Ân tình thầy trò qua văn thơ Nguyễn Quỳnh ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Ân tình thầy trò qua văn thơ Nguyễn Quỳnh

ÂN TÌNH THẦY TRÒ QUA VĂN THƠ NGUYỄN QUỲNH

VŨ TUẤN SÁN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trên báo Tiền phong số 180 (20.12. 2001) dưới đầu đề "Thời học của Trạng Quỳnh" có đăng bức thư của Trung tướng Phạm Quang Cận gửi đến nhà báo Hoàng Tùng và nhà văn Nguyễn Đức Hiền cung cấp tư liệu rút ra từ cuốn gia phả họ Phạm ở Đông Ngạc ghi việc Hương cống Nguyễn Quỳnh có tới thụ giáo Bảng nhãn Phạm Quang Trạch và được ra vế đối để thử sức: "Thằng quỷ mang cái đấu, đứng cửa Khôi nguyên" (chữ Quỷ ghép với chữ đấu thành chữ Khôi). Cống Quỳnh đã đối lại: "Con mộc tựa cây bàng, dồn nhà Bảng nhãn" (chữ mộc ghép với chữ bàng là chữ Bảng). So giai thoại được ghi trong cuốn truyện chữ Nôm "Truyện ông Trạng Quỳnh" (Liễu Văn Đường khắc lại 1925) và trong truyện Trạng Quỳnh của Nguyễn Đức Hiền thì trường hợp ra câu đối ghi trong gia phả sát với sự thực hơn. Truyện nôm ghi "Quỳnh ngày ngày giả cách đến xem bình văn để ngấp nghé Thị Điểm. Học trò biết ý vào thưa quan Bảng". Truyện Trạng Quỳnh ghi: "Quỳnh muốn gặp Điểm bèn lấy cớ nghe bình văn, hằng ngày trèo lên ngồi trên cây bàng trước cổng, ngấp nghé nhòm vào nhà quan bảng" Cả hai tài liệu ghi vế câu đối ra: "Thằng quỷ ôm cái đấu". Còn theo gia phả thì có chi tiết: "Quỳnh không vào nhà, đem theo một hộp trầu và rượu đi lại ngoài cổng làm ra vẻ" (môn ngoại vãng lai tác thái). Do đó, vế câu đối ra: "Con quỷ mang cái đấu đứng cửa khôi nguyên" rất phù hợp với hoàn cảnh: Mang không phải ôm vì thấy có mang theo hộp đựng trầu và rượu. "Cửa khôi nguyên" vì tuy Phạm Quang Trạch chỉ đỗ Bảng nhãn, còn ở dưới Trạng nguyên khoa đó là Nguyễn Đăng Đạo, người làng Phù Đổng, nhưng Ông đã đỗ Hội nguyên, đứng đầu kì thi hội. Vế đối lại của Cống Quỳnh cũng thật tài tình, vừa bảo đảm đúng phép đối, cũng ghép hai chữ đơn thành một chữ kép như thấy ở vế đối ra vừa sát với thực tế (nhà Bảng nhãn). Và như lời trong thư của Trung tướng Phạm Quang Cận thì thân phụ Đoàn Thị Điểm (và cả họ Đoàn) không hề đỗ Bảng nhãn. Gia phả còn ghi lời thầy khen trò xin vào học là "Đỗi mẫn tiệp", nhưng "dòm nhà" thì không đỗ, phải "vào nhà" thì mới đỗ, và quả nhiên Cống Quỳnh thi Hội nhiều lần đều hỏng, tuy năm 41 tuổi đỗ Á nguyên khoa Sĩ vọng. Không rõ Nguyễn Quỳnh có biết câu nói trên đoán trước sự thất bại của mình về mặt khoa danh hay không. Hoặc giả có biết nhưng Ông vẫn theo học trường quan Bảng. Có thể vì không tin lời tiên đoán đó, cũng có thể vì muốn học cốt nhằm trau dồi kiến thức hơn là nhằm tạo điều kiện đạt danh vọng. Cống Quỳnh đã thành môn sinh của trường Bảng nhãn họ Phạm và chắc ông thuộc loại xuất sắc bậc nhất, vì đã lưu lại trong gia phả mấy câu của bài văn tế, của bài văn trên bức trướng và một câu đối, ca ngợi tài đức và sự nghiệp của thầy dạy, và công ơn của thầy đối với thế hệ nhân tài đã được thầy đào tạo.
Xin được giới thiệu sau đây mấy tư liệu văn tự nói trên, minh chứng cho truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Tư liệu trích từ tập gia phả họ Phạm ở Đông Ngạc do cháu đời thứ 17 là nhà giáo đã về hưu Phạm Quang Đại cung cấp kết hợp với câu đối và hoành phi còn được giữ tại nhà thờ vọng tộc này.
Vì văn chữ Hán súc tích và muốn dịch đủ ý nên không bảo đảm đúng thể đối ngẫu trong nguyên văn, đồng thời có ghi chú sau bản dịch về những từ có điển tích cần được diễn giải.
(Trích gia phả họ Phạm)
"Môn sinh Hoằng Hoá huyện, Bột Thượng xã, Hương cống Nguyễn Quỳnh nghĩ tế văn nhất đạo tính trướng văn. Lược kí".
(Học trò là Nguyễn Quỳnh đỗ Hương cống, người xã Bột Thượng, huyện Hoằng Hoá làm một bài văn tế và bài văn trên bức trướng. Nay lược ghi).
Văn tế:
"Anh dục Nam thiên, khí chung Đông Ngạc"
(Kỳ trung gian hữu cú vân)
"Thanh niên thành Hội khôi, vị túc vi Phu tử vinh, nhất môn tử tính đồng triều phấn dung, vưu túc kiến Phu tử chi vinh".
Hoàng các tọa thanh phong, vị túc kiến Phu tử lạc, thiên hạ hiền tài đắc vi giáo dục, vưu túc kiến Phu tử chi lạc".
Dịch:
Trời Nam nuôi dưỡng anh tài, Đông Ngạc hun đúc khí tốt (Quãng giữa có câu rằng:)
Tuổi trẻ lập thành tích đỗ đầu kỳ thi Hội, chưa đủ khiến thầy vẻ vang, chỉ thật đủ khiến thầy vẻ vang khi con cháu một nhà cùng làm quan trong triều, phấn chấn lập nên công trạng (1).
Gió mát nơi ngồi ở gác vàng (2), chưa đủ thấy thầy vui, chỉ thật đủ thấy thầy vui khi được dạy dỗ, tác thành các bậc hiền tài trong thiên hạ.
Câu đối:
"Hổ bảng tranh khôi thì cự phách
Ly đình hợp đức quốc lương quăng".
Dịch:
- Trên bảng hổ giành vị trí đứng đầu, trang lỗi lạc của thời đại,
- Nơi sân rồng hoà hợp đức lớn đất trời, bậc tôi hiền trong nước.
Chú thích:
Bảng hổ: bảng ghi tên các người đỗ tiến sĩ.
Sân rồng: ng.v Ly đình. "Ly" có nghĩa: rồng màu vàng, không có sừng. "Ly đình": là từ kép, không thấy ghi trong các từ điển. Có thể hiểu là sân nhà vua, như "Ly bệ": thềm rồng, thềm vua ngự.
Hợp đức: điển trong Kinh Dịch, quẻ Càn: "Đại nhân giả, dữ thiên địa hợp kỳ đức": người có chí lớn hoà hợp với quy luật tốt lành của trời đất).
Phần trên gia phả chỉ ghi: "Môn sinh Hương cống Nguyễn Quỳnh có bài văn tế và bức trướng", nhưng giữa hai bài này lại chép câu đối trên đây, nên có thể coi là cùng một tác giả. Câu đối được khắc trên gỗ treo ở nhà thờ họ cùng với bức hoành có bài văn trên trướng. Trung tướng Phạm Quang Cận và nhà giáo Phạm Quang Đại, hậu duệ của Bảng nhãn Phạm Quang Trạch khẳng định câu đối là của Cống Quỳnh như được ghi trong tộc phả.
Chữ "thì" trong câu đối cũng như trong bài văn trên trướng dưới đây đều viết bằng chữ ///âm đọc là "thần" - ta quen đọc là "thìn" chứng tỏ giả phả được chép và câu đối được làm sau khi chữ "thì" là tên huý phải kiêng tránh dưới thời Tự Đức.
Văn trên bức trướng: Lược ghi
Phiên âm:
"Học lực thiết tha ma trác, cập tuyền tỉnh nhi nhất quỹ sơn,
Văng chương nhã điển hùng hồn, thiên lý câu nhi cửu thiều nhạc.
Nghiễn trung ảnh động long kỳ, tam sách trần tam thiên tự. Điện thượng lô truyền kim bảng đệ nhất giáp đệ nhị danh.
Lục bộ trì bình, công thi ư xã tắc. Tứ thì thành tuế, đức bị ư sinh dân.
Tước sỉ đức đạt Mạnh Tử tam tôn. Phú thọ khang kiêm Thượng thư ngũ phúc.
Thế trung trinh, thế tước lộc, thuyên lặc đỉnh chung. Thế nho học, thế khôi khoa, quang thuỳ sử sách".
Dịch:
Sức học gọt rũa dùi mài, đi từ đầu nguồn đến cùng tận (3). Văn chương thnah nhã uyên bác và hùng hồn như ngựa hay đi ngàn dặm (4) trong tiếng nhạc cửu thiều (5).
Trong nghiên mực lay động bóng cờ rồng (6), ba bài đối sách (7) trình bày 3000 chữ. Trên điện tiếng loa truyền bảng vàng trúng tuyển, đỗ đệ nhất giáp đệ nhị danh (8).
Ở lục bộ giữ đức công bằng, đem hết công sức phục vụ xã tắc. Bốn mùa suốt năm, ơn đức đầy đủ tới mọi dân thường.
Chức tước, tuổi cao, đức hạnh đạt ba thứ cao quý theo lời Mạnh Tử (9).
Giàu có, tuổi thọ, khang ninh, gồm năm điều phúc nói trong Kinh Thư(10).
Đời đời trung kiên, đời đời tước lộc khắc chạm trên đỉnh và chuông. Đời đời nho học (11) đời đời thi đỗ hàng đầu, sáng đẹp trên sử sách.
******
Bài văn tế, bài văn trên trướng (dù chỉ là lược ghi) và câu đối đủ cho thấy sự ngưỡng mộ và tri ân của tác giả đối với thầy dạy. Sức học uyên bác, tài văn chương của thầy, cùng đức tận tụy trong chức vụ và hạnh phúc được hưởng tuổi già, thấy con cháu thành đạt, dạy dỗ được nhiều nhân tài, mọi thứ tốt đẹp đó được thể hiện qua những dòng chữ. Và đáng quý là lời văn đầy nhịp điệu và hình ảnh điển tích không phải là khuôn sáo mà rất đúng với thực tế, với cuộc đời và công trạng cao đẹp của thầy dạy, Bảng nhãn Phạm Quang Trạch. Những văn bản trên cho thấy tài văn học của tác giả, của người đã có hai bài phú được đưa vào những trang đầu bộ sưu tập "Lê triều danh phú", và cũng cho thấy tâm tình trung hậu hàm ân của một học trò giỏi đối với thầy dạy. Ngoài ra, tác giả còn tỏ ra là một người con, một người anh hiếu nghĩa trong các bài văn tế mẹ và văn khóc em được giới thiệu trong cuốn"Nguyễn Quỳnh - Trạng Quỳnh" (của Nguyễn Đức Hiền Nxb. Giáo dục 2000).
Rất có thể chỉ dựa vào các văn bản trên, nên có ý kiến cho rằng một Nguyễn Quỳnh rất "đúng mực", sống đầy ân tình như vậy, không dính líu gì với nhân vật Trạng Quỳnh trong văn nghệ dân gian. Gia phả họ Phạm cho phép khẳng định trái lại. Câu đối "Con quỷ ôm cái đấu" lưu truyền trong truyện kể về Trạng Quỳnh được ghi lại trong gia phả rất sát với thực trạng Nguyễn Quỳnh đến xin học. Và câu nói của ông thầy khi được biết tên của trò muốn nhập môn: "Cống Quỳnh cũng muốn học cửa ta sao? Hay muốn tới gây chuyện đùa giỡn?" cho thấy hồi đó Nguyễn Quỳnh đã nổi tiếng với những chuyện tinh nghịch thích trào lộng. Có thể nói tư liệu văn tự trong gia phả họ Phạm đứng đầu trong "Đông Ngạc tứ tính" (Bốn họ Phạm, Phan, Đỗ, Nguyễn ở Đông Ngạc) cho thấy tâm hồn phong phú đa dạng hiếm thấy của một nho sĩ rất trong lễ giáo qua những bài văn sáng tác còn lưu lại trên sách vở, nhưng đồng thời cũng là nhân vật "cổ kim hài hước đệ nhất" như lời ghi trong gia phả nói trên.
Chú thích:
1. Phấn chấn lập nên công trạng: ng.v. "phấn dung": điển trong Kinh Thư thiên Thuấn điển: "Hữu năng phấn dung hi Đế chi tái" (ai có thể phấn chấn lập công trạng, làm sáng tỏ sự nghiệp của Vua).
2. Gác vàng: ng.v. Hoàng các: Gác sơn màu vàng, nơi làm việc của thừa tướng đời Hán. Nghĩa rộng: chỉ nơi làm việc của các đại thần trong triều.
3. "Đầu nguồn": ng.v "tuyền tỉnh": giếng của suối, tức giếng cung cấp nước cho suối, nơi suối xuất hiện. Thơ Tả Tư (đời Tấn): "Tiền hữu hàn tuyền tỉnh. Liêu khả oánh tinh thần" (Phía trước có nguồn giếng suối lạnh, tạm đủ khiến tinh thần sáng trong). Tận cùng: ng. v "nhất quỹ sơn" (gò một sọt). Kinh Thư (thiên Lữ ngao): "Thí như vi sơn cửu nhật, công khuy nhất quỹ": ví như đắp gò chín nhận (một nhận là 0m32, việc làm thiếu một sọt đất (mới được hoàn thành). "Nhất quỹ sơn": gò đã có một sọt đất (để được đắp xong): công việc hoàn thành triệt để.
4. Ng.v "thiên lý câu". Gia phả ghi lầm là thiên lý quân. Sửa lại theo hoành phi ở nhà thờ. "Thiên lý câu": ngựa hay đi ngàn dặm là hình tượng của tuổi trẻ có tài trí lớn.
5. Nhạc cửu thiều: cũng gọi là "cửu chiêu" tức nhạc tiêu thiều chín khúc của vua Thuấn ca ngợi công đức của vua (xem X. Trung văn đại từ điển - Đài Bắc).
6. Cờ rồng: Cờ của vua. "Nghiễn trung ảnh động long kì" ý nói tài văn chương ước hẹn sự đỗ đạt được gần cờ rồng, gần vua.
7. Ba bài đối sách: ở ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đì
8. Tức đỗ Bảng nhãn.
9. Sách Mạnh Tử (thiên Công Tôn Sửu hạ): "Thiên hạ hữu đạt tôn tam: tước, sỉ, đức". (Trong thiên hạ có 3 thứ được tôn quý: chức tước, tuổi tác, đức hạnh). Gia phả ghi "tước đức sỉ" nay sửa lại theo văn trên hoành phi và hợp với sách Mạnh Tử.
10. Kinh Thư (thiên Hồng phạm) Ngũ phúc: nhất viết thọ, nhị viết phú, tam viết khang ninh, tứ viết du hiếu đức, ngũ viết khảo chung mệnh (năm điều hạnh phúc: sống lâu, giàu có, mạnh khoẻ, hướng tới và yêu quý đức hạnh, về già được trọn vẹn mệnh sống, không bị tai nạn, không mang tội).
11. Theo lời văn trên hoành phi. Gia phả ghi là "nho nhã".
Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.491-499
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ