Tư liệu Hán Nôm tại nhà thờ Phạm Công Trứ ở Liêu Xuyên ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Tư liệu Hán Nôm tại nhà thờ Phạm Công Trứ ở Liêu Xuyên

TƯ LIỆU HÁN NÔM TẠI NHÀ THỜ PHẠM CÔNG TRỨ Ở LIÊU XUYÊN
Đinh Văn Minh
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Địa danh: “Liêu Xuyên” đã đi vào lịch sử và mãi mãi gắn liền với những tên tuổi mà sử sách đã giành những trang xứng đáng để ghi nhận, ngợi ca. Trong những tên tuổi ấy, nổi bật hơn cả là nhà sử học, nhà chính trị, nhà thơ thế kỷ XVII: Phạm Công Trứ.
Về Phạm Công Trứ, sách Lịch triều hiến chương loại chí, ở phần “Nhân vật chí”, Phan Huy Chú viết: “…Ông là người thâm trầm, giản dị, chắc chắn. Ra đương việc nước 19 năm, đặt ra phép tắc, sửa soạn kỷ cương, đè nén những kẻ cậy thế nhũng lạm, yêu chuộng những người có phong cách tiết tháo, được đời khen là Tể tướng có tiếng tốt. Ông lại ham đọc sách, chăm học đến già vẫn không mỏi. Có đức tốt, có danh vọng, có công lao sự nghiệp, là bậc hiền tể thứ nhất sau đời Trung hưng…”(1). Tìm hiểu danh nhân lịch sử này, có thể dựa vào các nguồn tư liệu khác nhau. Nhưng thật là thiếu sót, nếu không đọc những “trang sử bằng đá” ở Liêu Xuyên được nhân dân và dòng họ Phạm gìn giữ hơn ba thế kỷ qua.
Liêu Xuyên xưa, nay thuộc xã Nghĩa Hiệp, huyện Mĩ Văn tĩnh Hưng Yên. Ở thôn Thanh Xá có nhà thờ Phạm Công Trứ(2). Đây vốn là từ đường họ Phạm do Phạm Công Trú hưng công dựng năm Cảnh Trị thứ 7 (1669), sau khi thân phụ mới qua đời. Nhà thờ hiện nay chỉ là một gian nhà gạch mái ngói thấp hẹp, đơn sơ. Cụ Phạm Bội Lê năm nay 79 tuổi là hậu duệ đời thứ 9 của Phạm Công Trứ cho biết: Tương truyền Phạm Công Trứ tính giản dị, chất phác, xây dựng từ đường chỉ dùng các vật liệu cũ đã dùng rồi và qui mô nhà thờ hiện vẫn giữ nguyên qui mô từ đường họ Phạm ngày trước. Trong nhà thờ, treo một hoành phi và một đôi câu đối. Hoành phi có 4 chữ lớn “Trung hưng hiền tướng” (nghĩa là: Tể tướng giỏi thời Trung hưng). Bốn chữ này là chữ của Vua Lê phong tặng khi Phạm Công Trứ đã qua đời. Chữ trên câu đối vốn là chữ ở lá cờ chúa Trịnh Tạc tặng lúc ông được về hưu vào năm Mậu Thân (1668). Câu đối như sau:
- Điều đỉnh nại, nhiếp âm dương, triều đình trụ hoạch.
- Hoàn qui mô, định hiệu lệnh, quốc gia đống lương.
Nghĩa là:
- Nêm canh đỉnh vạc, điều hòa khí âm dương, làm cột đá cho triều đình.
- Hoàn thành qui mô, định ra hiệu lệnh, là rường cột của Nhà nước(3).
Trong khuôn viên của nhà thơ còn 10 tấm bia đá. Đáng chú ý là các bia sau đây:
1. Phạm tướng công gia phả chi bi
Mặt sau: Tiên Nhân thọ niên húy nhật.
Người dựng: Phạm Công Trứ.
Năm dựng: Vĩnh Thọ nguyên niên (1658).
Người soạn văn bia: Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Hộ bộ Tả thị lang, Lai Xuyên hầu, trí sĩ, Kinh Từ Đông Thiết Đồng Chính Phái.
2. Huệ điền chi bi
Mặt sau: Văn hội tính danh.
Năm dựng: Cảnh Trị thứ 6 (1668).
Người soạn văn bia: Tân Mùi khoa đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Công bộ thượng thư, Thiếu bảo, Cẩm quận công, trí sĩ, Hải Nam Chí Lạc Phác Phủ Nguyễn Thọ Quyến.
3. Thái Bảo công từ đường chi bi
Từ đường điền thổ.
Người dựng: Phạm Công Trứ.
Năm dựng: Cảnh Trị thứ 7 (1669).
Người soạn văn bia: Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh khoa Tân Mùi, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Công bộ thượng thư Thiếu bảo, Cẩm quận công, trí sĩ, Hải Nam Chí Lạc, Phác Phủ Nguyễn Thọ Quyến.
4. Đại Thừa tướng sự nghiệp bị
Mặt sau: Tiên nhân sinh niên húy nhật.
Người dựng: Các con…
Năm dựng: Vĩnh Trị thứ 4 (1679).
Người soạn văn bia: Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, Đông các đệ nhị danh khoa Kỷ Hợi, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Tham tụng Công bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, Duệ quận công trụ quốc thượng trật Hồ Sĩ Dương.
Các tấm bia kể trên là những văn bản bằng đá, là nguồn tư liệu có độ tin cậy cao. Nhờ nguồn tư liệu này, chúng ta cso thể đính chính những lầm lẫn thiếu sót có tính chất sử liệu ở sử sách và công trình nghiên cứu, bài viết có liên quan. Ví dụ: Sách Đại Việt sử ký toàn thư(4) vàLịch triều hiến chương loại chí(5) đều chép “Sau khi Phạm Công Trứ chết, được tặng Thái tể, cho tên thụy là “Trung Cần”. Bia “Đại thừa tướng sự nghiệp bi” lại ghi tên thụy là “Kinh tế”. Vấn đề này, ở sách “Thừa tướng Phạm công niên phả”(6) có lời bàn như sau: “Thụy là “Trung Cần” e nhầm. Tra tờ sắc phong tặng thì tên thụy là “Kinh tế” (Kinh bang tế thế - Đ.V.M chú thích). Bởi lẽ hai chữ “Kinh Tế” mới xứng với thực chất, còn “Trung Cần” chỉ mới nói được mặt tiết hạnh mà thôi”(7).
Các sách khảo cứu như: “Lược truyện các tác gai Hán Nôm, Danh nhân lịch sử Việt Nam”, Thư mục Hán Nôm - mục lục tác giả đều nhầm năm sinh của Phạm Công Trứ là năm 1599. Bia số 4 cho biết Phạm Công Trứ sinh năm Canh Tý. Năm Canh Tý là năm 1600 tính ra dương lịch, còn năm 1599 là năm Kỷ Hợi tính ra âm lịch. Bia còn cho biết tháng, ngày, giờ sinh và mất(8).
Hoặc trong bài viết với đầu đề “Đại Việt sử ký tục biên sơ thám” của tác giả Quách Chấn Đạc đăng trên tạp chí “Đông Nam Á” số 4năm 1989 xuất bản ở Vân Nam Trung Quốc, viết rằng: “Phạm Công Trứ xuất thân trong một gia đình phong kiến thưu hương khá giả, đời ông cha đều làm quan”. Đây là sự lầm lẫn không đáng có. Phạm Công Trứ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ít chữ. Đời o­ng đời cha phải chăn vịt, cày ruộng. Chính Phạm Công Trứ thiếu thời vì nhà nghèo, toan đi phương khác kiếm ăn, nhưng nằm mộng thấy thần mách bảo phải chịu khó học hành, muộn mới thành danh. Chỉ đến khi Phạm Công Trứ đỗ đạt, làm quan, ông bà cha mẹ mới được ấm phong tước lộc. Ông Công Cai có công nuôi dạy con được ấm phong, đặc cách bổ chức Lệnh doãn huyện Hoài An (bia gia phả).
Những điều vừa nêu là một phần giá trị của những tấm bia đá tại nhà thờ Phạm Công Trứ ở Liêu Xuyên.
Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu tìm hiểu danh nhân lịch sử Phạm Công Trứ và những vấn đề liên quan, chúng tôi dịch bia số 4 để bạn đọc tham khảo.
Bia ghi sự nghiệp Đại thừa tướng
Đại thừa tướng họ Phạm, húy Công Trứ, sinh năm Canh Tý (1600), người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, vốn giàu lòng trung hiếu, chăm chỉ học hành.
Năm 22 tuổi đỗ khoa thi Hương.
Năm 26 tuổi đỗ khoa thi sĩ vọng, được sung chức Huấn đạo.
Năm 29 tuổi đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Mậu Thìn (1628), sau đó vào diện rồng ứng chế được đỗ, được nhậm chức ở viện Hàn lâm, rồi làm quan trải các chức Hiến sứ, Phủ doãn, Tham chính, Tự khanh.
Năm Ất Dậu (1645), vì có công dẹp yên nội loạn, được thăng Phó đô ngự sử, tước Bá, sau thăng chức Đô ngự sủa. Do bàn nghị thẳng thắn được chúa tin yêu.
Năm Đinh Dậu (1657), thăng chức Lễ bộ thượng thư, tước Yến quận công, rồi phụng mệnh ra trông coi Quốc tử giám, sửa sang nơi thờ tự, khơi dậy nề nếp văn chương học hành.
Năm Tân Sửu (1661), thăng chức Đông các Đại học sĩ Thiếu bảo.
Năm Giáp Thìn (1665), thăng Lại bộ Thượng thư.
Năm Mậu Thân (1668), trí sĩ với chức Tham tụng Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Quốc lão tham dự triều chính, Thái bảo Yến quận công. Lúc về hưu, được vua chúa ban cho 12 đôi câu đối thêu vào cờ và được nhân dân trong huyện đón rước long trọng.
Năm Quí Sửu (1673), vua mời vào triều giữ việc sáu bộ.
Năm Ất Mão (1675) ngày 28 tháng 10 qui tiên, hưởng thọ 76 tuổi, truy tặng Thái tể, cho tên thụy “Kinh Tế” phủ quân. Vua ban tiền tuất, sai quan lo việc tang lễ. Vua còn cho dân bản quán làm dân tạo lệ lo việc thờ cúng về sau.
Sự nghiệp của Thừa tướng làm rạng rỡ tổ tiên, phấn chân con cháu; công danh của Thừa tướng mở đầu tốt đẹp, kết thúc vẻ vang. So với các bậc đại thần xưa, làm theo công tâm, đi đường chính đạo, xả thân vì nghĩa, sống được danh thơm, chết còn tiếng tốt, thì Thừa tướng có thua kém gì!
Tuy nhiên, công danh sự nghiệp của Đại thừa tướng vững chắc như vậy, xếp đặt nghĩ suy của Đại thừa tướng sáng suốt ra sao, để khi là kẻ sĩ được trong sạch ngồi trong nhà ngọc, giúp vua trị nước ban hành chế độ, ung dung trên gác vàng biện bác bàn bạc công việc xứng đang là bậc nguyên lão đường triều; để lúc được về hưu, trung ái sắt son, lời thề xưa vẫn giữ vững, triều điìn quyến luyến, quyền chức cũ lại giữ nguyên. Rõ ràng là lão tướng thảnh thơi của đời thịnh trị.
Đến ngày khởi phục vào triều, quản lý trăm quan, trông coi lục bộ, trung hiếu gánh vác hai vai, thủy chung hẳn ngoài bốn kỷ; trung nghĩa rạng triều đình, huân danh lừng thiên hạ. Ngày tắt thở qui tiên còn được đổi tiên thụy, tang tế linh đình, hưởng đặc chỉ ấy là khác người vậy; lại được ban tiền tuất, cho dân tạo lệ, đặc ân ấy cũng là hiếm có.
Ôi, vẻ vang biết bao, Đại thừa tướng công đã thành, danh đã toại. Thời trai trẻ tấm thân hiển vinh, khi về già người đời quý trọng. Sự nghiệp ấy còn ngân vang đến ngàn đời không dứt.
Bởi vậy, con cháu tuởng nhớ, nay lập bi ký.
Kèm theo bài minh, như sau:
Đường Hào, xã Cổ Liêu.
Đất có hậu, người nhiều
Từ đó sinh tuấn kiệt
Như sao Đẩu sao Điêu
Từng đỗ cao hàm Tướng
Ngôi cả bậc thần liêu
Như đời Thuương, Phó Duyệt(9)
Phò chủ súy Đường Nghiêu
Xiêm vàng tay xách túi
Lục Dã(10) gió tung diều
Khởi phục coi sáu bộ
Giúp vua trải năm triều
Qui mô đà tươm tất
Tiên cảnh mới tiêu diêu
“Thái tể”, được vinh tặng
Người đời cắm mốc nêu
Nay dân cùng thờ cúng
Ước hẹn có mấy điều
Bốn mùa và tám tiết
Kèn trống rộn sáo tiêu
Lẫy lừng bấy sự nghiệp
Không dứt tiếng ca diêu
Bia này nay kính dựng
Vạn thuở ngắm đăm chiêu
Ghi toàn thể ngày sinh ngày mất của tiên nhân.
- Hiển khảo Thái tể công, sinh giờ Mậu Thìn ngày Canh Thân, mười bảy tháng 3 năm Canh Tý; mất ngày 28 tháng 10 năm Ất Mão, hưởng thọ 76 tuổi, an táng tại…
- Hiển tỷ được ấm phong là Phu nhân Lưu quí thị, hiệu Từ Nhân sinh năm Giáp Thìn mất ngày 15 tháng 12 năm Giáp dần, hưởng thọ 71 tuổi. Mộ hợp táng tại…
- Hiển tỷ được phong tặng Á phu nhân Cao quí thị, hiệu Huy Trang, sinh giờ Thìn ngày 21 tháng 9 năm Nhâm Tý, mất ngày 11 tháng 9 năm Nhâm Thìn, hưởng thọ 41 tuổi, an táng tại thôn Chi Long, xã Hoàng Đôi, huyện Ninh Giang.
Ngày lành tiết xuân năm thứ tư niên hiệu Vĩnh Hựu Hoàng triều (1738).
Các con [đứng ra dựng bia]
- Tham chính xứ Sơn Tây, Diễn Lan nam Phạm Công Kiêm.
- Tham nghị xứ Sơn Nam, Trung Thuần tử Phạm Công Thiện.
- Tham nghị sứ Kinh Bắc, Phạm Công Phương.
- Binh hộ Viên ngoại lang, Phạm Công Dự.
- Hoằng Tín đại phu Nho sinh, Phạm Công Vĩ.
Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, đỗ thứ nhì khoa Đông các năm Kỷ Hợi, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Tham tụng Công bộ Thương thư, kiêm Đông các đại học sĩ Duệ quận công trụ quốc thượng trật, quê ở Hoàn Hậu Quỳnh Lưu, Hồ Sĩ Dương vâng mệnh kính cẩn soạn văn bia.
Thi đỗ khoa Thư toán năm Tân Sửu, Đề lại nha môn thừa ty Kinh Bắc, quê ở Nhụy Khê huyện Thượng Phúc, Nguyễn Vinh vâng mệnh viết chữ.
Thi đỗ khoa Thư toán năm Ất Mão, Đề lại nha môn thừa ty xứ Kinh Bắc quê ở Phù ủng huyện Đường Hào, Lê Trinh Tường vâng mệnh viết chữ.

Chú thích:
1. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí tập I, trang 276, Nxb. Khoa học xã hội, 1992.
2. Nhà thờ đã được xếp hạng Di tích lịch sử và văn hóa.
3. Lịch triều hiến chương loại chí Sđd tập I, tr.276.
4. Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, tr.336, Nxb. Khoa học xã hội, 1972.
5. Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tập I, tr276.
6. Sách do Cháu ngoại của Phạm Công Trứ là Lê Hữu Mưu biên soạn năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736), ký hiệu A.1368 kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Lê Hữu Mưu người xã Liêu Xá huyện Đường Hào, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Dần, niên hiệu Vĩnh Thịnh 6 (1710) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Công bộ Hữu thị lang, Nhập thị kinh diên, là con của Tiến sĩ Lê Hữu Danh, cha của Tiến sĩ Lê Trọng Tín.
Bản sách có ký hiệu nói trên là bản sao chép tay, do cháu năm đời chí thứ bảy làm quan Thiên hộ ở huyện Thọ Xương là Phạm Đình Hòa thực hiện năm Gia Long thứ 14 (1815) từ bản thứ bút Kinh diên triều Lê.
7. Sách chữ Hán Toàn Việt thi lục ký hiệu A132/4, kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, quyển 23, tr.1a. Lê Quí Đôn chép là “cho tên thụy là Kinh Tế”.
8. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, tr.536, ghi Phạm Công Trứ sinh năm 1602.
9. Phó Duyệt là hiền tướng đời Ân Thương, đã phò tá Ân Cao Tông rất đắc lực.
10. Lục Dã tức Lục Dã đường, tên gọi biệt thự của Bùi Độ đời Đường. Vào năm Khai Nguyên, ba anh em nhạc công Lý Qui Niên được ân sủng cho dựng nhà cửa ở làng Thông Viễn ngoại thành Đông Đô. Nhà dựng xong qui mô to lớn hơn cả trong thành. Sau Bùi Độ chuyển đến đó ở , gọi là Lục Dã đường. Trong bài minh này, Lục Dã (đường) ý nói về ở nhà nơi thôn dã, về hưu.
Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.219-228)
Đinh Văn Minh
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ