Đình Lễ Hợp thuộc thôn Lễ Hợp, xã Tam Đa (huyện Vĩnh Bảo), di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, nơi thờ tự vị tướng Phạm Đàm thời Trưng Vương và còn là một bảo tàng thu nhỏ, hàm chứa nhiều giá trị về lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng qua các thời kỳ lịch sử của địa phương.
Theo truyền ngôn của dân làng, được ông Nguyễn Thành Tựu, thôn Lễ Hợp mô tả lại, đình Lễ Hợp xưa có mái đao cong duyên dáng, lát ván sàn ở tiền đường, do thời gian tồn tại lâu dài, bị xuống cấp nên vào năm Nhâm Tuất (1922) đời vua Khải Định thứ 6, đình được sửa chữa lại. Những di vật còn lưu giữ lại đình chủ yếu mang dấu ấn của phong cách nghệ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ 20. Kiến trúc nội thất đặc sắc, nổi bật ở phần trang trí nghệ thuật qua các chi tiết, mảng chạm của kiến trúc gỗ tập trung ở gian tiền đường. Với phong cách trang trí theo từng lớp lang có bố cục từng đề tài, các bức chạm khắc mang dấu ấn điêu luyện của nghệ nhân y như “Phượng hàm thư”, “Lưỡng ngư chầu nguyệt”, “Rồng mây hội tụ”, “Nghê gảy đàn”.... tạo ra nhiều cảm xúc cho du khách. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật là đồ thờ tự quý có niên đại từ thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19 như long đình, câu đối, đại tự... với nội dung phản ánh nét văn hoá, lễ hội của cư dân vùng lúa nước Bắc bộ. Bản thần tích còn ghi lại rõ ràng về nhân vật được thờ phụng tại đây, đó là Phạm Đàm, một trong những bộ tướng của Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa năm 40-43. Nhân vật lịch sử này đã góp phần làm nên trang sử đầu tiên của truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước ở Hải Phòng ngay từ thế kỷ thứ nhất. Chính vì vậy, đình Lễ Hợp là một di sản văn hoá tiêu biểu được Nhà nước công nhận năm 1994.
Lễ hội đình Lễ Hợp hằng năm được nhân dân và chính quyền địa phương tổ chức vào ngày mồng 10-3 âm lịch để phát huy truyền thống sinh hoạt văn hoá và tưởng nhớ người anh hùng có công với quê hương, đất nước. Nhân dân thôn Lễ Hợp và các thôn trong xã thường làm các loại bánh dân tộc như bánh trôi nước trong dịp lễ hội. Vào dịp lễ hội, các gia đình quần tụ kể lại cho con cháu nghe lịch sử của vị thần Phạm Đàm về truyền thuyết Vua Hùng, về Hai Bà Trưng với niềm tự hào riêng của dân làng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét