Phụng Các - làng cổ 400 năm ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Phụng Các - làng cổ 400 năm

Vùng đất khu vực phía nam Phú Yên nằm hai bên bờ sông Đà Diễn được lưu dân Việt khai phá sớm cùng lúc với các vùng phía bắc tỉnh. Tại đây mặc dù rừng rậm còn ăn rộng xuống vùng đồng bằng với nhiều sình lầy, đầm ao nước đọng, nhưng với tinh thần lao động cần cù, lưu dân Việt đã không quản gian khổ khơi thông vùng trũng, chặt phá rừng rậm. Rừng phá đến đâu, dân cất nhà đến đó. Nhiều xóm làng mang tên rừng (lâm) phản ánh việc khai hoang phá rừng thời bấy giờ không hề đơn giản. Các làng Mậu Lâm, Nho Lâm, Hạnh Lâm, Thọ Lâm, Hoành Lâm,… ghi dấu công cuộc mở đất lấn rừng của người Việt lúc này.

Việc khai khẩn đất đai để lập nên làng Phụng Các được tiến hành sau khi thành Hồ bị chinh phục (1578). Những cư dân có mặt sớm trong việc khai hoang lập nên xóm, ấp ở Phụng Các là các tộc họ Lương (hậu duệ của Lương Văn Chánh), Nguyễn, Phạm, Bùi, Lê được thờ phụng tại miếu Tiền hiền của làng. Các dòng họ đã chung sức khai hoang trên đồng ruộng ở các xứ Bàu Ao, Ao Vuông, Núi Sầm, đồng Cà Dược, đồng Cây Khế, đồng Cẩu Cuồng, đồng Rộc chùa… để hình thành nên làng Phụng Các lúc bấy giờ. Theo gia phả của các tộc họ ở Phụng Các thì họ Lương đến lập nghiệp khá sớm ở đây với vị Thành hoàng Lương Văn Chánh mở đầu. Sau khi Lương Văn Chánh mất, các con của ông được các chúa Nguyễn phong tước hầu, gồm có Vĩnh Lộc hầu chánh Đề đốc Lương Công Vĩnh, Quảng Xuyên hầu phó Đề đốc Lương Công Triều, Thọ Khương hầu Cai phủ Lương Công Qúi. Các đời sau có 3 người tước hầu, 3 người tước bá và 1 người tước nam. Họ Nguyễn với vị thủy tổ là Nguyễn Văn Viết từ Quảng Nam vào lập nghiệp đến nay gần 400 năm. Họ Phạm, họ Lê với vị thủy tổ là Phạm Quyền, Lê Thị Cửa vào Phụng Các nay đã trên 15 đời kế tiếp nhau. Họ Bùi với vị Tiền hiền khai canh Bùi Văn Kỷ từ Bình Định vào khai phá đất hoang lập nên thôn Long Tường ngày nay.

Buổi ban đầu khi mới lập làng Phụng Các, cư dân sống quần tụ thành các đơn vị ấp, lý (xóm) với chừng 25 nhà để giúp đỡ lẫn nhau trong việc khai khẩn đất đai. Làng Phụng Các lúc mới hình thành có một ấp và năm lý (xóm) là: Hy Nguyên ấp, Nông Hòa lý, Nông Điều lý, Phước Nguyên lý, Đông Mỹ lý, Tây Mỹ lý. Vị trí của các ấp, xóm (lý) ngày nay có thể xác định: Nông Hòa lý nay là xóm Ao thuộc thôn Phụng Tường I; Hy Nguyên ấp và Nông Điều lý là khu vực thôn Phụng Tường II; Phước Nguyên lý là thôn Phụng Nguyên; hai lý Đông Mỹ và Tây Mỹ là thôn Long Tường hiện nay.

Như vậy làng Phụng Các là một trong những làng cổ hình thành khá sớm ở Phú Yên sau đợt di dân lập ấp của Lương Văn Chánh năm 1578. Cùng với các làng xã khác trên các khu vực Cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn, sự hình thành làng Phụng Các góp phần vào việc ổn định cuộc sống ban đầu của lưu dân Việt trên vùng đất mới trải dài từ Cù Mông đến núi Đá Bia, trên cơ sở đó tạo ra những tiền đề quan trọng góp phần quyết định cho sự ra đời phủ Phú Yên năm 1611.

Từ khi hình thành cho đến nay với lịch sử 400 năm, làng Phụng Các trải qua những giai đoạn thăng trầm cùng với sự biến đổi chung của tỉnh Phú Yên.

2 Giai đoạn các chúa Nguyễn và Tây Sơn (1611-1802)

Đây là thời kỳ bổ sung nhân lực đẩy mạnh khai hoang phát triển nông nghiệp, hình thành các ngành nghề thủ công ở Phụng Các. Đồng thời trong giai đoạn này, cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh trên đất Phú Yên cuối thế kỷ XVIII đã có những ảnh hưởng đến sự phát triển của làng.

Dưới thời chúa Nguyễn, tuy đã ổn định đời sống ở buổi đầu lập làng, nhưng công cuộc mở mang làng xóm, vườn ruộng vẫn tiếp tục ở Phụng Các. Ruộng thổ các xứ núi Sầm, Đồng Tre, Cẩu Cuồng, Cây Khế tiếp tục được khai thác mở rộng đến vùng Gò Kho giáp chân núi Mò O về phía tây bắc của làng. Gia phả một số tộc họ như họ Phạm, Bùi, Nguyễn (thôn Long Tường) ghi rõ tổ tiên từ các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, hoặc từ Quán Cau (Tuy An) di cư vào Phụng Các sinh sống trong thời kỳ này. Khoảng đầu thế kỷ XVII, một số hộ dân ở lý Phước Nguyên ngoài thời gian sản xuất nông nghiệp còn làm đồ gốm phục vụ nhu cầu trong gia đình và bà con trong vùng. Dần dần nghề làm gốm phát triển hình thành xóm Lò Gõ chuyên sản xuất các sản phẩm như thùng, ché, chậu, nồi, vò, chum vại,.. cung cấp không chỉ trong phạm vi làng Phụng Các mà còn mở rộng cả vùng Tuy Hòa.

Năm 1771 khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ ở Bình Định rồi lan rộng đến Phú Yên. Mùa đông 1773, Nguyễn Nhạc cử Ngô Văn Sở đưa lực lượng vào phối hợp với nghĩa quân Phú Yên đánh chiếm thành Hội Phú. Cũng như các làng quê khác ở Phú Yên, nhân dân làng Phụng Các tham gia tích cực trong phong trào Tây Sơn, có người trở thành những tướng lĩnh nổi tiếng. Bà Lương Phụng Tường, một người giỏi cả văn lẫn võ ở ấp Hy Nguyên cùng với chồng là Nguyễn Quang Huy tham gia nghĩa quân từ những ngày đầu đánh chiếm lỵ sở Phú Yên. Về sau bà trở thành nữ Đô đốc kỵ binh tài giỏi xông pha trên các chiến trường từ Phú Yên cho đến Bình Thuận. Năm 1794, bà cùng với chồng trấn thủ Phú Yên đương đầu với các cuộc tấn công của Nguyễn Ánh. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, bà cùng với Nguyễn Quang Huy vẫn tiếp tục chiêu mộ lực lượng, ẩn mình trên dãy núi Cù Mông để chờ thời cơ khôi phục lại phong trào.

(Còn nữa)
--------------------------
(6) Tài liệu lưu giữ tại đền thờ Lương Văn Chánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

TS. ĐÀO NHẬT KIM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ