Phạm Đình Trạc (Bạt Khang) - người gương tiết liệt ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Phạm Đình Trạc (Bạt Khang) - người gương tiết liệt

PHẠM BẠT KHANH - NGỜI GƯƠNG TIẾT LIỆT
HOÀNG THỊ MAI HƯƠNG
Hà Nội
Nói đến gương Trung quân tuẫn quốc, người ta phần nhiều khâm phục Nguyễn Tri Phương (2873) và Hoàng Diệu (1883) tuẫn tiết cùng thành Hà Nội mà ít biết rằng, trước đó tới bốn, năm chục năm (1883) còn có Phạm Đình Trạc, Phạm Đăng Lưu(1) và Bùi Tăng Huy(2) cùng một lúc hy sinh hết sức lẫm liệt theo thành Cao Bằng. Tấm gương của ba liệt sĩ Nam Trung Bắc này đã được chép vào phần Trung nghĩa liệt truyện - Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập. Song ở mức độ rất sơ lược.
Riêng về Phạm Đình Trạc, qua việc nghiên cứu hai tư liệu bằng chữ Hán trong thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Cao Bằng ký lược, kí hiệu A.999 và Cao Bằng thành hãm sự ký, kí hiệu A.1379, chúng tôi đã cố gắng khắc họa về cuộc đời, sự nghiệp và những giây phút cuối cùng oanh liệt của ông.
Phạm Đình Trạc tự Bạt Khanh sinh năm 1794, hiệu Thuần Tiết, thụy Đoan Trực, người huyện Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Ông là hậu duệ của Phạm Công Thư, Thái tể đời Lê. Năm Tân Tỵ niên hiệu Minh Mệnh 2 (1821), ông đỗ Hương tiến (Cử nhân); khoa thi Hội Ân khoa năm Nhâm Ngọ hiệu Minh Mệnh 3 (1822) ông trúng tam trường. Sau đó Bạt Khanh được bổ làm Lễ bộ Hành tẩu, rồi làm Tri huyện ở Hà Đông, sau lại thăng làm Lễ bộ Viên ngoại lang, thăng làm Lại bộ Lang trung.
Tháng 12 năm Minh Mệnh 13 (1832) ông được điều lên làm Án sát xứ Cao Bằng. Tháng 8 năm sau (1833) năm Quý Tỵ, Tri châu Nùng Văn Vân nổi dậy làm phỉ chống lại triều đình ở Tuyên Quang, chiếm Bảo Lạc sau lan sang Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn làm chấn động khắp ba mặt tỉnh Cao Bằng, đồng đảng của hắn là Nguyễn Hữu Đàn, Nguyễn Tá Cẩn đến tiếp ứng, uy hiếp tỉnh thành Cao Bằng, thế giặc rất mạnh. Trong tỉnh tuy có thổ dân Cao Lạc hợp lại chống nhưng không nổi.
Tháng đó Hoàng Văn Quyền, Tuần phủ Lạng - Bằng sai Lãnh binh Phạm Văn Lưu dẫn quân đến tiếp ứng. Được tin, Bạt Khanh cùng Bố chánh Bùi Tăng Huy xuất quân phối hợp. Song quân ít không địch nổi phải lùi vào thành dùng mưu chống đỡ để đợi viện binh. Ngày 2 tháng 9, giặc kéo đến vây bức. Bạt Khanh chọn hơn 30 nghĩa dũng cố sức chiến đấu. Giữ thành được hơn một tháng, lương hết, quan quân đều nhiễm bệnh, lính đào tẩu quá nửa. Ngày 3 tháng 10, giặc Vân tề tập xung quanh, tấn công vào bốn mặt thành lũy, bắn liên tục làm cây cối quanh thành đổ rụng hết, tình thế thật nguy cấp. Nửa đêm nghe thấy tiếng voi gầm, trong đồn lấy làm kinh hãi, sáng ra thấy Tuần phủ Lạng - Bằng Hoàng Văn Quyền bị giặc bắt vào cũi chở trên lưng voi để uy hiếp dụ hàng quân trong thành. Trong đồn nhiễu loạn, Bạt Khanh thấy tình hình không thể cứu vãn được nữa, bèn bàn với Bùi Bố Chánh: “Tháng trước nghe tin có Tổng binh sẽ đến tấn công giải vây Lạng Sơn, song viện binh vẫn chưa tới, biết làm sao được, nay chờ đến lúc có thư thì tính mệnh quân ta ở đây cũng chẳng còn”. Ông tính sẽ chết theo thành, sai quân mai táng ở đầu đất phía đông. Ông chỉ đầm sâu mà nói: “Đây là huyệt tốt của vợ con ta”. Trước tiên Bạt Khanh bày hương án, áo mũ chỉnh tề, vọng bái vua và cha mẹ, sau giết vợ con mình để khỏi sa vào tay giặc. Các thuộc hạ, nô bộc xin chết theo. Ông đau đớn làm bài phú cuối cùng. Tạm dịch như sau:
“Đông Tân Tỵ làm quan
Ra đi đông Quý Tỵ
Ôi đến cái chết này
Thờ vua mới một kỷ(3).
Những mong tôi thờ vua
Tận trung mà không thể.
Nguyện phụng dưỡng song thân
Thọ lâu, mới một hỷ(4).
Đã lìa vạn dặm xa.
Vợ gầy con thơ bé
Ba mươi ba ngày trời
Sức thần đã kiệt quệ
Không giữ nổi đất vua.
Chết đền ơn trời bể.
Nơi cung đình cao xa
Có thấu tình chăng nhẽ?
Xin cầu cho song thân
Phúc thọ cùng sức khỏe
Con có được thân này
Ơn cha sinh mẹ đẻ.
Bấm đốt ba chín năm
Hợp ít, ly nhiều thế
Mới hiểu dưỡng một ngày
Ra đi, tội sao kể
Đội ơn thiên tử ban:
Trật hàm đến tứ phẩm
Quan chức thật cao sang
Phúc lớn chẳng dám nghĩ.
Không giữu được đất vua
Không bỏ mình vì nước
Rồi đây mặt mũi nào
Nhìn thiên hạ sĩ tử.
Nay thờ vua vẹn đạo
Bằng chính cái chết này
Vợ yếu con thơ xin chịu tội.
Chiếu nguyện vọng;
Con tuy có ngày chết
Nhưng vẫn còn năm sinh.
Đau đớn khôn cùng
Bút không kể tận
Chỉ xin muôn vàn bảo trọng
Nước mắt máu nhòa con xin vái lạy.
Sau đó Bạt Khanh tự sát. Theo ông, Lãnh binh Phạm Văn Lưu, Bố chánh Bùi Tăng Huy cũng quyên thân.
Ngày 5 tháng 10 vua Minh Mệnh được tin rất đau xót thương tiếc cho phục lại chức; ban cấp cho mỗi nhà 100 lạng bạc, thu di hài vào quan quách, đem về nguyên quán chôn cất. Ra lệnh cho quan tỉnh chọn chỗ đất cao ráo ở làng Gia Cung, huyện Thạch An, đông nam thành Bao Bằng lập miếu đường ở đất ấy, gọi là Trung từ và tặng cho ba người tuẫn tiết ở thành Cao Bằng. Xin giới thiệu một trong ba bài thơ “Ngự vịnh tặng phong Cao Bằng tỉnh Tam trung tuẫn tiết tam thủ” của vua Minh Mệnh (Trích trong tập “Tạp sáo tân biên”).
Vì nước có người lưu đại nghĩa
Lập đền riêng Đế xót cô trung
Ba sinh danh chẳng đề năm tháng
Một chết theo về với núi sông.
Cuồn cuộn giữa dòng cùng nước chày
Hiu hiu muôn thuở gió mênh mông
Vân Trường(6) hiển miếu là hàng xóm
Trung hiếu xưa nay Nam Bắc cùng.
Đồng thời có rất nhiều sĩ phu cả nước thương tiếc cảm phục Phạm Đình Trạc, lần lượt gửi đối văn đến viếng như:
1- Lại bộ Lang trung Nguyễn Tuần Phủ.
2- Nguyên Lễ bộ Lang trung Bính Tuất Tiến sỹ Ngô Hy Nhan.
3- Hoàng Tế Mỹ, Lưu Tân, Nguyễn Bảo, Dương Phái, Lưu Huy, Hoàng Văn Đĩnh, Vũ Tài, Lưu Trường, Vũ Bào cộng vãn.
4- Tiến sĩ Lê Văn Trung.
5- Hoàng Giáp Phạm Đôn Nhân
6- Tuần phủ Quảng Yên Vũ Hồng.
7- Đốc học Quảng Yên Đặng Văn Toàn.
8- Tiến sĩ Bùi Ngọc Quý.
9- Huấn đạo Nguyễn Khắc Thận.
10- Văn hội bản tổng.
11- Hội Tư văn bản tổng.
12- Đồng Khế: Tiến sĩ Vũ Tông Phan, Lê Văn Trung, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, Cử nhân Dương Bá Cung, Nguyễn Đình Đao, Đào Bình Bảo cộng vãn.
13- Hà Tôn Quyền có 5 bài thơ khóc.
14- Nguyễn Văn Lý có thơ khóc.
15- Phạm Đôn Nhân có thơ điếu.
Xin chọn một vài bài thơ bài văn khóc Phạm Đình Trạc mà qua đó ta hiểu thêm được về Phạm Bạt Khanh những giây phút oanh liệt cuối cùng của ông.
Bài 1: (Nằm trong năm bài thơ khóc Phạm Bạt Khanh của Hà Tôn Quyền).
Lẫm liệt chết như sống.
Anh hùng thay Bạt Khanh
Thư sinh sao trang liệt
Nhà vua chưa biết danh
Đánh giữ không có chỗ
Sống chết quyết cùng thành
Thương thay nghe tin muộn
Sự việc mới rõ rành.
Bài của Tiến sĩ Vũ Tông Phan - Tiến sĩ Lê Văn Trung – Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, Cử nhân Dương Bá Cung, Nguyễn Đình Dao, Đào Đình Bảo cùng viếng. Tạm dịch như sau:
“Than ôi! Chết vốn đã khó vậy. Nhưng đối với những người như ông đâu phải coi cái chết là đủ. Sinh thời ông mang trong mình cái thông minh của trời đất, gánh học vấn của thánh hiền. Vốn muốn có được công trạng nổi bật với thiên hạ cùng chịu ân tứ để xứng với việc gặp được thời sáng. Chẳng may gặp nguy nan mà chết. Lấy trung nghĩa để cảm kích lòng người, cùng sống chết một phương, lấy việc triều đình giao cho trọng trách làm sở nguyện của mình. Người đã tính đến cái chết ở trong lòng ngay từ buổi đầu, lẽ nào không giữ kín mãi?
Mùa thu năm ngoái, giặc nổi lên ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Triều đình đã cử đại binh chia nhau ra cứu mà Cao Bằng vẫn trơ trọi không thông. Bọn tôi đều cho rằng: nếu không được viện binh, thì tất sẽ nguy.
Đầu mùa đong, nghe đồn rằng ông đã tự tận nhưng tin chưa rõ ràng. Tháng chạp, thi hài ông được chuyển về sông Nhĩ thủy, bọn tôi lần lượt đến viếng thăm. Thì ra đầu tiên tháng tám, giặc đến quấy nhiễu, ta địch không nổi, ông cùng Bố chánh, Lãnh binh và các quan viên ở tỉnh lui về thành Thương Sơn thủ chiến.
Sau một tháng thành vẫn vững. Rồi Tuần phủ Cao Bằng đến tiếp viện bị giặc bắt làm tù binh, đem ra để uy hiếp mọi người. Đạn đã hết, quân lính hoảng loạn, ông biết tình thế: nếu không được chi viện sẽ chết, bèn bàn với Bố chánh, ăn mặc triều phục đầy đủ, hướng về phía Bắc vái 5 lạy, hướng về văn miếu vái vọng cha mẹ. Sau đó đót bản đồ, soạn một bài thơ nói lên ý chí của mình, gởi thư về cho cha mẹ, không nói riêng gì về mình rồi giục gia quân đào huyệt định đêm sẽ chết ở đó. Sau sợ bọn giặc không biết mình đã chết sẽ làm hại đàn bà trẻ con trong thành, sớm hôm sau, ông mặc triều phục như thường, đứng ở chỗ sẽ chôn mình, trước tiên giết vợ con để khỏi sa vào tay giặc, gia nhân khóc lóc van xin, ông mỉm cười nói: “Thanh ôi anh hùng thất thế, vợ con nặng tình” rồi nằm xuống huyệt. Gia nhân không nỡ lấp đi, ông giục giã lấy tay áo che mặt và ra lệnh lấp đất. Giặc trèo lên bốn mặt núi nghe ngóng. Mặt đất tạm bằng. Bố chánh hỏi: Án sát đâu rồi? Quân lính thưa: đã chết! Bố chánh bèn rút kiếm tự vẫn. Lãnh binh tỉnh Lạng Sơn cũng làm theo. Giặc thắt chặt vòng vây, thành vỡ. Lúc giặc chưa nổi lên, ông đã đoán rằng, sang xuân khoảng tháng 5, tháng 6 sẽ xảy ra sự việc này và dặn dò các quan dưới quyền cùng các bạn ở tỉnh bên rằng: “Giặc dù chưa động, chẳng thể coi thường được. Cuối cùng không cản chúng, vạn nhất thành bị cô lập, đầu tiên tôi sẽ giết vợ con, sau sẽ tự sát để báo đền ơn nước”. Quả nhiên đã như vậy. Trong thơ có nói “Ba mươi ba này, sức thần đã kiệt” chứ đâu phải lo sợ mà co lại, đành chết với thành. Tháng 7 viện binh của giặc rút lui. Một tháng sau giặc suy và đại binh đến. Lại một tháng nữa triều đình mới biết đầu đuôi và ân dụ rằng: “Sự việc là do thành cô mà nguy vậy”; lại nói “Ung dung mà chết vì đại nghĩa chứ không phải làm tắc trách suông đâu”.
Than ôi! Ông bất hậnh mà phải chết như vậy. Từ xưa nay có mấy người như ông, đã thế lại bị mai một bởi những lời đàm tiếu của bọn tiểu nhân. Người có chí đời sau chép nhặt đôi điều mà làm tiểu truyện cũng như việc dụng tâm của ông Âu Dương xưa vậy. Đáng khen thay! Nay nếu sống thì có thể được triều đình khen thưởng, khích lệ và được giới sĩ phu cảm kích. Cái chết ấy có thể báo hiệu cho nhân tâm thế đạo.
Ông từ năm Tân Tỵ đã đỗ cử nhân, được 6 năm triều đình bổ làm Tri huyện, 6 năm sau mới được làm Niết ty Cao Bằng và được nửa năm thì gặp nạn. Ông giao thiệp với bạn bè càng lâu càng được kính trọng, nhẹ nhàng thanh đạm mà ý nhị sâu sắc, luôn luôn mỉm cười ôn hòa, bề ngoài dường như không tỏ thái độ gì mà bên trong kiên quyết không thể đổi thay. Vì vậy bọn tôi vô cùng quyến luyến và không thể nào quên được”.
Chao ôi! Cái tiết của kẻ sĩ là: Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng(7), là tùng bách sừng sững hiên ngang, lạc ngọc mài chăng khuyết nhuộm chăng đen (Nguyễn Trãi, Thuật hứng XXIV), là băng tuyết trắng tinh, là sen ngào ngạt gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn (Ca dao Việt Nam)… biết ngợi ca bao nhiêu lời cho đủ. Sự hi sinh lẫm liệt của Phạm Bạt Khanh cùng hai đồng sự của ông vì thành, vì nước càng tôn vinh thêm khí tiết của các nhà nho Việt Nam.
Chú thích:
(1) Phạm Đăng Lưu: Người làng Tân Bình, Gia Định. Đầu tiên nhập ngũ, lập công trạng được thăng tới Lãnh binh tỉnh Lạng Sơn.
(2) Bùi Tăng Huy tự Ngọ Uẩn quê ở đạo Ninh Thuận (Phan Rang) đỗ Cử nhân năm Gia Long 18 được cử ra bắc làm Bố chánh sứ Cao Bằng.
(3) Mười hai năm.
(4) Mới mừng thọ cha (mẹ) bát thọ một lần.
(5) Bành là người đời Đường Nghiêu, tương truyền sống đến 800 tuổi. thường là chỉ người chưa thành niên đã chết. Ở đây nói tuổi thọ ngắn dài khác nhau.
(6) Tức Quan Vũ, một trong những tướng tài, kết nghĩa với Lưu Bị, gây dựng nhà Thục Hán? 219 Quan Vũ nổi tiếng về lòng trung nghĩa và khí tiết cứng cỏi.
(7) Thơ Thép Mới “Cây tre Việt Nam”.
Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.185-193
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ