tháng 9 2013 ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Phạm Ngũ Thư – người ăn mày lỗi lạc của vua Lê Lợi

Phạm Ngũ Thư quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, lộ Hải Đông (nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), là cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão. Khi Hồ Qúy Ly cướp ngôi nhà Trần, ông từ quan về ở ẩn rồi xuất gia tu hành tại chùa Vân Yên trên dãy núi Yên Tử với pháp danh là Trí Lâm.
Ít lâu sau đó nhà Hồ sụp đổ, quân Minh kéo vào xâm lược, đất nước rơi vào cảnh lầm than. Tình hình này khiến Phạm Ngũ Thư không thể ngồi yên. Ông quyết định hoàn tục và tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi ở Lam Sơn. Được chủ tướng tin cậy, ông đã tiến hành xây dựng một hệ thống tình báo ngụy trang thường dân để thu thập tin tức trên các địa bàn hoạt động.

Bản thân Phạm Ngũ Thư còn giả trang thành người hành khất và sớm nhận thấy ưu thế của lớp vỏ bọc này trong hoạt động tình báo, vì giới ăn xin có thể “la cà” khắp nơi mà không bị chú ý. Từ đó, ông đã xây dựng một mạng lưới tình báo đắc lực gồm những người ăn xin. Hệ thống này đã góp phần mang lại thành công cho cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi.
Sau khi quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập, Lê Lợi lên ngôi vua và ban thưởng rất hậu cho Phạm Ngũ Thư, đồng thời đề bạt ông làm quan. Nhưng ông đã viện cớ tàn tật để nhận 200 mẫu ruộng và xin về quê sinh sống. Toàn bộ số ruộng nhận được ông đều trao cho dân nghèo cày cấy.
Nghĩ đến cảnh nhiều người còn khổ cực, Phạm Ngũ Thư dặn vợ con làm nhiều hơn nữa việc thiện, phát tâm giúp đỡ kẻ khó, rồi ông ra đi với cây gậy và bộ áo quần rách rưới, nay đây mai đó ăn xin sống qua ngày. Ông an ủi và sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ, truyền bá cho họ Phật pháp để có cuộc sống bình yên và lạc quan, từ bỏ nỗi chán chường và thù oán.
Sau khi mất, trên bia mộ của Phạm Ngũ Thư chỉ khắc dòng chữ: “Phạm khất sĩ chi mộ”, nghĩa là Mộ của người ăn mày họ Phạm.
Theo http://www.reds.vn/index.php/lich-su/vinh-quang-dai-viet/4804-chuyen-la-ve-an-may-trong-lich-su-viet-nam

Đội quân ăn mày do thám

Tình báo là hoạt động điều tra, thu thập, nghiên cứu, tổng hợp, xử lý những tin tức, tư liệu bí mật về quân sự, chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế... của đối phương. Hoạt động này xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước, trên cơ sở các thông tin thu thập được sẽ có những đánh giá và xử lý để đưa ra những quyết định, đặc biệt là liên quan đến chính sách đối ngoại và quốc phòng.

Ở phương Đông, nhà quân sự nổi tiếng của Trung Quốc (thế kỷ VI-V TCN) là Tôn Tử, bằng tài trí của mình đã giúp vua Ngô cải cách chính trị ở trong nước và chỉ huy quân đội phá nước Sở hùng mạnh ở phía Tây, uy hiếp nước Tấn ở phía Bắc… Ông chuyên tâm nghiên cứu các vấn đề quân sự, đúc kết nhiều kinh nghiệm của chiến tranh ở trước và trong thời kỳ Xuân Thu-Chiến Quốc rồi viết thành bộ binh pháp gồm mười ba thiên binh (thường được gọi là Binh pháp Tôn Tử).

Trong tác phẩm này, Tôn Tử đã nêu ra những nguyên tắc cơ bản để giành chiến thắng trong chiến tranh, xem xét sự phụ thuộc của binh thế vào sức mạnh của quốc gia, sự ảnh hưởng của Thời-Thiên-Địa và vai trò của người chỉ huy đối với tác chiến…; đặc biệt là ở thiên thứ 13 có đề cập đến hoạt động do thám, gián điệp với tiêu đề là “Phép dụng gián” (Dùng trinh thám).

Những đội quân kỳ lạ trong lịch sử Việt Nam
Đội quân ăn mày do thám 

Trong cuốn “Binh thư yếu lược”,  ở phần Phép dùng gián điệp của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng có đoạn nói về vai trò quan trọng của hoạt động do thám, gián điệp như sau: “Phàm dùng binh trước hết phải dụng gián để thăm dò mà tùy cơ ứng biến, hoặc thăm dò để biết bên địch có việc tranh trưởng, có sự không hòa... Công việc của gián làm, xem việc mà cử ra thì thấy có 8 thuật: lấy sứ giả làm gián điệp, lấy người của địch làm gián điệp, tung tin giả, phao tin tâm lý, mua chuộc đút lót, kích động, gièm pha... Dụng gián là việc linh hoạt, cơ mưu không thể lường”.

Hoạt động tình báo, gián điệp đã được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng và áp dụng khá hiệu quả trong chiến tranh giữ nước, đặc biệt là thời Lý, Trần và Hậu Lê. Thời kỳ Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược, có một người đã tổ chức đội quân thu thập tin tức dưới hình thức rất đặc biệt, đó là Phạm Ngũ Thư. Ông quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, lộ Hải Đông (nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), ông là cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão, bậc đại công thần tài kiêm văn võ nổi tiếng triều Trần. Khi Hồ Qúy Ly cướp ngôi nhà Trần, Phạm Ngũ Thư từ quan về ở ẩn rồi xuất gia tu hành tại chùa Vân Yên trên dãy núi Yên Tử vùng Đông Bắc với pháp danh là Trí Lâm.

Tình hình xã hội nước ta bấy giờ có những diễn biến phức tạp, nhà Hồ sụp đổ, quân Minh kéo vào xâm lược, các cuộc khởi nghĩa chống giặc lần lượt bị đàn áp dã man, triều Hậu Trần cũng không tồn tại được lâu. Hoàn cảnh đó đã tác động nhiều đến tâm trí Phạm Ngũ Thư, ông quyết định hoàn tục, lấy vợ sinh con, muốn làm tròn nghĩa vụ của người trai thời loạn. Nghe tin cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, ông tìm vào Thanh Hóa xin đầu quân, cùng nếm trải gian lao khó nhọc với nghĩa binh hơn 10 năm trời. Để thăm dò sự điều động binh lực cũng như nắm tình hình của giặc, Phạm Ngũ Thư đề nghị và được Bình Định Vương Lê Lợi chấp thuận cho thiết lập “hệ thống tình báo” với nhiều đối tượng cài vào hàng ngũ ngụy quan, ngụy quân cũng như trong xã hội dưới các vai nhà buôn, học trò….

Đội quân do thám


Trực tiếp điều hành mạng lưới thu thập thông tin, Phạm Ngũ Thư còn giả trang thành người ăn xin để đi lại khắp nơi mà giặc chẳng nghi ngờ, cũng nhờ đó mà ông nhận thấy lợi thế của những người hành khất vì càng dơ dáy, cùi hủi ghẻ lở thì lại càng được việc, họ có thể “một gậy, một bị khắp nơi tung hoành”, “liều mạng cùi” xông bừa vào chỗ đóng quân, kho lương của địch để quan sát và la cà khắp nơi để chuyển tin nhanh chóng mà an toàn, từ  đó Phạm Ngũ Thư tạo dựng thêm nhiều tai mắt trong giới cái bang. “Hệ thống tình báo” này hoạt động đắc lực, góp phần quan trọng vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn, quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập.

Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi vua, đặt niên hiệu Thuận Thiên, đến tháng 2, định công phong chức tước, ban thưởng cho các công thần chia làm 4 hạng, gồm 339 người có nhiều quân công nhất, trong đó có Phạm Ngũ Thư. Ông được phong làm Trung lượng tả phụng thần vệ quân, tước Đại trí tự nhưng ông viện cớ tàn tật để khước từ quan chức xin về quê sinh sống, chỉ nhận tước và phần thưởng là hai trăm mẫu ruộng rồi đem chia hết cho dân nghèo để trồng cấy.

Lại nghĩ đến cảnh nhiều người còn khổ cực, Phạm Ngũ Thư nói với vợ rằng: “Thời lang thang lo việc nước, ta đã chung sống với giới ăn xin, cảm thông được nỗi đau thương chua xót vô biên của những con người khốn khổ bị xã hội khinh khi ruồng rẫy. Ta hằng phát nguyện sẽ chia sẻ, cứu giúp xoa dịu thương đau cho họ”. Dặn vợ con làm nhiều hơn nữa việc thiện, phát tâm giúp đỡ kẻ khó, rồi ông ra đi. Tay chống gậy trúc, áo quần rách rưới, ăn xin sống qua ngày nay đây mai đó, để hiểu nỗi đau thương mà san sẻ, an ủi họ người cùng cảnh ngộ, lựa lời nhắc nhở họ về lý nghiệp báo, khuyên họ xả bỏ thù hằn, nghi kị, chán nản mà khơi nguồn cho niềm lạc quan và tình người tuôn chảy.

Thế là viên thủ lĩnh của “đội quân cái bang” hoạt động tình báo năm nào nay lại trở về với những con người cùng khổ cho đến lúc cuối đời. Trên bia mộ của ông chỉ khắc dòng chữ: “Phạm khất sĩ chi mộ” (mộ của người ăn mày họ Phạm). Ngày nay tại làng Thư Lang (nay thuộc xã Thư Lang, tỉnh Hà Nam) vẫn còn đền thờ Phạm Ngũ Thư, bao đời nay người dẫn vẫn hương khói để ghi ơn công lao và ân đức của vị thành hoàng làng mình, người có cuộc đời đặc biệt một như huyền thoại.


Theo Cảnh sát toàn cầu

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

LÊ ĐẠI HÀNH PHÁ TỐNG GIỮ VỮNG ĐỘC LẬP

PGS. TS. Trần Bá Chí
Lê Đại Hành tên thật là Lê Hoàn, sinh tại động Hoa Lư, xã Trường Yên, nay thuộc tỉnh Ninh Bình. Khi lớn lên, do cuộc sống khó khăn, ông phải theo cha mẹ đến làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm nhờ dân làng giúp đỡ, làm nghề đánh bắt tôm cá để kiếm sống. Ở đó một thời gian, gia đình ông lại trở về quê cũ Trường Yên. Không lâu sau, cha mẹ ông đều mất, ông phải dựa vào người trong họ là ông Lê... làm chức Quan Sát ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá để sinh sống và học hành. Với tuổi trẻ chí cao, ông học rất giỏi, văn võ toàn tài. Năm 16 tuổi[1], ông nghe tin ở quê hương Hoa Lư có con quan Thứ sử họ Đinh tên là Bộ Lĩnh đang kết nạp nhân tài nhằm đánh dẹp 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Ông về vái lạy cha nuôi là Lê Quan Sát, xin được đi theo lời kêu gọi của Đinh Bộ Lĩnh. Rất may mắn, ông được Lê Quan Sát đồng tình và khuyên ông nên sớm theo.
Từ đó đến khoảng vài chục năm sau, Lê Hoàn sát cánh bên Đinh Bộ Lĩnh xông pha chiến trận, dẹp tan loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Đến đây, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, sử gọi là Đinh Tiên Hoàng. Lê Hoàn được phong võ chức Thập đạo tướng quân vào năm 971. Cũng từ năm đó, quân đội nước ta được tổ chức theo chế độ 10 đạo. Giữa năm 980, Đinh Tiên Hoàng mất, quân Tống phía bắc sắp kéo sang xâm lược, Lê Hoàn được Đại tướng Phạm Cự Lượng cùng tướng sĩ trong cả nước tin yêu, họ tin tưởng ông có thể đủ tài thao lược phá tan giặc Bắc.
Về phía nhà Tống, tháng Sáu năm Canh thìn (tháng 8-980), Tri Ung Châu là Hầu Nhân Bảo dâng sớ về Biện Kinh tâu vua Tống rằng: “Ở Giao Châu, An Nam quận vương và con là Đinh Liễn đều đã bị giết, nước loạn to gần mất, ta có thể đem quân chiếm lấy được. Nếu lúc này không mưu tính, sợ bỏ mất cơ hội. Thần xin được về cửa khuyết để bày tỏ trước vua về việc đó”[2].
Tống Thái Tông tiếp được mật thư này rất đỗi vui mừng, định sai lính trạm chạy ngựa gọi Nhân Bảo về gấp để bàn định kế đánh. Nhưng Tể tướng Lư Đa Tốn lại chủ trương cứ để Nhân Bảo ở lại Ung Châu, chuẩn bị kỹ rồi tiến quân bất ngờ “đánh nhanh như tiếng sấm, khiến đối phương không kịp bịt tai, thì kế sẽ được vạn toàn; nếu gọi Nhân Bảo về, sợ đi lại tốn thời gian và mưu ta bị bại lộ, kẻ địch biết thì ta mất cơ hội. Tống Thái Tông cũng cho thế là phải”[3].
Thực ra, tình hình ở Giao Châu lúc bấy giờ đâu chỉ một mình Nhân Bảo biết được, mà từ lâu vua Tống và Tể tướng đã bí mật sai phái nhiều người theo dõi, chưa kể số thám tử đã được cài đặt thường xuyên như Hứa Xương Duệ và Lưu Hữu Tráng.
Giữa năm 980, Tể tướng Lư Đa Tốn gửi thư dụ hàng Lê Hoàn có câu: “Nay chín châu bốn biển đã ổn định, chỉ còn Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời... Ví như ngón tay ngón chân của một thân người, dù chỉ một ngón bị đau thì Thánh nhân cũng không thể ngồi yên không nghĩ tới được. Chỉ đáng tiếc những năm trước đây gặp nhiều khó khăn trở ngại, ta không kịp khu xử đấy thôi!...”
Ngày Đinh mùi tháng 7 năm Canh Thìn (19-8-980) sau khi nắm được tình hình Giao Châu qua lời tâu của Lư Tập và Lưu Hữu Tráng, vua Tống liền xuống chiếu điều tướng chỉnh quân để tiến về nam chiếm nước Đại Cồ Việt.
Tối hậu thư của Lư Đa Tốn gửi Lê Hoàn lúc này đã dùng những lời xỉ vả thậm tệ: “...Nay chín châu bốn biển đã yên, chỉ còn Giao Châu của ngươi ở xa cuối trời... Ngươi định về theo ta hay chuốc lấy tội? Ta đang chỉnh bị xe ngựa, binh lính, cờ lệnh, chiêng trống... Nếu người quy hàng thì ta tha, nếu trái mệnh thì ta đánh. Theo hay không, lành hay dữ, ngươi tự nghĩ lấy!”.
Tiếp được thư của Lư Đa Tốn, Lê Hoàn một mặt sai sứ Giang Cự Vọng và Vương Thiệu Tộ sang sứ nước Tống để cầu phong cho Đinh Toàn, đồng thời qua đó thăm dò xem nhà Tống đã chuẩn bị binh mã đến đâu? Mặt khác, Lê Hoàn cũng đang gấp rút tập hợp mọi lực lượng trong nước để quyết chiến với nhà Tống bảo vệ độc lập.
Bấy giờ, bên phía quân đội Tống đã hình thành Bộ chỉ huy, gồm có: Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn, Trần Khâm Tộ và Hứa Trọng Tuyên.
Sau khi Giao Châu hành doanh được thiết lập, nhà Tống tổ chức một đội quân hùng hậu vượt Quỷ Môn Quan (ở huyện Bắc Lưu nước Trung Hoa) qua Tiên Yên, Đông Triều, để xuống Bạch Đằng của nước Đại Cồ Việt[4].
Về mặt lực lượng thì nhà Tống chủ trương chỉ huy động quân số trong các vùng Ung Quảng và Kinh Hồ, nhưng chia ra hai đợt. Đợt đầu điều quân ở vùng Ung Quảng, dự định đến khoảng cuối thu năm Canh Thìn (980) có thể cho tiến vào đất Giao Châu. Đợt sau điều quân ở vùng Kinh Hồ sang tiếp viện, do Phó chỉ huy Giao Châu hành doanh là Hứa Trọng Tuyên cùng bên thuỷ là tướng Lưu Trừng và bên bộ là Trân Khâm Tộ nhận quân trực tiếp chỉ huy. Số quân dùng cho cả hai đợt nêu trên chỉ có khoảng ba bốn vạn người, đều tiến theo con đường cổ đạo “vượt Quỷ Môn Quan của huyện Bắc Lưu” mà trước đây Mã Viện, Lưu Phương đã vất vả thông rừng để chỉ huy quân nam tiến.
Như vậy đến lúc này, phía nhà Tống đã chuẩn bị tiến quân, còn phía quân ta cũng đã sớm ổn định đội ngũ, bố trí trận mạc, để kịp thời đem quân chống giặc. Theo quy chế đương thời thì trong triều Đinh lúc này chỉ có Thái hậu Dương Vân Nga là người giữ quyền tối cao, quyết định nhất. Nhưng bà cũng đã nhận thấy rằng: “Con trai bà là Đinh Toàn chưa thể kham nổi một cuộc chiến tranh chống chọi với người Bắc, và cũng không đủ tài ba để huy động sức mạnh của mọi người!”. Bên cạnh đó, những võ tướng tài ba như Phạm Cự Lượng cũng nhận thức rằng: yêu cầu bức thiết của đất nước lúc này là cần sức mạnh để thắng giặc, cho nên quyền lợi của đất nước phải được đặt lên trên quyền lợi của mọi dòng họ.
Về điều này, Đại Việt sử ký toàn thư đã chép: “...Khi đang bàn kế ra quân, Phạm Cự Lượng cùng các tướng truyền bảo ba quân rằng: “Thưởng người có công, giết kẻ trái mệnh là kỷ luật hành quân. Nay Đinh chúa còn nhỏ, chúng ta dù liều chết hết sức xông trận, lập được chút công thì ai biết cho ? Chi bằng trước khi ra trận hãy tôn quan Thập đạo lên ngôi Thiên tử”. Quân sĩ đều tỏ đồng tình, hô vang “Vạn tuế!”. Thái hậu thấy mọi người đều thuận theo, liền lấy áo hoàng bào dâng lên, mời Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế”[5].
Qua đoạn sử trên, ta thấy việc lên ngôi vua của Lê Hoàn là hợp thời thế, thuận lòng người, được các trọng thần danh tướng tiến cử, được toàn quân sĩ ủng hộ, văn võ suy tôn. Vì Lê Hoàn từ tuổi thanh xuân đã bao năm theo Đinh Bộ Lĩnh đánh đông dẹp bắc, tiêu diệt 12 sứ quân, đưa giang sơn về một mối, lập nên đất nước Đại Cồ Việt tạo điều kiện cho Đinh Bộ Lĩnh tôn xưng đế hiệu. Đó là điều đã khiến Dương Thái hậu phải cám ơn Lê Hoàn, mời Lê Hoàn lên ngôi thiên tử, vì bà thấy con trai bà chưa đủ đức tài để đảm đương sứ mệnh lịch sử. Đây là vấn đề được khẳng định và qua đó phủ nhận ý kiến những người còn mang nặng tư tưởng nho giáo chính thống hẹp hòi, gán cho Lê Hoàn tội cướp ngôi. Thiết nghĩ lúc bấy giờ trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” quân Tống đã áp sát nước, chỉ có Lê Hoàn mới là người có đủ tài năng uy tín, lãnh đạo quân dân cả nước đánh bại thù trong giặc ngoài. Chính vị tướng giỏi như  Phạm Cự Lượng cũng tự nhận tài đức của Lê Hoàn trội hơn mình mà suy tôn. Dương Thái hậu biết dẹp những lợi ích riêng của gia đình và dòng họ, cân nhắc kỹ giữa tình nhà và nạn nước, cho việc con bà thoái vị là phải, mời Lê Hoàn lên ngôi là thuận nhân tâm. Đó là sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn của một phụ nữ thức thời, biết đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi gia tộc.
Sau ngày lên ngôi, Lê Hoàn tiếp tục củng cố triều đình Hoa Lư, lập Bộ chỉ huy kháng chiến, kén tướng luyện quân, triển khai công tác bố phòng. Trước hết là lập hệ thống phòng thủ để bảo vệ kinh đô Hoa Lư, cũng tức là bảo vệ đầu não của một quốc gia độc lập thời phong kiến.
Lực lượng quân đội trong thành Hoa Lư thường có 3.000 thiên tử quân. Đương nhiên vào thời chống Tống thì lực lượng đó phải được gia tăng gấp bội.
Lời sớ Tống Cảo nước Trung Hoa có chép: “Trong thành Hoa Lư không có dân ở, chỉ vài trăm khu nhà tre lợp gianh dùng làm trại lính.  Số quân thì thường có khoảng 3.000 người đều in trên trán ba chữ Thiên tử quân”.
Bây giờ vào cuộc chiến tranh, trước hết hãy nói về vị trí Hoa Lư, nó là trung tâm  đất nước, giao tiếp với mọi miền.
Ở Hoa Lư vào thời đó có đường Cố Đạo, sau gọi là Cố Lê,  đường Tiến Yết là những tuyến đường lớn hơn cả.
Muốn bảo vệ kinh thành Hoa Lư, ngay ở ngoài tuyến xa, Lê Hoàn đã chú ý “đắp thành Bình Lỗ để chặn giặc Tống. Công trình này về sau đã được danh tướng Trần Hưng Đạo đánh giá cao. Trần Hưng Đạo đã có lời khen rằng:“Thời trước Lê Đại Hành đã biết đắp thành Bình Lỗ mà phá được giặc Tống”[6].
Tác dụng của thành lớn lao như vậy, nhưng dấu vết thành đến nay còn ở những đâu?
Tất nhiên thành Bình Lỗ phải nằm trên các tuyến đường chiến lược quan trọng đi vào Hoa Lư. Vì đối phương coi đó là mục tiêu tấn công số một khi đánh Đại Cồ Việt. Cho đến nay, dọc các hệ sông có huớng vào Hoa Lư nằm trên các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình còn nhiều dấu vết địa danh có khả năng biến âm từ tên xưa là Bình Lỗ.
Gọi là thành Bình Lỗ, thực chất đây là một chiến luỹ kéo dài dọc các hệ sông có hướng tiến vào thành Hoa Lư, như đoạn sông Hồng từ bắc ngã ba Lềnh đến nam ngã ba Vàng.
Ngã ba Lềnh nay thuộc xã Yên Lửnh, tổng Chuyên Nghiệp, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Thời xưa, đây là hệ thống đường thuỷ thời xưa khá quan trọng.
Ngã ba Vàng theo đoán định là giới hạn cực nam của thành Bình Lỗ, có tác dụng ngăn chặn thuỷ quân Tống tiến vào đánh thành Hoa Lư.
Khảo sát địa danh xung quanh khu vực này, ta thấy đến các thế kỷ sau, quanh khu vực này vẫn còn nhiều dấu ấn liên quan đến tên thành Bình Lỗ. Hơn nữa, xét trong thư tịch thấy ở khu vực này đến các thế kỷ sau vẫn còn biến âm những địa danh đã mang từ tên Bình Lỗ thời Tiền Lê. Chẳng hạn như ở tổng Tiên Cầu thuộc huyện Kim Động còn tên Đông Lỗ gần bờ sông Hồng. Xã Phú Hà tổng Hà Liễu huyện Duyên Hà vốn tên xưa là xã Lỗ Hà. Dọc sông Trà Lý thời xưa đã có tên các làng Đông Nỗ, Phạm Nỗ... Phải chăng lâu đời âm Lỗ đã biến thành âm Nỗ. Phường Cửa Vàng tổng Thượng Hộ huyện Thư Trì vốn xưa là thôn Lỗ Giang. Ở tổng Trần Xá huyện Nam Xang vẫn còn tên làng Lỗ Hà gần bờ sông Hồng, giáp ngã ba Lềnh.
Tất cả địa danh có chữ Lỗ, chữ Nỗ nói trên đều cụm quanh khúc sông Hồng từ ngã ba Lềnh đến ngã ba Vàng và đều được ghi tên trên bản đồ thời cổ. Ngoài ra, trong thư tịch ở đoạn sông này từ thời Lý đến thời Lê vẫn còn rải rác ghi tên Lỗ Giang hoặc là tên sông A Lỗ. Tạm trích dẫn một vài đoạn:
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Tháng 9 năm Quý tị (1293) Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu mất ở Lỗ Giang phủ Long Hưng, tạm quàn ở cung”[7].
Toàn thư lại chép: “Năm Bính Tuất (1406) tháng 7,  Hồ Hán Thương sai các lộ đóng cọc gỗ ở bờ nam sông Cái từ thành Đa Bang đến Lỗ Giang để phòng thủ[8].
Xét quá trình thay đổi, biến động của các lớp địa danh, cho phép suy đoán rằng: Ở thế kỷ X nơi đây đã tồn tại tên sông, tên thành Bình Lỗ thời chống Tống. Về sau khi Hoa Lư đã biến thành cố đô, mất vai trò trung tâm, ý nghĩa những chiến tích chống Tống cũng dần dần phai nhạt. Lịch sử sang trang, địa danh thay đổi, tên Bình Lỗ chuyển dần sang tên A Lỗ là điều có thể xảy ra. Dần dần đến những thế kỷ sau nữa, tên A Lỗ Giang lại thay bằng cái tên Lỗ Giang cũng do điều kiện thời gian làm thay đổi.
Về mục đích tiến quân thì ở thế kỷ X, nhà Tống cất quân xâm lược nước ta, trước hết nhằm tiêu diệt thành Hoa Lư, thủ tiêu Bộ chỉ huy kháng chiến, bắt vua và triều đình Đại Cồ Việt phải đầu hàng, nhận làm thuộc quốc. Do vậy nhiệm vụ chính của Bộ chỉ huy chống Tống lúc bấy giờ do Lê Hoàn lãnh đạo trước hết là bảo vệ kinh đô Hoa Lư và những địa bàn trọng yếu như Đại La, Loa Thành cùng những địa bàn xung yếu như Bạch Đằng, Hoa Bộ.
Về đường thuỷ vào Hoa Lư lúc bấy giờ, ta có hai tuyến đường quan trọng: đó là đường vào Cửa Liêu qua sông Đáy và đường vào cửa Thái Bình qua sông Luộc. Vì hai tuyến đường thuỷ này có các cửa biển sâu, sông rộng ít quanh co, độ đường vừa phải và thuyền lớn có thể ra vào dễ dàng.
Sách Sử học bị khảo của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng viết về tuyến sông này như sau: “Xét ở cựu sử năm thứ hai niên hiệu Hưng Thống thời Lê Đại Hành (990), sứ nhà Tống là Tống Cảo đến sông Bạch Đằng, theo nước triều ven biển đi đến Trường Châu, vua Đại Hành ra tận ngoài ô đón, ghìm ngựa cùng sứ đều đi. Xét Lê đóng đô ở Hoa Lư (nay là huyện Gia Viễn, Ninh Bình), thì thuở ấy sứ nhà Tống đến sông Bạch Đằng (thuộc huyện Thuỷ Đường, Hải Dương) phải theo ven biển đi vào sông Tranh (huyện Vĩnh Lại), rồi đi suốt sông Luộc tỉnh Hưng Yên, xuống sông Châu Cầu huyện Lý Nhân, mới đến được kinh thành Hoa Lư”2.
Từ địa thế này, Lê Hoàn đã “biết đắp thành Bình Lỗ phá được giặc Tống!” như lời khen của Trần Hưng Đạo.
Thần tích đền thờ Phụ quốc Đại vương tại xã Tam Tảo huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) cũng có đoạn  chép: “... Ở chùa Tiêu Sơn có một bà vãi nết na, nhan sắc, do thần nhân giao cấu mà có thai, rồi sinh một trai rất kỳ dị... Lúc đứa bé lên bảy tuổi thì có lệnh vua Lê Đại Hành sai mỗi làng phải góp 100 cây tre to và dài, sai phu làng vác ra để đắp đê sông Nhị. Sư chùa thấy dân phu các làng hồ hởi vác tre đi, mà chùa Tiêu Sơn chẳng thấy ai ra giúp việc công, sư băn khoăn, áy náy... Đứa bé trong chùa biết ý, bèn ra đình làng để vác tre, nhưng mọi người đã vác hết các cây tre loại nhỏ nhẹ, còn lại một cây tre rất to, đứa bé cũng sẵn sàng vác lên, đi một mạch ra bờ sông. Dọc đường, ai thấy đứa bé vác cây tre cũng rất kinh ngạc, họ thầm khen đứa bé mới lên bảy tuổi mà đã có sức vóc phi thường.
Đứa bé nộp xong tre thì cũng vừa lúc vua Lê Đại Hành tới xem xét công việc. Bất ngờ vua thấy dưới đất có một lối dấu chân in vào đất hai chữ “thiên tử”, vua rất kinh ngạc, lo có sự biến mất ngôi, liền sai quân đuổi bắt. Đoàn quân đuổi dọc sông, hướng theo đứa bé mà đuổi. Đứa bé hốt hoảng, chạy rẽ sang xã Tam Tảo, gặp ông bà già đang cày ruộng, liền van xin cho cày thay để giấu hình tích. Quan quân đuổi đến xã này thấy hết vết chân, nhìn xuống đồng thấy đứa bé đang cầm cày, quần áo lấm đầy bùn, cho rằng không có gì là dáng thiên tử, liền trở về tâu vua.
Đứa bé thoát nạn, về sau làm vua đầu triều Lý, tên là Công Uẩn. Vua nhớ ơn ông bà già cứu nạn, liền phong tước cấp đất. Đến lúc ông bà già chết, vua Lý cho dân làng Tam Tảo dựng đền thờ ông bà”[9].
Những câu chuyện lưu lại như trên phản ánh sự kiện đắp thành Bình Lỗ thời Lê Hoàn chống Tống. Vì vua đã dùng nhiều tre gỗ cắm dọc các sông để hạn chế sức mạnh lưu thông tàu thuyền của nhà Tống, tạo điều kiện cho quân ta có đủ thời cơ tập trung tiêu diệt địch.
Tống quyết định “tiến quân nhanh và chia làm hai đợt”.
Sau khi nhà Tống hiểu được tình hình Đại Cồ Việt rối ren sau vụ hai cha con vua Đinh bị đầu độc, Lê Hoàn lại còn phải luôn luôn đối phó với phe phái, vây cánh của vua Đinh, nên nhà Tống phải chớp nhanh cơ hội để điều quân lấn chiếm, không để cho phía Đại Cồ Việt kịp có thời cơ mà ổn định củng cố tình hình.
Do vậy, Lư Đa Tốn đã trình bày với Tống Thái Tông về kế sách hành quân nhanh chóng nhằm mấy mục đích sau đây:
- Tiến quân nhanh nhằm kết thúc sớm quá trình xâm lược, để giảm nhẹ các khâu chiến phí. Vì đoạn đường tiến quân qua đất Bắc Lưu, Tiên Yên, Đông Triều gian nan vất vả rất nhiều.
- Tiến quân nhanh mới kịp chiếm Giao Châu trong thời loạn, vì một khi Giao Châu qua cơn biến loạn thì nhà Tống không còn cơ hội thôn tính dễ dàng nữa.
- Tiến quân nhanh, bí mật, bất ngờ thì có khả năng Lê Hoàn không kịp bố phòng hoặc bố phòng chưa đầy đủ; mà phía quân Tống có thể đánh nhanh thắng nhanh. Nếu để chậm rãi thì quân Tống dễ gặp khó khăn ở nơi xa xôi, núi non hiểm trở.
- Tiến quân nhanh và giữ được bí mật bất ngờ thì chúa nước Liêu ở phương Bắc cũng khó biết rõ được tình hình nước Tống ở phương Nam mà tìm cách quấy phá.   
Tống Thái Tông chú ý nghe xong lời tâu của Lư Đa Tốn, tỏ ý rất hài lòng. Do đó đến ngày Đinh Mùi tháng 7 (19-8-980) Tống Thái Tông ban sắc lệnh quy định trách nhiệm cho các đạo quân Tống, và giao trọng trách phải chiếm cho được kinh thành Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất. Vua lại động viên các tướng lĩnh như Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Trương Tuấn, Thôi Lượng, Lưu Trừng, Giã Thực, Vương Soạn hãy nỗ lực chiến đấu.
Trong số các tướng lĩnh trên thì nhóm Hầu Nhân Bảo là những người sớm có mặt ở nước ta, còn nhóm Trần Khâm Tộ thì mới đem quân bộ tiếp viện sang đợt sau, nhưng Trần Khâm Tộ đã đi qua Nhương Châu, Thang Châu, Quỷ Môn Quan ở phía nam huyện Bắc Lưu, nên cũng nắm được tình hình bày binh bố trận. Theo sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn thì Quỷ Môn Quan ở về phía nam huyện Bắc Lưu, không phải ở nước ta. Mà theo sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử thời Tống thì “Quỷ Môn Quan ở về phía nam huyện Bắc Lưu, có hai tảng đá đối nhau. Đời nhà Tấn ai sang Giao Chỉ đều phải qua Quỷ Môn Quan, vì ở về phía nam cửa quan ấy có nhiều chướng lệ. Ngạn ngữ có câu “Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ, cửu bất hoàn”, nghĩa là mười người đi qua Quỷ Môn Quan thì chín người không thấy trở về. Nay có người bảo Quỷ Môn Quan lại ở Ôn Châu tỉnh Lạng Sơn nước ta thì không phải. Con đường bộ mà người thời Đường đi vào Giao Châu nước ta cũng gần huyện lỵ Bắc Lưu”[10].
Trở lại địa điểm Hoa Bộ thời Lê Hoàn chống Tống, ta thấy đây là một vị trí quan trọng trên trục đường bộ thông quốc, tiện liên hệ với quân thuỷ hoạt động trên sông Bạch Đằng.
Sách Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đào đã chép: “Bọn tướng Tôn Toàn Hưng đóng quân lại ở Hoa Bộ 70 ngày nói là để đợi Lưu Trừng...”[11]. Như vậy địa điểm Hoa Bộ có quan hệ đến hương Trúc Động thời xưa và liên hệ chặt chẽ với sông Bạch Đằng trong một phạm vi sông nước
Theo kế hoạch hành quân của nhà Tống thì, Bạch Đằng là hợp điểm thứ hai, nơi tập kết quân thuỷ bộ để rồi từ đó chia quân tiến sâu vào chiếm lĩnh Hoa Lư. Trong quá trình tiến quân, tất nhiên thuỷ quân của Hầu Nhân Bảo sẽ đến Bạch Đằng sớm hơn bộ binh của Tôn Toàn Hưng, vì tốc độ hành quân bằng thuyền lúc bấy giờ thường nhanh hơn tốc độ hành quân của bộ binh. Nhận rõ vị trí quan trọng của sông Bạch Đằng, Lê Hoàn sớm tổ chức phòng thủ ở đây theo kinh nghiệm của Ngô Quyền nhằm tạo thế phá giặc. Bởi vì:
- Thuỷ binh Tống đi dài ngày đã mỏi mệt, nhưng quân ta còn dư sức để chờ giặc. “Lấy quân còn sức đánh quân mỏi mệt” là điều có thể thực hiện. Đó cũng là điều mà binh pháp thường bảo “Dĩ giật đại lao”.
- Thuỷ binh Hầu Nhân Bảo đến Bạch Đằng còn phải chờ bộ binh tức là lúc thế còn cô lực còn đơn, ta phải chớp thời cơ ấy mà đánh thì có thể thắng. Nếu để chậm mấy hôm nữa thì phía Tống có thêm lực lượng bộ binh, ta càng khó chống cự.
Sách Tống sử bản kỷ chép: “Năm Thái Bình hưng quốc thứ năm (980), tháng Chạp ngày Ất Dậu ( 24-1-981), Giao Châu hành doanh đánh nhau với giặc, đại phá đươc quân giặc”.      
Ngoài chính sử nước ta và sử nhà Tống, một số Tthần tích đương đại ở địa phương nhưThần tích đền thờ tướng Phạm Quang, Phạm Nghiêm ở trang Thường Sơn (nay thuộc Hải Phòng), Thần tích đền thờ tướng Phạm Quảng ở trang Hoa Chương huyện Thuỷ Đường (cũng thuộc Hải Phòng) gợi mở nhiều vấn đề về chiến lược chống Tống của Lê Hoàn ở thế kỷ X.
Cuộc đụng độ đầu tiên với tướng Hầu Nhân Bảo ở sông Bạch Đằng, sách Việt sử thông giám cương mục chép: “Nhà vua tự làm tướng ra kháng chiến, sai quân sĩ đóng cọc trên sông Bạch Đằng để ngăn cản địch. Quan quân Tống đông lắm, quan quân ta đánh bất lợi”[12].
Ngày 24-1-981 thuỷ binh Hầu Nhân Bảo đã vào sông Bạch Đằng và đã đánh trận đầu với quân Lê Hoàn. Sau đó năm ngày (30-1-981) bộ binh Tôn Toàn Hưng mới đến được Hoa Bộ. Quân Lê Hoàn tạm tổn thất trong trận đánh quân Hầu Nhân Bảo ngày 24-1-981, nhưng vẫn một lòng chờ lệnh quyết chiến với quân Tống ở các trận sau. Đó là các trận đánh với quân Tống ở Hoa Bộ - Bạch Đằng kể từ ngày 30-1-981.
- Sách Tống sử 488, mục Giao Chỉ chuyện chép: “Mùa đông năm Thái Bình hưng quốc thứ năm (980), quan quân Tống phá được hàng vạn quân giặc, chém đươc 2.000 thủ cấp”. Các sách khác của nhà Tống cũng ghi tương tự.
Khác với chính sử nhà Tống, Thần tích đình Thường Sơn huyện Thuỷ Đường (Hải Phòng) của ta có đoạn chép rằng: “Thời nhà Đinh ở trang Thường Sơn có gia đình ông Phạm Hoằng, vợ là Nguyễn Thị Bích vì cảnh nghèo mà dựng một quán bán nước. Chỗ ông dựng quán dần dần trở thành khu chợ, gọi là Chợ Phướn, vì giữa chợ thường treo lá phướn thờ Phật.
Ông Hoằng bà Bích sinh được ba trai một gái đều tài giỏi:
- Con trai đầu gọi là Phạm Quang.
- Con trai thứ hai gọi là Phạm Nghiêm.
- Con trai thứ ba gọi là Phạm Huấn.
- Con gái thứ tư (út) gọi là Phạm Cúc Nương.
Đến thời họ Đinh suy, triều Lê mở vận, bị quân Tống sang xâm lược, chiếm đóng đến các nhánh sông Bạch Đằng. Vua Lê đem quân đánh dẹp, đến đóng đồn trên gò đất cao cạnh Chợ Phướn. Một đêm vua chiêm bao thấy Thần bảo: “Ta là Thần quản xứ này, thấy đức vua vất vả vì nạn nước, xin giúp vua một số gạo để nuôi quân”. Vua tỉnh dậy thì thấy một kho chứa đầy gạo sau đồn. Vua liền lập đàn tạ Thần và lập Hành doanh chống Tống tại phía đông núi Đèo để chỉ huy các trận đánh. (ở đó có đền thờ Lê Đại Hành rất lớn, không rõ thời thực dân Pháp xây phố Hải Phòng có giữ được nguyên vẹn nữa không?).
Bởi vì chừng nào quân Tống chưa bị diệt thì chúng còn hăm hở, mộng tưởng đánh thắng quân ta và chiếm được kinh đô Hoa Lư. Chúng đã tiến công nhiều lần vào thành Bình Lỗ để xốc thẳng tới Hoa Lư, nhưng đều gặp phải nhiều khó khăn ách tắc. Chúng đành chuyển hướng mở trận Đồ Lỗ vào ngày 7-2-981, mở trận Lục Giang vào tháng 3-981 cũng nhằm đi vòng phía sau đột nhập vào kinh đô Hoa Lư. Nhưng chúng đều bị Lê Hoàn đánh bật ra ngoài, rồi bị đẩy lùi ra phía Bạch Đằng - Hoa Bộ.
Về trận quyết chiến ở sông Bạch Đằng ngày 28-4-981, sách Tống sử bản kỷ và sáchTục tư trị thông giám chép: “Thái Bình hưng quốc năm thứ sáu tháng Ba ngày Kỷ Mùi (28-4-981), Giao Châu hành doanh lại phá được giặc Giao Chỉ ở sông Bạch Đằng, cướp được 200 chiến hãm. Nhưng tướng Hầu Nhân Bảo lại bị quân Giao Chỉ giết chết ở trận này”[13].
Công lao giết được viên tướng hiếu chiến này trước hết là nhờ mưu cao mẹo giỏi, tài ba lỗi lạc của Lê Hoàn. Cùng giúp vua là các tướng, mỗi người thực hiện một phần mưu lược như Đào Công Mỹ (người Bắc Giang), Phạm Công Quảng (người Hải Phòng) đã đóng góp bao nhiêu kỳ công diệu kế.
Sau trận đại thắng giết Hầu Nhân Bảo ở sông Bạch Đằng, các cánh quân  Tống đều hốt hoảng, vừa chống đỡ vừa lo rút chạy về nước. Vua Lê Đại Hành khẩn trương tập trung mọi lực lượng để liên tục truy kích tiêu diệt địch. Đạo quân Trần Khâm Tộ đang đóng ở Tây Kết, nghe tin quân Hầu Nhân Bảo thua, hốt hoảng rút chạy về, bị quân ta đón đánh, chết đến quá nửa, thây chất đầy đồng”[14].
Kết thúc chiến tranh, sách Lĩnh Nam chích quái chép về trận chống Tống thời Tiền Lê có bài thơ Thần tuyên đọc rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ  định tại thiên thư.
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược?
Bạch nhẫn phiên thành phá trúc dư!
Tạm dịch:
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Sách Trời đã định cho quyền này.
Cớ sao giặc Bắc sang xâm lược?
Vung gươm ta giết như chẻ tre.
Đất nước sau 1.000 năm bị đô hộ, Đinh Tiên Hoàng cùng Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã gian nan đánh đông dẹp bắc, diệt gọn thế lực chia cắt của 12 sứ quân, thống nhất đất nước, đưa vua Đinh lên ngôi hoàng đế, sánh ngang hàng với các Đế quốc ở vùng Viễn Đông. Nhưng đến năm 980 vua Đinh băng hà, giặc Tống liền kéo quân sang, âm mưu đặt lại nền “tái đô hộ” vận mệnh nước non như “ngàn cân treo sợi tóc”!. Bấy giờ chỉ có Lê Hoàn là người kiệt hiệt, được toàn dân toàn quân tin yêu, trao cho trọng trách giữ nước. Lê Hoàn đã đánh thắng quân Tống, cứu nguy cho Tổ quốc.  Bài thơ trên ông nói với mọi người là do Thần đọc, thực chất nó mang ý nghĩa như một bài Tuyên ngôn độc lập của Tổ quốc ta.    
Bình luận về chiến công chống Tống của Lê Hoàn, sử gia Lê Văn Hưu (1230-1322) đã viết: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, bắt bọn Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân dễ như lùa trẻ con như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi đã yên. So với công lao đánh dẹp đó, người thời Hán thời Đường cũng không hơn được...”.

            Sách Cựu Đường thư quyển 41, phần Địa lý chí, trang 39 chép: Huyện Bắc Lưu là trị sở châu Hợp Phố thời Hán. Cách huyện lỵ 30 dặm về phía nam, có hai dãy núi đá đối diện nhau, rộng độ 30 bước, gọi là Quỷ môn quanThời Hán, Mã Viện đi qua cửa ấy, mở đường sang đánh Giao Chỉ. Phía Nam cửa ấy nhiều khí độc, nên có câu ngạn: "Quỷ môn quan, thập nhân khứ, cửu bất hoàn" nghĩa là: "Cửa Quỷ môn, 10 người đi, 9 không về".
Lê Quý Đôn, Nguyễn Văn Siêu, Đặng Xuân Bảng đều viết: Huyện Bắc Lưu liền châu Tô Mậu nước ta, khoảng huyện Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Quỷ Môn quan trước thời Lý là ở đó, không phải ở ải Chi Lăng trấn Lạng Sơn.



[1]Ngọc phả các vua triều Lê, Hán Nôm, số 5-2004, tr.75.
[2]Tống sử, Q.254, bản chữ Hán, tr.13.
[3]Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch Nội Các quan bản, t.1, tr. 216-217.
[4]. Việc giao thông nam bắc thì từ thời Mã Viện, Lưu Phương ở  Trung Hoa, đến thời Đinh, Lê của Đại Cồ Việt đều phải đi qua tuyến đường cổ Quỷ Môn Quan (huyện Bắc Lưu, Trung Hoa) rồi qua Tô Mậu, Tiên Yên, Đông Triều, để đến đô thành Đại Cồ Việt. Nếu đi đường thuỷ thì phải qua Miếu Sơn, Cương Giáp, Lãng Sơn, để tới Bạch Đằng. Đến thời Lý Công Uốn, khoảng năm 1020, ta mới có đường sứ lộ đi qua ải Chi Lăng, đèo núi Kháo, Mục Nam quan tỉnh Lạng Sơn.
-                 Xem thêm Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2006, tr.176-177.
-                 Xem: Hán thưĐịa lý chíĐường thư Địa lý chíTống thư Địa lý chí.
-                 Xem: Trần Bá Chí: Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất, tr.108-109, 117-118.
[5]. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr. 217.
[6]Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.88.
[7]Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr. 69.
[8],2. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr. 214, 281.
[9]Sự tích chùa Tiêu Sơn (xem: Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất, tr.130-131).
[10]. Lê Quý Đôn: Vân đài loại ngữ, t.1I, tr. 148.
[11]Tục tư trị thông giám trường biên (bản chữ Hán ), Q. 185.
[12]Việt sử thông giám cương mục, Chb.1,17. (T. III, tr.15).
[13]Tống sử, bản kỷ (bản chữ Hán).
[14]Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr. 221.

Phạm Bôi, một danh tướng công thần triều Lê


Lê Bôi, tên thật là Phạm Bôi, người làng Địa Linh, nay thuộc làng Đông Linh, xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Vì ông được mang quốc tính nên sử ghi là Lê Bôi. Lê Lợi khởi nghĩa năm 1418 khi nhà Minh đã diệt xong triều Hồ và Hậu Trần, đặt được ách đô hộ lên toàn Đại Việt, do đó cuộc khởi nghĩa gặp muôn vàn khó khăn gian khổ. Hưởng ứng ngọn cờ kháng Minh cứu nước cùng với các danh nhân tướng lĩnh như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo…Lê Bôi cùng bảy người đều lấy họ là Phạm, dấy binh ứng nghĩa vào Lam Sơn phò Bình Định Vương Lê Lợi.

Ngay trong những ngày đầu gian khổ đó, kẻ thù ngày đêm lùng sục vây ráp hòng tiêu diệt nghĩa quân, Lê Bôi đã có chiến công. Trong trận Bồ Hải (12 – 1224), các tướng Lê Lễ, Lê Sát, trong đó có Lê Bôi dùng phục binh đại phá giặc Minh, diệt hàng ngàn giặc trong đó có Đô ty Chu Kiệt, khiến bọn Trần Tí, Sơn Thọ phải nhặt tàn quân chạy về thành Nghệ An. Trong trận đánh Tân Bình - Thuận Hoá mở rộng vùng căn cứ do Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ chỉ huy, Lê Bôi, Lê Ngân, Lê Văn An đem viện binh phối hợp (tháng 7 – 1425) đã góp phần giải phóng Thuận Hoá, mở ra cuộc diện mới cho nghĩa quân Lam Sơn, từ thế bị động chuyển thành thế chủ động tấn công, đem đại quân ra Bắc bao vây Đông Quan khiến bọn Phương Chính, Lý An phải xé quân từ Nghệ An ra cứu Đông Quan. Chủ động với thời cơ, Lê Lợi đem đại binh ra Bắc (tháng 9 – 1426) diệt viện binh giặc từ Vân Nam sang tại cầu Xa Lộc, bắt sống Đô ty Vi Lượng ở cầu Nhân Mục, buộc nhà minh phái Tổng binh Vương Thông và Mã Anh đem 5 vạn quân, 5000 ngựa sang cứu. Vương Thông đem cả quân cũ mới 10 vạn nống quân ra bến đò Cổ Sở, cầu Xa Đôi, cầu Thanh Đại hòng phá vây cho Đông Quan nhưng đều thất bại. Chiến thắng của nghĩa quân Lê Lợi ở cánh đồng Cổ Lãm, rồi Tốt Động, Chúc Động diệt 5 vạn quân, chém chết Trần Hiệp, Lý Lượng, bắt sống hơn vạn địch khiến cho bọn Thông, Kỳ chỉ thoát được thân chạy về Đông Quan.

Phối hợp cùng đại thắng trên đất Bắc, các tướng Lê Văn An, Lê Quốc Hưng, Lê Bôi…đã khép chặt vòng vây Ngệ An, quét sạch nhiều thành lũy của giặc ở Thanh Hoá khiến quân Minh đã bí nay càng bí hơn. Thừa thắng, Lê Lợi từ Thanh Hoá ra cắm dinh Bồ Đề chủ trương không đánh vào Đông Quan vội. Một mặt cho quân ra bao vây Đông Quan, mặt khác cho Lê Quốc Hưng đánh thành Thị Cầu; Lê Khả, Lê Niệm đánh thành Tam Giang; Lê Lựu, Lê Bôi đánh thành Khâu Ôn; Trần Nguyên Hãn, Lê Lý…đánh ở Xương Giang. Nhà Minh sai viện binh Cổ Hưng Tổ đem 5 vạn quân, 5000 ngựa sang cứu nguy. Vừa đến ải Pha Luỹ liền bị Lê Lựu, Lê Bôi giữ ải đánh cho tan tác. Tháng 9 Đinh Mùi (1427), nhà Minh sai Thái phó Liễu Thăng cùng bộ hạ đem 10 vạn quân, 2 vạn ngựa, theo đường Lạng Sơn đánh vào Pha Luỹ và cho Thái phó Mộc Thạch đem 5 vạn binh, 1 vạn ngựa từ Vân Nam đánh vào Lê Hoa. Quyết tâm tiêu diệt viện binh hùng mạnh của giặc, Lê Lợi sai Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Liệt đem 1 vạn quân tinh nhuệ và 5 voi phục sẵn địch ở Chi Lăng, cử Lê Bôi và Lê Lựu nhử giặc vào trận địa mai phục, chém chết Liễu Thăng, diệt 1 vạn tên ở Mã Yên; Lê An và Lê Lý đem 3 vạn quân đi tiếp ứng diệt 2 vạn tên. Lương Minh, Lý Khánh tử trận. Quân ta thu được quân trang quân dụng nhiều vô kể. Bọn Tụ liều chết tiến vào thành Xương Giang, nhưng thành đã bị hạ, tiến thoái lưỡng nan, đành chịu tan tác. Mũi viện binh của Liễu Thăng bị bại trận. Cùng lúc ấy, các tướng Phạm Văn Xảo, Lê Khuyển cầm cự ngoan cường với giặc. Lê Lợi cho đem cờ quạt ấn tín bại trận của Liễu Thăng đến Lê Hoa. Bọn Mộc Thạch mất hết hồn vía, chưa đánh đã tan. Quân ta truy kích diệt một vạn địch, bắt sống người và ngựa nhiều vô kể. Mộc Thach chỉ một mình một ngựa chạy thoát. Chờ viện binh thì viện binh đại bại, Vương Thông không còn con đường nào khác đành xin “giảng hoà” rút binh về nước.

Cuộc kháng chiến chống quân Minh của quân dân thời Lê đã toàn thắng. Trong cuộc định công thưởng tướng, trong 221 người có công, hơn 100 danh tướng được phong hầu; thượng tướng Lê Bôi được ban tước Hầu, tam phẩm công thần.

Sau khi đại thắng, Lê Lợi lên ngôi, lập triều Lê. Là một công thần khai quốc, cùng nhiều danh tướng công thần, Lê Bôi lại ra sức giúp vua an dân trị quốc, tăng cường quốc phòng mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương, được Lê Lợi tin yêu trọng dụng. Lê Lợi mất, Lê Thái Tông lên ngôi; Lê Bôi được giao làm “Đông đạo hành quân tổng quản” lo việc quân cơ quốc sự. Lê Thái Tông mất, Lê Nhân Tông kế vị, Lê Bôi được giao giữ chức “Nhập nội hành khiển” tước Thái Bảo, góp công giúp nước. Liên tiếp ba năm (1444 – 1446), vua Chiêm Bi Cai vào cướp phá Châu Hoá, Lê Nhân Tông sai Thái Bảo Lê Bôi cùng tổng quản Lê Khả đem quân bình Chiêm, bắt sống Bi Cai, góp phần giữ vững vùng đất phương Nam thắng lợi. Cuối đời Lê Nhân Tông, nội bộ vương triều Lê xảy ra sự biến thoán nghịch: Lạng Sơn Vương Nghi Dân cùng đồng bọn đang đêm trèo tường thành vào cung giết Lê Nhân Tông cùng Tuyên Từ thái hậu cướp ngôi. Trước sự phản nghịch vô đạo này, Lê Bôi đã cùng các trung thần khác là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thu góp công dẹp loạn Nghi Dân, đưa Lê Tự Thành là người em khác mẹ của Lê Nhân Tông, lên nối ngôi tức là Lê Thánh Tông, mở ra sự phát triển cực thịnh triều Lê.
Là danh tướng công thần tận tuỵ phục vụ hết lòng ba triều vua không mệt mỏi, Lê Bôi được Lê Thánh Tông rất quý trọng sùng ân. Khi Lê Bôi mất, Lê Thánh Tông cho cử quốc lễ, ra chỉ dụ cho làng Đông Linh lập đền thờ, phong cho Lê Bôi cùng sáu người họ Phạm khác là Thành hoàng, Thượng đẳng phúc thần. Trong một lần đi đánh Chiêm đại thắng trở về, Lê Thánh Tông đã ghét thăm làng Đông Linh, thắp hương tưởng niệm Thượng tướng Thái bảo Lê Bôi.
Đình Đông Linh thờ bảy anh em ông họ Phạm qua nhiều thế hệ, được duy tu tôn tạo thành ngôi đình lớn, còn tồn tại đến ngày nay. Đình nay còn lưu giữ được các bức đại tự “Địa linh nhân kiệt” và hai câu đối có giá trị, nói rõ sự nghiệp vĩ đại của Lê Bôi và các chiến hữu của ông:

Đôi 1: Thất vị hạp lương năng, thinh khiếu đãng bình, danh tướng anh thanh đằng Bắc địa. Nhất môn chung vĩ tích, Lê Triều ban tặng Phúc thần dị tướng túc Nam thiên.
Tạm dịch: Bảy vị gộp tài năng, đáp lời dẹp giặc, danh tiếng anh hùng lừng đất Bắc. Một nhà chung công lớn, Lê triều ban tặng Phúc thần, danh tướng dậy trời Nam.

Đôi 2: Nguyệt đán Cao Bình Tam sĩ phẩm, văn minh tiến bộ tứ dân công. Thiên cổ Lam Sơn lưu vĩ tích, ức niên Đông địa lẫm ninh thanh.
Tạm dịch: Ngày tháng Cao Bằng hàm Tam phẩm, Văn minh tiến bộ ơn dân nước. Muôn thuở Lam Sơn lưu vĩ tích, ức năm yên thịnh đất Đông Linh.

Đình Đông Linh đã được nhà nước cấp bằng di tích lịch sử quốc gia. Làng Đông Linh nói riêng và xã An Bài nói chung có truyền thống yêu nước và văn hiến. Trong thời đại phong kiến, xã An Bài có 11 đại khoa, thì Đông Linh có 4. Khi thực dân Pháp vào xâm lược, Đông Linh có phong trào Cần Vương sôi nổi. Khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, tại Đông Linh, năm 1930 đã ra đời chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Phụ Dực.

Khúc Hồng Châu, tạp chí Xưa và nay số 305, tháng 4/2008

Di tích lịch sử Quốc gia: Đền - Chùa Hưng Thịnh, Hoàng Nam, Nghĩa Hưng, Nam Định


ĐỀN - CHÙA HƯNG THỊNH
(Xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)
Xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo QĐ số 226-VH/QĐ, ngày 05/02/1994.
                       
            Đền - chùa Hưng Thịnh thờ hai vị tiến sỹ Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú triều Lê Thánh Tông năm 1487.

            Tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo là cháu cụ Phạm Thời Cử. Cụ Phạm Thời Cử là một trong 3 vị thuỷ tổ châu chiếm cùng Cụ Phạm Đại Lang và Dương Thế An đến mảnh đất này từ năm 1425, lúc đó nơi đây còn là một bãi bồi hoang vu của bể nha Hải Nam. Sau 03 năm chiêu mộ và khai phá đến năm Lê Lợi nguyên niên 1428. Nơi đây được thành lập xã lấy tên là Hưng Phú và chia thành 02 thôn Đông và Đoài tức thôn Hưng Thịnh ngày nay…

            Tiến sỹ Phạm Nguyên Bảo sinh năm 1456 sau lập xã 28 năm. Khi lớn lên bắt đầu theo học 1 người nổi tiếng là học sỹ giỏi người thôn Đoài và người thi đỗ đệ nhị giáp tiến sỹ khoa Đinh Mùi. Triều Lê Thánh Tông năm 1487 là một người có tài kiêm văn võ, người được vua phong chức phó đô ngự sử kiêm chức võ giai chưởng, quân nội thị, cầm một đội quân trông coi nơi dinh vua ở.

 
            Năm 1492 giặc ngọc lân do tên tướng Gia Đa Lý, cầm đầu nổi loạn ở vùng Hưng Hoá. Vua cử đại tướng Trần Trường đi dẹp. Tiến sỹ Phạm Nguyên Bảo làm sớ  tâu Vua xin được đi cùng, được vua chấp nhận và chính người đã chỉ huy chiến đấu bắt sống được tướng giặc Gia Đa Lý. Sau trận này được vua khen Tiến Sỹ Phạm Nguyên Bảo là người có tài Vua phong thêm chức Võ Huân Tướng công tả hiệu điển và cử đi giữ chức toàn quyền tuần thủ vùng Thanh - Nghệ. Người mất tháng 2 năm 1497 tức ngày 27 tháng giêng năm Đinh Tỵ. Chết cùng năm nhưng trước vua Thánh Tông 3 ngày.

            Triều đình thương tiếc mất một vi tướng tài tổ chức lễ quốc tang. Sắc phong tôn thần lê triều đinh vị khoa, đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân, tạc vũ giai chưởng, nội thị thăng nghệ an trấn thủ, sỹ chí phó đô ngự sử tăng thiếu uý thuỵ vũ thánh, phạm tướng công uy linh phú dực, vũ dũng phân duơng, đại tướng đổng quân (công đoan tức đại vương trung đẳng thần). Rồi cử một đại quân rước thi hài về an táng tại quê hương Hưng Phú chữ hán ghi (lệnh tấn binh tống hồi) mộ người táng tại gồ con hạc cánh đồng tân xây thành lăng theo hình hạc rộng một xào bắc bộ.

            Khi rước thi hài tiến sỹ về bản quán đi qua tỉnh nào, tỉnh ấy có trách nhiệm nghênh tiếp và lập đền thờ (Phạm Tướng Công) vì vậy mà khu cột cờ Nghệ An cũ, Thanh Hà, Đông Sơn, Thanh Hoá có đền thờ Phạm Tướng Công Phạm Sá Đông cao thượng cũng có miếu thờ 2 tiến sỹ đây là nơi quê hương tổ tiên của cụ Phạm Thời Cử.

            Để tỏ lòng ngưỡng mộ và uống nước nhớ nguồn đối với các danh nhân có công với dân tộc. Ngay sau khi người mất năm 1497 nhân dân ta đã xây đền thờ phụng người ở phía bắc chùa do thôn Đoài trực tiếp phụ trách.

            Ngày 2 tháng 8 năm Canh Dần 1530 Tiến Sỹ Phạm Nguyên Bảo được thôn Đông xây đền thờ ở phía nam chùa, 2 ngôi xây song để thờ phụng người.

            Đến năm Tự Đức thứ 7 dân làng hợp nhất 2 đền vào làm 1 để thờ phụng.

            Kể thừ ngày người mất đến nay đã hơn 500 năm nhưng danh tiếng của người vẫn được bảo tồn qua các triều đại, tên tuổi, vị trí chức vụ của người được ghi ở Quốc Tử Giám Hà Nội được chép trong sử sách lưu trữ thư viện quốc gia.

 
            Khi người mất, nơi thờ phụng người vẫn có nhiều các bậc đại nhân, chí sĩ có tinh thần dân tộc yêu nước lui tới thăm viếng ngưỡng mộ người, làm nhiều câu đối tiến cúng để thờ phụng người, câu đối như sau:

Bút tận nghiêng thành uỷ khả uý
Nghĩa can trung giáp tử do sinh

            Hàn lâm thị giảng đại học sỹ Nguyễn Trọng Hợp tiến cúng, câu đối xin tạm dịch.
            Với kẻ thù bút nghiên thành gươm giáo, thành luỹ oai khả sơ
            Cả trung và nghĩa đều đứng hàng đầu, nên mất cũng như còn.

            Và dưới đây là thần tích của Tiến sỹ Phạm Văn Nghị soạn nói về thần tích vị trí chức vụ của người như sau:

Đại an có đất phát văn
Thủ lê Hoàng Đức thánh quân hiếu hiền
Khoa đinh vị lịch niên thập bát
Thần vào thi nhị giáp đề danh
Trời sinh võ nghệ cũng rành
Vũ giai chức thưởng thông minh trực hầu
Giặc ngọc lâu loạn miền hưng hoá
Thần xin đem binh mà đánh tan
Tâu về ngọc bệ chỉ ban
Phong cho làm chức nghệ an tấn thần
Giặc bốn mạn lê quân tự tướng
Chàn lại đem nghị tướng khởi hành
Bỗng đâu lạc vị tướng tinh
Cối sao cơ vị thiên đình thẳng lên
Tặng thiếu uý vũ thành tên thuỵ
Triều cho dân phụng sự làm thần
Uy linh thực đã xuất quân
Nhất môn liên chúng văn thần kế khoa
Sau 3 năm khoa là Canh Tuất
Thần đỗ lên tam giáp truyền lô
Tao đàn nguyên suý cung Vua
Nhị Thập bát tú đều đua thi tài
Chức thị lang thu hoài mấy buổi
Mạc cướp ngôi tìm lối thoái quy
Về sau lê tặng tham ty
Thuỵ là trung ý phong vi phúc thần
Thần hai vị hoán luân một miếu
Hộ tống xưa đại tiểu khôn bi
Phương rân nhớ phúc thần ri
An cư lạc nghiệp hi hi xuân đài

            Riêng về đối tự của ngài không có bút tích để lại, hương phả chữ hán của thôn chỉ ghi ao vườn của ngài ở xóm Tây An và 24 mẫu cấp tứ của nhà Vua ban cho 2 vị và có ghi ngôi mộ tổ phát tích ra 2 đức đại khoa táng tại gồ mai cua ở thôn Vân Cù nay là thôn An Lộc huyện Nam Trực có bia đá đề.

            (Hưng Phú Đại An nhị đại khoa tổ mộ xứ).

            Kèm theo văn tự nhân dân ta mua 1 sào ruộng tư điền thời tự đức để trả công cho người trông coi mộ tổ, hàng năm phải sắm lễ để ngày thanh minh các cụ ra thăm mộ lễ đức thần linh.
           

           
Xã Hoàng Nam đón bằng di tích lịch sử văn hoá theo quyết định số 226/VH/QĐ ngày 5/2/1994 đền, chùa thôn Hưng Thịnh thờ hai vị tiến sỹ Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú triều Lê Thánh Tông năm 1487.

            Trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” theo chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT. Tường THCS Hoàng Nam được giao chăm sóc đền chùa Hưng Thịnh. Trường đã tổ chức cho học sinh học tập những nét lớn về thân thế sự nghiệp của tiến sĩ Phạm Nguyên Bảo và Phạm Đạo Phú. Tổ chức cho tham quan khu di tích để các em trực tiếp nhìn cảnh quan, cách bố trí nơi thờ cúng và sự đóng góp công sức của các thế hệ ông cha xây dựng ngôi đền chùa trang nghiêm thành kính để các em tri ân về cội  nguồn mà hai tiến sĩ đã có công phù lê dẹp ngoại xâm đem lại nền thái bình cho đất nước và xây dựng quê hương trù phú. Tổ chức dâng hương cùng địa phương nhân ngày mở hội. Phân công cho từng khối lớp làm cỏ trong vườn đền chùa, tưới nước chăm sóc cây hoa cây cảnh, quét dọn vệ sinh trong khu nội tự đền chùa.






 
Lương Thế Dũng - Phòng GD&ĐT
             (Bài viết và ảnh do trường THCS Hoàng Nam cung cấp)