CÁC NHÂN VẬT ĐƯỢC THỜ TỰ TẠI DI TÍCH NHÀ THỜ HỌ PHẠM VĂN XÃ LONG THÀNH ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

CÁC NHÂN VẬT ĐƯỢC THỜ TỰ TẠI DI TÍCH NHÀ THỜ HỌ PHẠM VĂN XÃ LONG THÀNH

Nhà thờ họ Phạm Văn đại tôn xã Long Thành, huyện Yên Thành là công trình kiến trúc cổ, dùng để thờ tự nhiều nhân vật có công với dân với nước, và là nơi lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị cho việc nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử địa phương cũng như lịch sử dân tộc. Trong số các nhân vật thờ tự tại nhà thờ, tiêu biểu có các ông Phạm Nhân Mỹ, Phạm Đỉnh.
Hội thảo khoa học nhà thờ họ Phạm Văn đại tôn
1. Phạm Nhân Mỹ: tự là Công Nghiên sinh vào đời vua Lê Nhân Tông, quê ở thôn Thọ Lộc, xã Vân Tra, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh hải Dương (nay thuộc xã Vân Tra, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông xuất thân trong một gia đình khá giả, gia giáo, được ăn học tử tế.
Vào thời Lê Hồng Đức nguyên niên (1470), Ông cùng các ông Phạm Công Lai, Phạm Mễ và một số người họ Dương, họ Trần, họ Nguyễn di cư vào Đông Thành để khai cơ lập nghiệp
Bấy giờ vùng đất này có tên là kẻ Thạng, đất đai còn hoang hóa, lau sậy rậm rạp, nước mặn ngập úng, chưa có dân cư sinh sống nhưng có lợi thế là đất rộng, lại nằm kề sông và khe suối, rất thuận lợi cho việc sản xuất, phát triển nông nghiệp, nên ông Phạm Nhân Mỹ cùng các ông trong đoàn chọn làm đất lập nghiệp.
Sau 03 năm bỏ nhiều tiền của và công sức chặt cây, phát cỏ, đào mương, đắp đập, khơi thông dòng nước ngọt từ khe Ồ Ồ, khe Vỡ Òa, sông Thạng để thau chua, rửa mặn, ông và nhân dân địa phương đã khai hoang được 18 xứ để canh tác lúa, ngô, khoai ... đó là các xứ Duy Ngu, Nương Bòng, Tiền Chi Ngưu, Hậu Chi Ngưu, Bảo Sàng, Đồng Trọc, Hội Cần, Kim Sơn ...
Với sự miệt mài của ông và nhân dân, từ một vùng đất không một mái nhà nay đã được cải tạo thành một vùng ruộng đồng xanh tốt, cuộc sống dần dần ổn định, kinh tế phát triển nên đã thu hút được dân nghèo phiêu bạt về đây sinh sống xây dựng cuộc sống ấm no, trù mật.
Sau khi ông mất, nhân dân đã tôn ông làm Thành hoàng và lập đền thờ phụng ngay trên mảnh đất ông khai canh. Năm 1894 Vua Thành Thái đã ban sắc phong cho ông là "Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần". Sau khi đền hỏng, để tiện việc hương khói nên dòng họ đã quyết định sát nhập vào nhà thờ dòng họ nằm kề bên để phụng tờ chung.
2.Phạm Đỉnh: Ông là hậu duệ đời thứ 9 của dòng họ, sinh vào thời Vua Lê Ý Tông niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740) tại xã Tiên Thành, huyện Đông Thành. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, mẫn tiệp, lại rất có tài trong các trò chơi đánh trận giả. Năm 1768, Ông gia nhập quân đội phù trợ nhà Lê Trung hưng, do có tài thao lược nên nhanh chóng được phong làm Bách hộ ưu binh ở cơ Tiền Tiệp.
Cuối năm Kỷ Sửu (1769), triều đình đã phải huy động một lực lượng lớn đi trừ quân phiến loạn ở Ai Lao mà chủ yếu là thành Trình Quang. Bấy giờ Phạm Đỉnh đi theo đạo quân Nghệ An do Bùi Thế Đạt chỉ huy vượt địa hình núi non hiểm trở tiến thẳng vào Trình Quang, Trấn Ninh - sào huyệt của quân nổi dậy do Lê Duy Mật cầm đầu. Phạm Đỉnh chỉ huy binh lính bắc chòi cao nhòm sanh mà bắn khiến cho các nơi đóng quân của quân Lê Duy Mật đều tan vỡ, Trấn Ninh bình định xong.
Năm 1776, Phạm Đỉnh đã cùng các thống lĩnh Bùi Thế Đạt, Hoàng Ngũ Phúc ra trận, thúc quân tiên phong, phá lũy tiến đánh vùng Thuận Quảng, phá tan được sào huyệt ở Phú Xuân. Với chiến thắng này, Vua Lê đã ban sắc phong thăng cho Phạm Đỉnh chức "Phó thiên hộ chức, tráng tiết tướng quân, hiệu lệnh ty, kỳ bài tráng sỹ".
Sau khi Trịnh Sâm say mê Đặng Thị Huệ, bỏ bê triều chính, truất ngôi Thế tử Trịnh Khải, đưa con của Đặng Thị Huệ là Trịnh Cán lên thay; Đặng Mậu Lân, em trai Đặng Thị Huệ cậy thế làm càn, ức hiếp dân lành. Phạm Đỉnh tham gia vào đội Tiền Tiệp đứng đầu là Nguyễn Bằng, phối hợp với linh ưu binh bao vây phủ chúa, phế bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ, lập Trịnh Khải lên làm chúa cho đúng với đạo lý, hợp lòng dân. Sau sự kiện này, triều đình Lê - Trịnh xét công ban thưởng. Ông được triều đình phong sắc rằng: Sắc cho Bách hộ Phạm Đỉnh ở xã Tiên Thành, huyện Đông Thành. Vì năm Nhâm Dần (1782), Tự vương ngự ngôi vương vị, chuẩn thưởng cho khắp chư quân phù tá có công. Ngươi là Ưu binh ở cơ Tiền Tiệp một lòng giúp trẫm nên có thể tặng thưởng, đã có chỉ chuẩn thăng chức một lần, lại khâm thưởng một lần, đáng làm chức Phó Thiên hộ, có thể làm Tráng tiết tướng quân Hiệu lệnh ty xuy kim tráng sỹ thiết kỵ úy Phó Thiên hộ, trung liệt. Ngày 26 tháng 02 năm Cảnh Hưng thứ 44.
Nhận thấy vận mệnh của vua Lê chúa Trịnh đã đến lúc lụi tàn, ông xin về quê cũ sống chan hòa với dân làng và tiếp tục công việc khai canh, phát triển sản xuất. Sau một thời gian thì Ông lâm bệnh qua đời, được triều đình phong làm thần và cho lập miếu thờ Ngài ở làng Văn Thành (nay thuộc xóm Bắc Sơn xã Bắc Thành). Năm 1968, miếu thờ Ngài bị hư hỏng nên dòng họ quyết định rước Ngài về thờ tại nhà thờ.
Các hoạt động tế lễ tại nhà thờ là nhằm để tưởng niệm những người có công với dân, với nước, thể hiện đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn", đồng thời phản ánh phong tục tập quán, tín ngưỡng của nhân dân, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, ý thức hướng về cội nguồn nhằm cố kết cộng đồng làng xã. Với những ý nghĩa trên, ngày 3/7/2013, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An, đã phối hợp với UBND huyện Yên Thành, UBND xã Long Thành và con cháu dòng họ tổ chức Hội thảo nhằm hoàn thiện Hồ sơ trình UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho Nhà thờ.



Nguyễn Anh Võ
Nguồn tin: Huyện Yên Thành

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ