Tướng Phạm Xạ thời Lê và đình làng Vĩnh Thịnh ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Tướng Phạm Xạ thời Lê và đình làng Vĩnh Thịnh

Làng Vĩnh Thịnh thuộc xã Đại Áng, huyện Thanh Trì vào cuối thế kỷ XIX có tên là Kẻ Bảo, thuộc xã Đại Áng, tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Đến năm 1831, khi vua Minh Mạng đặt lại các tỉnh trong cả nước, Vĩnh Thịnh-Đại Áng thuộc tỉnh Hà Nội; từ năm Thành Thái thứ 16 (1904), Vĩnh Thịnh thuộc  tỉnh Hà Đông cho đến năm 1965. Sau đó, Vĩnh Thịnh thuộc  huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây; năm 1978 lại thuộc huyện Thanh Trì, thành phố  Hà Nội.
Đình làng Vĩnh Thịnh.
Ở phía Tây Nam của huyện Thanh Trì có làng Vĩnh Thịnh chuyên trồng lúa và buôn bán nón Chuông của Thanh Oai, cót Vạn Phúc và  dụng cụ đánh bắt cá của làng Đan Nhiễm mang đi bán ở Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định… Một số người còn đi buôn bè tận Lào Cai, Yên Bái… Trong làng lưu truyền câu ca: Hỡi cô thắt lưng bao xanh/Có về Vĩnh Thịnh với anh thì về/Vĩnh Thịnh có nghiệp có nghề/Có đất làm nón có nghề đi buôn.
Những cái tên cổ, rất nôm na, giản dị như xóm Nghè, xóm Viềng, xóm Giữa, xóm Chùa, xóm Sau… thể hiện văn minh lúa nước, tình làng nghĩa xóm bền chặt trong quan hệ họ tộc và cộng đồng làng xã. Từ cái nôi văn hiến ấy, truyền thống anh dũng bất khuất chống giặc ngoại xâm được bồi đắp từ thời Phùng Hưng đánh quan quân nhà Đường đến thời Lê Lợi đánh giặc Minh xâm lược
Thần phả đình làng Vĩnh Thịnh ghi rõ sự tích tướng Phạm Xạ, người đã cùng dân binh trong làng xung phong gia nhập nghĩa quân và trở thành vị tướng giỏi, chém chết tướng giặc là Liễu Thăng tại trận Chi Lăng (tháng 9 năm Đinh Mùi, 1427). Theo dân gian truyền lại và Thần phả còn lưu giữ, Phạm Xạ vốn gốc ở làng Minh Linh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Cha ông là Phạm Quảng muốn khôi  phục lại nhà Trần sau khi Hồ Quý Ly tiếm ngôi. Việc không thành, cụ dời đến làng Vĩnh Thịnh sinh cơ lập nghiệp, lấy con gái làng, họ Nguyễn. Bà sinh hạ được cậu bé khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Xạ. Càng lớn, Phạm Xạ càng giỏi cung kiếm, thông hiểu binh lược, văn võ toàn tài.
Cuối năm Bính Ngọ (1426), sau trận đại thắng ở Tốt Động, Lê Lợi quyết định tiến quân từ vùng Thanh-Nghệ ra Bắc, tiêu diệt quân Minh. Trên đường tiến quân, ngày 21-11-1426 ông đến Tây Phù Liệt, huyện Thanh Đàm  và chọn nơi đây làm tổng hành dinh. (Theo nhà sử học Nguyễn Vinh Phúc thì ngày nay, Tây Phù Liệt là các làng Mỹ Liệt, Tự Khoát, Việt Yên… thuộc Thanh Trì). Một đêm, ông vào lễ đền Hoành Sơn thờ Liễu Hạnh ở làng Vĩnh Thịnh, khi thiếp đi, Liễu Hạnh báo mộng cho ông biết, lần này xuất quân sẽ có một tráng niên tên là Xạ giúp ông phá tan giặc Minh. Tỉnh mộng, sáng hôm sau, Lê Lợi triệu tập dân làng hỏi có ai tên Xạ. Phạm Xạ yết kiến chủ tướng và biểu diễn những đường kiếm điêu luyện. Lê Lợi vui mừng giao cho ông tuyển mộ trai tráng, bổ sung 243 người vào nghĩa quân Lam Sơn. Những trận đánh quan trọng khi Lê Lợi-Nguyễn Trãi mở chiến dịch vây thành Đông Quan đều có tướng Phạm Xạ tham dự. Đặc biệt, trận Chi Lăng làm giặc kinh hồn bạt vía, “thây chất đầy đường”, chính Phạm Xạ giết tướng chỉ huy giặc là Liễu Thăng, sau đó ông được Lê Lợi phong chức Thống chế tả tướng quân.
Thành Đông Quan giải phóng, đất nước thanh bình, Phạm Xạ được vua Lê Thái Tổ ban thưởng. Ông về làng quê Minh Linh bái yết tổ tiên, sau đó, ông còn cầm 5.000 quân, trong đó có 52 thanh niên làng Vĩnh Thịnh đi dẹp giặc Chiêm Thành. Sau chiến thắng, trở về làng Vĩnh Thịnh mở tiệc khao quân, ông hóa ngay trong đại tiệc. Dân làng thương tiếc ông lập miếu thờ và tôn ông làm Thành hoàng làng. Hằng năm, vào ngày sinh 13-2 và ngày  hóa 10-11, nhớ ơn ông, nhân dân Đại Áng tổ chức long trọng tế lễ tại đình làng
Cảm phục và nhớ ơn tướng quân Phạm Xạ, tháng Tám năm Bảo Thái thứ 6 (1725), ông Phạm Công Quế, người làng Nhị Khê và vợ đã cúng tiền ruộng để làng Vĩnh Thịnh dựng lại đình khang trang. Năm 1932, đình được dân làng tu sửa lại. Đến nay, đình làng còn giữ được 14 đạo sắc phong vào các đời vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, một cuốn Thần phả, 8 bức hoành phi, 19 câu đối ca ngợi công đức của Thống chế Tả tướng quân Phạm Xạ:
Mưu dũng diệt gặc Minh, muôn thuở non Nam truyền tuấn kiệt
Tiếng thơm ngời dấu Thánh, nghìn thu làng cũ nhớ công ơn
Đình Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 2-10-1991, là niềm tự hào của người dân Thủ đô Hà Nội.
Kim Thanh
Nguồn tin: QĐND

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ