.

CAO TỔ

Cao tổ Phạm Văn Hồng, cụ có tên thường gọi là Tự Phúc Hồng, một chức phẩm ở địa phương. Cao tổ là con trai cụ Thủy tổ Phạm Văn, được ông bà ngoại đưa lánh nạn từ Trại Sối về làng Quảng Hạ nuôi dưỡng, cho đi học. Nhờ trí thông minh, học hành trôi chảy, ông đã làm nhiều việc đóng góp cho dòng họ, làng, xã. Đời ông bà vào khoảng từ năm 1790 đến 1860. Nơi ở của gia đình bấy giờ tại khu đất rộng rãi, cao ráo ngay cửa ngõ phía Bắc làng Quảng Hạ (thuộc đất của ông bà ngoại để lại). Ông bà Phạm Văn Hồng sinh được 1 người con trai là ông Phạm Văn Bút (con gái có mấy người chưa được rõ). Mộ cụ Phạm Văn Hồng được an táng ở dải đất cao, vị trí trung tâm nghĩa địa làng Quảng Hạ (cống Mả Giang), cách làng khoảng 300 mét về hướng Bắc. Đây là ngôi mộ được dòng họ tôn đắp cao to, hướng mộ nhìn về phía Nam – về làng Quảng Hạ, với ý tưởng là trông coi, bảo vệ cho dòng tộc, con cháu mạnh khỏe, học hành làm ăn thuận lợi, phát đạt. Qua việc nghiên cứu vị thế đất đai, vườn tược nơi ở của dòng họ trong mối tương quan với các họ khác trong làng và ngôi mộ cao to tại trung tâm nghĩa địa, phần nào phản ánh vị thế và đời sống khá giả của gia đình ông bà Phạm Văn Hồng ở trong làng.
Mộ cụ bà Phạm Văn Hồng cũng được an táng ở nghĩa địa làng Quảng Hạ (cống Mả Giang), đến nay trong họ chưa xác định cụ thể là ngôi mộ nào trong số nhiều ngôi mộ trong họ tộc tại đây.

Hậu duệ đi viếng mộ Cao tổ Phạm Văn Hồng  (Ảnh chụp ngày 17/7/2009).


ĐẠI TỔ 

Đại tổ Phạm Văn Bút, là con trai cả của cụ Cao tổ Phạm Văn Hồng. Đời ông bà vào khoảng từ 1810 đến 1880. Gia đình làm ăn khá giả, phát đạt, có tiếng nhân từ đức độ, hay làm từ thiện; trong nhà nuôi thầy đồ dạy học, đi lại thâm giao với nhiều người học thức, ông là người có tiếng tăm trong vùng. Ông bà sinh được 5 người con trai, đều được học hành, có người thi đỗ đạt (con gái có mấy người chưa rõ). Các người con trai là:
- Phạm Văn Trì (con trưởng), làm Lý trưởng nên thường gọi là Lý Trì;
- Phạm Văn Phớn, làm Chánh tổng nên thường gọi là Chánh Phớn;
- Phạm Văn Thựng;
- Phạm Văn Chỉnh;
- Phạm Văn Càn, từng đi lính Triều Nguyễn, tên thường gọi là Tự Phúc Càn.

Mộ cụ Phạm Văn Bút an táng tại Bái Bông, gần chùa Hải Nạp, cách làng Quảng Hạ khoảng 400 mét về hướng Bắc, hướng mộ nhìn về Đông Nam, chung quanh mộ là đồng màu trồng bông, đậu, lúa, ngô, khoai quanh năm tươi tốt. Đây là khu ruộng cao, đất cát pha dễ cày cuốc, dân làng trồng bông dệt vải nên gọi là Bái Bông, thuộc đất đai của dòng họ. Đến năm 1956 nhà nước chia tách địa giới, một phần khu Bái Bông cùng với xóm Đông Tân cắt về thuộc xã Yên Hoà, huyện Yên Mô.
Vào những năm 1970, Hợp tác xã Trung Hoà có chủ trương dời những ngôi mộ lẻ nằm rải rác ngoài đồng vào nghĩa địa tập trung để thuận tiện canh tác, nên các xã viên đã dời mộ ông Phạm Văn Bút về Cống Lý, cách đó khoảng 300 mét về hướng Tây. Mặc dù mộ ở gần làng nhưng do khác xã, trong họ không nhận được thông báo này để chủ động di chuyển hài cốt; khi biết tin, trong họ đi nhận mộ, chỉ biết trong dãy hơn 10 mộ di dời về Cống Lý đều trong tình trạng vô danh, không biết cụ thể là mộ nào dời từ đâu về, từ đó mộ ông bị thất lạc. Khi trong họ đi thanh minh hay thắp hương đều thắp chung cho cả dãy mộ. (Cống Lý nay thuộc xóm Đông Tân xã Yên Hoà, cách làng Quảng Hạ khoảng gần 1000 mét về hướng Tây Bắc).

Cụ bà là người cùng làng Quảng Hạ. Cụ mất ngày 14/4 (chưa rõ năm nào). Mộ cụ bà đặt tại gò Giải Phớn, núi Bạch Bát, cách làng Quảng Hạ khoảng 1.500 mét về phía Đông Nam. Thế mộ tựa lưng vào núi Bạch Bát, hai bên là 2 núi có dáng thanh long, bạch hổ; núi Thanh Long cao hơn nằm bên phải, núi Bạch Hổ bên trái. Chân núi Thanh Long có dòng nước chảy xuôi về cống Hốc, chân núi Bạch Hổ có giếng nước tự nhiên, nước trong vắt quanh năm. Hướng mộ nhìn về Tây Bắc là cánh đồng lúa mênh mông xanh ngát, điểm nhìn chiếu qua núi Soi về làng Quảng Hạ. Đây là ngôi mộ bề thế, cao to nhất khu vực, nằm ở trung tâm vòng cung khu di chỉ Mán Bạc quốc gia, thuộc thôn Bạch Liên xã Yên Thành, huyện Yên Mô. Để đặt ngôi mộ bà, dòng họ nuôi thầy địa lý, đi tìm nhiều năm, quyết định mua 10 thước đất (240m2) nơi đây xây mộ - được xem là vị thế đắc địa bậc nhất trong vùng.

Lúc ấy dòng họ đã đóng góp nhiều tiền của để đặt mộ ông, mộ bà với ý tưởng: Ông hợp với phong thủy đồng bằng, tượng trưng cho cuộc sống sung mãn, thanh bình, phát triển. Bà hợp với hoàng thổ, tượng trưng cho sự cao quý, vững chãi, trường tồn. Mộ ông bà cách nhau khoảng 2 km nhưng nhìn về nhau – biểu thị sự đoàn tụ, đầm ấm, phù trợ cho con cháu mạnh khỏe, đông vui, sung túc.

Từ ngày 2 đến ngày 9/12/2004, trong họ Phạm tổ chức xây dựng lại các ngôi mộ tổ, có ngôi mộ bà bằng đá vững chắc, diện tích 30 m2, hình ô van. Con cháu trong họ gọi mộ bà là ngôi mộ Bà Đại tổ. Khi xây xong, anh Phạm Văn Tợi làm bài thơ ghi lại, đọc cho cả họ cùng nghe trong buổi liên hoan tạ lễ.

 Mộ bà Đại tổ Phạm Văn Trì tai trung tâm vòng cung Mán Bạc. Phía bên trái khoảng 80 mét là khu khai quật di chỉ Mán Bạc quốc qia.  (Ảnh chụp ngày 16/7/2007).
 Mộ bà Đại tổ. (Ảnh chụp ngày 16/7/2007).


                           ĐẤT ĐỊA LINH

                Địa linh mảnh đất uy nghiêm
                     Thanh Long, Bạch Hổ hai bên đứng chầu
                Huyền vũ án ngự phía sau
                     Chu tước chiếu thẳng núi Soi Thượng Phường
                Tiền nhân xưa rất tinh tường
                     Tìm nơi đắc địa, nghĩ đường hậu lai
                Làm quan đời trước có ai
                     Hậu sinh Phạm tộc đua tài lập công
                Giữ gìn mồ mả tổ tông
                     Cha truyền con nối quyết không lơ là.

Huyền vũ sau lưng mộ bà Đại tổ (Ảnh chụp ngày 16/7/2007).
Dáng núi Thanh Long bên phải mộ bà Đại tổ (Ảnh chụp ngày 16/7/2007).
Dáng núi Bạch hổ bên trái mộ bà Đại tổ (Ảnh chụp ngày 16/7/2007).
Núi Soi, điểm nhìn của mộ bà Đại tổ (Ảnh chụp ngày 16/7/2007).
Toàn cảnh khu di chỉ Mán Bạc quốc gia (Ảnh chụp ngày 24/7/2009)

TRUNG TỔ
Cụ Phạm Văn Trì, là con cả (trưởng nam) của ông bà Phạm Văn Bút. Đời ông bà vào khoảng từ năm 1830 đến cuối thế kỷ 19. Ông khỏe mạnh, có học thức, giao lưu rộng, gia đình làm ăn phát đạt. Ông làm Lý trưởng nhiều năm nên trong làng, trong họ thường gọi ông là Lý Trì. Ông có 2 người vợ. Bà cả là người họ Bùi, dòng chi cụ Bùi Khắc Uông ở cùng làng Quảng Hạ. Ông bà sinh được 3 người con trai là Phạm Văn Uân (con trưởng), Phạm Văn Hoàn, Phạm Văn Ngư và 1 người con gái là Phạm Thị Ngữ (hay còn có tên gọi là Nữ). Bà hai người họ Phạm cùng làng (bà đã có 1 đời chồng và có con ở làng Hải Nạp, xã Yên Hòa, sau khi chồng chết bà trở về làng lấy làm hai ông Lý Trì). Bà có vóc dáng cao to, khoẻ mạnh, giọng nói vang động. Ông bà sinh được 1 người con trai là ông Phạm Văn Hưởng.

Ông Phạm Văn Trì mất ngày 9 tháng 5 âm lịch năm Mậu Tuất (1898), an táng tại Cống Lý, cách làng Quảng Hạ gần 1.000 mét về phía Tây Bắc, ngôi mộ được tôn đắp cao to, bề thế. Theo Phong thủy, mộ ông đặt vào địa thế đầu con cá chép với mong muốn phát cho hậu duệ. Cá chép là biểu tượng cho sự kiên trì, bền chí dựa theo truyền thuyết câu chuyện “Cá chép hoá rồng”. Ý nghĩa này còn là biểu tượng của sự đổi mới, thăng hoa, tăng tiến công danh và sự nghiệp.

Mộ bà cả và bà hai an táng tại nghĩa địa làng Quảng Hạ (cống Mả Giang), hai ngôi mộ này cũng được tôn đắp cao to, bề thế. Vào cuối năm 2004 trong họ đã xây mộ ông, mộ bà (đều hình tròn) bằng đá vững chắc để bảo vệ lâu dài.

Hậu duệ viếng mộ ông Trung tổ Phạm Văn Trì (Ảnh chụp ngày 16/7/2007).
Hậu duệ viếng mộ ông Trung tổ Phạm Văn Trì (Ảnh chụp ngày 17/7/2009).
Hậu duệ viếng mộ bà Cả, ông Trung tổ Phạm Văn Trì (Ảnh chụp ngày 17/7/2009).
Hậu duệ viếng mộ bà Hai, ông Trung tổ Phạm Văn Trì (Ảnh chụp ngày 17/7/2009).
Hậu duệ viếng mộ ông Phạm Văn Hoàn (Ảnh chụp ngày 17/7/2009).
Hậu duệ viếng mộ bà Bùi Thị Sợi. Bà yên nghỉ dưới chân rừng già Mả Cọ ngút ngàn làng Quảng Hạ (Ảnh chụp ngày 17/7/2009).
Hậu duệ viếng mộ 3 bà cô họ Phạm (Ảnh chụp ngày 17/7/2009).
Hậu duệ viếng mộ ông bác (vô tự) Phạm Văn Tiến (Ảnh chụp ngày 17/7/2009).

_____________________________________________________
           

LÀNG QUẢNG HẠ


1. Tự nhiên và xã hội:
- Quảng Hạ là một thôn của Quảng Nạp (Quảng Nạp có 3 thôn là Quảng Thượng, Quảng Hạ và Đông Tân) thuộc tổng Đàm Khánh, nay là xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, nằm phía cực Đông xã Yên Thắng. Diện tích tự nhiên của làng trên 600 ha, thổ nhưỡng bán sơn địa; đất canh tác vừa có đồng ruộng trồng lúa nước, có đất bái trồng rau mầu, có đất rừng đồi núi, có hồ Yên Thắng. Phía Bắc giáp với xóm Đông Tân xã Yên Hoà; phía Đông có dãy núi đá vôi (gọi là núi Tè) tiếp giáp với làng Trinh Nữ xã Yên Hoà; phía Nam giáp với làng Thượng Phường xã Yên Thành; phía Tây Nam là Hồ Yên Thắng, vượt qua phía bờ Nam của Hồ là đất đồi rừng của làng canh tác, tiếp giáp với xã Đông Sơn thị xã Tam Điệp; phía Tây giáp với làng Quảng Thượng và làng Bình Hào.

- Theo bản đồ cổ, làng Quảng Hạ có địa giới phân ranh từ chân phía Đông Nam núi Cháy tới đỉnh núi Me – tiếp nối đến chân đầu Đồi – cắt về núi Quéo, chạy vòng cánh cung lõm tới núi Tè, thẳng sang bên Chùa rồi đến Đông Tân, ngược trở lên núi Cháy. Trên đỉnh núi Me có xây Văn bia địa giới giữa 2 làng Quảng Thượng và Quảng Hạ, đến những năm 1975 - 2000, dân làng khai thác đá, san bằng núi Me thì bia Văn chỉ này cũng không còn. Nhìn bản đồ cổ làng Quảng Hạ có hình dáng như lục giác nằm gọn trong vòng cung có 5 điểm núi chung quanh, mặt hướng Bắc có xóm tiền tiêu Đông Tân giáp với làng Hải Nạp. Làng nằm ở tâm điểm vòng cung, xung quanh là đồng ruộng. Sau Cải cách ruộng đất năm 1956, đất đai làng Quảng Hạ một phần cắt về làng Quảng Thượng (toàn bộ dải phía Tây), một phần cắt về xã Yên Hoà (toàn bộ dải phía Bắc); ngược lại được nhận khá nhiều đất đồi rừng và đất ven rừng (ở phía Tây Nam) nguyên là đất của làng Bình Hào.

- Làng Quảng Hạ có 4 xóm nhỏ tại làng và xóm rừng cách làng 2 km. Năm 2007 các hộ ở xóm rừng bị giải toả do cấp thẩm quyền lấy đất giao cho chủ một dự án xây dựng sân gol 54 lỗ, số hộ dân ở đây phải di dời tìm nơi định cư mới. Xóm Đông Tân trước đây cũng là 1 xóm của làng Quảng Hạ, đến năm 1956 chia tách, nhập vào xã Yên Hoà. Trong làng có 2 dòng họ đông dân là họ Phạm và họ Bùi; họ Nguyễn và họ Trần chiếm số ít, tất cả đều là dân tộc Kinh. Trong họ Phạm có nhiều chi như: Phạm Văn, Phạm Như, Phạm Đình, Phạm Ngọc.

- Dân số làng Quảng Hạ vào năm 1975 có 600 người; năm 2009 có trên 600 người. Người dân gốc làng Quảng Hạ đi học tập, công tác, làm ăn sinh sống ở nơi khác khoảng 1.000 người. Có 3 mốc diễn biến dân cư lớn đối với làng: Thời Pháp thuộc trước năm 1945, có nhiều người đi sang Lào, Thái Lan làm ăn, sinh sống; sau năm 1975, một số người khá giả đã trở về thăm làng quê, họ hàng. Năm 1981 và năm 1985 có 2 đợt di dân đi kinh tế mới vào tỉnh Gialai theo chủ trương của nhà nước; 2 đợt di dân lên rừng lập xóm mới trên địa bàn xã (xóm Rừng và xóm Cầu Cọ) theo chủ trương của địa phương. Từ trước và sau năm 1975 đến nay có nhiều con em trong làng đi học, đi bộ đội, đi công nhân, đi làm ăn, đi công tác đã định cư ở nhiều nơi trong cả nước (số này đi rải rác, nhưng chiếm tỷ lệ khá đông so với dân cư trong làng). Trong số họ, có nhiều người trưởng thành là những cán bộ, công chức, kỹ sư, giáo viên, bác sĩ, doanh nhân v.v... Dù làm ăn, sinh sống ở đâu họ vẫn luôn ý thức nhớ về cội nguồn, dành tình cảm đặc biệt cho quê hương.

- Ngôi đền làng được xây dựng hàng nghìn năm về trước, đền nằm về phía Tây của làng, sân đền có 4 cây muỗm, 2 cây vào hàng đại thụ bậc nhất quốc gia. Cây muỗm lớn nhất ba người ôm, qua giám định có niên đại trên 300 năm tuổi.

- Cách đền vài trăm mét là đầu làng có cây đa, giếng nước, sân đình. Đình làng do bị bão mạnh làm đổ vào năm 1953, lúc ấy đang chiến tranh, dân làng không dựng lại được; đến năm 2008 làng xây nhà văn hoá thôn ngay trên nền đình. 

- Chùa thờ Phật được xây dựng cách làng khoảng 500 mét về phía Đông, có tên là Hào Khê Tự. Đến nay chưa rõ chùa được xây dựng từ năm nào, nhưng đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Cạnh Chùa có Miếu phủ và cây đa đại thụ mấy trăm tuổi sum xuê giữa cánh đồng, quanh năm xanh tốt. 

- Ở phía Bắc của làng có miếu Thổ công, ao gò, là một trong số ít miếu Thổ công ở làng quê còn đến ngày nay. Gần miếu có Đống sành. Nghe kể, đây là nơi người Việt cổ đã từng ở.

- Phía Tây bắc của làng có Mả Cọ. Những năm 1970, làm ăn tập trung theo mô hình Hợp tác xã, do công tác quản lý chưa tốt nên Mả Cọ từng bị chặt phá nặng nề, nay được bảo vệ nhưng khó phục hồi, vì tuổi đời của những cây cọ và cây dưới tán có niên đại hàng trăm năm. Trong Mả Cọ có Cống Giáo, Phủ Thờ Liễu Hạnh, Trường Đấu; cạnh Phủ có cây lộc vừng thuộc hàng đại thụ quý hiếm.

- Nói về Mả Cọ là niềm tự hào của làng. Sở dĩ có tên “Mả Cọ” (chứ không gọi rừng cọ, vườn cọ) là ở đây cọ mọc tự nhiên rất nhiều, trong quá trình khai phá đất đai canh tác rất khó phá, nó còn cù lại gọi là “Mả”. Thuở sơ khai hoang dã, nhiều người đến đây khai phá từng bị trăn quấn, rắn độc cắn, muỗi đốt sốt rét về nhà ốm mà chết. Làng phải lập Phủ thờ, hàng năm cúng tế cầu mạng phúc lành, từ đó Mả Cọ trở thành chốn linh thiêng không ai dám vào chặt phá trộm, vì vậy nó được dân làng giữ gìn và tồn tại đến ngày nay. Theo truyền thống cứ 2 năm 1 lần làng Quảng Hạ tổ chức khai thác lấy lá cọ làm chổi, lợp nhà, thu dây guột buộc thuyền, nhặt lá cọ già, nhặt buồng cọ nỏ làm củi v.v... Ở các bầu cọ và thảm thực vật dưới chân là nơi chim chóc, chồn cáo, trăn rắn làm tổ, cư trú. Đặc biệt có nhiều diều hâu và quạ làm tổ cư trú ở ngọn cây; đến khoảng những năm 1970 – 1980 thì diều hâu và quạ thưa dân và mất tích, chưa rõ vì sao. Chưa có nhà khoa học nào về đây thống kê xem ở Mả Cọ có bao nhiều loài chim, thú, thực vật, giá trị của nó đến đâu, nhưng điều dễ thấy tại Mả Cọ có hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng, rất độc đáo của đồng bằng Bắc bộ.
Giống cọ ở Mả Cọ có kẽ lá sâu, tay cọ bám chắc vào thân, khi đạt tới dăm bảy chục năm tuổi tay cọ mới tróc hết để lộ thân cây; khi đối chiếu, cọ ở đây giống với cọ ở Thanh Hoá, không giống cọ ở vùng Phú Thọ. Chưa có kết quả giám định, nhưng xem xét độ cao của cây, nhiều cây cọ đã có mấy trăm năm tuổi. Thường là những cây cọ cao, không còn khả năng leo lên lấy lá thì chặt, thân cọ đem bắc cầu, làm chuồng trâu bò rất nhiều. Các cụ trong làng cho biết: “Khi tôi lớn lên đã thấy Mả Cọ có như bây giờ rồi”. Quả vậy, bất chấp bão giông, lụt úng, giá rét, Mả Cọ quanh năm vẫn xanh ngát tốt tươi, sừng sững giữa đồng bằng hàng nghìn năm tuổi. Điều lý thú hiện nay trong vườn nhà, dân làng Quảng Hạ trồng nhiều cọ; nhìn từ xa, làng Quảng Hạ đang hình thành dáng dấp “Mả Cọ” thứ 2. Phải yêu cọ lắm dân làng Quảng Hạ mới có hành động này. Hồn quê hương ngụ trong bầu Mả Cọ, chả vậy những người xa quê khi nhớ về Quảng Hạ đều nhắc đến Mả Cọ, đền làng. Cây cọ là biểu tượng của làng Quảng Hạ: thân cọ mọc thẳng, rễ bám vững chắc vào lòng đất, lá xanh tươi bốn mùa, mưa gió lũ lụt không làm tróc gốc, bão tố không làm gãy đổ, sống lâu năm thành cổ thụ, có sức chịu đựng cho nhiều loài dây leo - tầm gửi, chim chóc sống đeo bám. Với tố chất như vậy, dù không phải là cây thuộc hàng thanh cao như tùng, mai, thiên tuế, cau vua v.v.. nhưng cây cọ lại đang được nhiều doanh nhân chọn làm cây biểu tượng đưa về trồng tại công sở doanh nghiệp. 

- Dân làng Quảng Hạ thuần tuý theo đạo Phật; thờ thần, thờ tổ tiên. Phong tục tập quán, sinh hoạt văn hoá đều giống các làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ. Giọng phát âm người làng Quảng Hạ hơi nặng, nhiều người không phân biệt rõ giữa âm có dấu hỏi, dấu ngã mà hay phát âm thành dấu hỏi. Như vậy làng Quảng Hạ hội đủ các yếu tố là một làng cổ, điển hình ở vùng đồng bằng Bắc bộ mà không phải làng nào cũng có được những di sản văn hoá nêu trên.

- Xã Yên Thắng nổi tiếng với Hồ Yên Thắng mênh mông có diện tích khoảng 2.000 ha là hồ nhân tạo được xây dựng trong những năm 1960 với mục đích thủy lợi, ngăn chặn nước từ rừng đổ xuống tránh ngập úng vụ mùa, tích nước để tưới ruộng khi hạn hán. Người có công khởi xướng, được tập thể và cấp trên phê duyệt đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy công trình đắp đập Đồi Chuông, xây hồ Yên Thắng là ông Phạm Gia Lộc, người làng Quảng Hạ, lúc ấy là Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã Yên Thắng. Hồ Yên Thắng có hồ trên và hồ dưới. Hồ trên giáp với Quân Đoàn 1, phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp được xây dựng vào năm 1960 - 1961; từ hồ trên nối với hồ dưới bằng đập tràn Đồi Chuông. Từ đập Đồi Chuông tới đập Tiên Dương dài 7 km là hồ dưới, chiều rộng nơi lớn nhất của hồ trên 1 km, được xây dựng suốt những năm 1961 – 1963 và nhiều kỳ gia cố tu bổ đê điều. Hàng chục nghìn lượt dân công, thanh niên huyện Yên Mô đã được huy động về đây xây dựng con đê khổng lồ Hồ Yên Thắng dài 7 km. Con đê này có tên đê Vĩnh Lợi - một công trình mang tên huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu kết nghĩa với tỉnh Ninh Bình trong kháng chiến chống Mỹ. Đa phần diện tích lòng hồ là đất canh tác của Hợp tác xã Quảng Bình (Quảng Bình gồm: Quảng Thượng, Quảng Hạ, Bình Hào, Cầu Mễ) và làng Thượng Phường, làng Bát xã Yên Thành. Dưới lòng hồ có nhiều cá, tép là đặc sản của vùng. Phía bờ Nam của Hồ trên, Hồ dưới là đất đồi rừng của Hợp tác xã Quảng Bình, được nối liền với đồi rừng của 2 xã Yên Thành và Yên Đồng theo chân dãy núi Tam Điệp. Toàn khu vùng đất đồi rừng này có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, thuận lợi giấu quân, linh hoạt ra Bắc vào Nam. Năm 1406, Trần Giản Định đã lên ngôi vua tại đây, tập hợp quân dân chống lại quân Minh xâm lược. Năm 1788 - 1789 trước khi xuất chinh đánh quân Thanh, vua Quang Trung đã hội quân, làm lễ ăn thề tại vùng này. Có nhiều địa danh còn ghi lại dấu tích sự kiện thời ấy như: Đồi Ông Vua, Tai Ngai, Núi Cấm, Núi Voi, chợ Mo, Quán Cháo v.v... Thực dân Pháp cũng xây dựng ở vùng này nhiều đồn bốt chiến lược, kho tàng cất giấu vũ khí và cả sân bay. Năm 1952, Ních xơn lúc ấy là Phó Tổng thống Mỹ đã đến khảo sát đồi Chợ Gềnh. Trong kháng chiến chống Mỹ đây là nơi luyện tập, trung chuyển nhiều đơn vị bộ đội, khí tài cho chiến trường miền Nam; là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt chống máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. 

- Đất rừng trồng nhiều loại cây như chè, sắn, mía, mọc mạch, củ từ, dong, cây ăn quả, cây lấy gỗ; trong đó chè xanh là sản phẩm nổi tiếng của làng Quảng - Mễ, vải hiến là sản phẩm nổi tiếng của làng Bình Hào, Bát, Thượng Phường. Đất ruộng trồng lúa nước, nuôi cá. Đất màu trồng rau, khoai tây, khoai lang, ngô, lạc, đậu v.v.. Chăn nuôi chủ yếu là lợn, trâu, bò, dê, gà, vịt. Làng Quảng Hạ cùng với làng Quảng Thượng, Bình Hào (trong HTX Quảng Bình), làng Thượng Phường, Bát (trong HTX Bạch Liên) điển hình về sự đa dạng thổ nhưỡng và sản vật “mùa nào thức ấy”, nhưng do đất đai bị mất quá nhiều (do làm hồ Yên Thắng, do cắt làm nông trường Chè Tam Điệp, cắt cho kinh tế mới Mùa Thu, nay lại bị giải toả trắng cho một dự án làm sân gol), truyền thống canh tác nhỏ lẻ, phân tán, phụ thuộc nhiều vào các yếu tự nhiên nên năng suất thấp, lại ít ngành nghề phụ khác nên đời sống kinh tế bị thiếu hụt, dân làng vất vả quanh năm.

            - Núi Tè là tài nguyên có giá trị của làng Quảng Hạ. Đây là núi đá vôi đẹp, dãy núi có chung địa giới với làng Thượng Phường, làng Trinh Nữ. Hai quả núi lớn nhất ở phía làng Trinh Nữ đã bị khai thác đá rất nhiều, nhìn ngọn núi nham nhở, thảm hại, không khỏi xót xa. Đoạn núi ở phía làng Thượng Phường và làng Quảng Hạ còn giữ được gần nguyên vẹn, nhưng cũng có nguy cơ bị khai thác bất cứ lúc nào. Trong núi có nhiều hang, trong đó có 1 hang khá rộng gọi là Hang Dơi, vì trong đó có nhiều dơi. Những năm kháng chiến chống Pháp, du kích làng Quảng Hạ lấy nơi đây là căn cứ hoạt động. Những năm Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, khi có lệnh sơ tán, dân làng Quảng Hạ cũng chạy vào hang núi Tè trú ẩn. Bên núi quay phía làng Trinh Nữ cũng có hang lớn. Vào năm 1952, trong đợt càn quét, du kích và dân chạy vào hang lánh nạn, địch dỡ nhà dân, chất rơm rạ đốt ngoài cửa hang, chúng bỏ thuốc lào, quạt gío vào hang làm chết 42 người. 

- Giao thông đi lại của dân làng bằng đường thủy và đường bộ. Nếu trước đây nhà nào cũng sắm thuyền để đi lên rừng và đi trong mùa lụt thì nay nhà nào cũng có xe. Từ sau năm 1975 đường bộ đã thay thế đường thủy. Làng có 3 cửa ra – vào là phía Tây, phía Bắc và phía Đông. Đường làng đã rải nhựa và bê tông hoá, thuận lợi cho xe cơ giới đi lại. Dân làng thường ra - vào qua cửa phía Tây để đi lên làng Quảng Thượng về trung tâm xã. Cũng từ cửa Tây lên đê hồ Yên Thắng, đi lên trung tâm thị xã Tam Điệp khoảng trên 6 km. Từ cửa Bắc đi qua xã Yên Hoà về trung tâm huyện Yên Mô khoảng trên 4 km.

- Trước, trong và sau năm 1945, dân làng Quảng Hạ có nhiều người đi hoạt động cách mạng, tham gia du kích địa phương và đi bộ đội, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. Một số tên tuổi tiêu biểu trong làng có nhiều công lao cống hiến cho đất nước và đóng góp xây dựng quê hương như ông Phạm Gia Lộc, Phạm Văn Ngoãn, Phạm Văn Lợi, Phạm Văn Bính v.v.. Thời kỳ xây dựng đất nước, nhiều người có trình độ đại học, trên đại học, là cán bộ - đảng viên, doanh nhân thành đạt. Đó là sự trưởng thành của thế hệ con cháu ngày nay góp phần làm rạng danh quê hương Quảng Hạ.


2. Cội nguồn làng Quảng Hạ và dấu tích người Giao Chỉ:
Làng Quảng Hạ có lịch sử văn hoá lâu đời, làng hình thành cùng thời với làng Quảng Thượng, làng Bình Hào, mang trong mình nhiều yếu tố rất có giá trị về di sản văn hoá, ở đây nêu một số giá trị điển hình:
- Từ làng Quảng Hạ đi theo cửa Đông, nhìn về phía Đông Nam cụm núi đá vôi, cách làng hơn 1 km là khu di chỉ Mán Bạc quốc gia, nay thuộc thôn Bạch Liên xã Yên Thành. Trong các cuộc khai quậtvào những năm gần đây, các nhà khảo cổ học phát hiện một số lượng hiện vật lớn đồ đá, đồ gốm chôn theo mộ táng có niên đại cách ngày nay từ 3.000 đến 4.000 năm. Phát hiện nhiều xương thú cùng những mũi tên, mũi lao làm từ xương và đá; phát hiện thấy ngà voi, có thể người cổ Mán Bạc đã săn bẫy và thuần dưỡng được voi. Theo các nhà khảo cổ học cho biết, đây là một làng của người cổ sống cách chúng ta ngày nay từ 3.000 đến 4.000 năm. Nơi đây lưu giữ được nhiều di cốt của tiền nhân còn nguyên vẹn được các nhà nhân chủng học hết sức chú ý. Hiện nay các di cốt này được bảo quản nguyên vẹn tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình phục vụ cho việc nghiên cứu và trưng bày.
- Cách làng Quảng Hạ gần 1km về hướng Nam có di tích khảo cổ học Đồng Vườn, nay thuộc làng Thượng Phường, xã Yên Thành là một di chỉ thuộc thời đại văn hóa Đa Bút. Cho tới ngày nay đây là di chỉ cư trú ngoài trời duy nhất trên đất Ninh Bình.

- Cách làng Quảng Hạ hơn 4 km về hướng Tây có di tích khảo cổ học hang Chợ Ghềnh hay còn gọi là hang Núi Một thuộc phường Bắc Sơn thị xã Tam Điệp thuộc thời đại kim khí cách ngày nay từ 2.000 đến 3.000 năm.

- Nhìn về phía Tây, cách làng Quảng Hạ gần 1,5 km là Đền Núi Hầu thuộc làng Bình Hào, hiện còn giữ được 5 sắc phong, trong đó có một sắc phong thời Tây Sơn, đời Cảnh Thịnh năm thứ tư (1796). Nội dung sắc phong có lời tôn vinh vị thần được thờ tại đền là Cao Sơn Đại Vương. Theo như thần phả của đền Núi Hầu đã được cụ Lê Xuân Quang dịch thì vị thần Cao Sơn Đại Vương chính là Lạc Tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân. Vâng mệnh vua anh là Hùng Vương thứ Nhất đi tuần vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, liền lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang Lang (hiện nay dân làng vẫn gọi cây Quang Lang hay cây búng báng). Năm Mậu Thân (1788) Vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh, khi dừng chân ở dãy Tam Điệp đã đóng hành doanh ở đồi Ông Vua cách làng Quảng Hạ gần 1 km về phía Nam (nay đồi Ông Vua thuộc làng Thượng Phường xã Yên Thành), trước khi tiến quân ra Thăng Long đã cầu thần Cao Sơn âm phù diệt giặc. Sau chiến thắng giặc Mãn Thanh, năm Quang Trung thứ hai có phong duệ hiệu của thần: Cao Sơn, Linh cảm, Diên Huống, Gia Khánh, Phương Du, Hồng Liệt, Anh Thanh Đại Vương.

- Cách làng Quảng Hạ về phía Tây Bắc gần 2 km là đền Năn thuộc làng Quảng Thượng, thờ 5 vị thần thời Hùng Vương thứ 6 vốn là dòng dõi Vua Hùng trấn thủ vùng Nam Lĩnh là: Chàng Hoàng, Quý Nương, Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba. Tại khu vực này còn có tên Toà thành Thiên Phủ - do vua Lê Đại Hành xây dựng. Thành xây trên khu đất cao đầu làng Quảng Thượng, xung quanh thành có luỹ đất, có chiến hào. Trong thành có kho gạo, gọi là Mễ Sở, có chỗ chăn nuôi lợn để bảo đảm thực phẩm cho quân sĩ, lại có núi Vương Ngự (núi Bến), nơi nhà vua lên quan sát binh tình.

- Đền làng Quảng Hạ cũng có 12 sắc phong, nhưng do lâu ngày, việc bảo quản gặp khó khăn, các sắc phong lâu ngày bị ẩm đóng bánh vào nhau rất khó mở ra để đọc nên chưa xác định rõ gốc tích, nội dung sắc phong. Mả Cọ làng Quảng Hạ là rừng cọ nguyên sinh còn sót lại duy nhất trên đất nước Việt Nam, những thân cọ có niên đại hàng mấy trăm tuổi. Từ trước Công nguyên các tướng đời vua Hùng thường về đây đóng quân tập trận nên được gọi là cánh đồng Quan (khác với ruộng quan).

 - Cư dân làng Quảng Hạ hiện nay vẫn xuất hiện một số người có ngón chân cái dài quạc vòng ra như chân ông Phạm Văn Tựa, Phạm Văn Hảng, Phạm Văn Khảm; bàn chân này là dấu tích di truyền còn lại của người Giao Chỉ. Dân làng truyền rằng: Làng đã giấu được đàn ông vào hang núi Tè tránh thảm họa giết phu, hãm phụ của giặc phương Bắc sau sự kiện An Dương Vương. Những ai ngón chân cái dài quạc ra, chân tay gân guốc, ấy là người Giao Chỉ. Các ông đều cao lớn trong làng, các mạch máu, gân guốc ở chân nổi đầy lên khác thường.

Như vậy, nhìn làng Quảng Hạ trong không gian văn hoá thời tiền sử từ 2.000 đến 4.000 năm có chứng cứ khảo cổ học là di chỉ Mán Bạc, di chỉ hang Chợ Ghềnh; lịch sử thời dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng còn được ghi lại qua những sắc phong; dấu tích di truyền ở ngón chân cái của người Giao Chỉ còn xuất hiện đến ngày nay; bên cạnh có làng Bình Hào cổ xưa sầm uất, làng Quảng Thượng dân cư đông đúc, làng Bát phồn thịnh. Từ đó cho thấy cư dân đã lập nên làng Quảng Hạ từ rất sớm, ngay trong buổi bình minh dựng nước của dân tộc Việt Nam.

Toàn cảnh khu di chỉ Mán Bạc Quốc gia (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)


Toàn cảnh khu vực đền Năn làng Quảng Thương (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)


  Hậu cung Đền làng Quảng Hạ có cây muỗm đại thụ  (Ảnh Phạm Văn Uýnh chụp năm 1990)

Một góc làng Quảng Hạ, nhìn từ cổng phía Tây về làng (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Đền làng Quảng Hạ, có 2 cây muỗm vào hàng đại thụ quốc gia (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Toàn cảnh đền làng Quảng Hạ (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Cây đa, giếng nước, sân đình làng Quảng Hạ, nhìn từ cổng phía Tây về làng (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Cây đa, giếng nước, đầu đình làng Quảng Hạ (Ảnh chụp ngày 17/7/2009)
Nhà văn hoá được xây dựng trên nền đất đình làng Quảng Hạ (Ảnh chụp ngày 17/7/2009)
Toàn cảnh Bái Tè và chùa làng Quảng Hạ (Ảnh chụp ngày 17/7/2009)
Chùa làng Quảng Hạ (Ảnh chụp ngày 17/7/2009)
Cây đa Phủ Tè làng Quảng Hạ, có niên đại 500 năm tuổi (Ảnh chụp ngày 17/7/2009)

Cánh đồng phía Tây Bắc làng Quảng Hạ, có Mả cọ hàng nghìn năm tuổi (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Toàn cảnh làng Quảng Hạ, nhìn từ phía Hồ Yên Thắng (Tây) về làng (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Hai cha con tác giả đứng trên đê Hồ Yên Thắng (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Con kênh trước cổng làng và đường mòn đi lên hồ Yên Thắng (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Đường về làng Quảng Hạ, phía cổng Tây (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Cánh đồng phía Đông của làng (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Cổng phía Đông vào làng Quảng Hạ (Ảnh chụp ngày 17/7/2009)
Cánh đồng lúa phía Nam làng Quảng Hạ, phía gần với đồi rừng là làng Thượng Phường (Ảnh chụp ngày 17/7/2009)
Cánh đồng phía Đông Nam và dãy núi Tè làng Quảng Hạ (Ảnh chụp ngày 17/7/2009)
Đường về làng Quảng Hạ, từ cổng phía Bắc (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Cảnh đẹp quê hương (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Hồ Yên Thắng phía bờ Đông Nam, thắng cảnh đẹp của Ninh Bình, có tên gọi là đồi Ông Vua. Mùa xuân năm 1789 vua Quang Trung hội quân tại đây làm lễ xuất chinh tiến về Thăng Long đánh thắng 20 vạn quân Thanh (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Hồ Yên Thắng mênh mông phía bờ Nam (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Phía bờ Nam của hồ là đất đồi rừng của làng Quảng Hạ, làng Thượng Phường và làng Bình Hào, được tổ tiên khai phá, canh tác hàng nghìn năm, nay nhường lại cho một dự án làm sân gol có quy mô lớn nhất Đông Nam Á ?? (Ảnh chụp ngày 16/7/2007).
Hàng chục nghìn dân công, thanh niên huyện Yên Mô xây dựng con đê hồ khổng lồ Hồ Yên Thắng dài 8 km. Con đê này có tên là đê Vĩnh Lợi - một công trình mang tên huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu kết nghĩa với tỉnh Ninh Bình trong kháng chiến chống Mỹ.  (Ảnh chụp ngày 16/7/2007)
Đập Thượng Phường Hồ Yên Thắng. Trận lụt lịch sử năm 1973 hàng trăm bộ đội vượt qua hồ giúp dân cứu đê bị vỡ, có 2 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh tại đây  (Ảnh chụp ngày 16/7/2007).
Sân Gol 54 lỗ Hồ Yên Thắng. (Ảnh chụp ngày 24/7/2009).

 Sân Gol Hồ Yên Thắng. Đây là vùng đất thấm mồ hôi và xương máu của tổ tiên nhân dân 3 làng: Thượng Phường, Quảng Hạ, Bình Hào (Ảnh chụp ngày 24/7/2009).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ