Tấm bia nói về Lê Trọng Thứ thân phụ Lê Quý Đôn ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Tấm bia nói về Lê Trọng Thứ thân phụ Lê Quý Đôn

TẤM BIA NÓI VỀ LÊ TRỌNG THỨ THÂN PHỤ LÊ QUÝ ĐÔN
NGUYỄN MINH TUÂN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Năm 1999, trong một chuyến công tác tại thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, chúng tôi phát hiện tấm bia dựng tại nhà thờ họ Lê, nói về Lê Trọng Thứ, thân sinh ra Lê Quý Đôn. Tấm bia có tên: Hà quận công bi ký, do chắt ngoại Lê Trọng Thứ: Mi Xuyên Phạm Chi Hương giữ chức công bộ Hữu tham tri kiêm sung sử quán Toản tu soạn năm Tự Đức thứ 12 (1859). Bia một mặt, khổ 160 x 100, gồm 27 dòng, trên 1.300 chữ. Trán bia chạm rồng chầu mặt trời, xung quanh hoa lá, đốt dóng trúc đứt đoạn. Thác bản văn bia hiện đã đưa về lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bia mới sưu tầm, chưa có ký hiệu thư viện.
Bài văn bia cho biết một số tình tiết về dòng họ Lê, về thân thế và sự nghiệp của Lê Trọng Thứ mà ở các sách vở khác hoặc chưa nói tới, hoặc có nói tới, thì cũng ít khi gặp, như: Lê Trọng Thứ, hiệu Trúc Am tiên sinh, lúc nhỏ học hành rất sáng dụ, nổi tiếng là thần đồng, lớn lên theo học cụ Thám hoa họ Vũ ở Hào Nam. Năm cụ 27 tuổi đỗ hương tiến, năm 31 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái (1724), làm quan thanh liêm nổi tiếng trong ngoài, năm 65 tuổi về hưu với chức Hộ bộ Hữu thị lang. Ít lâu sau cụ lại được vời ra thăng đến chức thượng thư bộ Hình rồi về nghỉ.
Tổ tiên cụ người huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, họ Lý, từ cụ tổ đời thứ 3 là Phúc Thiện công, dời đến Diên Hà, đổi ra họ Lê, được tặng Thượng thư bộ Công. Bố của cụ là Phúc Lý công bắt đầu giỏi nho, được tặng Thượng thư bộ Binh.
Cụ Lê Trọng Thứ, sinh vào giờ Thìn, ngày 13 tháng Giêng, năm Giáp Tuất (1694), mất ngày 26 tháng Giêng, năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43 (1782), hưởng thọ 89 tuổi. Phu nhân họ Trương, người làng Nguyễn Xá, huyện Duy Tiên, là con gái thứ 3 cụ Trương Công Minh Lượng, tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên hiệu Chính Hoà (1700), làm quan đến Tả thị lang bộ Công.
Cụ sinh hạ 8 người con trai và 10 người con gái: Người con trai trưởng là Văn Trung công Quý Đôn, tối hiển đạt. Các con thứ là: Đình Thái, giữ chức Câu kê Công phiên, tặng Tham chính Quảng Yên; Quý Hằng được tiến triều, giữ chức Đông các học sĩ; Trọng Quản giữ chức Hiến sát phó sứ Hải Dương; Trọng Tiến giữ chức Chỉ huy đồng tri, tước bá; Quý Tự, Quý Điêu đều là Trung uý; Quý Ngạc giữ chức Mậu lâm lang. Con gái, 1 người là cung tần, còn lại đều lấy con cháu nhà thế gia vọng tộc. Mẹ của Phạm Chi Hương, soạn giả của bia này là con gái cụ Quý Tự.
Cụ Trọng Thư có tới trên 1.000 học trò, nhưng đỗ Tiến sĩ có Nguyễn Công Bá Quýnh. Cuối bia có bài minh 32 câu, ca ngợi họ Lê ở Diên Hà, mở đầu có câu:
Lê thị chi tiên,
Xuất tự Kinh Bắc.
Diên Hà tỉ cư,
Thế hữu lệnh đức…
Tiên sinh họ Lê,
Từ vùng Kinh Bắc,
Chuyển tới Diên Hà,
Đời có lệnh đức
Trên đây là nội dung cơ bản của văn bia. Các con của cụ Lê Trọng Thứ, trong đó có Lê Quý Đôn, văn bia không nói gì thêm ngoài một số tình tiết đã nói trên. Về việc từ Đông Ngàn di chuyển sang Diên Hà và đổi họ Lý ra họ Lê, văn bia cũng không cho biết gì thêm.
Ghi thêm về Lê Trọng Thứ và Lê Quý Đôn: Theo Lược truyện các tác gia Việt Nam, thì cụ Lê Phú Thứ sinh năm 1691, mất năm 1781 (?) (Như trên đã thấy, trong văn bia ghi sinh năm 1694 mất năm 1782), còn có tên Lê Trọng Thứ, hiệu Trúc Am, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thình, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724), tước Diễn Phái hầu, thân phụ Lê Quý Đôn, tác phẩm: Trúc Âm thi tập, Trúc Âm văn tập, Lê Công khải sư hành khúc
Về tác giả bài văn bia trên, Phạm Chi Hương, tự Sĩ Nam, hiệu My Xuyên, người làng Mỹ Thữ, huyện Đường An, nay thuộc tỉnh Hải Dương, không rõ năm sinh, mất năm 1871. Năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), đỗ cử nhân, có tiếng hay chữ, quan từ Tri huyện đến Tổng đốc, hai lần sang sứ nhà Thanh. Tác phẩm: Tinh thiều sơ tập, nhị thập. Sứ trình thi tập. Lê Công bi minh.
Lê Công bi minh hiện chép trong Lê Công hành trạng (A43), sách gồm 7 tờ, 18 dòng, 2.500 chữ. Toàn văn chữ Hán chép chân phương, gồm 2 bài:
1. Bài văn bia: Thái truyền Dĩnh quận Lê Công bi minh của Phạm Chi Hương soạn. Đây chính là Lê Công bi minh như Lược truyện các gia Việt Nam đã nêu trên. Bài văn bia cho biết thêm: Lê Quý Đôn giữ chức Công bộ Thượng thư, tặng Thái truyền, tước Dĩnh quận công, thụy Văn Trung, huý Quý Đôn, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường tiên sinh. Lê Quý Đôn sinh giờ Hợi ngày mồng 5 tháng 7, năm Bính Ngọ, mất tại chức ngày 14 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 45 (1784), thọ 59 tuổi. Vợ ông họ Lê, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, là con gái thứ 7 cụ tiến sĩ Thượng thư Lê Hữu Kiều, sinh hạ được 4 người con trai và 2 người con gái. Người con trai trưởng, tên Thao, mất sớm. Người con trai thứ 2 tên Tá, đỗ giải nguyên khoa Giáp Ngọ, làm quan đến Quốc sử toản tu, được phong phúc thần tại bản thôn. Người con trai thứ 3 tên Thuần, đỗ hương cống khoa Tân Mậu, làm quan triều Nguyễn đến Hiệp trấn, thăng Tham tri. Người con trai thứ 4 tên Nghie, làm Đông cung thị nội thư ký. Hai con gái đều gả cho nhà danh gia vọng tộc. Cuối bài văn bia là bài minh 32 câu ca ngợi đức nghiệp của họ Lê ở Diên Hà và Lê Quý Đôn.
2. Lê Công hành trạng, do Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, nguyên lĩnh Sơn Tây Đốc học là Ngạc Đình Nguyễn Hữu Tạo soạn. Đây là bài văn nói về hành trạng Lê Quý Đôn khá tỉ mỉ trong bước đường làm quan cũng như đời tư của Lê Quý Đôn. Đây cũng là tài liệu khá tốt cho ai muốn nghiên cứu kỹ về hành trạng cụ Lê Quý Đôn.
Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.534-538
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ