THƯỢNG THƯ PHẠM ĐÌNH TRỌNG ANH HÙNG THỜI LOẠN VÀ BI KỊCH CUỘC ĐỜI ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

THƯỢNG THƯ PHẠM ĐÌNH TRỌNG ANH HÙNG THỜI LOẠN VÀ BI KỊCH CUỘC ĐỜI

Danh nhân lịch sử Phạm Đình Trọng, một nhà khoa bảng có nhiều đóng góp với triều đình Lê - Trịnh, qua nhiều thế kỷ được nhân dân tôn thờ, nhưng một thời gian dài tên tuổi bị lu mờ, các nơi thờ tự bị xâm hại, lãng quên...Mới đây, được sự giúp đỡ của giới lịch sử học, các nhà bảo tồn bảo tàng, hậu duệ đời thứ 17-18 của cụ Thượng Phạm đã mở hành trình tìm về quá khứ, phát hiện được nhiều chứng cứ để "minh oan" cho Phạm Đình Trọng. Và lịch sử đã công bằng trả lại vị trí cho ông: hội thảo khoa học về thân thế sự nghiệp Tiến sĩ - Thượng thư Phạm Đình Trọng do giới sử học Việt Nam tổ chức; đình Khinh Dao, nơi thờ Phạm Đình Trọng làm thành hoàng được xếp hàng cấp quốc gia, Nhà nước đầu tư gần 20 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo; đền miếu thờ Quan Thượng quận ở Khinh Dao được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố...
   Phạm Đình Trọng xuất thân và nhập thế ở xã hội Đại Việt vào giữa thế kỷ 18, khi mâu thuẫn giữa nông dân và phong kiến phát triển lên một đỉnh cao, biểu hiện thành cao trào nông dân khởi nghĩa mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu. Chính lúc này sự tồn vong của triều đình Lê - Trịnh trước cao trào khởi nghĩa nông dân lại được đảm bảo bằng tài năng của danh tướng Phạm Đình Trọng. Giáo sư sử học Văn Tạo cho rằng: Để đánh giá đúng sự thật về Phạm Đình Trọng cần hiểu biết sâu về đối thủ không đội trời chung của ông là Nguyễn Hữu Cầu - người đánh thắng nhiều tướng tài của Lê - Trịnh mà chỉ có thua Phạm Đình Trọng. Nguyễn Hữu Cầu, người làng Lôi Động, huyện Thanh Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ông là người mạnh khoẻ, nhanh nhẹn, chiến đấu hăng, mưu trí, quyền biến trăm đường, nhiều lần bị mấy vòng vây, chỉ một mình một ngựa vượt vây xông ra, rồi một vài hôm lại có quần chúng hàng vạn người. Ông được coi là Hạng Vũ nước Nam, có tài "nhất hô bách ứng".
   Trong cuộc chiến kéo dài giữa Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu đều trổ hết tài năng. Nhưng phần thắng cuối cùng đã thuộc về triều đình Lê - Trịnh mà công lao xuất sắc nhất đã được ghi về Phạm Đình Trọng: năm Tân Mùi (1751), tháng giêng, mùa xuân, Phạm Đình Trọng bắt được Nguyễn Hữu Cầu ở Nghệ An. Thế rồi bi kịch cũng đã xảy ra với Phạm Đình Trọng. Sau khi diệt Nguyễn Hữu Cầu, Phạm Đình Trọng phụng mệnh đi trấn thủ Nghệ An kiêm đốc binh châu Bố Chính. Thấy nhân dân một số nơi thiếu đói, ông xin cho xá thuế, thi hành đức trị nên đất Nghệ An, Bố Chính dân được an cư lạc nghiệp. Ông còn cho lập các đội hương binh ở Nghệ An, lại đặt các đồn binh liên hoàn ở những nơi xung yếu, cùng hương binh canh phòng tuần tiễu giữ gìn an ninh trật tự. Một số quan đại thần, tướng lĩnh cao cấp của triều đình Lê - Trịnh hẹp dạ, vốn ghen tài thấy thế lại gièm pha với chúa Trịnh rằng ông mưu phản. Chúa Trịnh Doanh tin lời xiểm nịnh, muốn chặt vây cánh của vua Lê đã ép Phạm Đình Trọng uống thuốc độc chết vào đêm 30 Tết năm Giáp Tuất (1754). Khi sứ giả của Phủ Chúa đem rượu độc vào ban cho ông được chết toàn thây. Một bộ tướng cầu xin ông vào Nam theo Chúa Nguyễn, nhưng ông không nghe lời, cho mời Đốc đồng Nguyễn Danh Lâm căn dặn mọi việc để giữ yên xứ Nghệ, rồi lặng lẽ mặc triều phục hướng về Bắc vái vọng vua Lê, đoạn uống cạn chén rượu độc Chúa ban. Năm ấy, Phạm Đình Trọng mới 41 tuổi, tài năng đang ở độ chín. Trong Văn tế ông, Tiến sĩ Nguyễn Danh Lâm thảng thốt khóc than: "Tướng công hà cớ gì mà phải chết!? - Ngài là bậc quốc gia dựa cậy. Như cột trụ, như đá tảng giữa dòng nước xiết, triều đình tưởng trông. Ngài là một văn chương đạo đức, được dân chúng thực sự ngưỡng vọng. Ngài như cam lồ, mưa lành, phương trấn thảy đều chờ mong..." và đánh giá: "Chưa bốn mươi, chức Thượng thư, với người là sớm, với Ngài là còn chậm! Đội mũ nhà nho làm Tướng, với người thì lạ, với Ngài đúng sở trường..."
   Có thể nói, sự kết thúc cuộc đời bi thảm của cả hai nhân vật Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu là sự kiện tiêu cực điển hình của xã hội Đại Việt giữa thế kỷ 18, khi chế độ phong kiến đi xuống.
    Phạm Đình Trọng, người làng Khinh Giao, huyện Giáp Sơn, trấn Hải Dương, nay là thôn Khinh Dao, xã An Hưng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi (1739), niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 đời vua Lê Ý Tông. Ông từng giữ chức Phó đô ngự sử, vào phủ Chúa Trịnh (Phủ Liêu) làm Bồi Tụng, tước Dao linh hầu. Sau đó, được bổ giữ chức Hiệp trấn 3 đạo Đông, Nam, Bắc. Năm 1750, vì có công dẹp cuộc nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu (Quận He), Phạm Đình Trọng khi ấy mới 36 tuổi được thăng chức Thượng thư bộ Binh, hàm Thái tử Thiếu bảo, tước Hải Quận công. Trong lời Chế phong, vua Lê Hiển Tông đã tán dương tài năng, đức độ của ông như sau: "Xét Phạm Đình Trọng: Tài năng dùng làm cột trụ, làm đá tảng cho Nhà nước, khí độ cao như núi cao. Trời phú cho văn chương, tuổi trẻ nổi tiếng khoa giáp. Tỏ khí nghiệp từ lúc làm quan nhỏ, sắn có ước mong công hầu...".
     Phạm Đình Trọng là một con người tài cao, chí lớn, được đương thời và hậu thế hết sức nể trọng. Sử gia Phan Huy Chú đã ghi tên Phạm Đình Trọng tề danh với các bậc tài năng kiệt xuất như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Duy Thì, Đặng Đình Tướng, Nguyễn Nghiễm...Phan Huy Chú bình phẩm về con người ông bằng những lời khen ngợi: "Ông sinh ra đã có vẻ khôi ngôi. Năm lên 8 tuổi học vỡ lòng, đã hiểu được luật thơ. Khi lớn, văn chương hùng hồn...Ông tài kiêm văn võ, làm bậc nguyên thần của nước, là danh tướng làng nho, công lao sự nghiệp kỳ vĩ, gần đây chưa thấy có".
   Phạm Đình Trọng sinh ra trong một gia tộc nối đời nho học, thế phiệt trâm anh nên đã kế thừa, phát huy truyền thống gia đình. Ông vốn dòng dõi danh sĩ Phạm Sư Mạnh đời Trần, Phạm Gia Mô đời Hậu Lê, cao tổ là Phạm Chất Lượng làm đến chức Tả thị lang bộ Hộ, tước Hồng Nguyên hầu, tằng tổ là Phạm Huy Ánh làm đến chức Đô ngự sử hàm Thái tử Thiếu bảo, tước Yến Dực hầu; cha là Phạm Doãn Địch, Giám sinh Quốc tử giám làm đến chức Tri phủ phủ Thiệu Phong.
   Năm 1912, khi soạn bộ "Nam Hải dị nhân liệt truyện" (Truyện những người kỳ lạ ở đất Nam Hải), Phan Kế Bính lựa chọn tất cả 50 nhân vật, sắp xếp theo trật tự 8 bậc. Phạm Đình Trọng được Phan Kế Bính xếp vào hàng "Các bậc danh thần", tức bậc thứ 2, chỉ sau "Các bậc đại anh kiệt" (Trong số "Các bậc danh thần" có Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trịnh Kiểm, Lương Hữu Khánh, Phạm Đình Trọng). Hiện nay, chúng ta có thể không hoàn toàn tán đồng với các sắp xếp, đánh giá của họ Phan về nhân vật hay một số nhân vật khác trong bảng giá trị các danh nhân lịch sử phong kiến nước ta, nhưng dù sao chăng nữa cũng phải thừa nhận nhân vật Phạm Đình Trọng thuộc loại tài năng kiệt xuất hiếm có vào nửa đầu thế kỷ 18. Chẳng thế mà vào năm Giáp Tuất (1754), khi nghe tin Phạm Đình Trọng chết ở doanh trấn Nghệ An, vua Lê Hiển Tông vô cùng thương xót, sai quân thuỷ bộ hộ tống linh cữu về làng Khinh Dao an táng; đồng thời sai quan Thượng thư là Trần Cảnh đến tận nơi dự tế. Chúa Trịnh Doanh cũng sai Thượng thư Bộ Lễ Nguyễn Công Thái đến tế và tặng 16 chữ: "Phủ dân, Tiễu khấu, Cố bản, An biên, Ái quốc, Trung quân, Hoàn danh, Cao tiết" (có nghĩa là: Yên dân, Diệt giặc, Vững gốc, An biên, Yêu nước, Trung quân, Danh thơm, Cao tiết).
   Theo ông Ngô Đăng Lợi, Chủ tịch Hội KHLS Hải Phòng, Phạm Đình Trọng có để lại một tập thơ chữ Hán chép tay; khoảng những năm 1966-1967, đã thông báo in xong bản dịch tập thơ trên báo Nhân Dân, không rõ sao không thấy phát hành. Di sản văn chương của ông hiện chỉ còn bài phú "Bắc môn toả thược" (Then khoá cửa Bắc) làm khi còn đi học; bài "Tượng đầu đoán tụng" làm khi trị nhậm ở châu Bố Chính và một bài thơ "Tiễn Nhập thị Tham tụng Kiều Quận công Nguyễn Công Thái trí sĩ" và một vài câu đối đáp với Quận He Nguyễn Hữu Cầu. Gia phả cho biết, Phạm Đình Trọng có 4 phu nhân: Chính thất họ Lưu hiệu là Trinh Tĩnh; thứ thất họ Đặng hiệu là Từ Dũ; thứ thất họ Lưu, hiệu là Từ Hoa; thứ thất họ Nguyễn, hiệu là Diệu Tín. Không rõ theo nguồn tài liệu nào, Từ điển nhân vật Việt Nam (tái bản lần thứ 4 - NXB Văn học HN- 1997) cho biết vợ ông là nữ sĩ Mai Lâm Tuyết, con gái Thượng thư Mai Thế Kiệt và em gái An Đông hầu Mai Khôi, người luôn sát cánh với Phạm Đình Trọng trong các cuộc chính phạt.
Trần Phương
Nguồn http://haiphonghoc.vnweblogs.com
Đình Khinh Giao (ảnh Dương Tuấn Tú)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ