Tục lệ độc đáo có từ thời Lê của l. Nghìn (Đông Linh), nay là x. An Bài h. Quỳnh Phụ. Truyền rằng, tướng Phạm Bôi, sau mỗi trận đánh thắng quân Minh, thường cho làm một chiếc bánh chưng khổng lồ để khao quân. Từ đó, hàng năm vào các dịp lễ hội, dân l. Nghìn lại tổ chức thi bánh chưng khổng lồ. Năm 2000, trong dịp Hà Nội tổ chức kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, có biểu tượng một chiếc bánh chưng nặng gần 60 kg chính là sản phẩm của dân l. Nghìn. Để có một chiếc bánh chưng khổng lồ phải mất nhiều công chuẩn bị nguyên liệu. Thông thường, mỗi chiếc bánh chừng 30 kg gạo nếp, trên dưới 10 kg đỗ xanh, 5-7 kg thịt lợn và các gia vị trong nhân hành, hạt tiêu, thảo quả. Cần hàng trăm tấm lá dong, nhiều dây chuối hột khô, lạt tre để gói bánh. Một chiếc bánh chưng vuông vức cần 6-8 nghệ nhân gói. Các nghệ nhân phải đem cài lá dong thành một tấm phên lớn, rồi tết dây, gây mối. Trên một chiếc nong đại, đặt phên lá dong lên trên 4 chiếc lạt tre dài được xếp thành hình chữ Tỉnh (#). Gạo, thịt, đỗ và gia vị đổ vào lần lượt như gói bánh chưng thường. 4 người vuôn gạo dần lên cho bánh vuông vức. Dây chuối khô được bện và đan gài sẵn và 4 người còn lại, cứ vuôn đến đâu thì bện dây, gài lá đến đó thu dần lên phía trên để sao cho bánh nằm gọn trong chiếc rọ võng. Các đầu dây chuối châu về, chập lại thành một chiếc óc quang để luồn chiếc đòn tre khiêng bánh đặt vào một chiếc nồi đồng cỡ lớn tới mức người lớn có thể ngồi trong nồi mà chèo qua sông được. Khi luộc, bánh vẫn được treo nguyên trên chiếc đòn tre đặt ngang miệng nồi để bánh lơ lửng không bị sát đáy. Đặt nồi luộc bánh trên miệng cái hố lớn hình chữ thập, bên dưới chất củi đốt. Bánh chín được đưa lên kiệu rước ra miếu cúng. Sau khi cúng, người ta chia đều bánh cho các nhân đinh. Các nhà làm bánh đi biếu những người thân trong họ ngoài làng như một hình thức báo hỉ. Ngày nay tục gói bánh chưng khổng lồ đang được phục hồi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét