Ngô Quyền ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Ngô Quyền


Ngô Quyền (吳權) là danh tướng, người dựng lên cơ nghiệp nhà Ngô, sinh năm Kỷ Dậu (899), quê ở Đường Lâm, huyện Phúc Lộc, châu Giao sau đổi thành huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là huyện Ba Vìthành phố Hà Nội). Cha là Ngô Môn, vốn là quan mục của châu Đường Lâm trong thời họ Khúc dấy nghiệp và mẹ là bà họ Phạm.
Theo thần tích đền Gia Viên (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng), ông tổ 4 đời của Ngô Quyền là Ngô Xuân là người đã từng chiêu mộ được hơn 100 người theo Triệu Quang Phục tiếp tục sự nghiệp anh hùng của Lý Bí chống quân Lương. Ông lập được nhiều chiến công, được phong làm Thổ tù và được thừa kế tước vị.
Từ nhỏ, Ngô Quyền đã tỏ ra là một người trí dũng song toàn. Ông được cha dạy cho các thuật bắn cung nỏ, sử dụng gươm giáo và binh pháp. Chẳng may, cha mẹ đều mất sớm, vì thế ông phải sớm sống một cuộc sống tự lập đầy vất vả. Lớn lên trong lúc đất nước ta vừa mới giành được quyền tự chủ, Ngô Quyền đã tiếp nối chí của cha ông, đứng ra vận động tập hợp lực lượng giành và giữ quyền tự chủ, sau này trở thành người có thế lực lớn ở vùng Đường Lâm.
Ông là vị tướng tài, được chủ tướng là Dương Đình Nghệ gả con gái là Dương Thị Như Ngọc cho. Dương Đình Nghệ giao cho ông trông coi 3000 quân luyện tập võ nghệ ngày đêm, xây dựng lực lượng. Năm 931, Dương Đình Nghệ cử Ngô Quyền làm tướng tiên phong cùng ông tiến ra Giao Châu đánh đuổi quân Nam Hán và tổ chức phòng thủ thành Đại La. Sau chiến thắng, Dương Đình Nghệ lên nắm chính quyền, Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ giao cho trấn giữ vùng Châu Ái nay là tỉnh Thanh Hóa.
Năm Tân Mão (931) Dương Đình Nghệ là tướng của Khúc Hạo ngày trước nổi lên, mộ quân đánh đuổi Tiết độ sứ của quân nhà Lương rồi tự xưng làm Tiết độ sứ.
Năm Đinh Dậu (937), Kiều Công Tiễn phản bội, giết chết Dương Đình Nghệ, rồi cấu kết với quân Nam Hán. Năm 938, Ngô Quyền tập hợp hào kiệt trong nước tiến ra Bắc, hạ thành Đại La, tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Sau đó, ông chỉ huy trận Bạch Đằng nổi tiếng, đánh bại quân Nam Hán do Hoằng Thao (có sách viết là Hoằng Tháo) chỉ huy, giết chết Hoằng Thao trên sông Bạch Đằng.
Năm Kỷ Hợi (939), Ngô Quyền xưng là Ngô vương còn gọi là Tiền Ngô vương, đóng đô ở Cổ Loa, mở nền độc lập tự chủ cho nước nhà. Năm Giáp Thìn (944), ông mất hưởng dương 45 tuổi, trị nước được 5 năm. Tuy chỉ xưng vương nhưng ông có thể coi là người có công lớn trong việc giành được độc lập cho đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc. Sách Thiền Uyển tập anh gọi ông là Ngô Thuận Đế, có lẽ chỉ là cách tôn lên vì đương thời ông chưa từng xưng đế.
Sau khi ông mất, anh vợ là Dương Tam Kha đã phụ lời ủy thác của ông, cướp quyền con ông là Ngô Xương Văn, gây nên nội biến.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ