Đình làng Đinh Xuyên ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Đình làng Đinh Xuyên

Ở thôn Đinh Xuyên (xã Dư Xá Thượng, Ứng Hòa, Hà Nội), bao thế hệ người làng vẫn truyền tai nhau về hiện tượng “sinh đôi – tử cặp” thường xuyên xảy ra từ nhiều năm nay. Chuyện sinh tử vốn là quy luật tự nhiên, nhưng một số làng vẫn cho rằng liên quan đến thuyết “đồng sinh, đồng tử” của hai vị Thành Hoàng làng.
Đình làng Đinh Xuyên, nơi bắt nguồn nhiều truyền thuyết lạ kỳ
Đình làng Đinh Xuyên, nơi bắt nguồn nhiều truyền thuyết lạ kỳ.
Cây mít hai lõi ở ngôi làng anh em sinh đôi được phong Thành Hoàng
Ngôi làng này vốn có tới 3 vị Thành Hoàng, ngoài đức Thánh Cả được thờ tại đền Đinh Xuyên, đầu làng và cuối làng dựng đền thờ thêm hai vị Thành Hoàng Phạm Thông và Phạm Nhu.
Theo tích xưa truyền lại, hai người này vốn là anh em sinh đôi. Vốn khí chất hơn người, lại thêm tài văn võ thao lược, hai ông cùng nhau chiêu mộ hàng nghìn trai tráng trong làng và các vùng lân cận, lập trận địa bảo vệ làng Đinh Xuyên mỗi khi loạn lạc. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, hai ông mang theo số binh sĩ đã chiêu mộ được, phò tá Hai Bà đánh giặc.
Trong một trận đánh lớn, người anh Phạm Thông đã hy sinh tại trận địa xung yếu Tây Hồ (Hồ Tây ngày nay). Người em Phạm Nhu nghe tin, vô cùng đau xót đã tuẫn tiết theo anh, gieo mình xuống dòng Hát Giang (sông Đáy) để thể hiện khí tiết.
Cảm động trước ân đức to lớn và tình nghĩa tương thân của hai anh em, dân làng Đinh Xuyên phong hai ông là Thành Hoàng và lập đền thờ phụng.
Vì hai ngài “đồng sinh, đồng tử” nên chuyện thờ cúng hay lễ bái, đều phải làm đầy đủ cho cả hai. Người anh được cúng như thế nào, người em cũng phải cúng như thế, không được ai hơn ai kém dù chỉ là chén nước.
Xưa kia, vốn chỉ có đức Thánh Cả thờ ở đình Đinh Xuyên có tượng thờ, hai vị Thành Hoàng Phạm Thông và Phạm Nhu vốn được lập đền sau nên chỉ thờ bài vị tưởng vọng. Người làng muốn làm tượng để thờ các ngài tỏ lòng thành kính nên đã hạ cây mít to sau đình để tạc tượng.
Một cụ cao niên cho biết: “Theo như ông cha truyền lại, cây mít đó khá to nhưng nếu tạc tượng cũng chỉ có thể tạc một pho. Các cụ quyết định làm tượng người anh Phạm Thông. Tuy nhiên, khi hạ gốc mít, người làng phát hiện cây mít có đến hai lõi, lõi ngoài bao bọc, ôm trọn lõi trong giống như tình cảm anh em luôn khăng khít, gắn bó.
Không biết có phải các ngài biết ý định tạc một tượng của người làng hay không mà cây mít kỳ lạ kia lại có đến hai lõi như ám chỉ phải làm tượng cho cả hai ngài”.
Cổ nhân cho rằng đó là lời nhắc nhở của hai vị Thành Hoàng, “việc gì cũng có nhau, không thể có chuyện người anh được tạc tượng, người em thì không” nên quyết định tạc hai pho tượng cho cả hai vị.
“Thói xấu” vừa đi đưa ma, vừa “dự đoán” người xấu số sắp tới
Dù đã có lịch sử hàng trăm năm nhưng ngôi đình Đinh Xuyên và câu chuyện “đồng sinh, đồng tử” của hai vị Thành Hoàng đều được người dân từ già đến trẻ thuộc nằm lòng. Và chính từ tích đó mà bao đời nay, người làng Đinh Xuyên vẫn truyền tai nhau về hiện tượng “sinh đôi, tử cặp” diễn ra tại nơi đây.
Ông Lê Nguyên Bá (73 tuổi) cho biết: “Chẳng có sử sách nào ghi chép lại chuyện này, chỉ do các cụ ngày xưa chiêm nghiệm và truyền tai lại cho con cháu mà thôi. Không biết do đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay “linh ứng” thật, nhưng khi để ý, đúng là có hiện tượng này xảy ra”.
Hiện tượng sinh đôi ở làng Đinh Xuyên tuy không nhiều nhưng so với các vùng lân cận, tỷ lệ các cặp song sinh cao hơn hẳn. Theo các cụ cao niên, chỉ tính riêng khu vực xóm cuối làng, cũng đã có 5 cặp song sinh, cặp hai trai, cặp hai gái hoặc một trai, một gái.
Ngày trước, người làng vẫn coi sinh đôi là “điềm dữ”, hai đứa trẻ song sinh ngay khi sinh ra, phải gửi lên chùa nếu không sẽ đoản mệnh. “Nếu là cặp song sinh một trai, một gái, càng phải cầu cúng cẩn thận. Người ta cho rằng, hai đứa trẻ đó kiếp trước là vợ chồng nên mặc dù là anh em ruột, gia đình đó phải cúng cho vong hồn hai đứa trẻ lấy nhau thì chúng mới sống yên bình được. Nghe là nghe vậy, chứ các cặp sinh đôi làng đều trưởng thành như những người bình thường khác”, một người chia sẻ.
Chuyện sinh đôi vốn không khiến nhiều người làng bận tâm vì nghĩ chuyện đó cũng bình thường, chỉ là tỷ lệ sinh đôi ở làng nhiều hơn nơi khác. Tuy nhiên, hiện tượng “tử cặp” đều khiến họ cho rằng có mối liên hệ với chuyện “đồng sinh, đồng tử” của hai vị Thành Hoàng.
Hiện tượng này xảy ra trong phạm vi cả làng Đinh Xuyên chứ không phải chỉ anh em sinh đôi, cùng huyết thống mới gặp phải. Nếu trong làng có người mất thì người làng biết chắc rằng, chỉ 3 - 5 ngày sau đó, làng sẽ có thêm một “đám hiếu” nữa.
Những cái chết luôn đi theo cặp đôi như vậy và cách nhau khoảng thời gian rất ngắn nên mới có chuyện “hôm nay ở đầu làng có tang sự, hôm sau đã nghe tin cuối làng có người mất”.
Cụ Bùi Văn Lịch (66 tuổi), Chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Đinh Xuyên cho biết: “Vì hiện tượng này xảy ra rất nhiều lần nên mỗi khi trong làng có người mất, dân làng thường đoán biết trước việc người nào sẽ ra đi tiếp theo. Người dân chủ yếu nhìn vào những trường hợp người đã lớn tuổi hay đang ốm đau khó qua khỏi mà ngầm dự đoán vậy, chứ cũng chẳng có cơ sở gì rõ ràng”.
Suy nghĩ này đã hằn vào nếp sống, nếp nghĩ của một số người địa phương nên dù bất kể người làng chết vì bệnh tật hay tai nạn, người ta đều đinh ninh “ở làng này, đã chết đều phải có cặp”. Có lần, trong hai ngày, ngôi làng này có đến 3 đám tang, mà theo người làng “nếu hai người một cặp, vậy người kia sẽ lẻ ra”.
Người ta bảo nhau chờ xem vài ngày tới, chắc chắn sẽ có thêm người “đi” và quả thật, khoảng 10 ngày sau có thêm một người già trong làng mất vì bệnh. Chuyện này vẫn được truyền tai nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác, họ không coi đó là chuyện đáng sợ, kỳ quái mà cho rằng, việc “tử cặp” một nét lạ trong  văn hóa địa phương, thể hiện tình nghĩa “tương thân” giống như anh em hai vị Thành Hoàng.

Theo Xa lộ pháp luật

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ