Di tích và việc thờ cúng Mai Thúc Loan - Theo dòng thời gian ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Di tích và việc thờ cúng Mai Thúc Loan - Theo dòng thời gian


I. Di tích Ở Nam Đàn, theo thống kê của Ninh Viết Giao (1), có 12 di tích thờ Mai Hắc Đế và các nhân vật liên quan đến vua và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, gồm: 7 di tích ở xã Vân Diên: 5 di tích ở làng Đức Nậm, 1 di tích ở làng Nậm Đông, 1 ở làng Nghi Lễ; 3 di tích ở xã Nam Thái: 1 ở làng Yên Thịnh, 1 ở làng Đồng Xuân, 1 ở làng Ngọc Trừng; 1 di tích ở xã Khánh Sơn: ở làng Đông Sơn; 1 di tích ở xã Nam Thượng: ở làng Khả Lãm.
Trong số 12 di tích trên, các nhân vật được thờ cụ thể là: 6 di tích thờ Mai Hắc Đế gồm: đền Vua Mai (làng Đức Nậm, Vân Diên), đền Sa Nam (ở làng Nghi Lễ, Vân Diên), đền Cả (ở làng Yên Thịnh, xã Nam Thái), đền Rú Dẻ (ở làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái); đền Cả (ở làng Đông Sơn, xã Khánh Sơn, phối tự với Trần Hưng Đạo, Tống Tất Thắng, Cao Sơn Cao Các), đền Khả Lãm (làng Khả Lãm, xã Nam Thượng, phối tự cùng một vị tướng đời Lê). 4 di tích thờ tướng sĩ của vua Mai ở làng Đức Nậm gồm: đền Ngọc Đái (thờ Ba Đội hầu, tướng đứng hàng đầu của Mai Hắc Đế), đền Biều Sơn (thờ Nguyễn Huynh, tướng của Mai Hắc Đế), đền Liêu Sơn (thờ Nguyễn Đệ, em Nguyễn Huynh, cũng là tướng của Mai Hắc Đế), đền Võ Miếu (trước thờ Quan Vũ, sau thờ các tướng sĩ của Mai Hắc Đế). 2 di tích thờ người thân của vua Mai gồm: đền xóm Đông Bu, làng Nậm Đông, xã Vân Diên (thờ Mai Thiếu Đế, con trai út của Mai Hắc Đế), miếu ở làng Đồng Xuân, xã Nam Thái (thờ mẹ vua Mai).
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi và theo các tài liệu khảo cứu mới nhất, thống kê của Ninh Viết Giao có một chút nhầm lẫn. Ở di tích Rú Dẻ, Ninh Viết Giao cho rằng, đó là di tích thờ Mai Hắc Đế. Tuy nhiên ông đã cẩn thận chú thích một dấu chấm hỏi sau thống kê này (tr. 310, sách Tục thờ thần và thần tích Nghệ An), bởi thực ra, di tích Rú Dẻ là lăng mộ mẹ vua Mai.
Khảo sát thực địa cho thấy, trong số 12 di tích thờ vua Mai trên đất Nam Đàn theo thống kê của Ninh Viết Giao hiện nay chỉ còn có 6: đền thờ vua Mai (khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn), khu miếu mộ vua Mai (dưới chân núi Đụn thuộc xã Vân Diên), khu mộ thân mẫu vua Mai (trên đồi Dẻ, thôn Ngọc Trừng, xã Nam Thái), miếu thờ Mai Thiếu Đế (núi Đụn, xã Vân Diên), đền Nậm Sơn thượng tướng (làng Nậm Sơn, xã Vân Diên), đình Khả Lãm (đền Khả Lãm nay không còn, bài vị vua được thờ ở đình Khả Lãm, xã Nam Thượng). Hai ngôi đền thờ vọng ông được phát hiện thêm là: đền Độc Lôi (xã Nam Giang), đền Chí Thiện (xã Nam Cát)(2); chùa Nàng Hai nay không còn(3) và Cồn Chèn, tương truyền đó là nơi vua Mai sinh ra (mới được xây dựng lại năm 2012 bằng nguồn vốn xã hội hóa, xuất phát từ tâm nguyện của người dân nơi đây, hiện nay cũng vẫn chưa hoàn tất). Như vậy, tổng số di tích thờ cúng vua Mai và các nhân vật liên quan ở Nam Đàn theo các nguồn thống kê là 16 di tích.
Ở làng Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh có 2 di tích (1 đền thờ Mai Thúc Loan và 1 nhà thờ họ Mai)(4).
Ở Hải Phòng có 6 di tích thờ vua Mai và các nhân vật liên quan tới vua là 3 ngôi đình là: đình Nhu Thượng, đình Nhu Kiều và đình Văn Xá; 2 ngôi miếu là Miếu Một (phần mộ Kiều Nương công chúa Mai Thị Cầu), Miếu Đôi (phần mộ Bạch đế hoàng tử Mai Kỳ Sơn), 1 nhà thờ dòng họ Mai ở Tiên Lãng, Hải Phòng(5).
Cụm di tích tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội có 4 di tích: đền Dục Anh (thờ bà Phạm Thị Uyển, tương truyền là vợ hai của Mai Hắc Đế), đình Trong và đình Ngoài (thờ ba chị em bà Phạm Thị Uyển: bà và hai người em là Phạm Huy và Phạm Miện có công đánh giặc Đường), đền thờ Mai Hắc Đế.
Theo thống kê của cuộc điều tra di tích của Viện Viễn đông Bác cổ từ năm 1928 đến năm 1938 được biên soạn trong cuốn Thư mục thần tích, thần sắc do Viện Thông tin Khoa học Xã hội thực hiện, chỉ có một di tích thờ vua Mai được kê khai và thống kê nhưng lại bị viết nhầm tên là Mai Khắc Đế. Đó là di tích ở làng Nghi Lễ, tổng Xuân Khoa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thần tích của đền thờ này hiện được lưu ở Viện Thông tin KHXH bằng 13 trang chữ Pháp(6). Ngoại trừ một chi tiết nhầm lẫn (năm bắt đầu cuộc khởi nghĩa được chép là 722), tài liệu đã cung cấp những thông tin quý: một truyện kể dân gian với khá nhiều chi tiết lạ, mô tả vẻ nguy nga của ngôi đền thờ Mai Hắc Đế ở làng Nghi Lễ vào năm 1937, khẳng định tính thiêng của ngôi đền và đặc biệt, cho ta biết rằng, còn có một ngôi đền lớn thờ Mai Hắc Đế ở tổng Xuân Liễu, có ngôi đền ở chân núi Đụn thờ vua và có biết bao ngôi đền thờ các vị tướng của vua Mai đã bị đổ nát. Tình trạng này cũng đã được Trần Bá Chí nói đến trong bài viết của ông năm 1964: “Chung quanh thành Vạn An, cách thành khoảng 300 mét đến 3.000 mét, còn di tích một số đồn lũy bảo vệ quốc đô, mỗi đồn có một ngôi đền thờ vị tướng cầm đầu, đến nay các đền đó đều đã bị hỏng gần hết”. Điều này quả thực gây cho tôi một sự nuối tiếc lớn. Bên cạnh đó, bản thần tích làng Nghi Lễ nói trên còn cho ta biết, đền Mai Hắc Đế ở làng Nghi Lễ có 22 đạo sắc phong. Vào thời điểm đó, đền có đồ thờ là đai lưng bằng nhung, giá trống bằng gỗ sơn, và đặc biệt, có hai bức tượng người Chăm đang quỳ. Đây chắc chắn là tài liệu quý, bổ sung cho những giả thiết, những nghiên cứu đang bỏ dở của các nhà nghiên cứu đi trước về vấn đề nguồn gốc của Mai Thúc Loan (7), và mong muốn từ đây để đi sâu nghiên cứu về sự liên kết của Mai Thúc Loan với các nước láng giềng, trong đó có vương quốc Lâm Ấp.
Ở Hà Nội, một số thư tịch Hán Nôm chép đền thờ Mai Hắc Đế được thờ ở núi Khán hoặc núi Sưa.
Núi Sưa còn có tên là Xuân Sơn, được ghi trong Tây Hồ chí. Sách có đoạn chép: “Trên núi Xuân Sơn phía Nam hồ Tây trong xuống ao Hải Trì có đền Mai Hắc Đế”. Gọi núi Sưa và Xuân Sơn có lẽ vì nó nằm ở phường Khán Xuân cũ. Vì những dòng này, đã có sự nhầm lẫn hai ông “Hắc Đế” (Huyền thiên Hắc Đế và Mai Hắc Đế) trong một thời gian khá dài, và từ đó, làm nảy sinh những tranh cãi về ba ngọn núi thiêng của Thăng Long xưa là núi Nùng, núi Khán và núi Sưa. Ngày mùng 7 Tết Quý Tỵ vừa rồi, chị Đang là thủ nhang đền Dục Anh (nơi thờ bà Phạm Thị Uyển, tương truyền là vợ vua Mai Hắc Đế) cho tôi biết, thủ nhang đền thờ núi Sưa đã xuống đền Dục Anh và muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa đền núi Sưa và đền Dục Anh vì những nhân vật được thờ trong hai ngôi đền có liên quan với nhau. Tôi đã gặp trực tiếp chị Vân, người trông coi ngôi đền núi Sưa 25 năm nay và được chị cho biết, vị thần được thờ trong ngôi đền này như được ghi rõ trên tấm bảng ở cửa đền là Huyền thiên Hắc Đế; tuy nhiên, chị cũng xác nhận việc đến đền Dục Anh và bày tỏ sự băn khoăn muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa các nhân vật này. Các ông trong Ban Quản lý di tích cụm Hòa Mục, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội cũng mong được biết rõ về sự liên hệ giữa các di tích và các nhân vật được thờ ở các di tích liên quan đến Mai Hắc Đế và Mai hoàng hậu Phạm Thị Uyển mà họ đang thờ cúng ở cụm di tích tại địa phương. Như vậy, điều nhầm lẫn trong thư tịch cũ đã để lại một ấn tượng dai dẳng cho chính cả người làm việc thờ cúng trong di tích đến hơn một thế kỷ sau. Thực ra, nghi vấn này đã được nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán trả lời bằng sự phân tích xác đáng từ kết quả cuộc điều tra, khảo cứu công phu cách đây non nửa thế kỷ. Ông viết: “Về vị thần được thờ phụng, Tây Hồ chí đã nhầm Huyền Thiên Hắc Đế họ Lý ở đây là một nhân vật truyền thuyết với Hắc Đế họ Mai tức Mai Thúc Loan ở Nghệ An, một nhân vật lịch sử đã khởi nghĩa chống lại bọn đô hộ nhà Đường”(8). Sách Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long khi nhận xét về Tây Hồ chí cũng đã viết: “Vì là công trình của một cá nhân và đang ở dạng bản thảo chưa thật hoàn chỉnh nên Tây Hồ chí không tránh khỏi một số khiếm khuyết như trong sản vật vùng Hồ Tây còn thiếu chim sâm cầm, nhầm đền thờ Huyền Thiên Hắc Đế trên núi Xuân Sơn (núi Sưa trong vườn Bách Thảo hiện nay) là đền thờ Mai Hắc Đế”. (Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long).
Như vậy, nhân vật được thờ trong ngôi đền trên núi Sưa đã được xác định là Huyền Thiên Hắc Đế chứ không phải Mai Hắc Đế. Tuy nhiên, vẫn còn một chi tiết tồn nghi xung quanh việc thờ Mai Hắc Đế trên một trong ba ngọn núi thiêng này. Sách Thăng Long cổ tích khảo chép: “Đền trên núi Khán Sơn thuộc thôn Khán Xuân, phía Nam hồ Tây Hà Nội, thờ Mai Thúc Loan người huyện Thạch Đường tức huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, khởi nghĩa chống nhà Đường năm Khai Nguyên thứ 10 (722), tự xưng là Hắc Đế, đóng đô ở núi Hùng Lĩnh tức núi Đụn, giữ vững được 13 năm thì mất”(9). Trong bài viết đã dẫn ở trên, Vũ Tuân Sán đã bác bỏ lập luận của một số nhà nghiên cứu cho rằng, núi Khán chính là ngọn núi (thực ra là một gò đất cao) trong vườn Bách Thảo ngày nay. Ông viết: “Vậy núi Khán ở đâu? Sách Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội và Lược sử tên phố Hà Nội có lẽ đã dựa vào bản đồ năm 1831 và 1866 mà cho rằng núi này là gò đất trong vườn Bách Thảo. Việc kiểm tra lại bằng cuộc điều tra tại chỗ và các thư tịch cũ cho phép khẳng định rằng, Khán Sơn không thể ở vị trí đó, mà nó nằm trong nội thành của triều Nguyễn”. Núi Khán nay không còn, vì vậy, việc tồn tại một ngôi đền thờ Mai Hắc Đế trên núi Khán như Thăng Long cổ tích khảo chép có đúng sự thực không, hiện nay ta không thể có câu trả lời. Tất nhiên là không thể lấy việc thờ cúng vua Mai ở Hà Nội để thay thế các chi tiết xác thực lịch sử các trận đánh của nhà vua này vào thành Tống Bình cách đây 1300 năm, tuy nhiên, việc phát hiện ra và khẳng định các đền thờ và việc thờ cúng Mai Hắc Đế trên mảnh đất Thủ đô sẽ rất có ý nghĩa trong việc khẳng định lòng dân Thăng Long - Hà Nội với một vị vua có công lao hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Như vậy, tổng kết lại, theo các thư tịch, đã có tới 28 di tích thờ vua Mai và các nhân vật tương truyền có quan hệ thân thiết với vua Mai hoặc đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa Hoan Châu (Nam Đàn, Nghệ An: 16, Lộc Hà, Hà Tĩnh: 2, Hà Nội: 4, Hải Phòng: 6). Nếu thực sự có một di tích thờ Mai Hắc Đế trên núi Khán (nay không còn) thì số di tích thờ vua Mai lên tới 29. Trong số các di tích được thống kê này, hiện nay có một số di tích đã mất đi (như chùa Nàng Hai), một số di tích được trùng tu (khu miếu mộ vua Mai, miếu mẹ vua Mai), một số di tích mới được tôn tạo là: đền thờ vua Mai tại Cồn Chèn, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn (nơi tương truyền vua Mai được sinh ra), đền Mai Hắc Đế tại Hòa Mục, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội (mới được phối tự cùng với Thần Nông ở miếu Bàn Tỉnh). Tại các di tích này, việc thờ phụng vua Mai và các nhân vật liên quan đến ông đang ngày càng được đầu tư nhiều hơn về vật chất và quan tâm nhiều hơn tới các trình thức nghi lễ.
II. Các lớp văn hóa trong tín ngưỡng thờ vua Mai (khảo sát trường hợp cụm di tích Hòa Mục)
Có thể nhìn thấy rõ 4 lớp văn hóa trong tín ngưỡng thờ vua Mai: tín ngưỡng thờ người anh hùng có công đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc; tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ thần Nông và tín ngưỡng thờ Thủy thần. Trong bốn lớp văn hóa này, lớp bề nổi dễ thấy và cũng là lớp mang tính quan phương được hiển hiện ở các bảng treo ở đình/ đền, ở các thần phả, các hồ sơ di tích, ở niềm tự hào nơi cửa miệng của người dân chính là tín ngưỡng thờ người anh hùng dân tộc. Chúng ta có thể thấy rõ tín ngưỡng này trong niềm tin tưởng của người dân ở Mai Phụ (Lộc Hà), Nam Đàn, Hà Nội và Hải Phòng.
Tuy nhiên, khảo sát các di tích trong cụm Hòa Mục (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), có thể thấy thêm nhiều lớp trầm tích văn hóa khác. Lớp thứ nhất dễ thấy hơn là tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo quan sát của chúng tôi, đền Dục Anh đã được bài trí hoàn toàn theo phong cách của một đền thờ Mẫu.
Ngay cổng vào đền là một gian tiền tế, góc bên phải sát gian thờ trong là một gian thờ được xây thờ ông Ngũ hổ, trên nóc gian thờ thờ cô Chín. Góc bên trái cũng xây một khám thờ thờ thần linh, trên nóc khám thờ là ban thờ Cậu bé bản đền. Phía trong là một gian thờ có 3 cung. Cung thứ nhất thờ Tứ phủ công đồng gồm tượng Ngọc Hoàng ở trong khám và hai bên là tượng ông Hoàng Bơ và ông Hoảng Bảy. Bên trái thờ Đức Ông và bên phải thờ đức Thánh Hiền. Phía tận cùng bên trái là ban thờ Đức chúa Sơn lâm và 12 cô Sơn Trang. Cung thứ hai thờ Đức chúa Bà và 2 cô hầu cận. Tượng bà đặt uy nghi trong khám, hai cô hầu cận ngồi hai bên. Cung thứ ba thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Khám thờ được đặt trên cao gồm có 3 tượng: giữa là áo đỏ, bên trái áo xanh, bên phải áo trắng. Bên dưới gồm có 3 ban: chính giữa là 4 cô hầu cận, bên phải là ban thờ Chầu Mười đồng mỏ, bên trái là ban thờ Chầu Lục thủ đền. Có hai con rắn lớn màu trắng và màu xanh uốn lượn từ cung ngoài tới cung trong, chầu hai đầu vào cung thờ Tam Tòa.
Một nghi thức thờ cúng chính ở đền Dục Anh là hầu đồng. Bà Đang (thủ nhang đền Dục Anh) cho biết, hiện đền có 60 đồng thầy đăng ký mở phủ và làm lễ cho các con nhang đệ tử. Đền Dục Anh được cho là rất linh thiêng nên nhiều con nhang đệ tử đã đến mở phủ ở đây. Chúng tôi gặp hai vợ chồng chị Bùi Thị Cúc (45 tuổi, quê ở xóm Hưng Long, xã Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đến lễ ở đền thì được chị cho biết: chồng chị được thanh đồng báo là có căn, nên phải soạn lễ tiễn căn. Chị nhờ bà đồng Liên hầu thánh vào đầu năm 2010 để tiễn căn của chồng chị tại ngôi đền Dục Anh. Khi bà đồng hỏi là làm ở phủ riêng của bà hay đền Dục Anh, chị nói là làm ở đền to thì hơn, vậy là có duyên với đền Dục Anh. Từ đó đến nay, hai vợ chồng hàng năm đến lễ tạ (Nhật ký điền dã, ngày 15/2/2013).
Điều đáng nói là, tín ngưỡng thờ Mẫu đang như là một xu hướng mạnh ở cụm di tích Hòa Mục, và thông qua đó, ta có thể thấy sự biến đổi của tục thờ ở cụm di tích này trong dòng thời gian. Theo Bản kê khai thần tích do Viện Viễn Đông Bác cổ tiến hành được cựu Lý trưởng Lai Viết Tiệp của làng Hòa Mục khai ngày 1/4/1938, thần hiệu hai vị thần ở đền là Liễu Hạnh công chúa và Thủy tinh công chúa; thành hoàng thờ ở đình là 3 vị: Uyển, Miện và Huy(10). Như vậy, nguyên ủy (hay nói đúng hơn, vào thời điểm năm 1938), đền Dục Anh là một ngôi đền thờ Mẫu mà ta biết, vị thần chủ của ngôi đền thờ Mẫu ở Bắc Bộ là Liễu Hạnh công chúa. Bà Phạm Thị Uyển là thành hoàng được thờ ở đình, và không rõ từ lúc nào, bà đã trở thành vị thần chủ của ngôi đền này, thay thế vị trí của Liễu Hạnh. Và điều thú vị là, sau khi hội nhập vào ngôi đền, từ một nhân thần có gốc gác lịch sử, bà Phạm Thị Uyển đã được thờ cúng và được dân gian kính cẩn gọi bằng tên gọi Đức Bà. Với cách bài trí ban thờ như đã nói ở trên, với nghi thức hầu đồng, bà Phạm Thị Uyển dường như đã hòa nhập hoàn toàn với điện thờ Tứ phủ mà vẫn mang theo gốc gác lịch sử của mình. Hiện tượng này chứng minh một nét tâm lí phổ biến của người dân khi kể truyền thuyết và thực hiện nghi lễ thờ cúng là: hầu hết các vị thần tự nhiên hay các vị thần vô danh khác đều được “khoác chiếc áo lịch sử” để truyền cho người nghe/người thực hành nghi lễ tin rằng, đó là nhân vật lịch sử có thật và sự kiện đó đã từng xảy ra trong lịch sử. Vì thế, bà Phạm Thị Uyển mà truyền thuyết kể là vợ vua (Mai Hắc Đế) và cháu vua (Bố Cái đại vương Phùng Hưng) đã đàng hoàng thay thế một vị thần Mẫu nổi tiếng.
Một hiện tượng khác thể hiện sức mạnh của tín ngưỡng thờ Mẫu là việc đền hóa ngôi đình Ngoài, hay cụ thể hơn là Mẫu hóa hoàn toàn việc thờ cúng ba nhân vật được cho là lịch sử. Thần phả cụm di tích được sao lục năm 1940, Bản kê khai năm 1938 đều kể rằng, đình Ngoài thờ 3 vị thành hoàng Phạm Thị Uyển, Phạm Miện và Phạm Huy(11). Tuy nhiên, khi điền dã tại ngôi đền, chúng tôi thực sự ngạc nhiên về tên gọi, cấu trúc di tích và cách thực hành nghi lễ tại đây. Tên gọi của ngôi đình Ngoài xưa kia bây giờ có tên gắn ngay ở cửa ngôi đền là: Đền Đức Thánh Bà Chúa Tiên. Từ ngoài vào, phía bên trái cửa đền là hai ban thờ: ban thờ phía ngoài có 2 tầng, tầng dưới thờ ông Hoàng Bảy Trần Quốc Toản (ở đây, người anh hùng đánh giặc Nguyên đã được gia nhập điện thờ Tứ phủ), tầng trên thờ Mẫu thiên tiên trời đất bốn phương; ban thờ phía trong thờ Nữ hoàng tiên cô. Phía bên trái cửa đền là ban thờ Tam vị tiên cô. Trong đền có 2 cung thờ. Cung phía ngoài có 3 ban thờ: bên trái thờ Đức Đại vương Trần triều; ban giữa thờ Tứ phủ công đồng; ban bên phải thờ Mẫu Chúa Liễu Hạnh và 12 cô Sơn Trang. Cung phía trong (hậu cung) thờ Mẫu, Đức Thánh Bà và hai cô hầu cận. Cụ Lai Thị Miên cho chúng tôi biết, năm 1980, sau khi cô con gái 17 tuổi bị chết đột ngột vào năm 1977, cụ bị “cơ đầy” nên đau ốm, điên rồ, sau đó Đức Thánh Bà Phạm Thị Uyển báo mộng cho cụ biết cần phải ra hầu thánh, cụ ra hầu thánh và bệnh khỏi dần dần. Cụ cho biết, Đức Thánh Bà hiển linh nói cho cụ biết phải sửa lại ngôi đình Ngoài và bà báo mộng cho biết cần phải có những ban thờ nào. Các ban thờ hiện nay đều do bà làm từ năm 1980. Cụ Miên nói rằng, Đức Thánh Bà quyết định cho đổi đình thành đền và thờ cúng như ngày nay (Nhật ký điền dã ngày 19/2/2013). Bản Hồ sơ xin công nhận của cụm di tích năm 1992 đã xác nhận sự thay đổi như sau: “Trải qua một thời gian dài tồn tại cùng những biến động cùng những biến động của thời gian, đình Ngoài hiện nay các hiện vật pha trộn giữa đình và đền” và nhận định: “Đó là sự tôn kính, ngưỡng mộ không những đối với người hiền tài của đất nước mà cả các thần linh tự nhiên và sự dân dã của tâm hồn người dân”. Điều này thể hiện sự biến đổi lớn của văn hóa thời kinh tế thị trường khi đình biến thành đền, tín ngưỡng thờ thành hoàng biến thành tín ngưỡng thờ Mẫu, dù rằng, nhân vật được thờ vẫn chỉ là một người.
Lớp văn hóa thứ ba ở cụm di tích Hòa Mục là tín ngưỡng thờ thủy thần. Như đã nói ở trên, “motif xác chết trôi dạt trên sông” là một motif đặc trưng của việc thờ cúng thủy thần. Lịch sử đã biết đến sự thể hiện phong phú của motif này trong truyện kể về nàng Bích Châu (đền bà Hải, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), bà vợ vua Lê Lợi (Lam Sơn thực lục), bốn vị Thánh Nương (đền Cờn, Nghệ An; đền Lộ, Hà Nội và rất nhiều đền thờ ven biển Bắc bộ, Trung bộ). Truyền thuyết cũng kể rằng, bà Phạm Thị Uyển là người “thạo thủy binh”, bà chỉ huy trận giao chiến trên sông Tô Lịch và khi thất bại, bà đã gieo mình xuống sông tự tận. Đó là những chi tiết hô ứng để truy tìm gốc gác nhân thần của ngôi đền Dục Anh. Một chi tiết khiến tôi củng cố thêm nhận định này là ngôi miếu ngay cổng phụ đền Dục Anh. Miếu này có tên là “Miếu Đôi Cô”. Bà Đang (thủ nhang đền) cho biết, ngôi miếu đó thờ Hai cô Cửa Sông, có từ thời Hai Bà Trưng, linh lắm. Bà cho biết, ngôi miếu này có trước, sau đó mới xây đền thờ bà Phạm Thị Uyển (Nhật ký điền dã ngày 14/2/2013). Ngôi miếu này khiến chúng tôi liên tưởng tới thần hiệu “Thủy tinh công chúa” của đền trong Bản khai thần tích làng Hòa Mục của viên cựu Lý trưởng năm 1938. Có một mối liên hệ giữa tục thờ thần sông, sau được thần tích hóa bằng vị “Thủy tinh công chúa”, rồi hòa nhập vào tục thờ Mẫu với việc thờ cúng Liễu Hạnh và rồi lịch sử hóa bằng việc tôn vinh bà Phạm Thị Uyển thành thần chủ ngôi đền này.
Lớp văn hóa thứ tư ở cụm di tích Hòa Mục là tín ngưỡng nông nghiệp. Đây có thể coi là lớp trầm tích văn hóa cổ nhất. Thần Nông được thờ trong miếu Bàn Tỉnh (miếu có tên gọi này có lẽ bởi trước ngôi miếu là một ngôi giếng đất). Miếu này vốn là một nơi thờ không được xây dựng, chỉ là 3 bậc tam cấp bằng đất dưới một gốc cây muỗm lớn và cạnh ngôi giếng. Có miếu thờ này là vì làng Hòa Mục xưa là một làng nông nghiệp, đồng ruộng rất rộng. Ngôi đình Ngoài có tên gọi như vậy vì trước đây ở giữa đồng, còn đình Trong ở giữa làng. Vậy mà ngôi đình Ngoài xưa kia hiện nay đã tọa lạc tại một con phố sầm uất, nép mình bên cạnh một ngôi nhà cao hơn 20 tầng của một đơn vị bộ đội vẫn đang tiếp tục xây và lấn luôn cả phần đất có cây đề vài trăm tuổi của ngôi đình.
Cụ Miên là người khởi công việc dựng miếu Bàn Tỉnh, ban đầu lợp tôn, và sau đó xây khang trang như ngày nay(12). Cụ cho biết, khi cụ bị “cơ đầy”, khoảng vào năm 1981-1982, cụ nằm mộng thấy một người to cao, da đen hiện lên nói: ta là Mai Hắc Đế, phải xây đền cho ta ở, và chỉ cho cụ xây đền ở chỗ miếu Bàn Tỉnh. Cụ cho biết thêm, trước đây, ngôi miếu có hai ngày cúng là 7/1 âm lịch (ngày hạ cây nêu, làm lễ xuống đồng) và ngày 2/6 âm lịch (là ngày gặt). Nhưng nay làng hết đồng rồi, vì thế Đức vua Mai chỉ cho cúng ngày 7/1, còn ngày 2/6 thì thôi. (Nhật ký điền dã ngày 19/2/2013). Đúng ngày 7/1 Quý Tỵ vừa rồi, tôi có đến miếu và dự lễ hạ cây nêu, cúng thần Nông và được các cụ mời thụ lộc ở đền. Người dân Hòa Mục rất tự hào về nghi thức cổ xưa của làng mình và cho biết sẽ giữ mãi các cổ tục này cho con cháu. Được biết, vào ngày tất niên và ngày tân niên, đình, đền của làng đông nghịt, già trẻ, trai gái của làng ra lễ thánh, cầu cho một năm mới bình an, may mắn.
Khảo sát các lớp văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng vua Mai và các nhân vật liên quan đến ông tại cụm di tích Hòa Mục (Hà Nội), chúng ta có thể thấy được dòng chảy văn hóa qua thời gian: những gì còn giữ nguyên, những gì đã biến đổi để ứng hợp với niềm tin tưởng của người dân trong từng giai đoạn lịch sử đều cho thấy sức sống mạnh mẽ của văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay.
***
Kết thúc truyện kể về vua Mai trong Hương Lãm Mai Đế ký, Chư Cát Thị viết mấy lời đau xót: “Nhà vua bị hãm trận mà chết. Quốc thống lại đứt”. Hơn nửa thế kỷ sau khi Mai Thúc Loan thất bại, quốc thống được nối lại bởi cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng và nhờ những cuộc khởi nghĩa như những cuộc chạy tiếp sức đó, màn đêm Bắc thuộc đã vĩnh viễn bị đẩy lùi. Bằng việc thể hiện sự tôn vinh đối với vua Mai, ta có thể thấy truyền thuyết và việc thờ cúng ông quả đã giữ lửa ấm và nuôi các tia hào quang lịch sử để soi rọi đến đời sau. Chúng có giá trị rất lớn trong việc nối liền và nối dài quốc thống trong lòng dân, trong việc xây dựng và sáng tạo truyền thống, trong việc làm mới và làm sống động truyền thống trong lòng xã hội đương đại. Trong Hội thảo 2008, các tham luận đề nghị nâng lễ hội vua Mai lên thành lễ hội cấp tỉnh, tôn tạo di tích nơi vua Mai ra đời dưới hai gốc mai ở Cồn Chèn nay đã được toại nguyện; việc đề nghị thành phố Hải Phòng lấy tên hai người con vua Mai đặt tên cho hai đường phố ở Hải Phòng đang được xem xét. Điều này cho thấy sự tôn vinh của hậu thế đối với vua Mai.
1300 năm trôi qua, biết bao lớp bụi thời gian phủ mờ nhưng hình ảnh của vị vua xưng Đế này không bị rơi vào quên lãng mà càng ngày càng lộ rõ, truyền thuyết tiếp tục sinh sôi, các di tích tiếp tục được khôi phục và xuất hiện, những địa danh mới mang tên ông đang được đề xuất, điều đó cho thấy người dân không chỉ tưởng nhớ về ông mà còn mong muốn ông được hiện diện cùng dân tộc trong những thời khắc đương đại. Đó cũng có thể được coi là một duyên may của lịch sử, sau những đứt gãy, quốc thống vẫn được nối liền và hiện hữu như một thang giá trị trong cuộc sống hôm nay. 
Chú thích:
1. Ninh Viết Giao (2000), Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, Sở VHTT Nghệ An, Vinh, tr. 302-349.
2. Phạm Xuân Quang (2008), Kỷ yếu Hội thảo “Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu”
3. Nguyễn Quang Hồng (2008), Kỷ yếu Hội thảo “Mai Thúc Loan và khởi nghĩa Hoan Châu”.
4. Nhiều tác giả, Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713-722), Nxb Chính trị Quốc gia, H., 2013
5. Nguyễn Văn Dũng (2008), Kỷ yếu Hội thảo “Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu”
6. Thư mục thần tích, thần sắc, Trung tâm KHXH&NV Quốc gia, Viện Thông tin KHXH, Hà Nội, 1996, tr. 825
7. Hyppolyte Le Breton, An Tĩnh cổ lục, xuất bản năm 2005, Nxb. Nghệ An và một số tác giả khác
8. Vũ Tuân Sán (1968), Núi Nùng, núi Khán hay núi Sưa? Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 111.
9. Dẫn theo Ngô Đức Thọ (chủ biên, 2007), Từ điển di tích văn hóa Việt Nam - tổng hợp tư liệu thư tịch Hán Nôm, Nxb. Từ điển Bách khoa, H., tr. 386
10. Thần tích - Thần sắc làng Hòa Mục, xã Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, Ký hiện TT-TS FQ4*18/11.16
11. Vì thế, tôi rất ngạc nhiên khi đọc bài của ông Lai Đức Thụ, giảng viên khoa Lịch sử, trường ĐHSP Hà Nội, là người con của làng và hiện vẫn sống ở làng, viết rằng, ngôi đình Ngoài thờ Phùng Hưng (Hội thảo Mai Thúc Loan, 2008).
12. Đền thờ Mai Hắc Đế (được phối tự cùng thần Nông ở miếu Bàn Tỉnh của làng từ năm 1990) do cụ bà Lai Thị Miên (năm nay 88 tuổi, hiện đang là thủ nhang đền Đức Bà, vốn là đình Ngoài) và một người cháu là bà Lại Thị Nghĩa Viên công đức, không phải do “Hội đồng hương Nam Đàn tại Hà Nội công đức tu sửa” như bài của ông Lại Đức Thụ viết ở Hội thảo Mai Thúc Loan năm 2008. Điều này theo chúng tôi có ý nghĩa hơn nhiều vì tín ngưỡng thờ vua Mai đã bén rễ tại mảnh đất Hòa Mục và đang được cộng đồng dân chúng của làng Hòa Mục thờ cùng với vị thần được thờ từ lâu đời của mình.
Tài liệu tham khảo:
1. Thư mục thần tích, thần sắc, Trung tâm KHXH&NV Quốc gia - Viện Thông tin KHXH, H., 1996: Bảng kê khai của lí trưởng về tục thờ ở đền Dục Anh trong cuộc khảo sát của Viện Viễn Đông Bác cổ được thực hiện năm 1937; Bản Hương ước của làng Hòa Mục bằng chữ Hán được lưu trong Thư viện KHXH; Thần tích đền Mai Hắc Đế ở làng Nghi Lễ, tổng Xuân Khoa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An bằng chữ Pháp được lưu trong Thư viện KHXH do Hội Văn hóa dân gian Đông Dương khai;
2. Thần phả đền Dục Anh do các cụ làng Hòa Mục sao chép năm Bảo Đại thứ 8
3. Hồ sơ di tích cụm di tích Hòa Mục, 1992
4. Đinh Văn Hiến và Đinh Lê Yên (1989, 2003, 2005, 2009), Mai Hắc Đế, truyền thuyết và lịch sử, Nhà xuất bản Nghệ An.
5. Lê Quý Đôn toàn tập, tập 3, Nxb KHXH, H, 1987
6. Ninh Viết Giao (2000), Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An, Vinh
7. Ngô Đức Thọ (chủ biên), Từ điển di tích văn hóa Việt Nam - tổng hợp tư liệu thư tịch Hán Nôm, Nxb. Văn học, H., 2003; Nxb. Từ điển Bách khoa, H., 2007
8. Nguyễn Duy Hinh (1996), Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam, Nxb KHXH, H.
9. Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, Nxb KHXH, H, 1995
10. Trần Bá Chí (1964), Một số tài liệu liên quan đến Mai Thúc Loan và cuộc khởi nghĩa của ông, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, H., số
11. Vũ Tuân Sán, Hà Nội xưa và nay, Nxb Hội Nhà văn, H., 2007
12. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1997), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Trần Nghĩa chủ biên, Nxb. Thế giới, H.
13. Nhiều tác giả (2009), Kỷ yếu Hội thảo Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu, Nxb KHXH., H.
14. Nhiều tác giả (2013), Khởi nghĩa Mai Thúc Loan, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.
PGS.TS Trần Thị An
CHUYÊN SAN KHXH&NV NGHỆ AN, SỐ 3/2013

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ