tháng 5 2013 ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Gia phả, nguồn tư liệu quý trong công cuộc tìm hiểu danh nhân văn hóa

GIA PHẢ, NGUỒN TƯ LIỆU QUÝ TRONG CÔNG CUỘC TÌM HIỂU DANH NHÂN VĂN HÓA
NGUYỄN KHẮC XƯƠNG
Tỉnh Phú Thọ
Gia phả và phả hệ là những tư liệu văn bản ghi chép lại về các thế hệ và những biến cố liên quan của một nhân vật, một gia đình và một dòng họ. Các gia đình nho học và các danh nhân văn hóa có thể nói không nhà nào, không ai là không có gia phả và phả hệ. Các bản gia phả này vừa chép về một thế hệ với các vai vế họ hàng của thế họ đó, lại chép các thế hệ với các vai vế họ hàng của thế hệ đó, lại chép các thế hệ nối tiếp nhau từ các cụ tổ xa đời, từ cội nguồn của dòng họ cho tới thế hệ người soạn chep gia phả và cứ thế nổi tiếp mãi, tựa như dòng chảy bất tận của tông tộc. Nhìn vào phả hệ, một hình thức biểu đồ gia phả, ta được thấy cả hàng ngang về quan hệ họ hàng của thế hệ đương đại với hàng dọc là các thế hệ nối tiếp nhau từ khởi thủy, từ ngày tiên tổ lập nghiệp mở đường cho dòng họ định hình, tồn tại và phát triển lâu dài, thế hệ tiếp nối thế hệ các hàng ngang cứ xếp tiếp với nhau trở thành chồng lên, tựa lên nhau theo chiếu chứng biểu hiện sự trường tồn của một dòng họ.
Công việc soạn gia phả có ý nghĩa quan trọng và có thể nói là thiêng liêng, đó là biểu hiện sâu sắc nhất của tư tưởng “Uống nước nhớ nguồn”, “Ẩm hà tư nguyên” của nhân dân ta, lại cũng mang tư tưởng tự hào của dòng họ và còn ý nghĩa khác không kém quan trọng là giáo dục con cháu noi gương cha ông, giữ lấy nếp nhà, giữ lấy truyền thống và danh dự của họ tộc.
Tuy nhiên, gia phả không chỉ có ý nghĩa với một họ tộc, một gia đình mà còn mang tính xã hội cao trong công cuộc nghiên cứu lịch sử. Gia phả còn có những tư lieuẹ, những phát hiện cả trong lĩnh vực sử học và xã hội học. Đó là những nhận thức của chúng tôi trên đường tìm hiểu Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, thân thế và sự nghiệp, một nhà nha tiêu biểu cuối cùng của văn học cổ điển phong kiến và của văn hóa Khổng học cũng lại là người mở đường, người khai thông cho văn học và thơ ca đi vào hiện đại.
Trong tham luận này, chúng tôi giới thiệu các tư liệu gia phả và phả hệ của dòng họ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu như sau:
- Bản gia phả và phả hệ của họ Nguyễn - Tản Đà gốc ở Kim Lũ (Thanh Trì - Hà Nội) do Văn minh điện đại học sĩ, Cơ mật viện đại thần, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp biên soạn, đề là “Phả hệ họ Nguyễn huyện Thanh Trì, cháu đời thứ 10 Nguyễn Trọng Hợp kính cẩn biến soạn”.
- Bản gia phả của họ Nguyễn Tản Đà, tách từ Kim Lũ về lập nghiệp ở huyện Bất Bạt trấn Sơn Tây từ thời Lê Chiêu Thống đây chính là chi họ của Tản Đà.
- Bản gia phả của dòng họ Nguyễn Bá Lân Tiến sĩ khoa Tân Hợi triều Vĩnh Khánh (Lê Duy Phương) do chính Nguyễn Bá Lâm soạn.
Nguyễn Trọng Hợp đã chép gia phả, soạn phả hệ về họ Nguyễn ở Kim Lũ - Thanh Trì mà đó chính là họ tộc gốc của Tản Đà có chép về chi của Tản Đà và trong phả hệ ghi rõ cả tên thân phụ Tản Đà cùng những anh em của Nguyễn Khắc Hiếu. Riêng điều này cũng đã cho thấy trong họ Tản Đà có một nhân vật lịch sử và văn hóa quan trọng với thời cuộc là Nguyễn Trọng Hợp và gia phả không chỉ làm sáng tỏ thêm nhiều chi tiết về bản thân Nguyễn Trọng Hợp mà còn làm sáng tỏ nhiều điều trong tiểu sử Tản Đà.
Về chi của Tản Đà, bài Tựa mở đầu gia phả và phả hệ ghi tóm tắt về các chi viết:
“Chi sau nữa là cụ Bình Chương thi trúng cách, đặc cách làm quan trong triều, mới đầu Đốc đồng Cao Bằng năm đầu Chiêu Thống (1787) rồi Đồng bình chương sự. Cụ sinh 11 con, con lớn là Đình Hằng theo sang nước Thanh theo đường bộ đến đạo Bác Lãng gặp nạn mất, truy tặng Hoàng Tín đại phu (…) Lại có tằng tôn ngành thứ là Kế đỗ cử nhân làm quan đến án sát tỉnh Ninh Bình, lại có Hội đỗ cử nhan bổ giáo thụ, như vậy văn học cũng nhiều, đó là chi thứ 6”.
Trên đây chép “cụ Bình chương” là Nguyễn Huy Tú, đốc đồng rồi Đốc trấn Cao Bằng, là trưởng đoàn phò mẹ Lê Chiêu thống là Lê thái hậu sang triều Thanh cầu viện, sau phong Đồng bình chương sự, Tô phái hầu. Sau trận Tây Sơn đại phá quân Thanh (1789), Nguyễn Huy Tú về ẩn ở huyện Bất Bạt trấn Sơn Tây. Đây là tổ các chi họ Nguyễn Thanh Trì ở Bất Bạt.
“Kế” nói trên là Nguyễn Danh Kế, thân phụ Tản Đà, Cử nhân ra tri huyện Lý Nhân, tri phủ Xuân Trường rồi Án sát Ninh Bình. “Hội” là Nguyễn Hội bác Tản Đà anh họ Nguyễn Danh Kế, là Cử nhân bổ Giáo thụ sau mộ dân binh theo thủ lĩnh Cần vương Nguyễn Quang Bích kháng Pháp ở Hưng Hóa, được vua Hàm Nghi chống Pháp phong Tán tướng quân vụ nên trong họ vẫn gọi là cụ Tán Tương. Viết về Nguyễn Quang Bích, Trần Huy Liệu rồi Dinh Xuân Lâm có nhắc đến ông Hội nhưng chỉ biết là Nguyễn Khê người làng Khê Thượng - Sơn Tây mà không biết được tên chính thức và lai lịch.
Cũng tư lieuẹ dẫn trên cho biết về chi trưởng, gọi là đại tông, trong đó có chép:
“Cụ Hoằng Nghị (đời thứ 6 họ Nguyễn Thanh Trì) sinh 5 con, con trưởng là cụ Phương Đình đỗ Ất khoa (phó bảng) từng làm quan ở Bí các (Bí thư các), phụng sự tới yên Kinh - Trung Quốc, chuyển làm Án sát sứ, sau giáng chức về hưu với hàm Hàn lâm viện thị độc. Khi về hưu, do văn chương và tuổi cao được trọng vọng một thời. Nay con cụ Phương Đình là Dĩnh, hàm Hàn lâm viện điện tịch lĩnh tri huyện huyện Kim Sơn là thừa kế”.
Như vậy trong họ tộc Nguyễn Trọng Hợp và Tản Đà còn có danh nhân văn hóa Phương đình Nguyễn Văn Siên, người mà đương thời suy tôn cùng với Cao Bá Quát là “thần Siêu thánh Quát”.
Bản phả hệ cũng chép về tổ 5 đời của Tản Đà là Nguyễn Công Thể như sau;
“Cụ Trung Mẫn đỗ Tiến sĩ thứ 5 khoa Ất Mùi (1715) niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719), vào chính phủ, chức thiếu bảo Lại bộ thượng thư phong tặng Thái tể thái phó Kiều quận công”.
Về Nguyễn Công Thể tức Trung Mẫn, bản gia phả chép theo lối biên niên rất rõ và có nhiều chi tiết. Công Thể là người đã có công phá tan âm mưu quan chức nhà Thanh lấn chiếm đất biên giới trấn Tuyên Quang với mỏ đồng Tụ Long, lại có một vai trò chủ chốt trong khởi xướng và trực tiếp làm đảo chính, phế Uy vương Trịnh Giang, lập Ân vương Trịnh Doanh, khi làm đảo chính, Trịnh Doanh mới là Ân Quốc công. Xin dẫn một đoạn viết về cuộc đảo chính đó trong gia phả họ Nguyễn - Thanh Trì.
“Cụ cùng quan Hữu tư giảng là Nguyễn Qúy Cảnh định mưu chước cùng với thân thần là Doãn công (Trịnh Tạc sau phong Doãn Trung công), Bính công (Võ Tất Thận sau phong Bính quận công) mật tâu vua xin cho Ân quốc công (Doanh) nối ngôi (ngôi đây là ngôi chúa). Ân quốc công trước còn nhường cánh, vua thân dụ hai ba lần, Ân quốc công mới chịu mệnh, lại hẹn Hoán công cùng phò mã Cổn công, nội giám Khuê quận công nội các Phương Đình hầu đều giúp sức.
Trước khải phủ Nhiếp Chính (tức phủ Trịnh Giang) ủy tên Thực đem quân sang Hà Bắc đánh giặc, tên Thục còn ngập ngừng, Cụ (Công Thể) lấy lời nói khích động, Thực bất đắc dĩ phải xuất quân.
“Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) tuần đầu tháng giêng Canh thân bộ thự xếp đặt xong, định lấy ngày khai bảo khởi sự, trình với trừ cung (đây chỉ Doanh), hôm ấy trời chưua sáng, Hoán công lĩnh quân bản bộ vây kín bốn mặt cung Thưởng Trì, sáng rõ, Ân quốc công (Trịnh Doanh), tiến vào trong phủ. Cụ và Nguyễn Quý Cảnh cùng mời tiến. Ân quốc công cứ nhường tránh, cụ tuyên đọc tờ chỉ, bèn cùng lên tòa. Khuê quốc công lên lầu trồng đánh ba hồi trống. Tên Bào nghe tiếng trống từ cung Thưởng Trì vội vã cưỡi ngựa chạy ra, Hoán công giết luôn, bèn vào tôn Ân quốc công làm Minh Đô vương (tức Ân vương), tôn Thuận vương Trịnh Giang là Thái Thượng vương. Tên Thực nghe tin một mình chạy trốn. Chúa lệnh cho săn bắt dư đẳng, cấm phủ từ đây nghiêm chỉnh yên lành.
Đoạn văn trên thuật lại một sự kiện lịch sử vừa trung thực vừa sinh động, đó chẳng phải là tư liệu quý cho các nhà sử học hay sao? Trong phần viết về Nguyễn Công Thể cũng như về Nguyễn Huy Tú, gia phả cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin lịch sử có giá trị như thế, cho nên nói gia phả cũng là nguồn tư liệu quan trọng.
Một điều chúng tôi cho là rất lý thú là nhờ gia phả các dòng họ mà chúng tôi đã phát hiện được mối quan hệ giữa dòng họ Nguyễn Bá Lân với dòng họ Nguyễn Huy Tú, tức là dòng họ Tản Đà, đó là quan hệ thông gia giữa hai dòng họ khoa bảng nổi tiếng này.
Về Nguyễn Bá Lân, Cố Đô - gia phả ký chép về mối thông gia đó như sau:
“Cụ Nguyễn Thị Nhiên (hay Nhân) con gái thứ 7 (cụ Nguyễn Bá Lân) là con trắc thất, người Hoài Bão, Bắc Ninh, khi trưởng thành gả con Nguyễn Huy Tú là con thứ Kiều quận công, người ở Kim Lũ - Thanh Trì, Sơn Nam.
“Ở Triều Lê Chiêu Thống, Tú làm quan đốc đồng ở Cao Bằng, sau quân Tây Sơn ra Bắc, Tú bảo vệ Hoàng thái hậu sang triều Thanh xin cứu viện, khi thắng lợi trở về được phong Đồng bình chương sự, Tô Phái hầu. Chưa được bao lâu quân Tây Sơn lại ra Bắc, quân Thanh tan vỡ, Tú đi ẩn nơi sơn cùng, đến năm Nhân Tuất triều đại Gia Long yên ổn, cụ Tú về ở ẩn mở trường dạy học ở Khê Thượng, hơn 10 năm thì mất, lấy tên hiệu là “Thanh Khê tiên sinh”.
Như vậy, Cổ Đô gia phả ký của dòng họ Nguyễn tướng công - Nguyễn Huy Tú, húy Đễ - cụ họ Nguyễn, hiệu Đoan Trang, húy Nhân (Nhiên). Cụ là con gái của cụ Nguyễn tướng công làng Cổ Đô huyện Tiên Phong, Sơn Tây tỉnh. Sinh mồng 10 tháng 6 năm Kỷ Tỵ, giờ Thìn, mất 26 tháng 6 năm Quý Tỵ thọ 86 tuổi.
Xét về tiên tổ là cụ Tiên Lĩnh công nguồn gốc ở Kinh Bắc, phủ Từ Sơn, huyện Tiên Du xã Hoài Bão, là con trai cụ Mặc Trai công. Năm Tân Hợi địa phương có loạn, nhân đó cụ lên Sơn Tây làm nghề dạy học, thời ấy bản phủ ở Tiên Phong làng Cổ Đô, học trò tới họ rất đông. Sau Cổ Đô trở thành quê quán của cụ.
Anh chị em cùng thời đều hiển đạt giàu sang trở thành một họ lớn ở làng Cổ Đô nổi tiếng cho đến bây giờ.
“Xét về thân mẫu của cụ (Đoan Trang) là trắc thất của cụ Nguyễn tướng công. Tướng công đỗ Tiến sĩ năm Tân Hợi, làm quan Hộ bộ Thượng thư, được phong là Lễ quận công”.
Như vậy gia phả dòng họ Nguyễn của Tản Đà cũng có những thông tin về họ Nguyễn Cổ Đô và Nguyễn Bá lân đồng thời xác nhận Nguyễn Huy Tú là con rể Nguyễn Bá Lân đồng thời xác nhận Nguyễn Huy Tú là con rể Nguyễn Bá Lân. Đó là thông gia giữa 2 dòng khoa bảng văn học nổi tiếng.
Nguyễn Bá Lân được Tòng Thái thờ làm thành hoàng bởi xưa kia cụ lên đây đặt dinh sở ở xóm Cỏ Già của Tòng Lệnh, Cụ Nguyễn Công Hoàn bảo với cụ Lân: đất này sau sẽ phát phúc hoặc phát công danh nên giữ lấy. Lân chiêu mộ dân lập thành xã Tòng Thái vì thế dân Tòng Thái thờ Lân làm thành hoàng. Ông Nguyễn Huy Tú rời Kim Lũ lên Bất Bạt ở xã Tòng Thái rồi phát triển sang Khê Thượng. Chi thứ 6 là chi người con thứ 6 của Nguyễn Huy Tú ở Khê Thượng chính là chi của Tản Đà.
Từ năm 1996, họ Nguyễn Cổ Đô và họ Nguyễn Tòng Thái - Khê Thượng đã nối lại quan hệ với nhau, lễ giỗ Tổ ở Cổ Đô, bên Tòng Thái cũng sang dự và giỗ Tổ bên Tòng Thái, họ Nguyễn Cổ Đô cũng sang làm lễ.
Chúng tôi đã trình bày về ý nghĩa của nguồn tư liệu gia phả với phả đồ, phả hệ trong công cuộc tìm hiểu thân thế và sự nghiệp các danh nhân và báo cáo về gia phả dòng họ Nguyễn của Tản Đà ở Thanh Trì và Bất Bạt. Qua các gia phả, chúng ta được thấy dòng họ Tản Đà có những nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng và tác đọng nhất định tới văn hóa và lịch sử như Nguyễn Công Thể, Nguyễn Huy Tú, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Hội và có thể kể cả Nguyễn Bá Lân. Cũng qua các gia phả này mà chúng ta có được nhiều tư liệu quý giá, nhiều phát hiện bất ngờ. Đi tìm nguồn tư liệu gia phả, xác minh, đối chiếu và phân tích, đó là một công việc khoa học cần thiết để đưa đến những phát hiện và những thành công của công cuộc tìm hiểu danh nhân, nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc.
Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr. 502-510)
Nguyễn Khắc Xương

Nguồn tin: Viện Hán Nôm 

Về nguồn tài liệu Đăng khoa lục Võ cử


VỀ NGUỒN TÀI LIỆU ĐĂNG KHOA LỤC VÕ CỬ
Nguyễn Thúy Nga
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Trong khi nghiên cứu mảng tài liệu đăng khoa lục, chúng tôi thấy trong kho tàng di sản Hán Nôm còn có một số văn bản cũng mang tên đăng khoa lục nhưng không phải ghi họ tên những người đỗ Tiến sĩ ngạch văn như chúng ta đã biết. Loại sách đăng khoa lục này có tên là Tạo sĩ đăng khoa lục, nó cung cấp cho chúng ta tư liệu rất quý để tìm hiểu tiểu sử của những nhân vật xuất thân võ cử. Họ là những người thường được giữ chức vụ cao trong quân đội của triều đình, tham gia những sự kiện quân sự quan trọng của mỗi thời kỳ lịch sủ. Có lẽ vì số lượng loại tài liệu này không nhiều cho nên chưa được giới nghiên cứu quan tâm. Có chăng chỉ là một tài liệu khoa lục võ cử được nhà thư tịch học Trần Văn Giáp ghi tên trong bộ Tìm hiểu kho sách Hán Nôm(1). Qua tìm hiểu bước đầu, chúng tôi còn phát hiện một số văn bản có giá trị khác. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu chung tình hình văn bản, nội dung khái quát của loại tài liệu quý hiếm này.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện lưu giữ 3 văn bản(2).
Tạo sĩ đăng khoa lục, A.1176. Sách chép tay, dày 15 tờ, khổ 25x15cm, chữ viết chân trên loại giấy bản cũ đã mủn nát, mất tờ đầu và một số chữ.
Tạo sĩ đăng khoa lục, A.627. Sách chép tay, dày 21 tờ, khổ lớn: 31x21cm, chữ viết chân trên loại giấy bản mỏng còn tương đối mới.
Hai tài liệu trên đều không ghi tên tác giả và năm tháng biên soạn.
Lê triều tạo sĩ đăng khoa lục, VHv.1311. Sách chép tay, dày 33 tờ, khổ 28x16cm, chữ viết chân trên loại giấy bản dầy, thô còn rất mới. Tờ đầu sách có dòng ghi niên đại: “Thiệu Trị Nhâm Dần nhị niên thập nguyệt thư” (Chép vào tháng Mười năm Nhâm Dần niên hiệu Thiệu Trị 2 [1842]) và mấy dòng khái quát lịch sử thi võ ở nước ta cùng tổng kê số người thi đỗ.
Ngoài phần nội dung khoa lục như các bản trên, bản này còn có thêm phần phụ “Võ cử quy trình”(3).
Ngoài 3 văn bản chính đã kể trên, trong sách Nam thiên trung nghĩa bảo lục (VHv.1370) do Phạm Phi Kiến(4) biên tập năm Vĩnh Tộ 5 (1623)(5), sau phần tiểu sử những người trung nghĩa dưới các triều đại như Đinh, Lý, Trần, Hậu Lê là phần ghi chép toàn bộ văn bản Lê triều tạo sĩ đăng khoa lục.
Tìm hiểu các yếu tố nội chứng như địa danh, chữ húy v.v.. Chúng tôi thấy A.1176 là bản xuất hiện sớm hơn cả, có thể bản này được biên soạn vào cuối đời Lê. Tất cả các chữ thuộc diện kiêng húy đầu triều Nguyễn hiện diện trong văn bản như: Chủng, Hoa, Tông đều được viết nguyên dạng (chữ Chủng trong tên người Nguyễn Địch Chủng ở tờ 2b, Ngô Phúc Chủng ở tờ 13b; các chữ Hoa trong tên huyện Kỳ Hoa, Kim Hoa ở tờ 2b, 3b, 4a v.v... các chữ Tông trong chữ “Tông thất” ở các tờ 5b, 6b v.v...).
Bản VHv.1311, qua khảo sát, chúng tôi thấy những vấn đề sau:
- Các chữ húy mà văn bản thể hiện không đầy đủ và không đúng quy cách viết kiêng húy triều Nguyễn. Chữ Chủng thuộc diện trọng húy, cấm dùng, vậy mà 2 chữ Chủng trong văn bản được viết 2 cách: chữ thứ nhất (tên người ở tờ 4a) viết (+chữ thứ hai (tên người ở tờ 18a) viết đảo bộ theo cách viết kiêng húy đời Lê (+). Điều này là không hợp định lệ kiêng húy triều Nguyễn.
Trong khi các chữ “Tông” viết kiêng húy rất triệt để: tên người thì viết bớt nét (tờ 3a), chữ “Tông” trong từ “Tông thất” đổi theo định lệ là “Tôn thất” (các tờ 6b, 9a v.v...) thì chữ Hoa cũng thuộc diện trọng húy lại không một lần viết kiêng (ở các tờ 9a, 11a v.v...).
- Hơn nữa, ở mục Võ cử quy trình có chép cả quy chế thi võ đời Tự Đức.
- Chất giấy và chữ chép còn rất mới.
Vì những lý do trên, chúng tôi cho rằng bản VHv.1311 là bản được chép rất muộn về sau. Vì muốn văn bản có niên đại sớm nên người chép đã cố gắng thể hiện các chữ kiêng húy đời Thiệu Trị như dòng niên đại đã ghi ở đầu sách.
Chúng tôi đối chiếu phần nội dung khoa lục của bản này với 2 bản còn lại là A.627 và VHv.1730 thì thấy hầu như chúng trùng khít nhau, nhưng có sai khác một số chữ so với A.1176. Ví dụ: Nguyễn Đống chép thành Hoàng Công Phái chép thành Hoàng Công Hậu v.v... Có thể một trong ba bản này đã được chép lại từ A.1176, sau đó 2 bản kia lần lượt được chép lại trên cơ sở bản sao nên chuyển chép cả những chỗ vốn bị chép sai. Từ những cơ sở trên, chúng tôi cho rằng A.1176 là bản sớm nhất trong nhóm văn bản đăng khoa lục võ cử.
Tạo sĩ đăng khoa lục là sách ghi tên những người thi đỗ trong các khoa thi võ triều Lê, từ khoa đầu tiên năm Giáp Thìn Bảo Thái 5 (1724)(5) đến khoa cuối cùng năm Ất Tị Cảnh Hưng 46 (1785), gồm 19 khoa, lấy đỗ 199 người. Các khoa thi và số người đỗ trong từng khoa kê như sau:
1. Giáp Thìn Bảo Thái 5 (1724) lấy đỗ 11 người: 5 Tạo sĩ, 6 Đồng tạo sĩ xuất thân.
2. Đinh Mùi Bảo Thái 8 (1727) lấy đỗ 5 người: 3 Tạo sĩ, 2 Đồng tạo sĩ.
3. Tân Hợi Vĩnh Khánh 3 (1731) lấy đỗ 10 người: 2 Tạo sĩ, 8 Đồng taạosĩ.
4. Quý Sửu Vĩnh Khánh 5 (1733)(6) lấy đỗ 11 người: 4 Tạo sĩ, 7 Đồng tạo sĩ.
5. Bính Thìn Vĩnh Hựu 2 (1736) lấy đỗ 3 người: 1 Tạo sĩ, 2 Đồng tạo sĩ.
6. Ất Mùi Vĩnh Hựu 5 (1739) lấy đỗ 5 người: 2 Tạo sĩ, 3 Đồng tạo sĩ.
7. Quý Hợi Cảnh Hưng 4 (1743) lấy đỗ 5 người: 3 Tạo sĩ, 2 Đồng tạo sĩ.
8. Nhâm Thân Cảnh Hưng 13 (1752) lấy đỗ 7 người: 4 Tạo sĩ, 3 Đồng tạo sĩ.
9. Giáp Tuất Cảnh Hưng 15 (1754) lấy đỗ 6 người: 2 Tạo sĩ, 4 Đồng tạo sĩ.
10. Đinh Sửu Cảnh Hưng 18 (1757) lấy đỗ 16 người: 8 Tạo sĩ, 8 Đồng tạo sĩ.
11. Canh Thìn Cảnh Hưng 21 (1760) lấy đỗ 8 người: 1 Tạo sĩ, 7 Đồng tạo sĩ.
12. Quý Mùi Cảnh Hưng 24 (1763) lấy đỗ 11 người; 5 Tạo sĩ, 6 Đồng tạo sĩ.
13. Bính Tuất Cảnh Hưng 27 (1766) lấy đỗ 7 người: 3 Tạo sĩ, 4 Đồng tạo sĩ.
14. Kỷ Sửu Cảnh Hưng 30 (1769) lấy đỗ 11 người: 3 Tạo sĩ, 8 Đồng tạo sĩ.
15. Nhâm Thìn Cảnh Hưng 33 (1772) lấy đỗ 23 người: 4 Tạo sĩ, 19 Đồng tạo sĩ,
16. Bính Tuất Cảnh Hưng 37 (1776) lấy đỗ 21 người: 6 Tạo sĩ, 15 Đồng tạo sĩ.
17. Kỷ Hợi Cảnh Hưng 40 (1779) lấy đỗ 5 người: 1 Tạo sĩ, 5 Đồng tạo sĩ.
18. Tân Sửu Cảnh Hưng 42 (1781) lấy đỗ 7 người: 2 Tạo sĩ, 5 Đồng tạo sĩ.
19. Ất Tỵ Cảnh Hưng 46 (1785) lấy đỗ 28 người: 1 Tạo sĩ, 20 Đồng tạo sĩ.
Sách ghi tên khoa thi, tổng số người đỗ trong từng khoa, sau đó là họ tên, quê quán, chức quan của từng vị Tạo sĩ. Những trường hợp cha con, anh em, bác cháu, chú cháu ruột cùng đỗ cũng được ghi “Thế khoa”, “Phụ tử đăng khoa” hoặc “Huynh đệ đăng khoa” v.v... Chúng tôi có nhận xét là người biên soạn sách đăng khoa lục võ cử đã căn cứ theo cách thức biên soạn sách đăng khoa lục Tiến sĩ để soạn ra Tạo sĩ đăng khoa lục.
Về danh hiệu được bạn tặng, sách ghi là Tạo sĩ và Đồng tạo sĩ xuất thân. Ví dụ tờ đầu tiên ghi khoa thi năm Bảo Thái 5: “Dụ Tông Bảo Thái ngũ niên, tứ Giáp Thìn khoa Tạo sĩ ngũ danh, Đồng tạo sĩ xuất thân lục danh, cai thập nhất danh” (Bảo Thái năm thứ 5 đời vua Dụ Tông (1724), ban khoa Giáp Thìn lấy đỗ 5 Tạo sĩ và 6 Đồng tạo sĩ, tổng số 11 người) v.v...
Nội dung văn bản chỉ cho chúng ta những thông tin hết sức ngắn gọn. Vậy danh sách các Tạo sĩ được ghi trong Tạo sĩ đăng khoa lục đã đủ hay chưa? Danh hiệu Tạo sĩ là gì? Đồng Tạo sĩ là gì?
Tìm hiểu trong sử sách, chúng tôi thấy Đại Việt sử ký tục biên ghi khá chi tiết về việc này: tháng Mười, mùa đông năm Quý Mão, Bảo Thái năm thứ 4 (1723) “Bắt đầu đặt khao thi võ. Lấy những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Sở cử; những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi Bác cử; cả hai đều 3 năm thi một lần [...]. Thi Sở cử: tỉ thí võ nghệ, người nào trúng cách được làm Sinh viên; Quan viên tử, Quan viên tôn [trúng cách] được làm Biền sinh. Đợt thi văn sách mà hợp cách thì được làm Học sinh; Quan viên tử, Quan viên tôn mà hợp cách thì được làm Biền sinh hợp thức. Thi Bác cử; đến kỳ cuối cùng mà hợp cách thì được làm Tạo sĩ”(7).
Cùng nội dung, nhà sử học Phan Huy Chú ghi cụ thể: “Dụ Tông, Bảo Thái năm thứ 5, chuẩn định phép thi võ, những người dự trúng kỳ thi Sở cử đến năm sau đều được vào thi Bác cử. Thi Bác cử có 3 kỳ, trúng cách thì gọi là trúng đệ tam trường, cho vào thi Đình ở sân phủ chúa. Hợp cách thì được đỗ Tạo sĩ, cho được bổ dụng ngang với Tiến sĩ”(8).
Sách Đại Nam thực lục giải thích rõ danh hiệu Tạo sĩ như sau: “Khoảng năm Vĩnh Khánh đời cố Lê có đặt phép thi Bác cử, hễ ai trúng cả 3 kỳ, gọi là Tạo sĩ”(9).
Những ghi chép trên cho biết các thông tin sau: từ năm Bảo Thái 4 (1723) mới bắt đầu đặt khoa thi võ; thi Sở cử tương đương khoa thi Hương ngạch văn, thi Bác cử tương đương thi Hội ngạch văn. Vì vậy danh hiệu được ban trong các kỳ thi võ cử có thể suy tương đương như sau: Sinh viên tương đương Sinh đồ, Biền sinh tương đương Nho sinh, Học sinh tương đương Hương cống, Biền sinh hợp thức tương đương Nho sinh trúng thức, Tạo sĩ tương đương Tiến sĩ, Đồng tạo sĩ xuất thân tương đương Đồng tiến sĩ xuất thân.
Trong các sách, đặc biệt nguồn gia phả, có khi chúng ta gặp điều ghi trong tiểu sử một nhân vật nào đó là “thi đỗ Bác cử”, tức là người này theo nghề võ, thi đỗ Tiến sĩ võ. Lấy ví dụ sáchHàm Giang danh tướng liệt truyện(10), có bốn người thuộc dòng họ Đinh ở xã Hàm Giang: Đinh Cống, Đinh Bái, Đinh Phức và Đinh Giai đều ghi: “thi đỗ Bác cử”(11) là có nghĩa như vậy. Gia phả họ Đặng ở xã Lương Xá huyện Chương Đức tỉnh Hà Đông, gia phả họ Ngô ở xã Trảo Nha huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh v.v... đều có thể cung caap họ tên những người từng đỗ Tiến sĩ ngạch võ.
Sang đến triều Nguyễn, ngay từ những năm đầu, các vua Nguyễn không những chú trọng khoa cử Nho học mà cũng quan tâm đặt các khoa thi võ để kén chọn nhân tài. Qua Đại Nam thực lục chính biên chúng ta có thể biết năm 1846 vua Thiệu Trị mở trường thi võ ở kinh sư, lấy đỗ 51 người. Nhưng phải đến năm 1865, vua Tự Đức mới chính thức cho mở Võ khoa Tiến sĩ. Cũng theo lệ 3 năm mở một khoa, phép thi cũng giống đời Lê nhưng danh hiệu thì khác. Sách Đại Nam thực lục chép: “Nay những người thi Đình về bên võ được dự lấy đỗ, đổi gọi là Võ tiến sĩ cho có thanh nhã và phân biệt”(12). Cũng theo cách thức của ngạch văn, vua Tự Đức lại cho lấy thêm những người đỗ ở bảng thấp hơn, gọi là Võ phó bảng. Khoa này lấy đỗ 1 Đệ nhị giáp võ tiến sĩ xuất thân (Vũ Văn Đức), 1 Đệ tam giáp đồng võ tiến sĩ xuất thân (Vũ Văn Lương) và 6 Võ phó bảng. Như vậy về triều Nguyễn, Tạo sĩ đổi gọi là Võ tiến sĩ và có thêm danh hiệu Võ phó bảng. Cũng trong năm nay, bắt đầu mở trường thi võ hương ở Thanh Hóa, những người đỗ được gọi là Võ cử. Năm sau, vị vua chuộng hiền tài, giỏi văn học này lại mở thêm Ân khoa thi võ, lấy đỗ 3 Võ tiến sĩ và 22 Võ phó bảng.
Từ đó, các vua nhà Nguyễn vẫn chú ý tổ chức các khoa thi và định lại cách thức thi để tuyển dụng võ quan. Đến khi Pháp phản đối, các trường thi võ hương ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định bị bãi bỏ thì trên thực tế việc võ cử cũng đã chấm dứt.
Cũng như Tiến sĩ, số lượng Võ tiến sĩ được lấy trong mỗi khoa thi ở triều Nguyễn thường rất ít, mỗi khoa chỉ lấy vài ba người, như khoa đầu tiên năm Tự Đức 18 (1865) lấy đỗ 2 người; năm Tự Đức 21 (1868) lấy đỗ 5 người v.v... Số lượng Võ phó bảng được lấy nhiều hơn: năm Tự Đức 18 lấy 6 người, năm Tự Đức 21 lấy 20 người v.v... Tuy mỗi khoa lấy đỗ rất ít nhưng tổng số Võ tiến sĩ và Võ phó bảng triều Nguyễn được tuyển chọn cũng lên tới con số hàng trăm. Rất tiếc hiện nay chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào chép riêng về các võ cử như đời Lê. Vì vậy bộ Đại Namthực lục là tài liệu duy nhất cung cấp cho chúng ta thông tin về họ tên những vị đỗ đạt ngạch võ của triều Nguyễn.
Nói tóm lại, các văn bản đăng khoa lục võ cử tuy không còn nhiều, nhưng là một nguồn tư liệu lịch sử rất có giá trị. Hy vọng rằng các sách địa phương chí, gia phả các dòng họ, các bản sắc phong v.v... sẽ giúp chúng ta bổ sung để có thể lập được một sanh sách và tiểu sử về các nhân vật quân sự xuất thân võ cử của nước ta.
Chú thích:
1. Xem Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, T.1. Nxb. Văn hóa, H.1984, tr.306.
2. Theo Di sản Hán Nôm, thư mục đề yếu do GS Trần Nghĩa và Prof.Frascois Gros đồng chủ biên: tại Thư viện Paris cũng có một bản, ký hiệu SA.HM.2516.
3. Văn bản này chính là văn bản đã được cụ Trần Văn Giáp giới thiệu.
4. Phạm Phi Kiến: Người xã Dương Liễu huyện Đan Phượng - nay là thôn Dương Hòa xã Dương Liễu huyện Hoài Đức tỉnh Sơn Tây. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ 5 (1623), làm quan đến chức Binh khoa đô cấp sự trung, tước nam.
5. Sách đã được người đời sau sao chép và bổ sung, vì phần ghi về những người trung nghĩa còn có cả những nhân vật đời Hậu Lê.
6. Đại Việt sử kỳ tục biên ghi khoa này tổ chức vào năm Quý Mão Bảo Thái (1723). Xem bản dịch, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1991, tr.93.
7. Văn bản ghi năm Vĩnh Khánh 5, thực tế niên hiệu này thuộc đời vua Lê Duy Phường và chỉ có 3 năm. Năm 1733 đã là niên hiệu Long Đức 2 của vua Lê Thuần Tông Duy Tường.
8. Đại Việt sử ký tục biên, Bd, Sđd, tr.93-94.
9. Lịch triều hiến chương loại chí, Quan chế chí. Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. KHXH, 1992, T.3, tr.49.
10. Đại Nam thực lục chính biên, bản dịch của Viện Sử học, Nxb. KHXH, H.1974, T.30, tr.222.
11. Xem trong sách Đinh tộc thế phả, VHv.1346. Sách do Đinh Gia Nghi, đỗ Cử nhân khoa Bính Tý năm Tự Đức 29 (1876) viết bài Tựa, Đinh Huy Tụ sao lại.
12. Bản dịch của Nguyễn Văn Nguyên, tài liệu chưa xuất bản.
13. Đại Nam thực lục chính biên. Sđd, T.30, tr.222
Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.275-284)

Nguyễn Thúy Nga

Nguồn tin: Viện Hán Nôm


Giá trị lịch sử của tấm bia đá bốn mặt ở địa phương có truyền thống khoa bảng

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA TẤM BIA ĐÁ BỐN MẶT Ở ĐỊA PHƯƠNG CÓ TRUYỀN THỐNG KHOA BẢNG
Lê Viết Nga
Bảo tàng Hà Bắc
Làng Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh, xưa là huyện Lang Tài, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc hiện nay còn bảo tồn được một tấm bia đá có giá trị lịch sử lớn. Bia hình bốn mặt, cao cả đế đến chóp là 1,96m mỗi mặt có kích thước là (1m1 x 7,5). Bia được dựng khắc vào thời Lê (1690). Sau này - thời kỳ kháng chiến chống Pháp phải cất dấu, đến nay mới dựng đặt lại trong một nhà bia trang trọng.
Giá trị trước hết của tấm bia bốn mặt là ngoài ý nghĩa nội dung về chứng tích lịch sử quý hiếm ở một làng quê nằm trong vành đai trắng của thực dân Pháp thì tấm bia này còn là tài liệu lịch sử quan trọng góp phần tìm hiểu về truyền thống khoa cử vẻ vang của địa phương khi nghiên cứu lịch sử làng xã.
Giá trị của bia đã góp vào cùng tư liệu lịch sử Nhà nước làm sáng tỏ hơn về thân thế và sự nghiệp của các vị tiên hiền, tiên triết, quan tước, ấm phong đại phu và trúng thức ở vùng quê nơi đây nói chung và làng Lương Xá nói riêng. Đối chiếu nội dung văn bia này với các sách Đăng khoacủa Nhà nước từ xưa tới nay - cho thấy nhiều chi tiết chỉ có văn bia địa phương mới cụ thể được, thậm chí còn giúp cho việc đính chính những nhầm lẫn, thiếu chính xác của tư liệu lịch sử quốc gia (sẽ nêu ở phần sau).
Ngoài ra, bia còn cung cấp cho ta thấy về các gia tộc; Bia ghi: “Xã ta có 12 họ là họ Doãn, Đào, Vũ, Lương, Phạm, Phương, Nguyễn, Hoàng, Trần, Bùi, Đinh và họ Lâm”.
Bia còn phản ánh về lệ tục của dân thôn và nghệ thuật chạm khắc đá điêu luyện của người xưa.
- Bia bốn mặt này được tạo tác bằng đá xanh, 4 mặt đều ghi khắc chữ Hán, còn rõ nét.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ xin trích dẫn phần nội dung giá trị nhất (như đã nêu trên) cụ thể như sau:
VĂN BIA GHI VỀ NHỮNG VỊ TIẾN Ĩ, TIÊN HIỀN, QUAN TƯỚC, TIÊN TRIẾT, ẤM PHONG ĐẠI PHU VÀ NHỮNG VỊ TRÚNG THỨC CỦA ĐỊA PHƯƠNG
- Vũ Kính là anh của Thượng thư Vũ Cẩn, là bố của Trạng nguyên Vũ Giới. Ông (Kính) có chức là Hiển phó đạo Sơn Tây, thăng Triều liệt đại phu, thái bộc tự khanh, thọ 77 tuổi, hiệu là Nghị Trai tiên sinh.
- Thượng thư Vũ Cẩn đỗ Thám hoa, cùng với bạn là Phạm Quang Tiến thụ nghiệp (học) ở Hoàng giáp Vũ Kĩnh.
- Phạm Trình - Hiến sát phó sứ đạo An Quảng, hiệu là Thuần Trai tiên sinh.
- Thượng thư Lương Phùng Thời, Trưởng tử Thông chính điển sự kiêm Cẩm y vệ.
- Lương Hữu Nghĩa - phó Tân sự, hiệu là Nghiêm Thận tiên sinh, toàn tiết (hy sinh vì nghĩa).
- Vũ Lễ: Cha được tặng Hữu thị lang, Quảng Dụ bá. Vũ Đình Kim là Tri huyện Đường Hào, thăng Minh hình ty Viên ngoại lang, trí sĩ, tặng Hữu thị lang, Nghĩa Kính bá.
Vũ Lỗ: Chính thất tặng Trứ phu nhân, Bùi thị sinh 4 nam: Trưởng nam là Hoàng giáp Vũ Kính, thứ nam là Tri phủ Vũ Ban, con trai thứ 3 là Thiếu khanh Vũ Du, con trai thứ 4 là Thượng thư Vũ Cẩn; một con gái là Vũ Thị Hoàng lấy chồng là Đoàn Hữu Quảng. Trạng nguyên Vũ Giới là cháu đích tôn của ông Vũ Lỗ.
Đoàn Hữu Quảng thọ 71 tuổi, hiệu là Mai Hiên tiên sinh, khoa Ất Sửu, Đoan Khánh nguyên niên (1505) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khi đó mới 36 tuổi, làm quan đến chức Chính tân sự, hiệu là Vĩnh An tiên sinh. Kế đến Trạng nguyên Vũ Giới, (ông Quảng) là người đầu tiên đỗ nhị giáp.
- Vũ Ban anh của Thượng Tư Vũ Cẩn, chú của Thượng thư Vũ Giới - chức Mậu lâm lang, Tri phủ Thượng Hồng, hiệu là Mặc Trai tiên sinh.
- Đào Phùng Thái, sinh một con gái là Đào Thị Quý - là phu nhân của quan Thượng thư bộ Lễ, Sùng Lộc hầu, Tiến sĩ Nguyễn Thu (người Lai Xá).
- Nguyễn Thu đỗ Tiến sĩ khoa Tân Mùi, năm Hồng Thuận thứ 3, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, làm quan tới chức Quản thí huyện Quảng Đức.
- Trần Danh Tân: đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn, năm Vĩnh Hựu thứ 2, năm 28 tuổi, 18 tuổi đã đỗ thi Hương. Sau được đổi tên là Trần Trọng Đống.
- Đoàn Văn Thông: quê ở Quảng Đức nay là phường Đồng Xuân, Hà Nội. Làm quan đến chức Tham nghị xứ Nghệ An, hiệu là Chính Tâm tiên sinh. Khoa thi năm Giáp Thìn đỗ Hoàng giáp, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, năm 26 tuổi trúng thi Hội, thi Đình trúng thứ nhất, làm quan đến chức Tả thị lang Bộ lễ, kiêm Hàn lâm viện Tham nghị, Đào Xuyên bá, khi mất được tặng Đào Xuyên hầu.
- Vũ Kính: là anh của Thượng thư Vũ Cẩn, là cha của Trạng nguyên Vũ Giới, hiệu là Nghị Trai tiên sinh; là ông của Nghĩa Mai, là thày dạy của Trạng nguyên Vũ Giới, tri phủ huyện Đằng Thủy Trần Văn Bảo, tri huyện Chí Linh Phan Duy Ương; Thám hoa Đông các bản xã Phạm Quang Tiến, Tiến sĩ xã Lý Lâm Vũ Văn Giai, Tiến sĩ xã Duệ Đông Nguyễn Quang Bình (những vị này đều xuất thân từ đây - tức đều học ông Vũ Kính), Con rể là Tả thị lang bộ Hình Nguyễn Đình Tú (còn gọi là Lê Đình Tú). Cháu gái làm nội phi được phong làng Lục cung công chúa, quê ở Trình Khê. Nguyễn Đình Tú đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu; mộ táng tại Lương Xá. Khoa Quý Mão, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, năm ây ông 33 tuổi, đi xứ phương Bắc, làm quan đến chức Thượng thư 2 bộ. Khi mất được tặng Thượng thư bộ Lại.
- Lương Phùng Thời: Chức Thiếu bảo, Lương Khê hầu thượng trụ quốc, chí sĩ, tự là Ngô An, thụy là Nhự Túc tiên sinh, thọ 67 tuổi. Khi mất được tặng Thị lang tước bá Chư đệ, bác hộ Văn Xuyên bá, Thiên úy vệ trung úy, tri huyện Thanh Xuyên.
Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn năm 31 tuổi; đi sứ phương Bắc, làm quan đến Thượng thư bộ Hộ; Đô ngự sử, nhập thị Kinh diên, Xuân Hà hầu.
- Vũ Cẩn: Là em của Hoàng giáp Vũ Kính, là chú của Trạng nguyên Vũ Giới, hiệu là Tiết Trai tiên sinh, thọ 67 tuổi, tặng Thị Lang bá, tước từ, đỗ Nho sinh trúng thức kỳ thi sĩ vọng, là cháu quan viên Tôn Vũ Thái, quan viên Tôn Vũ Cử và Tri huyện Vũ Phiên.
Ông Cẩn đỗ Thám hoa, Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh tại khoa Ất Sửu, năm 39 tuổi (tái trúng).
- Vũ Giới: Đỗ Trạng nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhất danh khoa thi Đinh Sửu, năm 37 tuổi, làm quan đến Hữu thị lang bộ Hộ, kiêm Hàn lâm thị giảng, Tham ty hàn lâm viện sự, là con của Hoàng giáp Vũ Kính, là cháu gọi Thượng thư Vũ Cẩn bằng chú, là cháu ngoại Thượng thư Lương Lộc hầu Nguyễn Thu, là con rể của Thượng thư Lạng Kiều hầu Hoàng Sĩ Khải, thọ 53 tuổi, hiệu là Hòa An tiên sinh, đạo học tôn sư.
Những danh nho sau đây: Tiến sĩ Tri huyện huyện Chí Linh Nguyễn Ưởng, Tiến sĩ Nguyễn Thế Mễ, Nguyễn Hậu, Tiến sĩ Vũ Miễn người xã Ngọc Trì của bản huyện; tiến sĩ Nguyễn Khuê Xá ở An Tráng, Tiến sĩ Hoàng Kiều Lương... đều xuất thân từ trường học của cụ (học cụ Vũ Giới).
Thượng thư Vũ Cẩn là trưởng tự, Trung chính đại phu Nho sinh trúng thức, Hội thí đăng trường sĩ vọng.. có cái tên là Chấn Hội thụ nghiệp ở Đường Khắc.
Thượng thư Lương Phùng Thời là con thứ của Huệ Trung đại phu Nho sinh trúng thức Lương Tiến Giảng, hiệu là Văn Nho tiên sinh.
- Vũ Nghiệp: là học trò của Trạng nguyên Vũ Giới: là Đức Bộ, hiệu là Văn Tràng tiên sinh, thọ 78 tuổi. Con là Tri huyện Vũ Phiên. Vũ Nghiệp là con của Thượng thư Vũ Cẩn, Chiêu liệt đại phu, Nho sinh trúng thức.
- Vũ Hạnh: tự Thông Chính, hiệu Nghi Đức tiên sinh thọ 81 tuổi, thủ xướng hưng công đình cũ.
- Phạm Quang Tiến: Đông các, làm quan đến đại học sĩ, hiệu là Tán Dung tiên sinh. Chức Tả thị Lang, trước khi đi thi Giám sinh, đi sứ, tái trung Đông các đệ nhất (kỳ thi tuyển chọn sau khi đã ra làm quan rồi).
Xã ta có 12 họ là: họ Đào, Đoàn, Vũ, Lương, Phạm, Phương, Nguyễn, Hoàng, Trần, Bùi, Đinh và họ Lâm.
Thông qua nội dung văn bia nói chung và phần trích trên nói riêng chúng ta thấy được địa phương nơi đây có truyền thống khoa bảng rất vẻ vang - với 10 vị đậu đại khoa, trung khoa, tú tài; mà học vị cao nhất là Trạng nguyên - Trạng nguyên Vũ Giới (còn gọi là Trạng Lường, vì quê ở làng Lương Xá). Trong bia này còn ghi khắc về một số vị Tiến sĩ người quê nơi khác (sẽ nêu ở phần sau) nhưng có mối quan hệ gia tộc, điều kiện cư trú, học hành ở làng Lương Xá.
Theo nội dung văn bia thì người đỗ Tiến sĩ đầu tiên ở vùng quê nơi đây là Hoàng giáp Đào Phùng Thái - đậu năm Ất Sửu - 1505. Cũng qua nội dung bia này ta biết được mối quan hệ giữa Hoàng giáp Đào Phùng Thái với Tiến sĩ Nguyễn Thu - người làng Lai Xá, đỗ khoa Tân Mùi năm Hồng Thuận thứ 3. Ông lại là anh họ Tiến sĩ Phương Kính Trung (quê Lương Xá). Bia ghi rõ Nguyễn Thu lấy con gái của Đào Phùng Thái, tên là Đào Thị Quý. Chính vì thế mà ông Nguyễn Thu cũng có tên trong bia đá này.
- Người đỗ Tiến sĩ thứ 2 của làng Lương Xá là Phương Kính Trung - đậu năm Giáp Tuất (1514). Đối chiếu văn bia với các tư liệu Nhà nước thấy rằng nhiều sách ghi chính xác về họ và về quê của Tiến sĩ Phương Kính Trung: Sách Các nhà Khoa bảng Việt Nam và Đại Việt lịch triều đăng khoa lục đều ghi nhầm là Phạm Kính Trung, và quê ở Lai Xá chứ không phải là Lương Xá.
- Hoàng giáp Đình nguyên Vũ Kính là người đỗ đại khoa thứ 3 của làng Lương Xá. Qua nội dung bia ta mới biết rõ hơn về thân thế sự nghiệp khoa danh của ông: Trước hết là biết về gia đình, gia tộc của Vũ Kính - có truyền thống khoa bảng - với 3 vị đại khoa (đều có đề cập ở trong bài viết này). Đối chiếu văn bia này với các sách khoa bảng của Nhà nước ta thấy được nhiều sách ghi nhầm tên ông là Vũ Cảnh, như sách Lịch triều hiến chương loại chí. Bia đá còn cho ta biết rõ Vũ Kính có người con rể là Tiến sĩ Nguyễn Đình Tú, quê ở Trình Khê, đậu khoa Ất Sửu (1565) - cùng khoa với Tiến sĩ Phạm Quang Tiến làng Lương Xá. Cũng vì thế mà Nguyễn Đình Tú mới có tên trong bia này. Qua bia này ta còn thấy được công lao to lớn của Hoàng giáp Vũ Kính, trong việc dạy học đào tạo nhân tài: ông đã dạy con trai mình thì đậu Trạng nguyên - đó là Vũ Giới đỗ Trạng nguyên năm 1577, dạy Phạm Quang Tiến sau đậu Thám hoa (năm 1565); Vũ Văn Gian người xã Lý Lâm, Nguyễn Quang Đình người xã Duệ Đông sau đều đỗ đại khoa cả. Còn o­ng Trần Văn Bảo, Tri phủ huyện Đằng Thủy, Phan Duy Ương - Tri phủ Chí Linh cũng đều là học trò của ông Vũ Kính. Qua bia này ta còn biết Vũ Kính có một cháu gái (họ ngoại) bà là con Lê Đình Tú làm nội phi, sau được triều đình phong là Lục Cung công chúa.
- Về Tiến sĩ Thượng thư Lương Phùng Thời - đỗ năm Quý Sửu (1553) - vị đại khoa thứ 4 của làng Lương Xá, qua bia đá này ta hiểu rõ về thành phần đoàn đi sứ của ông (năm 1580) có tới 3 nhân vật quan hệ gia đình về quê hương với Lương Phùng Thời. Đó là Tiến sĩ Vũ Cẩn (sẽ trình bày phần sau) và Lê Đình Tú (như đã nêu ở phần trước), là Thượng thư Hoàng Sĩ Khải vừa là người cùng quê vừa là bố vợcủa ông, đi đón phái đoàn đi sứ trở về. (Theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong bia hiện nay còn lưu giữ ở thôn Lương Xá có ghi khác rất rõ về ông Lương Phùng Thời như sau:
“Lương Phùng Thời: Chức Thiếu bảo, trước Lương Khê hầu, Thượng trụ quốc, tự là Ngô An, thụy là Nhụ Túc tiên sinh, khi mất được tặng Thị Lang bá tước Chư đệ, bá hộ Văn Xuyên bá, Thiên uy vệ Trung úy, Tri huyện Thanh Xuyên. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn năm 32 tuổi, đi sứ phương Bắc, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ, Đô ngự sử, Nhập thị Kinh diên, Xuân Hà hầu”.
“Thượng thư Lương Phùng Thời, tước tử, Thông chính điển sự kiêm Cẩm y vệ. Lương Hữu Nghĩa - phó tân sự, hiệu là Nghiêm Thận tiên sinh, toàn tiết”.
- Thám hoa Phạm Quang Tiến, đậu năm 1565 qua bia đá này ta biết được ông là học trò của Hoàng giáp Vũ Kính, bạn học với Tiến sĩ Vũ Cẩn. Bia ghi “Thượng thư Vũ Cẩn đỗ Thám hoa, cùng với bạn bè Phạm Quang Tiến thụ nghiệp Hoàng giáp Vũ Kính”. Cũng qua bia này ta biết được khoa thi đó cùng đỗ với Phạm Quang Tiến còn có Nguyễn Đình Tú - người làng Trình Khê (làng cùng huyện Gia Lương), trú tại làng Lương Xá, lấy con gái ông Vũ Kính. Vì thế mà mộ ông mai táng ở làng Lương Xá và tên tuổi ông được ghi khắc trong bia này.
Người đỗ thứ 5 trong làng Lương Xá là Tiến sĩ Vũ Cẩn. Ngoài tư liệu Nhà nước, qua văn bia này ta biết rõ hơn về ông: “Thượng thư Vũ Cẩn là Trưởng tự. Trung chính đại phu, Nho sinh trúng thức, Hội thí đăng trường sĩ vọng, có cải tên là Chấn Hội, thụ nghiệp ở Đường Khắc”.
Cũng trong bia hiện còn ở làng Lương Xá có ghi khắc về Tiến sĩ Vũ Cẩn như sau:
“Vũ Cẩn: là em của Hoàng giáp Vũ Kính, là chú của Trạng nguyên Vũ Giới và Tiết Trai tiên sinh, là cháu quan viên Tôn Vũ Thái, quan viên Tôn Vũ Cử và Tri huyện Vũ Phiên. Vũ Cấp có một người con trai tên là Vũ Nghiệp (Hiệu là Văn Tràng tiên sinh, Chiêu Liệt đại phu), Nho sinh trúng thức, kiêm bản huyện, tri đức chính Văn Tráng vệ đích vị. Ông này lại là học trò của ông bác). Ông đỗ Thám hoa, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh tại khoa thi năm Ất Sửu (1565) khi đó ông 39 tuổi tái trúng, (thi lần nữa).
Năm Đinh Hợi (1587), quan Thượng thư Vũ Cẩn qua đời, thọ 67 tuổi, được tặng Thị Lang bá, tước Tử, thụy là Tổ Văn.
- Danh nhân khoa bảng đỗ cao nhất, người thứ 7 của làng Lương Xá được ghi khắc trong bia này - là Trạng nguyên Vũ Giới. Ngoài những tư liệu ta biết được về ông qua chính sử từ xưa đến nay, bia đá làng Lương Xá còn cho mọi người hiểu rõ hơn về cuộc đời và khoa danh của vị quan trọng này. Cụ thể như sau:
Về việc riêng: Quan Thượng thư bộ Lại Vũ Giới Trạng nguyên, như trên đã nêu, ông là con của Hoàng giáp Vũ Kính, cháu ông Vũ Cẩn (gọi bằng chú). Khi xây dựng gia đình, Vũ tiên sinh đã kết duyên cùng tiểu thư con viên quan Hoàng Sĩ Khải, chức Thượng thư, tước Lạng Kiều hầu. Trong bia đá hiện ở làng Lương Xá có ghi khắc rõ điều này.
“Vũ Giới: đỗ Trạng nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhất danh, khoa thi Đinh Sửu, năm 37 tuổi, làm quan đến Hữu thị lang bộ Hộ, kiêm Hàn lâm thị giảng, Tham tri Hàn lâm viện sự, là con của Hoàng giáp Vũ Kính là cháu gọi Thượng thư Vũ Cẩn bằng chú ruột, là cháu ngoại thượng thư Lương Lộc hầu Nguyễn Thu, là con rể của Thượng thư Lạng Kiều hầu Hoàng Sĩ Khải, thọ 53 tuổi, hiệu là Hòa An tiên sinh, đạo học tôn sư”.
- Nhân vật thứ 8 đậu đại khoa được ghi khắc tên tuổi và khoa danh ở bia đá làng Lương Xá này là Tiến sĩ Trần Danh Tân - đỗ khoa Vĩnh Hựu thứ 2 - 1736. Thông qua văn bia và văn cúng của gia tộc tại làng Lương Xá chúng ta càng hiểu thêm câu phương ngôn phản ánh về truyền thống khoa bảng và các vị quan chức làng quê nơi đây:
Lục bộ Thượng thư, Lang Tài ngũ bán
Chẳng là Trần Danh Tân quê nội vốn ở xã Bồng Trì (nay là thôn Địa Tiên, xã Bình Dương cùng huyện). Trần Danh Tân là cháu xa đời của Trần Danh Biểu, thuộc gia tộc có truyền thống khoa bảng ở đất Lang Tài - Gia Bình. Bố ông lấy vợ người làng Lương Xá. Sau khi bố mất, Trần Danh Tân theo mẹ về Lương Xá ở và sinh cơ lập nghiệp ở đây. Cho đến nay các hậu duệ của ông vẫn định cư ở làng Lương Xá rất đông. Đồng thời vì thế mà tên tuổi ông được ghi khắc ở bia đá làng này, cụ thể như sau: “Trần Danh Tân: đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn, năm Vĩnh Hựu thứ 2, năm 28 tuổi, 18 tuổi đã đỗ thi Hương. Sau được đổi tên là Trần Trọng Đống. Đến nay, nếu nghiên cứu tìm hiểu về Tiến sĩ Trần Danh Tân, tại địa phương, chúng ta chỉ có thể về làng Lương Xá và căn cứ vào văn bia này với tư liệu của các hậu duệ của ông tại đây mới thấy phong phú hơn tại quê nội của ông ở xã Bồng Trì.
- Bia đá làng Lương Xá còn ghi khắc tên tuổi và khoa danh của 2 vị Tiến sĩ nữa nhưng quê không phải là ở làng này. Đó là: Nguyễn Thu quê ở làng Lai Xá cùng huyện và Đoàn Văn Thông quê ở Quảng Đức nay là phường Đồng Xuân, Hà Nội (như trên, bài này đã trích văn bia ghi về các ông).
Nội dung văn bia ở làng Lương Xá trên đây có giá trị góp phần vào ko tàng tư liệu Hán Nôm và giúp cho việc nghiên cứu biên soạn các tài liệu lịch sử về địa phương, về các danh nhân khoa bảng của đất nước mà quê hương ở vùng đất văn hiến Gia Bình, Lang Tài, Kinh Bắc.
Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.285-296 )
Lê Viết Nga

Nguồn tin: Viện Hán Nôm