HỘI THẢO KHOA HỌC NHÀ THỜ HỌ PHẠM XÃ NHÂN THÀNH ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

HỘI THẢO KHOA HỌC NHÀ THỜ HỌ PHẠM XÃ NHÂN THÀNH

Ngày 3/3/2013, tại Hội trường UBND xã Nhân Thành, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND huyện Yên Thành, UBND xã Nhân Thành và dòng họ Phạm xã Nhân Thành tổ chức Hội thảo khoa học nhằm hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho Nhà thờ họ Phạm xã Nhân Thành.
Nhà thờ họ Phạm là  một trong những dòng họ lâu đời nhất ở vùng đất Nhân Thành được con cháu xây dựng làm nơi phụng thờ tiên tổ của dòng họ trong đó tiêu biểu có một số nhân vật có công với dân với nước như Phạm Khoan Hậu (sinh vào khoảng năm 50 của thế kỷ XVII, là hậu duệ đời thứ 27 của Danh tướng Phạm Cự Lạng) - người được coi là có công đầu trong việc khai cơ lập làng Trang Hói (Văn Hội); Phạm Đức Thạc, ông là con của Phạm Khoan Hậu (sinh vào khoảng năm 80 của thế kỷ XVII) - người được nhân dân tôn làm Thành hoàng của làng vì có công chiêu dân khai hoang mở đất và chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Ông được các triều đại phong kiến phong nhiều sắc rồng để ghi nhận công lao của ông và phong tặng: "Dực bảo trung hưng, linh phù chi thần" sau còn gia tặng thêm "Đôn ngưng trung thần".
Ngoài ra tại nhà thờ còn lưu giữ nhiều tài liệu chữ Hán có giá trị như sắc phong, đại tự, câu đối, lạc khoản trên kiến trúc, các hiệu bụt trên long ngai, bài vị, gia phả ... giúp hậu thế nghiên cứu, tìm hiểu về công lao của các vị được thờ tại di tích, đồng thời là nguồn tư liệu quý cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất tổng Quan Triều xưa cũng như lịch sử hình thành và phát triển của dòng họ Phạm.
Ngoài những giá trị về Lịch sử thì nhà thờ còn có giá trị nổi bật về văn hóa, nghệ thuật đây là nơi biểu hiện rõ nhất tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ngàn đời của dân tộc. Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tại di tích phản ánh truyền thống trọng đạo nghĩa và các phong tục tập quán của địa phương, góp phần củng cố tình đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương làng mạc. Hiện tại di tích còn lưu giữ được 02 tòa kiến trúc cổ và nhiều cổ vật quý, chạm khắc công phu, tinh xảo có giá trị thưởng ngoạn, nghiên cứu tìm hiểu về phong cách kiến trúc của địa phương.
Đặc biệt, Di tích được xây dựng trên một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, phong cảnh đẹp gắn liền với công tích và cuộc đời của các nhân vật được thờ phụng; không gian thoáng đãng, bình yên, có khoảng cách không xa với những di tích nổi tiếng như Đền Cả, Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành, Đền thờ Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn, Đền thờ Phan Cảnh Quang, Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu ... nên có nhiều lợi thế trong khai thác và phát huy giá trị di sản.



Nguyễn Anh Võ
Nguồn tin: Huyện Yên Thành

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ