tháng 10 2013 ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Làng Canh Hoạch, nơi phát tích hiền tài đất nước


Nguyễn Thuỳ Linh
(Văn Hiến) - Cách Hà Nội hơn 20 cây số về hướng Tây Tây Nam, từ Hà Đông theo Quốc lộ số 6, đến Ba La, rẽ trái, theo đường 22 tới Ngã tư Vác, ta sẽ đến một ngôi làng cổ – mảnh đất địa linh sinh nhân kiệt, nơi phát tích của nhiều bậc hiền tài đất nước.
Làng có tên nôm là làng Vác (xưa là Cổ Hoạch), nay là làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ), Hà Nội. Nơi đây có dòng họ Nguyễn, một dòng họ nổi tiếng có “Trạng cậu, Trạng cháu”, sinh nhiều danh thần, danh tướng, nhiều người đỗ đại khoa có công với dân, với nước. Đây cũng là nơi phát tích của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền đã sinh ra Đại thi hào - Danh nhân Văn hóa Thế giới – Nguyễn Du.
Dòng họ Nguyễn ở làng Canh Hoạch mà khởi thủy là Nguyễn Bá Ký có quan hệ thân tộc với dòng họ Nguyễn Trãi ở Nhị Khê. Sau khi Nguyễn Trãi bị triều đình quy tội tru di tam tộc, họ Nguyễn làng Canh Hoạch phải đổi sang họ Phạm để tránh liên lụy. Nguyễn Bá Ký đổi thành Phạm Bá Ký. Năm Quý Mùi (1463), đời Lê Thánh Tông, triều đình mở khoa thi đình. Phạm Bá Ký dự thi và đã đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, được khắc tên trên văn bia Tiến sĩ đặt ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ông ra làm quan, giữ đến chức Binh bộ Thượng thư. Sau khi Nguyễn Trãi được Lê Thánh Tông minh oan, Phạm Bá Ký và con cháu dòng họ Nguyễn làng Canh Hoạch cũng bỏ họ Phạm, lấy lại họ Nguyễn.
“Hổ phụ sinh hổ tử”, con trai của Tiến sĩ Nguyễn Bá Ký là Nguyễn Đức Lượng học giỏi, đỗ đạt cao hơn cha. Nguyễn Đức Lượng (1465 - ?) vốn có tên là Hề. Tại khoa thi năm Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (năm 1574), đời Lê Tương Dực, khi đã bước vào tuổi 50, Nguyễn Đức Lượng ứng thí và đã trúng Bảng Vàng Trạng nguyên. Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông được vua Lê Tương Dực ban tên là Đức Lượng. Khoa thi này cả nước có 5.700 người dự thi, lấy đỗ Tiến sĩ 43 người. Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lễ. Ông được bổ đi sứ phương Bắc, sau thăng chức Thượng thư.
Tiếp bước cha, con trai của Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng là Nguyễn Khuông Lễ, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Đại Chính thứ 6 (năm 1535), đời Mạc Đăng Doanh. Tiến sĩ Nguyễn Khuông Lễ làm quan đến chức Hữu Thị lang, tước bá, từng được cử đi sứ nhà Minh.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Ký có người con gái, chị của Nguyễn Đức Lượng, tên là Nguyễn Thị Hiền. Đến tuổi xây dựng gia đình, bà được gả cho Nguyễn Doãn Toại là con trai ông Thám hoa Nguyễn Doãn Địch – nguyên quán xã Cảo Dương (nay là thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ)), trú quán xã Canh Hoạch, nay là thôn Canh Hoạch, xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nguyễn Doãn Địch đỗ Thám hoa khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (năm 1481), đời Lê Thánh Tông; làm quan đến chức Hữu Thị lang. Bà Nguyễn Thị Hiền và Nguyễn Doãn Toại sinh được cậu con trai đặt tên là Nguyễn Thiến, có tên hiệu là Cảo Xuyên. Ngay từ 6 tuổi, bà Hiền đã cho Nguyễn Thiến theo học cậu là Nguyễn Đức Lượng. Năm 38 tuổi, Nguyễn Thiến đi thi và đã đỗ Hội nguyên, được vua Mạc Đăng Doanh ban Đệ nhất giáp đệ danh (Trạng nguyên) khoa Nhâm Thìn năm Đại chính thứ 3 (1532). Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam vẫn nói đến Trạng cậu (Nguyễn Đức Lượng) – Trạng cháu (Nguyễn Thiến), là vậy. Và đây cũng là hiện tượng duy nhất trong lịch sử khoa bảng nước ta.
Trạng nguyên Nguyễn Thiến (1495 – 1557) là bạn thân với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đỗ trước Trạng Trình 1 khóa. Trạng nguyên Nguyễn Thiến làm quan dưới triều Mạc tới chức Lại bộ Thượng thư, Ngự sử đài Đô ngự sử, Đông các Đại học sĩ, Nhập nội kinh diên, tước Thư quận công. Ông thông gia với Phụng Quốc công Lê Bá Ly. Sau vì bất mãn với nhà Mạc, ông cùng với thông gia là Đại tướng Thái tể Phụng quốc công Lê Bá Ly dẫn quân vào Thanh Hóa quy thuận triều Lê Trung hưng. Vua Lê Trung hưng ban thưởng, cho giữ nguyên các chức tước, đảm trách việc tuyển mộ quan lại cho nhà Lê trong khoảng 8 năm. Ông mất năm Thiên Hựu (năm 1557), đời Lê Anh Tông, thọ 63 tuổi.
JPEG - 40 kb
Nghề làm quạt làng Vác
Con trai Trạng nguyên Nguyễn Thiến là Nguyễn Quyện, học trò Trạng Trình, song lại không theo nghiệp văn mà theo nghiệp võ. Nguyễn Quyện là một danh tướng lỗi lạc thời Mạc. Là người con có hiếu, sau khi cha Nguyễn Quyện là Trạng nguyên Nguyễn Thiến và thông gia Lê Bá Ly bỏ nhà Mạc, quy thuận nhà Lê Trung hưng, ông đã theo cha quy thuận triều Lê - Trịnh. Song, sau khi cha chết, Nguyễn Quyện và em trai là Nguyễn Miễn trở lại phục vụ nhà Mạc. Ông là một tướng tài, cầm quân đánh một số trận lớn thắng ròn rã đã làm thanh thế quân nhà Mạc cường mạnh hẳn. Dân gian thời ấy có câu đề cao công lao của Nguyễn Quyện đối với triều Mạc: “Quyện tồn mạc tại/ Quyện bại Mạc vong”. Trong thời gian tại chức, Nguyễn Quyện đã mang một bộ phận quân về xây dựng căn cứ quân sự lớn và mở mang thương nghiệp ở trang Cổ Hoạch, từ ngã tư Vác đến hết làng Tảo Dương. Đại bản doanh là khu nhà để sắc hiện nay ở làng Canh Hoạch. Chiến công của Nguyễn Quyện lẫy lừng đất nhà Mạc, vua Mạc phong cho ông lên bậc Thượng quốc công, rồi Thái bảo. Nhờ thanh thế của ông dân chúng quê hương ông rất tự hào. Thời ấy có câu ca:
Gái thì bẩy huyện xứ Đông
Trai thì Gạo, Vác cháu ông già Thường.
Bẩy huyện xứ Đông là quê hương nhà Mạc, còn Gạo (tức làng Tảo Dương), Vác (tức làng Canh Hoạch) là quê quán và trú quán của Thường quốc công Nguyễn Quyện. Trai gái ở những nơi trên giỏi giang, trung thành với nhà Mạc. Các học giả Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đều đánh giá cao tài năng quân sự của Nguyễn Quyện.
Theo dòng trôi chảy của lịch sử mấy trăm năm trước, có một chi họ Nguyễn làng Canh Hoạch đã dời đi sinh sống và lập nghiệp ở vùng Nghệ – Tĩnh, trong đó có vùng đất Tiên Điền. Điều này đã được khẳng định qua phả hệ dòng họ Nguyễn Du ở Tiên Điền. Trạng nguyên Nguyễn Thiến sinh ra Nguyễn Miến tước Phù Hưng hầu. Người con thứ ba của Nguyễn Miến là Nguyễn Nhiệm (Nhậm), tước Nam Dương hầu. Năm 1601, Nguyễn Nhiệm tụ binh chống lại nhà Lê ở vùng Hoàng Giang (Ninh Bình), song bị thất bại, phải chạy vào ẩn cư ở Tiên Điền. Ông chính là cụ tổ của họ Nguyễn làng Tiên Điền sau này sinh ra Đại thi hào Nguyễn Du – Tác giả Truyện Kiều bất hủ - Danh nhân Văn hóa Thế giới.
Nhớ ơn công đức tổ tiên, ngay từ thời Hậu Lê, con cháu dòng họ Nguyễn làng Canh Hoạch đã góp công góp của xây ngôi nhà thờ tổ họ Nguyễn ở Canh Hoạch. Đến năm 1821, dưới triều Nguyễn, đền được tu tạo, đến nay vẫn còn giữ được nguyên dáng vẻ thủa ấy. Nhà thờ có kiến trúc chữ Nhị (chữ Hán), gồm nhà thờ và tòa tiền tế. Phía trước nhà thờ là Ao Bia ghi sự tích dòng họ. Cổng vào nhà thờ có 2 cột trụ, trên đỉnh trang trí đèn lồng và bông sen cách điệu. Gian giữa treo bức hoành phi với 3 chữ lớn “Trạng nguyên từ”. Trong khám thờ sơn son thếp vàng có đặt bài vị cụ tổ họ Nguyễn. Ở gian bên phải có cỗ ngai trên đặt chân dung Nguyễn Trãi và gian bên trái có khám thờ “Trạng cậu” – Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng, “Trạng cháu” – Trạng nguyên Nguyễn Thiến. Hiện, trong nhà thờ còn giữ được một số hiện vật quí: hai bia đá tạc từ thế kỷ XVII, cuốn gia phả dòng họ, các sắc phong thần, một số câu đối sơn son thếp vàng. Đơn cử một đôi câu đối được thể hiện bằng một bút pháp mềm mại, uyển chuyển, có nội dung:
“Cữu Trạng nguyên, sanh Trạng nguyên, nhất giáp khoa danh quang sử bút / Phụ Tiến sĩ, tử Tiến sĩ bát truyền chung đỉnh dụ gia khương”
 
Dịch nghĩa:
 
Cậu Trạng nguyên, cháu Trạng nguyên, khoa bảng đỗ đầu, sáng ngời sử sách / Cha Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời hưởng lộc vua ban, phúc lớn gia truyền.
Với những giá trị lịch sử và văn hóa đó, tháng 1/1995, nhà thờ họ Nguyễn ở Canh Hoạch đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Tại vùng đất khoa bảng, nhân dân rất trọng lễ nghĩa. Theo văn bia, hàng năm, cứ đến ngày Tết, ngày giỗ “Trạng cậu”, “Trạng cháu”, các vị chức sắc của làng đều đem lễ vật đến thắp hương tại từ đường họ Nguyễn. Vào ngày hội làng 11 tháng 3 âm lịch, cùng với việc rước các vị thần làng về đình, các bô lão ở Canh Hoạch còn rước ba cỗ kiệu cùng cờ, biển đến rước ngai, bài vị các vị thủy tổ họ Nguyễn về đình tế hội đồng. Hội làng kéo dài từ ngày 11 đến 15 tháng 3 âm lịch. Chiều 15, lễ rước thánh hoàn cung. Hiện nay, hội làng Canh Hoạch đã được khôi phục giữ nguyên lệ đẹp này. Tại làng Canh Hoạch còn một nơi thờ một danh nhân họ Nguyễn nữa là Thường Quốc công Nguyễn Quyện. Nơi thờ ông có tên là Nhà Sắc hay đình Sắc. Nhà Sắc có kiến trúc kiểu chữ Nhất, ba gian, hai bên có tả hữu mạc. Gian giữa đặt long ngai và bài vị Thường quốc công Nguyễn Quyện, gian bên phải để hòm sắc của các triều đại phong kiến phong cho các vị thành hoàng, gian bên trái đặt bài vị bà Hậu, tức bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, tục gọi là Bà Chúa Thuận, con Trạng nguyên Nguyễn Thiến.
Với vị thế địa linh sinh nhân kiệt như vậy, làng Canh Hoạch được đánh giá là một trong ba nơi có vị trí quân sự quan trọng và là nơi cư dân sầm uất, kinh tế phát triển ở vùng ngoài kinh thành Thăng Long xưa, đã đi vào câu ca có tự ngàn xưa:
Thứ nhất Cổ Bi
Thứ nhì Cổ Loa
Thứ ba Cổ Hoạch
Theo Văn Hiến 

Làng cổ yêu nước và cách mạng Quảng Thi – Xuân Thiên


Đoàn thanh niên huyện Thọ Xuân ra quân thực hiện chương trình “Chung tay xây dựng nông thôn mới” ở xã Thọ Lập. Ảnh: tư liệu
(THO) - Sông Chu tên xưa là Lương Giang do bốn ngọn nguồn đổ vào, một dòng sông đẹp, nước trong xanh, uốn mình lượn giữa đôi bờ bạt ngàn dâu, mía, ngô, khoai.
Thời chưa có đê điều, sông Chu hay đổi dòng. Nó lượn vòng qua núi Nghèo (tên chữ Ngưu Sơn), như cái tên Nghèo, giữa miền bán sơn địa cằn cỗi, hoang sơ, để lại một khúc sông lấp. Thời gian trôi qua với bao mùa mưa lũ, chính dòng sông Chu lại đem phù sa bồi đắp, lấp lên khúc sông cũ. Nhưng đời sông là cuộc hành trình không phút giây ngừng nghỉ, nó còn bận rộn, mải miết về xuôi, đành bỏ lại một công trình dang dở: La liệt đầm, hồ bên cạnh vô số gò cao, đống thấp...
Thời Lê Đại Hành, ông vua nông dân xuất thân con ở, con nuôi, đặc biệt khuyến khích khai hoang, mở mang ruộng đồng, trang ấp. Bốn ông họ Đình, họ Phạm, họ Lê, họ Trịnh đem người nhà đến khúc sông Lấp, tiếp tục công việc thiên nhiên không thể hoàn thành. Họ san đồi làm nương, lấp hồ cấy lúa. Chất đất phù sa tắm tưới mồ hôi ngay vụ đầu đã xanh rờn, no ấm. Bởi tốt đất nên nhiều cò đậu. chẳng bao lâu thành Thê ấp rồi Thê trang. Khi đã gây được cơ sở, họ tiến sang khu đầm sâu, mau rộng, lập thêm Sóc ấp, sau là Đàm trang. Cuối thời Trần, Thê trang sáp nhập Đàm trang thành Đàm Thi sách, thuộc hương Lam Sơn, huyện Lương Giang (Thọ Xuân).  Bởi nguồn gốc đất đai nhiều đầm, hồ, dân gian thường gọi là Kẻ Đầm.
Nhà Lê Trung hưng lấy Vạn Lại, Yên Trường làm đô phủ. Nhà Mạc luôn đem quân đánh phá đô phủ, hoàng tử Duy Đàm con vua Anh tông (tục gọi Chúa Chỏm) được đem nuôi dưỡng tại Đàm Xá (tức Đàm Thi). Khi Duy Đàm nối ngôi vua (Thế tông), chữ “Đàm” kỵ húy, tên Đàm Thi đổi thành Quảng Thi. Riêng tên Đầm nôm na trường thọ, trải nghìn năm tuổi với những địa danh nổi tiếng: Làng Đầm, phố Đầm, Chợ Đầm, Bến Đầm, Chùa Đầm, Phà Đầm, Đồ Đầm...
Bởi lợi thế cận giang mà thành “Nhất cận thị” (Nhất cận thị nhị cận giang), chợ Đầm ra đời rất sớm. Làng Đầm hình thành 4 con đường ở giữa giống chữ “thập”, tỏa đi bốn phía: Ngả đường tây bắc lên miền núi: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn,... và nước bạn Lào; Ngả đường tây nam lên thị trấn Lam Sơn, Bái Thượng, qua sông sang huyện Thường Xuân có núi thiêng Chế Linh Sơn bất tử; Ngả đường đông bắc lên quê hương Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, tới huyện  Vĩnh Lộc có thành đá Tây đô kỳ vĩ, rẽ sang một bên Thạch Thành qua đền Phố Cát ra Nho Quan, một phía là Hà Trung, ngược dốc Xây vượt đèo Tam Điệp ra Ninh Bình; Ngả đường đông nam qua đò Dầm, sang chợ Đường về thành phố Thanh Hóa rồi đi Nghệ An, Hà Tĩnh, Khu Tư, Khu Năm “dằng dặc khúc ruột miền trung”...
Làng Đầm trải dài bên bờ tả ngạn sông Chu, nhìn xuống bến Đầm thuyền đỗ san sát, bè gỗ, bè luồng nối đuôi hút tầm mắt, chiều chiều khói bếp vạn chài thơm lừng hương cá nướng. Những đêm trăng sáng, tiếng hò cao vút, kết nối tâm tình người muôn nẻo, làm sợi tơ hồng xe duyên đôi lứa, rồi neo đậu lại bến Đầm, phố Đầm...
Chợ Đầm lớn nhất nhì trong tỉnh, nơi tập trung hàng hóa lâm, thổ, thủy, hải sản, rừng xuống gặp biển lên, như nước chảy dồn chỗ trũng. Kho bãi ngổn ngang. Quán xá tấp nập. Áo nâu chen sắc chàm, tiếng Thanh hòa giọng Bắc.
Thuyền ván, thuyền buồm, thuyền mành, chiếc ra đụng chiếc vào... nước sông Chu bến trong thành bến đục... nơi đây góp mặt bạn hàng tứ xứ: Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng...
Chợ Đầm một tháng sáu phiên
Có cô hàng xén cười  duyên
                                bán hàng...
Đời Tự Đức, khoảng năm 1852, chợ Đầm dời sang địa điểm mới, hình thành phố Đầm sầm uất giữa lòng thôn mới Quảng Ích tụ hội kẻ gần, người xa: Hào Kiệt Nam Định, Bình Lục Hà Nam, Lâm Thao Phú Thọ, Thạch Hà Hà Tĩnh, cả kiều bào Trung Quốc, Thái Lan... dù không cùng họ, tất cả đều thờ chung hai vị thần tổ Phạm Bá Điền, Bùi Trung Thụy (gốc người Lương Kiệt, Vụ Bản, Nam Định) làm thần thành hoàng thôn Quảng Ích.
Trước đây, làng Đầm nghề lúa khó chống chọi những mùa lũ lụt nước sông Chu dâng ngập mái nhà. Để bù lại, nhân dân chú trọng phát triển nghề phụ “bách nghệ đua tài”: chăn nuôi gia súc, rèn, mộc, đan lát, dệt cửi, thợ nề, kim hoàn, đóng cối, may nón, nhuộm vải, may mặc, gạch ngói, lò gốm, nem chả,... Tương dầm ngon nổi tiếng bán vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh, thành lời tục ngữ “Tương Đầm dầm cà Nghệ”...
    Phố Đầm hàng hiệu sầm uất, buôn bán phồn thịnh như một thị trấn: Hiệu thuốc Tây Nam Ích Long, thuốc bắc Quảng Phát, thuốc lào Mỹ Thái, hiệu vàng Tấn Long, hiệu nhuộm Tân Mỹ,... Đế quốc Pháp không bỏ sót phố Đầm để đầu độc tới hai cửa hàng rượu: Phông ten, Nam Đồng Ích, bắt dân tiêu thụ với giá cắt cổ!
Chùa Đầm, đình Đầm xây dựng rất sớm từ thời Lý, thời Trần, là những công trình kiến trúc lớn có giá trị nghệ thuật, đều ở thôn Quảng Thi. Sau 1945 rồi 1955, Quảng Thi sáp nhập với Quảng Ích thành xã Xuân Thiên và làng Đầm vẫn là một địa danh có tiếng trong tỉnh.
  Làng Đầm – Quảng Thi – Xuân Thiên thời khởi nghĩa Lam Sơn góp nhiều người, của cho công cuộc đánh đuổi giặc Minh, giải phóng đất nước. Đây cũng là làng quê danh tướng Lê Sao, làm đến chức Thiếu bảo đời Lê Nhân tông, Lê Sao mất khoảng đầu đời Quang Thuận ( 1460 – 1469), vua Thánh tông sai Nguyễn  Bá Ký soạn văn bia về khai quốc công thần Lê Sao và khắc dựng năm Quang Thuận thứ 3 (1462) tại quê quán để  lưu truyền hậu thế. Con trai Lê Sao là thái úy Phú quốc công Lê Thọ Vực văn võ toàn tài, mất năm Canh Thìn (1484). Kết thúc thắng lợi cuộc chinh phạt giặc dữ phía nam (1471) Lê Thọ Vực lập công đầu, được vua ban cấp nhiều tù binh. Ông đem họ về Thanh Hóa, mở đồn điền khai phá đất hoang, lập thành những trại ấp ở các huyện Lôi Dương (Thọ Xuân), Vĩnh Ninh ( Vĩnh Lộc), Tống Giang (Hà Trung), Yên Định...
Ở làng Đầm hiện  còn nhiều dấu tích thời khởi nghĩa Lam Sơn và Lê Trung hưng: Mả Ngô (nơi chôn giặc Minh), các đồn lũy: Đồn Rồn, đồn Chế, đồn Thị, Gò Căng (kho quân lương), thành Lũy (Lũy đất), Cột Cờ (quân tiền tiêu)...
Thời khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp, con em làng Đầm tham gia nghĩa quân Tống Duy Tân hoạt động từ miền xuôi lên miền núi...
Làng Đầm đến với cách mạng rất sớm. Ban đầu chỉ là một số hoạt động như chấn hưng thương nghiệp (Tiên Long thương đoàn) do cụ đồ Uẩn tuyên truyền hưởng ứng phong trào đón cụ Phan Bội Châu, phong trào truy điệu cụ Phan Chu Trinh làm xôn xao dư luận phụ huynh học sinh Tiểu học trường Đầm, bí mật trao đổi nội dung tư tưởng “Tự do độc lập” do thầy giáo Hồ Văn Giai truyền bá...
Năm 1929, đồng chí Trịnh Quang Lịch, đồng chí Lê Văn Sĩ trong tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Yên Trường (xã Thọ Lập) đến làng Đầm bí mật gieo mầm cách mạng qua văn thơ cách mạng.
Giai đoạn 1930 – 1939 các đồng chí Lê Ngọc Lành, Lê Văn Trọng, Nguyễn Văn Tân,... thực hiện chủ trương của Đảng tổ chức hội Tương Tế Ái hữu vận động quần chúng chống lại lệ khai thác lâm sản của thổ ty, lang đạo, buộc phải bỏ thứ thuế vô lý này.
Ngày 7-7-1939, tại chùa Đầm, hơn một ngàn người tổng Quảng Thi, Quảng Yên dự cuộc mít tinh hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Đức Nghi đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và phát xít. Đầu năm 1940 đồng chí Trần Hoạt, cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ thoát khỏi vòng vây của địch vào Thanh Hóa, về làng Đầm. Từ cơ sở này, đồng chí Hoạt đã bắt mối với các cơ sở cách mạng Kim Ốc, Phúc Bồi, Nam Thượng, Quần Kênh,... Tháng 4 năm 1940, tại Kim Ốc (xã Xuân Hòa), các đồng chí Trần Hoạt, Đặng Châu Tuệ, Hồ Sĩ Nhân thống nhất các cơ sở cách mạng thành lập “Tỉnh ủy lâm thời” do đồng chí Trần Hoạt làm bí thư.
Phong trào cách mạng càng mở rộng, địch càng khủng bố ác liệt. Một số cán bộ trung kiên bị địch bắt, trong đó xã Xuân Thiên có các đồng chí Nguyễn Đức Nghi bị tù đầy ở Buôn Mê Thuột, Nguyễn Văn Tân, Lê Văn Trọng bị giam ở nhà lao Thanh Hóa... Mặc dù bị địch  ngày đêm lùng sục, vây bắt, những đồng chí còn lại vẫn hoạt động tích cực, phong trào cách mạng quần chúng được củng cố, tinh thần đấu tranh lên cao, bí mật chuẩn bị tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đánh đuổi đế quốc Pháp và Phát xít Nhật. Đội tự vệ làng Đầm được  thành lập, đêm đêm tập võ ở Đống Lang, Rù Rì. Các ông Kiều Chân, Chất Đằng phụ trách rèn vũ khí, các ông Nhuận, Hùng, Kinh đảm nhiệm may cờ Tổ quốc, biểu ngữ.
Năm giờ sáng ngày 19-8-1945, nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa, các lực lượng tự vệ, đoàn thể, quần chúng do ông Trịnh Ngọc Nhuận và ông Cao Ba phụ trách, tịch thu đồng triện lý trưởng, tuyên bố giải tán Hội đồng hương chức, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời xã Xuân Thiên. Từ đây Quảng Thi -  Xuân Thiên hòa cùng phong trào cách mạng cả nước, chuẩn  bị góp người, góp của cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp, tiếp theo đế quốc Mỹ, cực kỳ gian khổ nhưng thắng lợi vô cùng vẻ vang.
Hoàng Tuấn Phổ
 Tài liệu tham khảo: Lịch sử xã Xuân Thiên; Lịch sử huyện Đảng bộ Thọ Xuân; Địa chí huyện Thọ Xuân.

Các làng, dòng họ khoa bảng ở Nam Định


Nam Trực là vùng đất có nhiều người đỗ và đỗ cao. Nam Trực là quê hương của 3 vị Trạng nguyên, 1 Hoàng giáp, 15 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 1 Phó bảng và 86 Cử nhân và Tú tài. Nói tới các làng khoa làng bảng ở huyện Nam Trực có thể kể đến: làng Cổ Chử với cha con Trần Văn Bảo và Trần Đình Huyên cùng đỗ đại khoa; làng Bái Dương với dòng họ Ngô (Ngô Thế Vinh đỗ Hoàng giáp; làng Bách Tính, Nam Trân, Vân Chàng, Tang Trữ, Lộng Điền...).
Vụ Bản được coi là quê hương của các vị Thám hoa và Hoàng giáp với 1 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 3 Hoàng giáp. Đây là  quê hương của Trạng Lường nổi tiếng về toán học. Dòng họ Nguyễn ở làng Cựu Hào nay thuộc xã Vĩnh Hào, với những tên tuổi như: Nguyễn Xưởng đỗ Cử nhân năm 1786 mở đầu cho dòng họ Nguyễn. Nguyễn Thuyên 3 lần đậu Tú tài. Ông có 4 người con là Nguyễn Khâm, Tú Đoán, Tú Tương  và Ấm Thừa đều đỗ Tú tài. Nguyễn Thành, em trai Nguyễn Thuyên, đậu Tú tài 7 lần,  là ông nội của Nguyễn Văn Tính. Nguyễn Văn Tính đỗ Tiến sĩ khoa thi Tân Sửu (1901) năm Thành Thái thứ 13, cùng khoa với Phan Chu Trinh và Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người em thứ ba của Nguyễn Thuyên là Nguyễn Ngọc Đường cũng đậu Tú tài 4 lần.
Xuân Trường đứng đầu cả tỉnh Nam Định về số lượng người đỗ đạt, nhưng phần lớn là những người đỗ Cử nhân, tập trung nhiều dưới thời Nguyễn. Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân là danh hiệu cao nhất của sĩ tử vùng này đạt được. Nói đến làng khoa bảng của huyện Xuân Trường nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung không thể không nhắc tới làng Hành Thiện.
Làng Hành Thiện nổi tiếng là đất học và có nhiều người đỗ đạt trong thời kỳ phong kiến. Thời Nguyễn, làng Hành Thiện có số người khoa mục đứng đầu toàn quốc: 3 Tiến sĩ (Đặng Xuân Bảng (đỗ năm 1856), Nguyễn Ngọc Liên, Đặng Hữu Dương (đỗ năm 1889); 4 Phó bảng (Đặng Kim Toán (đỗ năm 1848), Đặng Đức Dịch (đỗ năm 1849), Nguyễn Âu Chuyên (đỗ năm 1884) và Phạm Đình Sắc (đỗ năm 1901); 87 Cử nhân và  con số người đỗ Tú tài lên đến hơn 200 người. Trong 42 khoa thi tổ chức ở trường thi Nam Định, khoa nào cũng có người Hành Thiện đỗ Cử nhân hoặc Tú tài. Có thể nói, Hành Thiện đứng đầu cả nước về số lượng người đỗ Cử nhân.
Đền thờ trạng nguyên Lương Thế Vinh
Khoa thi Hương năm Kỷ Mão 1879, làng  Hành Thiện có 3 người đỗ đầu là: Giải nguyên Nguyễn Âu Chuyên, Á nguyên Đặng Văn  Nguyện và thứ ba là Nguyễn Lý Thản. Dân làng Hành Thiện có câu: "Thần Chuyên, Thánh Nguyên, Trạng nguyên Thu" để ca tụng 3 người này. Ngoài ra, làng Hành Thiện còn có 4 người đỗ Giải nguyên và  4 người đỗ Á nguyên trong các kỳ thi Hương.
Không  chỉ có nhiều người  tham gia khoa bảng, làng Hành Thiện còn nổi tiếng về sự kiên trì, không nản chí, quyết tâm theo đuổi việc học hành, thi cử. Nguyễn Đăng Thiện đỗ Tú tài khi mới 19 tuổi nhưng đến 60 tuổi mới đỗ Cử nhân. Nguyễn Như Bổng dự 15 khoá thi Hương trong suốt 40 năm, chỉ đỗ Tú tài 2 lần và đỗ Cử nhân khi 60 tuổi.
Có rất nhiều người đỗ đạt của làng Hành Thiện giữ các vị trí trong hệ thống quan chức của triều đình phong kiến từ trung ương tới địa phương.
Số dòng họ, gia đình có nhiều người đỗ đạt ở Hành Thiện, Xuân Trường chiếm số lượng lớn như họ Đặng, họ Nguyễn, họ Phạm...
Những gia đình có ông cháu cùng thi đậu Cử nhân như: ông là Nguyễn Xuân Tháp (là người viết tác phẩm Hành Thiện bản ấp lịch triều đăng khoa lục văn hội thông ký) và cháu là Nguyễn Lý Thản; ông là Đặng Văn Bính và các cháu: Đặng Hữu Dương, Đặng Hữu Hộ, Đặng Hữu Hách.
Gia đình có cha con cùng thi đậu Cử nhân: cha là Đặng Hữu Đức, con là  Đặng Vũ Uyển; cha là Đặng Đức Cường, con là Đặng Đức Chính; cha Nguyễn Xuân Huyền, con Nguyễn Xuân Thống; cha Đặng Đức Nhu, con Đặng Đức Quyên, Đặng Đức Tiêu; cha Lương Trọng Xán, con Lương Ngọc Đĩnh.
Gia đình có chú cháu cùng thi đậu Cử nhân: chú Nguyễn Xuân Huyền, cháu Nguyễn Xuân Kinh; chú Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Thủ Ước, cháu Nguyễn Hân.
Gia đình có anh em cùng thi đậu: anh họ là Tiến sĩ Đặng Hữu Dương, anh Cử nhân Đặng Hữu Hộ, Đặng Hữu Hách, em Cử nhân Đặng Hữu Châu; anh Nguyễn Bá Huống, em Nguyễn Trọng Trù, Nguyễn Thế Tự cùng đậu Cử nhân. Trong đó Nguyễn Bá Huống và Nguyễn Thế Tự đỗ cùng khoa thi năm 1821; anh Nguyễn Đăng Kiều, em Nguyễn Như Bổng; anh Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, em Cử nhân Đặng Ngọc Toản; anh Nguyễn Đức Ban, em Nguyễn Ngọc Liên; anh Đặng Đê Kinh, Đặng Văn Khánh, em Đặng Văn Độ cùng đậu Cử nhân.
Ý Yên là quê hương của các vị Hoàng giáp. Riêng huyện này đã có tới 7 vị Hoàng giáp, chiếm số lượng lớn nhất những người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ cập đệ. Cùng với Xuân Trường, Ý Yên cũng là huyện có tiếng với các làng khoa bảng như làng Tam Đăng có gia đình Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, một người con đỗ Phó bảng và ba người đỗ Cử nhân; làng La Ngạn, xã Yên Đồng, có dòng họ Đỗ có truyền thống khoa bảng. Tổ đời thứ 9 của dòng họ Đỗ là Đỗ Huy Cảnh, đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão năm 1819. Con trưởng của ông là Đỗ Huy Uyển đỗ Phó bảng năm 1841. Con trai của Đỗ Huy Uyển là Đỗ Huy Liêu đỗ Hoàng giáp năm 1879. Một số người khác trong  gia đình tuy không tham gia khoa cử nhưng vẫn học giỏi và làm nghề dạy học. Đây là gia đình mà cha con, ông cháu đều đỗ đạt. Từ đường họ Đỗ còn treo đôi câu đối:
Lục triều trung hiếu gia sinh Phật
Tam thế khoa danh quốc phúc hầu
Tạm dịch:
Sáu triều trung hiếu nối nhau, Phật sống trong nhà sao hiếm thấy
Ba đời khoa danh hiển hách, phúc thần được nước kính dâng thờ.
Ngoài ra các gia đình có cha con, ông cháu, chú cháu cùng thi đậu Cử nhân như: xã Phú Khê có cha con Hoàng Trọng và Hoàng Văn Tuấn ; chú Hoàng Văn Tuấn và cháu Hoàng Cẩn cùng đậu khoa thi năm 1876; cha Hà Trọng Thạc, con Hà Trọng Pha, người xã Nguyệt Lãng; cha Bùi Cung Quang, con Bùi Tiến Tiên, người xã Đông Duy; ông là Hương cống Trần Văn Vịnh, cha Trần Văn Tiến, con Trần Văn Cận, bác Trần Văn Quýnh, Trần Văn Thức, anh họ Trần Văn Tạo, Trần Tiễn Đắng cùng đậu Cử nhân, người xã Vũ Xuyên. Trong đó Trần Văn Quýnh và Trần Văn Tiến đậu cùng khoa thi năm 1848; chú Lã Xuân Oai, cháu Lã Xuân Trang, người xã Thượng Đồng; cha là Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, con là Cử nhân Khiếu Tứ Ứng, Cử nhân Khiếu Tam Lữ, người xã Trực Mỹ. Khiếu Tứ Ứng và Khiếu Tam Lữ là hai anh em đỗ cùng khoa thi năm 1900.
Làng Cổ Lễ huyện Trực Ninh,  có cha con họ Đào cùng đỗ đại khoa (cha là Đào Toàn Bân đỗ Tiến sĩ, con là Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên). Bên cạnh đó còn có các làng, xã có nhiều người đỗ đạt như Phương Để, Dịch Diệp.
Số người đỗ đạt thuộc thành phố Nam Định hiện nay không nhiều, nhưng đều có người đỗ Bảng nhãn, Thám hoa, Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân, Phó bảng và Cử nhân.
Theo: Địa chí Nam Định
(Nguồn từ www.dulichnamdinh.com.vn)

Di sản Hán Nôm ở họ Phạm làng Ngọc Hà

Nguyên văn chữ Hán:
成泰戊戌夏
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
孝 心 不 匱
以 似 以 續
 祿 百 福

Phiên âm:
Tích tại tiên dân
Dĩ dẫn dĩ dực
Kế tự bất vong
Hiếu tư duy tắc
Dịch dịch tẩm miếu
Thức lễ mạc khiên
Trắc giáng đình chỉ
Ư vạn tư niên
Tuy ngã tư thành
Thị hưởng thị nghi
Tử tử tôn tôn
Vĩnh ngôn hiếu tư
Hiếu tâm bất quỹ
Dĩ tự dĩ tục
Thiên lộc bách phúc

Dịch nghĩa:
Xưa việc làm của dân có pháp độ
Lấy lễ mà dẫn dắt, lấy lễ mà phù giúp.
Kế nối không quên
Mãi mãi suy nghĩ về đạo hiếu,
Lòng hiếu thuận làm phép tắc
Tẩm miếu được huy hoàng
Nghi lễ không sai
Trắc giáng nơi đây
Đến mãi muôn đời
Cầu tiên tổ phù hộ được thành công.
Ấy hưởng ấy nên
Con con cháu cháu
Mãi nói nghĩ điều hiếu thảo
Lòng hiếu thảo không khi nào thiếu sót
Để học theo mà nối theo
Nghìn lộc trăm phúc là đó

Dịch thơ:
Xưa kia các bậc tiên dân
Dạy nhau dẫn dắt đỡ đần lễ nghi
Phụng thờ kế nối không suy
Tấm lòng tư hiếu duy trì phép hay
Đời đời tẩm miếu dựng xây
Lễ nghi chẳng để sai trây chút nào
Tổ tiên thăng giáng ra vào
Muôn năm vẫn vậy lẽ nào dám quên
Đời sau suy tính phúc bền
Là điều phúc hưởng tuyên nên chẳng mòn
Mai này cháu cháu con con
Vẫn còn chữ hiếu chẳng mòn suy tư
Hiếu tâm chẳng sút chẳng hư
Kế noi học tập nối dư lâu dài
Trăm nghìn phúc lộc chẳng sai

                   Tây đường Nam khách Nguyễn theo cách trước dịch thêm
 ()

Bách đại di mưu Thi Lễ trạch
Nhất đường triển kính vũ sương tư
Trăm năm mưu kế dòng Thi Lễ
Một nhà kính cẩn gội ơn sâu 











 Nhà bác tôi ở làng Ngọc Hà, bác gái gọi ông Ngoại tôi bằng Cậu ruột. Ngày còn bé, tết đến gia đình thường đến chúc tết các cụ và 2 bác ở làng Ngọc Hà. Đường đi lúc đó còn heo hút chật chội, ruộng rau ao bèo còn nhiều lắm. Nhà ngói 5 gian, khu thờ buông vải đỏ che kín. Tôi không biết bên trong là gì. Mấy chục năm trôi qua, bác gái đã mất. Hôm nọ nhân đám cưới thằng cháu, lên chơi, thoáng thấy ánh vàng son sơn thếp trên nền then ở gác 2. Cơn nghiện chữ Nho - đồ cổ của tôi "vật vã". Xông lên hỏi thăm, tiện thể máy ảnh chụp cho kỳ đủ. Hứa sẽ dịch ra cho Bác trai. Theo như lời Bác, nhà bác họ Phạm, có cụ ông từng làm Đốc học Hoàn Long là cụ Phạm Đốc Mễ. Tôi còn chưa tra cứu kịp. Tạm đăng mấy bức hình lên Blog cho khỏi quên.

Phụng Các - làng cổ 400 năm

Vùng đất khu vực phía nam Phú Yên nằm hai bên bờ sông Đà Diễn được lưu dân Việt khai phá sớm cùng lúc với các vùng phía bắc tỉnh. Tại đây mặc dù rừng rậm còn ăn rộng xuống vùng đồng bằng với nhiều sình lầy, đầm ao nước đọng, nhưng với tinh thần lao động cần cù, lưu dân Việt đã không quản gian khổ khơi thông vùng trũng, chặt phá rừng rậm. Rừng phá đến đâu, dân cất nhà đến đó. Nhiều xóm làng mang tên rừng (lâm) phản ánh việc khai hoang phá rừng thời bấy giờ không hề đơn giản. Các làng Mậu Lâm, Nho Lâm, Hạnh Lâm, Thọ Lâm, Hoành Lâm,… ghi dấu công cuộc mở đất lấn rừng của người Việt lúc này.

Việc khai khẩn đất đai để lập nên làng Phụng Các được tiến hành sau khi thành Hồ bị chinh phục (1578). Những cư dân có mặt sớm trong việc khai hoang lập nên xóm, ấp ở Phụng Các là các tộc họ Lương (hậu duệ của Lương Văn Chánh), Nguyễn, Phạm, Bùi, Lê được thờ phụng tại miếu Tiền hiền của làng. Các dòng họ đã chung sức khai hoang trên đồng ruộng ở các xứ Bàu Ao, Ao Vuông, Núi Sầm, đồng Cà Dược, đồng Cây Khế, đồng Cẩu Cuồng, đồng Rộc chùa… để hình thành nên làng Phụng Các lúc bấy giờ. Theo gia phả của các tộc họ ở Phụng Các thì họ Lương đến lập nghiệp khá sớm ở đây với vị Thành hoàng Lương Văn Chánh mở đầu. Sau khi Lương Văn Chánh mất, các con của ông được các chúa Nguyễn phong tước hầu, gồm có Vĩnh Lộc hầu chánh Đề đốc Lương Công Vĩnh, Quảng Xuyên hầu phó Đề đốc Lương Công Triều, Thọ Khương hầu Cai phủ Lương Công Qúi. Các đời sau có 3 người tước hầu, 3 người tước bá và 1 người tước nam. Họ Nguyễn với vị thủy tổ là Nguyễn Văn Viết từ Quảng Nam vào lập nghiệp đến nay gần 400 năm. Họ Phạm, họ Lê với vị thủy tổ là Phạm Quyền, Lê Thị Cửa vào Phụng Các nay đã trên 15 đời kế tiếp nhau. Họ Bùi với vị Tiền hiền khai canh Bùi Văn Kỷ từ Bình Định vào khai phá đất hoang lập nên thôn Long Tường ngày nay.

Buổi ban đầu khi mới lập làng Phụng Các, cư dân sống quần tụ thành các đơn vị ấp, lý (xóm) với chừng 25 nhà để giúp đỡ lẫn nhau trong việc khai khẩn đất đai. Làng Phụng Các lúc mới hình thành có một ấp và năm lý (xóm) là: Hy Nguyên ấp, Nông Hòa lý, Nông Điều lý, Phước Nguyên lý, Đông Mỹ lý, Tây Mỹ lý. Vị trí của các ấp, xóm (lý) ngày nay có thể xác định: Nông Hòa lý nay là xóm Ao thuộc thôn Phụng Tường I; Hy Nguyên ấp và Nông Điều lý là khu vực thôn Phụng Tường II; Phước Nguyên lý là thôn Phụng Nguyên; hai lý Đông Mỹ và Tây Mỹ là thôn Long Tường hiện nay.

Như vậy làng Phụng Các là một trong những làng cổ hình thành khá sớm ở Phú Yên sau đợt di dân lập ấp của Lương Văn Chánh năm 1578. Cùng với các làng xã khác trên các khu vực Cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn, sự hình thành làng Phụng Các góp phần vào việc ổn định cuộc sống ban đầu của lưu dân Việt trên vùng đất mới trải dài từ Cù Mông đến núi Đá Bia, trên cơ sở đó tạo ra những tiền đề quan trọng góp phần quyết định cho sự ra đời phủ Phú Yên năm 1611.

Từ khi hình thành cho đến nay với lịch sử 400 năm, làng Phụng Các trải qua những giai đoạn thăng trầm cùng với sự biến đổi chung của tỉnh Phú Yên.

2 Giai đoạn các chúa Nguyễn và Tây Sơn (1611-1802)

Đây là thời kỳ bổ sung nhân lực đẩy mạnh khai hoang phát triển nông nghiệp, hình thành các ngành nghề thủ công ở Phụng Các. Đồng thời trong giai đoạn này, cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh trên đất Phú Yên cuối thế kỷ XVIII đã có những ảnh hưởng đến sự phát triển của làng.

Dưới thời chúa Nguyễn, tuy đã ổn định đời sống ở buổi đầu lập làng, nhưng công cuộc mở mang làng xóm, vườn ruộng vẫn tiếp tục ở Phụng Các. Ruộng thổ các xứ núi Sầm, Đồng Tre, Cẩu Cuồng, Cây Khế tiếp tục được khai thác mở rộng đến vùng Gò Kho giáp chân núi Mò O về phía tây bắc của làng. Gia phả một số tộc họ như họ Phạm, Bùi, Nguyễn (thôn Long Tường) ghi rõ tổ tiên từ các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, hoặc từ Quán Cau (Tuy An) di cư vào Phụng Các sinh sống trong thời kỳ này. Khoảng đầu thế kỷ XVII, một số hộ dân ở lý Phước Nguyên ngoài thời gian sản xuất nông nghiệp còn làm đồ gốm phục vụ nhu cầu trong gia đình và bà con trong vùng. Dần dần nghề làm gốm phát triển hình thành xóm Lò Gõ chuyên sản xuất các sản phẩm như thùng, ché, chậu, nồi, vò, chum vại,.. cung cấp không chỉ trong phạm vi làng Phụng Các mà còn mở rộng cả vùng Tuy Hòa.

Năm 1771 khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ ở Bình Định rồi lan rộng đến Phú Yên. Mùa đông 1773, Nguyễn Nhạc cử Ngô Văn Sở đưa lực lượng vào phối hợp với nghĩa quân Phú Yên đánh chiếm thành Hội Phú. Cũng như các làng quê khác ở Phú Yên, nhân dân làng Phụng Các tham gia tích cực trong phong trào Tây Sơn, có người trở thành những tướng lĩnh nổi tiếng. Bà Lương Phụng Tường, một người giỏi cả văn lẫn võ ở ấp Hy Nguyên cùng với chồng là Nguyễn Quang Huy tham gia nghĩa quân từ những ngày đầu đánh chiếm lỵ sở Phú Yên. Về sau bà trở thành nữ Đô đốc kỵ binh tài giỏi xông pha trên các chiến trường từ Phú Yên cho đến Bình Thuận. Năm 1794, bà cùng với chồng trấn thủ Phú Yên đương đầu với các cuộc tấn công của Nguyễn Ánh. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, bà cùng với Nguyễn Quang Huy vẫn tiếp tục chiêu mộ lực lượng, ẩn mình trên dãy núi Cù Mông để chờ thời cơ khôi phục lại phong trào.

(Còn nữa)
--------------------------
(6) Tài liệu lưu giữ tại đền thờ Lương Văn Chánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

TS. ĐÀO NHẬT KIM

Cổ Mân rực sáng một thời

Cổ Mân là một trong số ít những làng cũ trên đất Đà Nẵng hiện  nay còn bảo lưu nhiều gia phả của các dòng họ. Đặc biệt, làng còn giữ được nhiều tư liệu liên quan đến lịch sử văn hóa của làng dưới thời nhà Nguyễn, nhất là giai đoạn Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp.
 Theo gia phả tộc Phạm, tổ tiên của tộc Phạm đã rời xã Cổ Mân, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương vào vùng đất phía hữu ngạn sông Hàn này khai canh, khai cư từ năm Cảnh Trị thứ 3 (Lê Huyền Tông - 1665); xong đâu đấy đặt tên làng nơi sinh sống theo tên làng cũ để lưu nỗi nhớ cố hương.
Tộc Trương giữ lại được các văn bản xác nhận các chức danh, ruộng đất của những người trong dòng họ, sớm nhất là năm Gia Long thứ 10 (1811) và muộn nhất là năm Đồng Khánh thứ 2 (1887). Theo gia phả tộc Phan, vào thời chúa Nguyễn, một chi tộc Phan - xuất phát từ tộc Phan của Thỉ tổ Phan Công Thiên ở Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam - đã phân nhánh sang lập nghiệp tại đất trà Sơn Úc (Vũng Thùng), cùng với họ Phạm thành lập làng Cổ Mân.
 Các họ tộc làng Cổ Mân hiện còn giữ được các sắc chỉ về điều tra dân số (đinh), kê khai ruộng đất (điền) của các triều vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại; đặc biệt, còn giữ được tờ trát của Học chính Quan phòng tỉnh Quảng Nam lệnh cho Tù tài Đỗ Văn Tư (người xã An Hải) điều tra về núi Sơn Trà, đầm An Hải, vũng Trà  Sơn, xã Cổ Mân và cảng Cổ Mân với tinh thần “tra cứu khảo sát lại các chi tiết thừa, thiếu, sai lầm hoặc bổ sung, nhất là về địa giới hành chính, phân hiệp qua các thời đại: Việc này cho thấy, Cổ Mân là một trong những cứ điểm quan trọng theo cách nhìn của triều đình Huế lúc đó. Ngày nay, chưa ai khảo cứu được cảng Cổ Mân nằm ở đâu, chỉ biết rằng miền cảng thị này đã cùng với xã Nại Hiên Đông là tiền đồn chống trả những đợt tấn công của quân Pháp vào năm 1858.  
Đánh giặc, giữ làng
Rạng sáng ngày 01/9/1858, đại bác từ tàu chiến liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ vang trên cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược của phương Tây vào Việt Nam. Quận giặc đổ bộ tập trung hỏa lực tấn công uy hiếp vào các thành Điện Hải, An Hải. Sau khi Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương được triều đình Huế điều vào Quảng Nam làm Tổng đốc quân thứ, một phòng tuyến đã được nhân dân bên bờ Đông sông Hàn thiết lập từ chân núi Sơn Trà vào đến Mỹ Thị.
 Cuộc chiến không cân sức qua đi, quân giặc rút vào Gia Định, bỏ lại trên bán đảo Sơn Trà gần một nghìn ngôi mộ mà dân gian quen gọi là khu Mả Tây, dấu tích vẫn còn ở phía đông mũi Mỏ Diều và đảo Cò. Bên ta, di hài những anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân sau đó đã được quy tập vào hai Nghĩa trủng Hòa Vang và Phước Ninh.
Thế nhưng, ít ai biết rằng trong trận đầu đánh Pháp ấy, nơi tiền đồn Cổ Mân không ít người không rõ tên tuổi đã ngã xuống, được dân làng quy tập vào một nơi gọi là khu mộ chiến sĩ trận vong, lập riêng miếu Âm linh để hương khói.
Ông Phạm Phú Bài, Trưởng ban phụng sự đình Cổ Mân hiện nay kể chuyện, vào các năm 1946-1947, dân làng tản cư khắp nơi để tránh giặc Pháp.
Ông Thủ Khoa - người giữ các sắc phong trong làng hồi đó – đưa hòm sắc xuống gửi nơi đình Phước Trường (nay thuộc phường Phước Mỹ). Giặc đốt đình Phước Trường, tất cả đều bị thiêu rụi. Năm 1948, dân làng Cổ Mân hồi hương, trùng tu lại đình làng và xây dựng miếu Âm linh, ngày khánh thành tổ chức hát bộ mấy đêm liền.
Giữa con đường huyết mạch từ núi Sơn Trà vào Đà Nẵng, trên một ngã ba ở làng Cổ Mân, Pháp đóng đồn lính, dựng thùng phuy chung quanh để làm phòng tuyến, dân gian gọi là đồn Cồn Thùng. Năm 1953, một nữ giao liên tên là Hai Nho - con bà Hương Nho trong làng - cùng với một cán bộ Việt Minh là ông Huỳnh Công Thích đã giúp cơ sở cách mạng phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức đánh vào đồn giặc. Được hỗ trợ bằng súng mây đặt tại gò Thần Nông, miếu Âm linh và đình Cổ Mân, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ cứ điểm quan trọng này của địch chỉ trong một tiếng đồng hồ.
Từ đó, ngã ba nơi có đồn Pháp bị ta xóa sổ được người dân quanh vùng gọi là ngã ba Hương Nho.Thời kháng chiến chống Mỹ, đình Cổ Mân là một trong 8 ngôi đình ở Khu Đông được cán bộ cách mạng làm nơi hội họp, bàn kế hoạch tiến công đánh địch, xây dựng cơ sở. Năm 1972, cán bộ cách mạng đã treo cờ Giải phóng trên ngọn đa cổ thụ cạnh đình Cổ Mân.
Nay vượt xưa
Chống chọi với thiên tai, địch họa hơn 300 năm trôi qua, đình Cổ Mân cũng phải mấy lần tôn tạo, tái thiết. Sau ngày thống nhất đất nước, đình đã được trùng tu khang trang, cổ kính hơn để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn".
Mới đây, thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, Ban phụng sự đình làng và thân hào nhân sĩ các họ tộc đã thống nhất di dời toàn bộ đình, miếu Âm linh và nhà thờ tộc Phan về vị trí dành riêng làm khu văn hóa của khu vực Mân Lập Tây, phường Mân Thái.
Từ nguồn kinh phí của UBND thành phố và Ban Quản lý dự án Bạch Đằng Đông, các kiến trúc theo kiểu cổ này tuy đã được xây mới hoàn toàn nhưng vẫn bảo lưu được một số câu đối xưa. Ngay cửa đình là câu “Chánh khí lưu hành kim việt Cổ/ Văn phong thạnh phát thống chi Mân”. Các cụ cắt nghĩa : Giữ được chánh khí lưu hành trong làng thì nay có thể vượt qua xưa, bồi đắp nền văn phong để kế thừa truyền thống tổ tiên.
Hơn 150 ngôi mộ chiến sĩ vô danh đã được di dời lên Nghĩa trang thành phố ở Gò Cà. Chỉ còn lại ngôi mộ cổ của một đội trưởng họ Phan tự là Minh Trí, nằm giáp ranh giữa hai phường Mân Thái và Nại Hiên Đông, từng được nhiều bài báo đề cập đến.
 Hằng năm, đến ngày 25 tháng Chạp, trước khi tổ chức lễ tế chiến sĩ trận vong tại miếu Âm linh, dân làng lo tu tảo phần mộ, dọn vệ sinh quanh xóm làng để chuẩn bị đón năm mới. Ngày 16/3 âm lịch làm lễ cầu an, 16/8 làm lễ tế thu, trùng với lễ cúng cơm mới. Ngày trước, đây là dịp làng tổ chức hát bộ. Ông Phan Văn Kỉnh kể, năm 1958, làng Cổ Mân thành lập đoàn hát bộ Đồng Ấu, rước nghệ nhân từ Điện Bàn ra dạy, không chỉ hát ở địa phương, còn "đem chuông đi đấm xứ người" tận Huế.
Từ đình làng, đi mấy bước là đến bến sông. Con kênh Mương Lở đưa nước ngọt từ Tiên Sa về tưới mát ruộng đồng, gò Thần Nông xôn xao người về sau mỗi mùa thu hoạch, cây đa rợp bóng sớm chiều bên mái đình xưa... tất cả chỉ còn trong hoài niệm của những bậc kỳ lão.
Trên dấu xưa giờ là phố mới. Người các nơi tụ về, nhận ra đâu đó trên đường nét của những rồng, những phượng lượn trên nóc đình mới chút dư âm của tháng ngày hội hè cũ.
Tiếng chiêng, tiếng trống lại âm vang vào những ngày lễ trọng của làng, níu giữ hồn quê giữa lòng phố mới. Các thế hệ người dân Cổ Mân nối nhau đi qua, song vẫn một lòng thiết tha với di sản của cha ông để lại: Chánh khí lưu hành kim việt Cổ...