tháng 6 2013 ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Hội làng Châu Khê


Làng Châu Khê có 2 điểm khác các làng xung quanh. 1- Làng nghề vàng bạc nổi tiếng cả nước với tuổi nghề 550 năm. 2- Phố Hàng Bạc ở Hà Nội từng là làng Châu Khê tại phố trong lịch sử và hiện tại. Ngày làng mở hội, không phải ngày sinh, ngày hoá của vị thần được dân làng thờ làm Thành hoàng làng.
Vài nét về làng Châu Khê:
Thăm đình làng Châu Khê (còn gọi là Châu Khê tại hương), xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, chúng tôi tìm đọc văn bia chữ Hán Nôm dựng ở khu sân đình. Văn bia “Trùng tuyên duyên khánh đường bi” dựng năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) nói về chuyện khắc lại tấm bia của Trần Nguyên Đán (Đại tư đồ quan bi) có nhắc đến hành trạng vị Chỉ huy sứ quân, Chu Tam Sương (nay viết Xương) người lập lên trang Chu Xá đời Lý (1009- 1225), sau này là làng Châu Khê,.Văn bia còn tả vẻ đẹp của di tích thắng cảnh Duyên khánh đường. Chúng tôi chú ý tới văn bia này bởi, văn bia chưa được quan tâm nghiên cứu, ngay tác giả sách Châu Khê thần tích lịch sử và phát triển, xuất bản tháng 5 năm 2009 cũng cho rằng: Chỉ tiếc là bia của Trần Nguyên Đán không còn. Chúng tôi còn được tiếp cận văn bản Châu Khê thần tích sự trạng viết chữ Hán Nôm, dày 46 trang, soạn năm 1572, tái bản năm 1736, địa phương sao chép năm Thành Thái 12 (1900), viết về danh tướng Phạm Sỹ thời Trần, được dân làng suy tôn làm Thành hoàng làng. Đọc bản dịch Châu Khê thần tích sự trạng do chuyên gia Hán Nôm, nhà thư pháp học Lê Xuân Hoà biên dịch. Người làng Châu Khê, tác giả bài thơ Ông đồ sáng tác năm 1936, Nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên chép tay. Nghe bậc cao niên kể về lễ hội làng thời trước cách mạng Tháng Tám 1945, nguyên nhân phát sinh nghề vàng bạc ở Châu Khê. Thăm chùa làng, nghe kể chuyện về quả chuông đồng lớn nhất vùng, về vị sư trụ trì giúp đỡ cơ sở Việt Minh trong những năm cam go thời 9 năm kháng chiến. Những tư liệu này đều liên quan đến lễ hội làng Châu Khê.
Theo thần phả, thời Trần làng Châu Khê có tên trang Chu Xá, huyện Đường An phủ Thượng Hồng. Thời Nguyễn, Châu Khê thuộc tổng Thị Tranh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Làng Châu Khê có địa thế “huyệt chân long nổi lên uốn khúc hình con rắn. Thế đất như 2 con mắt rồng cùng mở… dân ở tựa vào thân rồng. Phía Nam ngựa hướng chiếu vào, phía Bắc phượng hoàng múa cánh, địa thế xung quanh bằng phẳng”. Tác giả viết thần tích Thành hoàng làng Châu Khê kết luận “quả là một quý địa”. Đó là cách nhìn của phong thuỷ học về những giá trị đất làng Châu Khê. Đứng ở cổng làng Châu Khê (cổng chữ Môn), 2 tầng, có biển ghi"Làng văn hoá Châu Khê" nhìn chếch về hướng Nam, mé bên kia sông Cửu An là đền thờ Phạm Ngũ Lão.
Nhân vật được thờ được ghi chép ở Bản khai sự tích thành hoàng làng và sách Châu Khê thần tích sự trạng. Văn bản châu Khê thần tích quy định, "Ngày thần sinh, mồng 1 tháng Giêng hành lễ, sau 1 ngày quét dọn cung đình, thổi xôi, trầu, rượu, ngày chính mổ trâu lợn, mở xướng ca, đánh cờ suốt 15 ngày". Quy định kiêng huý chữ Sỹ, Dực, Hổ. Quy định cấm mặc sắc phục màu vàng, màu tím. Đây là những quy định khác so với văn bản Bản khai sự tích Thành hoàng làng viết năm 1938. Sự khác nhau này có lẽ do khi các vị chánh hội, lý trưởng khai về phong tục thờ cúng Thành hoàng làng trước sắc lệnh của nhà vua lúc đó địa phương không còn duy trì kiêng khem cấm kị nữa.
Châu Khê là làng nghề có tuổi 550 năm (tính đến năm 2010). Làng Châu Khê, thời Vua Lê Nhân Tông nổi tiếng cả nước về nghề vàng bạc. Năm 1460, thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê được vua giao trọng trách đúc bạc nén làm tiền tệ tại kinh thành Thăng Long. Ông đã dành cho người làng đặc ân ấy, chuyển gia đình ở làng lên mua đất tại phường Đông Các, Đông Thọ, tổng Hữu Trác, huyện Thọ Xương, lập xưởng đúc bạc nén. Địa chỉ ấy, nay là số nhà 58, phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tại kinh thành, người Châu Khê tổ chức thành phường giáp như ở quê và lập đình, gọi là “Châu Khê vọng sở”cùng thờ Thành hoàng và tổ nghề như ở quê. Người Châu Khê tại phố có phong tục gửi giỗ nên khi làng mở hội người Châu Khê tại phố tích cực về tham gia hội làng. Nghề nghiệp phát triển, người Châu Khê làm nghề ở nhiều phố phường khác, nhiều địa phương khác như, phố Phúc Tân Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thành phố Hải Dương. Nhiều người Châu Khê tại hương, tại phố cho rằng, số hộ ở quê và số hộ ở phố thường tương đương nhau. Theo số liệu thống kê năm 2008, làng có tới 97,32% gia đình làm nghề với ngót 800 tay thợ giỏi. Hàng có chất lượng bền đẹp, mẫu mã phong phú. Năm 2004, UBND tỉnh Hải Dương công nhận danh hiệu: Làng nghề thủ công vàng bạc Châu Khê. Trước đó, năm 1999 Châu Khê được công nhận danh hiệu Làng văn hoá, năm 2008 được công nhận danh hiệu Làng văn hoá sức khoẻ.
Châu Khê từng sản xuất vàng thỏi hàng mã đặt ở ban thờ đình làng, cung cấp cho cả vùng bày trong mâm lễ ngày các làng mở hội. Trên ban thờ ở đình làng, ở các gia đình, ở nhà thờ dòng họ Châu Khê hiện có vàng thỏi này nhưng nay không còn gia đình nào làm.
Nghề vàng bạc Châu Khê hình thành 3 nhóm chính, sản xuất, gia công; chế tác khuôn mẫu; mở cửa hàng.
Dân số Châu Khê năm 2008 là 1300 người/267 hộ. Diện tích tự nhiên 78,4 ha, trong đó có 63 ha đất canh tác. Châu Khê có ban đồng hương tại hương và ban đồng hương tại phố. Mục đích thành lập ban đồng hương là để hỗ trợ nhau cùng phát triển và cùng phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Ban đồng hương tại phố, còn gọi là "ban đại diện tại phố" ở phố Hàng Bạc, phố Phúc Tân Hà Nội, quận Kiến An thành phố Hải Phòng. Lãnh đạo thôn có Chi bộ đảng thành lập ngày 15.2.1947, có chính quyền (trưởng phó thôn), mặt trận và các đoàn thể như Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Hội người cao tuổi. Khi làng mở hội, chính quyền, đoàn thể vừa là bộ phận tham mưu, vừa là thành viên tích cực.
Hiện nay làng Châu Khê là 1 trong 7 thôn của xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang.
Đến Châu Khê có 3 lối đi chính, đi theo Quốc lộ số 5, đến ngã tư Quán Gỏi, rẽ về phía Nam vào cầu Sặt, theo quốc lộ 38, đến gần Cống Chanh (ngã ba Cống Chanh) thì rẽ trái. Bám theo đường đê sông Cửu An, đi qua thôn Chanh Trong, chừng 700 mét đến cổng chính, thường gọi là Cổng Bến. Cổng ở ngay dưới chân đê, kiến trúc 2 tầng, kiểu chữ Môn có biển ghi "Làng văn hoá Châu Khê - 1998". Đất làng nằm sát đê sông Cửu An. Vào làng Châu Khê qua cổng xây hình chữ Môn hoặc đi thêm 1 đoạn qua nghè, lăng miếu thờ Phạm Sỹ thì rẽ trái, đi theo đường làng qua chùa làng có tên chữ là Sùng Ân tự. Đi qua chùa 1 đoạn đường là đến đình làng. Còn lối đi nữa là từ ngã ba đoạn đường quốc lộ 39A (điểm phố Chương Xá) rẽ vào quốc lộ 38, đi qua ngã tư thị tứ huyện lỵ Ân Thi, đến Cống Chanh, đi thêm độ 50 m thì rẽ phải, đường trải nhựa, mặt bằng phẳng. Du khách có thể đi đường 20A, đến Phố Phủ (Phủ Cũ), rẽ vào đường 194, lối vào làng Mộ Trạch. Qua làng Mộ Trạch đến đầu làng Mới, thuộc Xã Thúc Kháng, rẽ phải vào thôn Ngọc Cục, đi tiếp qua trụ sở UBND xã Thúc Kháng, đi tiếp qua thôn Lương Ngọc. Bám theo đường đê (đã trải nhựa), qua làng Lương Ngọc, đến làng Châu Khê.


Di tích lịch sử.
Đình làng Châu Khê có tên chữ là Sỹ công Đại vương từ, ngự trên trên mảnh đất ở trước làng, diện tích 2118m2. Thế đất cao rộng, khởi dựng từ cuối thế kỷ XIII (1290), đã qua nhiều lần trùng tu, năm bảo Đại 16 (1941) có đợt trùng tu lớn. Đình có cổng tam quan, cổng ngách, sân lát gạch đỏ, tường bao 3 mặt. Trước nhà tiền đình xây 2 nhà giải vũ, diện tích 150,2m2. Đình có kiến trúc hình chữ Đinh, nhà tiền tế 5 gian rộng 207,48m2, nhà hậu cung 61,2m2. Bia đá, ngựa đá (niên đại thời Lê, thời Nguyễn) ở khu sân đình gần cổng tam quan. Trong khuôn viên đình có cây cảnh, cây ăn quả và vườn hoa. Mái đình lợp ngói vẩy cá, nóc đắp rồng kìm, đắp lưỡng long chầu nhật. Tiền bái có ban thờ đặt hương án, bát hương, cây nến, mâm bồng, bàn đặt lễ vật, hoành phi câu đối chữ Hán Nôm. Hậu cung có bệ thờ, hương án, bát hương, đỉnh đồng, tượng Phạm Sỹ, ngai thờ, hạc, hoành phi, câu đối, bát bửu, long đình, kiệu bát cống, cờ lọng, tán, quạt, tranh Phạm Sỹ, tranh Trần Hưng Đạo Đại Vương, tranh Chu Tam Sương. Những đồ thờ này được bày ở vị trí thích hợp, thể hiện tính thiêng, tính mỹ thuật. Hậu cung còn đặt ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các liệt sỹ làng Châu Khê.
Nghè Châu Khê hiện nay không còn nhưng theo Bản khai sự tích thành hoàng làng thì nghè được Phạm Sỹ cho tiền làm. Đình sau này mới làm. Nghè kiến trúc hình chữ Nhị gồm 7 gian chính, ba gian hậu cung, có cổng, giếng nước. Nghè tồn tại đến thập niên 70 của thế kỷ XX. Trong suốt thời gian tồn tại nghè được sử dụng làm trường học, nghè là "điểm đến" của hành trình đám rước ngày hội làng.


Chùa Châu Khê được tạo dựng ngay khi có Chu Xá trang, thế kỷ XII, toạ lạc trên khu đất cao cánh đồng Cửa Hàng. Vào lúc cuối đời Lý, đầu đời Trần chùa được chuyển về địa điểm hiện nay. Đất có địa thế hình đoá sen nên đặt tên chùa là Liên hoa tự. Đến đời Lê (khoảng năm 1692), đổi tên thành Sùng ân tự. Chùa có 36 gian, diện tích đất 1.320m2, trong đó diện tích xây nhà thờ tự rộng 657,6m2. Tượng Phật uy nghi, cổng tam quan treo quả chuông đồng nặng 1300kg. Tiếng chuông chùa Châu Khê đã đi vào tâm khảm mỗi người dân thời đó và hình thành nên câu ca:“Chuông Châu, trống Ủng, mõ Đầu” (chuông làng Châu Khê, trống làng Ủng, mõ làng Đầu, ba làng ở gần nhau). Quả chuông này nhân dân Châu Khê đã tự tháo dỡ ủng hộ kháng chiến đúc vũ khí đánh giặc thời 9 năm kháng chiến chống Pháp. Chùa Sùng ân tự còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng của vùng. Cuối năm 2001, đúc lại quả chuông nặng 800 kg, cao1,7m do người châu Khê tại hương tại phố và khách thập phương góp của góp công. Hàng năm chùa đón hàng vạn lượt người tới chiêm ngưỡng, lễ bái. Ngày hội làng, nhân dân, đoàn đại biểu cấp trên (đoàn đại biểu Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Bình Giang, đoàn đại biểu Hội kim hoàn TƯ, đoàn đại biểu Hội kim hoàn thành phố Hà Nội) và du khách sau khi lễ ở đình thường đến lễ chùa. Chùa (tên chữ là Sùng ân tự), cụm di tích này được cấp bằng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1991. Di tích lăng miếu thờ Phạm Sỹ kiến trúc cổ kính. Các di tích như, nghè, văn chỉ, giếng làng (gồm: giếng cổng Đông, giếng Nghè), nhà cầu ba, nhà các giáp (gồm: Giáp Nhất, giáp Nhì, giáp Trung, giáp Đông, giáp Tây Xuyên), luỹ Gia tô, gò cái cân, cổng làng (gồm: cổng Đông, cổng Bến, cổng Nghè, cổng Tây Xuyên) đã từng là niềm tự hào của người Châu Khê. Thật tiếc, nay còn 2 giếng làng và 1 nhà giáp đã xuống cấp.

Tiểu sử nhân vật được thờ ở 2 tài liệu ghi: "Ngài là nhân thần, họ Phạm, tên Sỹ. Cha là Phạm Tuyên, quê ở động Lôi Nham, Thanh Hoá vốn con nhà thi thư lễ nghĩa, có vợ là bà Trương Thị Đoan, sinh 1 con gái. Vợ mất khi con gái 4 tuổi. Sau ba, bốn năm, ông Tuyên lấy bà kế thất, tên là Nguyễn Thị Phương, quê ở Hậu Trạch, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, đạo Hải Dương. Năm 41 tuổi, ông Tuyên đỗ tam trường (đỗ Tú tài),năm 43 tuổi nhận chức Giáo thụ Kinh Môn, 3 năm sau thăng chức Huyện lệnh huyện Phù Vân đạo Sơn Nam. Lúc ông Tuyên ngoài 50 tuổi, bà Phương ngoài 40 tuổi vẫn chưa sinh được con. Ông Tuyên dâng sớ xin về chí sỹ làm nghề dạy học, làm thuốc giúp dân ở quê Thanh Hoá và Hậu Trạch Hải Dương. Ông bà đến lễ cầu tự ở chùa Quang Minh ở Hậu Trạch. Sau 100 ngày bà có thai, mang thai 13 tháng, sinh hạ 1 nam nhi vào giờ Tý ngày mồng 1 tháng Giêng. Bảy ngày mới mở mắt, mắt sáng như sao trời lóng lánh, tiếng nói như sấm vang. Được 1 năm biết nói, 5 tuổi biết âm luật thơ, 14 tuổi, bách gia chư tử không gì là không biết. Năm 16 tuổi cha mẹ đều mất, lo tang cha mẹ chu đáo. Lúc này gia cảnh nghèo “ruộng đất sạch không, bốn vách gió lùa” nhưng ông chỉ sớm hôm đèn sách. Nghĩ về gia cảnh, ông quyết chí tìm nơi luyện tập. Đến trang Chu Xá, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, thấy nơi đây là đất chân long tú khí, được nhà chùa và nhân dân tiếp đón chân tình, làm trường, mời làm thầy dạy chữ cho bọn trẻ. Phạm Ngũ Lão quê ở làng Phù Ủng, làm quan triều Trần đến chức Thái bảo về quê họp sỹ tử để tập văn chương. Phạm Sỹ sang nộp quyển văn, Phạm Ngũ Lão xem văn thấy văn quảng bác, uyên thâm, kỳ dị vô định. Từ đó Phạm Ngũ Lão coi ông Sỹ như anh em thủ túc chí thân, sớm hôm không rời nhau. Ông được tiến cử gặp Hưng Đạo Vương, gặp Vua Trần Thái Tông. Qua thử tài văn chương võ nghệ, ông hơn hẳn Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Ích Tắc. Ông được Vua phong chức Tham nghị, sau thăng chức Tham tri Bộ Lễ, chức Đô đài ngự sử. Ông được Vua giao nhiệm vụ tuần thú các đạo phủ huyện, giúp người già nuôi người khó khăn. Việc làm của ông, nhân dân đều chịu ơn đức độ. Với quê Thanh Hoá, ông sửa sang nhà thờ, viếng thăm mồ mả, biếu chị gái và họ hàng vàng bạc làm vốn. Ông về Chu Xá, mở yến tiệc mời các cụ phụ lão đến dự. Ông sửa sang trường sở làm hành cung, biếu vàng gia thần, dân làng làm vốn. Năm Vua Nhân Tông lên ngôi, ông được phong chức Thái bảo tướng quân, tước Dực hổ hầu, thống lĩnh đạo Hải Dương, Trần Khánh Dư làm phó tướng, Trương Văn Hổ làm Thống lĩnh hậu quân. Mặt trận do ông chỉ huy có công lớn giúp Vua Trần, giúp Hưng Đạo Đại Vương thắng trận Đông Bộ Đầu, bắt sống Ô Mã Nhi, chém Nguyễn Bá Linh. Thắng trận, ông được Vua giao về Hải Dương chiêu dụ dân phiêu tán, chẩn cấp tiền gạo để dân an cư lạc nghiệp. Ông về trang Chu Xá phát chẩn 5000 quan tiền, 5000 phương thóc, cho dân. Mở hội yến 3 ngày, cấp 10 hốt vàng làm cung quán. Thụ yến xong, lúc ấy là ngày 1 tháng Chạp, ông hoá. Nơi hoá mối xông thành mộ. Ông được triều đình về làm tang lễ, cấp 3000 quan tiền xây lăng mộ, dựng nơi thờ cúng. Nơi ấy nay là khu lăng mộ. Đời Lê, ông phù hộ Vua Lê dẹp tan quân tướng nhà Mạc, rước Vua về Kinh, lập nên nhà Lê Trung Hưng. Ông được các triều Vua ban tặng nhiều mỹ tự. Từ năm 1710 đến năm 1924, ông được ban tặng 14 sắc phong. Làng Châu Khê suy tôn ông là Thành hoàng làng. Đình làng thờ Phạm Sỹ và Phạm Ngũ Lão, bản khai sự tích Thành hoàng làng còn ghi ở mục E về nhân vật được thờ"đồng thời với Phạm Sỹ có Phạm Ngũ Lão, đức Phạm Ngũ Lão hiện làng Phù Ủng có thờ".

Lễ hội làng:
Ở những địa phương khác, lễ hội làng (ngày làng vào đám) với những quy định về nghi thức lễ, những trò chơi... thường được ghi vào hương ước. Theo các bậc cao niên tại quê, tại phố trước đây Châu Khê có hương ước nhưng đã thất lạc. Nghi lễ được ghi trong “Bản khai sự tích Thành hoàng làng” của chính quyền xã Châu Khê (nay là thôn châu Khê) năm 1938 thì Châu Khê có 7 ngày tế lễ trong năm. Ngày mồng 1 tháng Giêng (ngày thánh đản), ngày mồng 1 tháng Chạp (ngày thánh hoá), ngày 7 tháng Giêng (tế lễ mùa Xuân),ngày 17 tháng 7 (tế lễ mùa Thu), ngày 2 tháng 3 (tế lễ hạ điền), ngày17 tháng 7 (tế lễ thượng điền), ngày 18 đến 21 tháng giêng (tế lễ kỳ phúc), ngày 26 tháng giêng (tế lễ kỳ yên). Đồ lễ (vật lễ) dùng lợn, gà, xôi, oản, giầu (trầu), rượu. Đồ lễ do người đăng cai chuẩn bị. Khi lễ xong thì những người dự lễ thụ lộc (kiến viên ẩm nhẫm).
Về thành phần, tiêu chuẩn dự lễ mục VI, VII trong bản khai sự tích thành hoàng làng ghi: Cả làng đều được dự tế lễ. trong ngày tế lễ, trong khi hành lễ, những người dự lễ phải ăn chay, tắm gội. Không có việc riêng cho giai tân gái tân hay người có tuổi vợ chồng song toàn. Trang phục khi tế lễ, mục VIII ghi: Lúc tế lễ thì mỗi người dự lễ đội mũ, mặc áo thụng lam.
Lễ rước ở phố Hàng Bạc, trước cách mạng tháng 8/1945 thường rước từ nhà số 42 hàng Bạc (nhà ty quan) sang nhà 58 hàng Bạc (nhà giao nhận sản phẩm).
Khi phục hồi lễ hội (năm 1991), chính quyền và ban quản lý di tích căn cứ vào trí nhớ của những người đã từng tham gia, đã từng xem hội, tham khảo lễ hội các địa phương lân cận và hướng dẫn của ngành văn hoá, sau đó xây dựng quy định về lễ hội và được đưa vào quy ước làng văn hoá Châu Khê, tại 3 điều: 4, 5, 7. Điều 4, điều 7 quy định độ tuổi tham gia lễ hội (có phần cứng và phần mềm), "Nam nữ của làng (nam từ 18, nữ từ 16) trở lên đều có bổn phận tham gia vào các ban của làng để cùng chăm lo việc lễ hội (phần cứng).Điều 7 ghi: Tất cả nam 18 tuổi, nữ 16 tuổi đến 70 tuổi (các cụ trên 70 tuổi được BTC trân trọng mời là đại biểu danh dự của lễ hội) và một số thiếu niên có năng khiếu đều được phân công vào các tiểu ban của lễ hội, kể cả những người đi làm ăn xa về, cần tự nguyện gặp ban tổ chức nhận việc hội coi như bổn phận và trách nhiệm tất nhiên, nếu không nhận việc hội coi như bị hẫng hụt điều gì đó trân trọng nhất trong một năm làm ăn(phần mềm). Điều 5 nêu tên gọi lễ hội, ngày tổ chức lễ hội, quy định về cơ cấu trưởng phó ban tổ chức lễ hội. Tên gọi lễ hội: Lễ hội Xuân- giỗ tổ nghề kim hoàn làng Châu Khê, có năm ghi: Lễ hội Xuân- giỗ tổ nghề vàng bạc Châu Khê. Ngày tổ chức lễ hội "vào ngày 19 tháng giêng hàng năm". Ngày 1 tháng Chạp hàng năm (ngày hoá của Thành hoàng làng) được chọn là ngày thành lập ban tổ chức lễ hội. Cơ cấu BTC gồm trưởng phó ban và 8 tiểu ban: 1 trưởng, 5 phó (trưởng thôn, cấp uỷ, ban quản lý di tích, mặt trận tổ quốc thôn, người cao tuổi thôn). Có 8 tiểu ban gồm: Tổ tế nam, tuổi từ 45 trở lên (11-13 người); tổ dâng hương, gồm các nữ trung 35- 45 tuổi, (25 người); tổ dâng hoa, gồm các cháu thiếu niên 12-15 tuổi (20 cháu); tổ kiệu bát cống, long đình, nam 18-45 tuổi (30 người); tổ cờ lọng, bát bửu, nữ 18-60 tuổi (32 người); tổ rồng sư tử, nam (18 người); tổ tiếp tân, khánh tiết (20 người). Ban tổ chức xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, báo cáo, đề nghị chính quyền các cấp cho phép kế hoạch này được triển khai. Những năm chưa có quy chế lễ hội của Nhà nước, thường có văn bản đề nghị (xin phép) mở lễ hội, kèm văn bản kế hoạch mở hội gửi chính quyền, ngành Văn hoá Thông tin. Câu cuối trong điều 5 còn ghi: Mọi người dân dù sinh sống ở nhà hay đi làm ăn xa đều trở về và có bổn phận tham gia công việc của làng do ban tổ chức phân công. Điều 7 quy định về quy mô lễ hội hàng năm, nhiệm vụ của ban tổ chức, quy định về phần lễ, phần hội. Quy mô lễ hội, điều 7 ghi: Những năm thường, hội mở nội bộ, những năm chẵn hội mở lớn ngày 17-18-19. Thành phần ban tổ chức lễ hội có đại diện tại hương tại phố. Quy ước nêu rõ, tại hương chủ trì, tại phố hưởng ứng. Ban tổ chức làm việc theo nguyên tắc, cấp uỷ lãnh đạo, chính quyền điều hành, ban quản lý lập kế hoạch, MTTQ thôn, hội người cao tuổi thôn cùng đôn đốc thực hiện. Trung tâm tổ chức lễ hội tại đình làng.
Mục đích, yêu cầu của lễ hội: Đảm bảo trang nghiêm, cội nguồn, dân trí lành mạnh, tiết kiệm, an toàn, không ảnh hưởng đến sản xuất. Cấm lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, cờ bạc, phân bì ngôi thứ gây mất đoàn kết xóm làng. Lực lượng nòng cốt của lễ hội, điều 7 ghi: Hội làng lấy đội tế nam, đội trống, đội kiệu long đình, đội dâng hương dâng hoa, đội cờ lọng, bát bửu, đội rồng, sư tử làm nòng cốt. Phần hội có các trò vui chơi giải trí như, cờ tướng, bóng đá, cầu lông, dưỡng sinh (thể dục), chọi gà, chạy việt dã. Văn bản Quy ước làng Châu Khê chưa đưa hoạt động văn nghệ nhân ngày hội làng nhưng thực tế mỗi khi làng mở hội đều có chương trình văn nghệ, do lực lượng địa phương hoặc mời đoàn văn công, đội văn nghệ ở các địa phương khác biểu diễn, giao lưu, phục vụ hội, phục vụ nhân dân không thu tiền vé. Trong văn bản Thần tích có ghi "xướng ca, đánh cờ 15 ngày".Thể thức hát xướng ca, đánh cờ còn rất ít người nhớ. Ông Lê Xuân Thọ, năm nay 85 tuổi (sinh năm 1924),hiện ở 42 Tam Giang, thành phố Hải Dương kể, vào khoảng năm 1942, 1943, 1944 ông là người châu Khê tại phố về quê xem hội được các cụ cho đánh trống tế, dân làng ngày đó ra đình xem tế đông lắm. Thể thao hiện nay có tổ chức thi đấu bóng đá, cầu lông, kéo co, chọi gà và trình diễn của câu lạc bộ dưỡng sinh. Bậc cao niên trong làng (thế hệ sinh trước, sau năm 1900) còn kể chuyện, thời trước Cách mạng tháng 8/1945, Châu Khê tổ chức thi luộc gà tại sân đình, thi trồng cây chuối dưới nước. Nhiều năm tổ chức hát trống quân bên bờ sông Cửu An giao lưu với làng Phù Ủng, huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên. Điều 7 còn quy định về phần lễ, phần hội. Phần lễ: Các dòng, chi họ, quý khách vào lễ dâng hương. Phần hội: Có mít tinh tưởng niệm trọng thể đọc chúc văn, cùng ôn cố tri ân nhớ về cội nguồn, nâng cao dân trí xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuỳ theo điều kiện từng năm (tổ chức) hội thi giới thiệu làng nghề kim hoàn, thăm quan công trình chuyển dịch cải tạo vườn tạp, sản xuất chăn nuôi dịch vụ, làm kinh tế giỏi với du khách. Tổ chức thi đấu bóng đá.
Đến dự và quan sát lễ hội làng Châu Khê năm 2009, năm 2010, chúng tôi thấy, ngày 18 có lễ cáo yết, chuẩn bị đồ rước, tổ chức tế thần (địa phương mời đội tế làng Ngọc Cục, 1 làng thuộc xã Thúc Kháng). Có nhiều đoàn, cá nhân đến lễ, đặt lễ ở ban thờ trước hiên nhà tiền bái, trong nhà tiền bái. Lễ cá nhân ít, đoàn lễ nhiều. Đoàn nhiều tới hai, ba mươi người, đoàn ít cũng năm, bảy người. Đoàn lễ với trang phục chỉnh tề, đi theo trật tự. Mỗi đoàn lễ thường có mâm lễ vật do 1 người đội trên đầu. Mâm lễ vật gồm xôi, gà, quả, bánh, giấy tiền, hương, bia hộp, chai rượu nút lá chuối... (Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, chuẩn bị cho lễ hội, nhiều gia đình Châu Khê làm bánh xu xê, ruột mầu vàng, làm bằng bột lọc trộn với nước cốt quả dành dành, lá mảnh cộng, nhân bằng đậu xanh, gói lá chuối, hấp chín). Đoàn đi có hàng lối từ nơi xuất phát (từ 1 gia đình trong làng hoặc từ điểm dừng xe ô tô của đoàn lễ) tới ban thờ ở sân đình. Ban thờ đặt tại điểm gian giữa sân đình giáp với hiên đình. Ban thờ gồm: Phông vải mầu xanh, khẩu hiệu, 2 lọng che, ảnh Thành hoàng làng, bệ thờ tam cấp phủ vải đỏ, lư đồng, cúp hội làng Châu Khê, chậu cây sinh vật cảnh, lẵng và bình hoa tươi. Bên trên có khẩu hiệu "Lễ hội Xuân, giỗ tổ làng nghề vàng bạc Châu Khê, 19 tháng Giêng Kỷ Sửu 2009".
Ngày lễ chính, 19 tháng Giêng. Ngay từ sáng sớm, các đoàn lễ đến lễ đông hơn ngày 18. Đội tế nam của làng thực hiện nghi thức tế thành hoàng trong nhà tiền bái. Khai tế lúc 7 giờ 45 phút, đội trống, đội kiệu long đình, đội dâng hương dâng hoa, đội cờ lọng, bát bửu, đội rồng, sư tử đã chuẩn bị sẵn sàng tham gia lễ rước. Trước khi rước kiệu, tuyên bố khai lễ. 9 giờ 34 phút, khai lễ có chào cờ, hát quốc ca, giới thiệu đại biểu, trưởng thôn đọc lời chúc mừng khai mạc lễ hội, trưởng ban quản lý di tích đọc chúc văn. 10 giờ 5 phút, thực hiện nghi thức rước. Ban tổ chức công bố đội hình rước, phát lệnh rước. Đi đầu đoàn rước là đội múa lân, thứ tự tiếp theo học sinh, đội nhạc, đội cờ, lọng, kiệu nước (?), kiệu bát cống đặt tủ mỹ nghệ kim hoàn, đội chấp kích, đội tế nam (đội tế thôn Châu Khê, đội tế thôn Ngọc Cục), đội tế nữ, dân làng và khách thập phương. Đoàn rước từ sân đình đi qua cổng tam quan, vòng về giếng làng, (trước cách mạng đoàn rước đi thẳng đến nghè, làm lễ rồi quay lại đường cũ, đến ngã 3) rẽ về cổng chính làng, lên đê đi về hướng lăng mộ Phạm Sỹ. Nghỉ ở lăng mộ Phạm Sỹ, đoàn tế vào thắp hương. Thắp hương xong, đoàn rước tiếp tục hành trình rồi rẽ vào đường đến chùa Sùng Ân tự. Qua cổng chùa, trở về đình làng. Về tới đình làng lúc 10 giờ 37 phút. Đặt an vị đồ rước. Trước cách mạng tháng 8/1945, đoàn rước có 3 điểm khác: Kiệu bát cống đặt tượng thành hoàng có lọng, quạt che 2 bên kiệu. Đi sau đội tế nam là hội đồng kỳ hào lý mục và các cụ cao niên trong làng. Nhiều năm xuất hiện kiệu bay, đoạn từ cổng Bến đến lăng Phạm Sỹ. Lúc đó kiệu và người khiêng kiệu, người cầm quạt, lọng cũng bay theo. Ông Lê Xuân Thọ, 86 tuổi, Bà Phạm thị Ký, 82 tuổi, hiện ở 42 Tam Giang, thành phố Hải dương từng chứng kiến cảnh kiệu bay khi xem hội làng năm khoảng 1943, 1944. Ông bà Thọ, Ký đến nay vẫn giữ kỷ niệm về ngày được xem hội làng, chứng kiến kiệu bay với "cảm giác lâng lâng, năm đó đều gặp điều tốt lành".
Kết luận và đề nghị.
Hội làng Châu Khê hàm chứa nhiều giá trị lịch sử nhân văn, nhiều phong tục tập quán của một làng cổ có đặc điểm “tại hương tại phố”. Trước Cách mạng tháng 8/1945 và hiện nay có sự khác nhau ở vài nghi thức trong nghi lễ, lễ vật, phần hội. Tuy không còn bánh xu xê, vàng thỏi dâng thánh, đội hình tạo nên kiệu bay trong đám rước, tổ chức hát xướng ca, đánh cờ 15 ngày nhưng lễ hội vẫn giữ được hồn cốt, nét vui nhộn, hoành tráng của lễ hội làng nghề vàng bạc truyền thống.
Phát huy giá trị của làng nghề vàng bạc có tuổi lịch sử 550 năm, thiết nghĩ Châu Khê cần có bộ sưu tập về sản phẩm chế tác vàng bạc trưng bày trong ngày hội truyền thống. Đội hình trong đám rước, nhất là đội cờ thần, cờ hồng kỳ cần đảm bảo nghi thức nghiêm trang trong cả thời gian rước.
Đặng Văn Lộc
Tài liệu tham khảo:
1. Châu Khê thần tích sự trạng, tài liệu tại địa phương.
2. Bản khai sự tích Thành hoàng làng xã Châu Khê, tổng Thị Tranh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương năm 1938 - FQ 40/18/IX, 16 - Viện thông tin KHXH Hà Nội 1995
3. Phạm Minh Tiến- Châu Khê thần tích lịch sử và phát triển. Sở thông tin truyền thông tỉnh Hải Dương cấp phép, 5.2009.
4. Văn bia Song Khê duyên khánh đường bi ký.
5. Văn bia Sùng ân tự viết năm Chính Hoà 13 (1692)
6. Ông Lê Xuân Thọ 86 tuổi, bà Phạm thị Ký 82 tuổi, người làng Châu Khê hiện ở 42 Tam Giang, thành phố Hải Dương.
7. Ông Phạm Văn Thăng 73 tuổi, người làng Châu Khê, nguyên phó chủ tịch HĐND, Chủ tịch hội khuyến học huyện Bình Giang.
8. Ông Phạm Minh Tiến 73 tuổi, Trưởng ban quản lý di tích đình chùa Châu Khê, nghệ nhân kim hoàn đá quý quốc gia.
9. Ông Lê Xuân Đương 73 tuổi, người làng Châu Khê, đại diện ban đồng hương Châu Khê tại phố.
10.Ông Vũ Đình Năng, Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng huyện Bình Giang.
11. Ông Phạm Văn Xim, Phó chủ tịch UBND xã Thúc Kháng huyện Bình Giang.
12. Ông Phạm Huy Đạt 53 tuổi, người làng châu Khê, Trưởng phòng Nội vụ UBND huyện Bình Giang
13.Ông Hoàng Đình Dương 45 tuổi, người làng Châu Khê, Chủ nhiệm HTX vàng bạc Châu Khê.
14. Ông Nguyễn Đình Tuân 80 tuổi, người Châu Khê, nghệ nhân kim hoàn đá quý quốc gia.
15. Ông Phạm Hồng Khiêm, trưởng thôn Châu Khê.
16. Ông Phạm Đình Ngoan, Bí thư chi bộ thôn Châu Khê.

Lăng Đá Hiến Linh ở Lại Yên

Lăng Hiển Linh từ ở thôn Lại Yên, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức nên thường gọi là lăng đá Lại Yên 2, truyền là thờ cụ Phạm Đôn Nghị. Lăng vốn xưa ở ngoài đồng trên cồn đất rộng gần làng, nhưng do nay sự phát triển nông thôn đã lọt vào giữa làng.
Cửa lăng hướng Tây Nam. Lăng gồm hai phần: vòng ngoài chỉ giữ được phía trước là khu vườn rộng, cửa chính là hai cột đá cao, từ đấy đến cửa vòng trong dài 38m, bên phải còn cổng phụ “Hiển Linh môn” xây đá ong, gần sát vòng trong có hai bồn đá tròn và hai bể đá ô van, phía trước nó vốn có nhà Đại bái bị dỡ trong chiến tranh. Khu vực chính của lăng là vòng trong được xây tường đá ong trên móng đá xanh, rộng 9,70m và chạy sâu vào 18,9m, có tường ngăn đôi làm hai nửa. Tường dày 0,70m cao 1,70m có mũi tường tạo sự cách biệt trong ngoài.
Cổng vào lăng trong có khung bằng đá xanh nhưng mái đá cong, lòng cao 1,46m rộng 0,5m, ra vào phải hơi cúi. Ngay trước cổng lăng có tượng chó đá ngồi tạc rất thực, cổ đeo chuông nhạc, cao 0,80m. Chó, các nhà bia và điêu khắc đá bên trong đền bằng đá xanh. Sân lăng vòng trong lát đá xanh, cấu trúc hai bên đăng đối. Mở đầu là nhóm tượng mã phu dắt ngựa, người đứng ngang với ngựa ở phía trong. Ngựa đứng thẳng, bốn chân cao 1,80m (ở lưng 1,19m) dài 1,45m đầu và mông có phù hiệu tròn, thắng yên cương đầy đủ, phần dưới bụng giữa các chân để đặc. Người đứng thẳng, cao 1,45m, đội mũ trụ, mặc áo giáp dài, tay ngoài để ngang bụng, tay trong cầm gậy dựng đứng, mặt xương, áo ít trang trí. Lùi vào một chút là hai nhà bia nhìn sang nhau, kích thước xấp xỉ nhau (nhà bên trái cao 2,43m, rộng ở mái cũng 2,43m x 2,07m, nhà bên phải cao 2,30m, rộng ở mái 2,30m x 2,00m), kiểu nhà 4 mái, đầu vỉ ruồi chạm chữ vạn, phía dưới có lan can thấp. Trong nhà bia bên phải có tấm bia “Phạm Công Gia Phổ bi ký”, còn nhà bia bên trái có tấm bia khắc tên ở hai mặt là “Hiển Linh từ hậu Trần bi ký - nhất xã thộ hậu phật sự liệt”, cả hai bia đều dựng năm Long Đức 3 tức 1734.
Trước mỗi nhà bia nhưng dịch ra phía ngoài có một hương án đặt dọc cao 0,79m, mặt rộng 1,13m x 0,44m, làm theo khối đặc, viền mặt chạm hồi văn chữ T xuôi ngược đan xen. Cuối thần đạc là một hương án chắn ngang kể cả phần đế và thân cao 1,35m, mặt rộng 0,95m x 0,46m, bốn góc có lan can làm tai cao thêm 0,20m, giữa mặt có bát hương, đều chạm hoa sen, mây và chữ thọ trong mặt trời. Sau hương án trên một khoảng hẹp là cung thờ dáng gần như nhà bia cao 2,90m, mái rộng 3,45m x 2,88m, mặt trước để trống hai góc trên gắn đầu dư đặc chạm rồng. Một trong tường hồi bên trái khắc bài văn cho biết vào năm Cảnh Hưng 15 (1754) xây dựng bổ sung, đối diện lại ở hồi bên phải khắc bài thơ “Ngự long bút thi tự” thể thất ngôn bát cú. Tường hậu trổ một vòng tròn nhỏ làm cửa sổ nhìn sang phần mộ như chỗ đi lại của linh hồn, hai bên có đôi lân múa giữa những sóng nước dưới đám mây ở trên gợi ra một thế giới chỉnh thể. Từ cung thờ này kéo sang hai bên là tường ngăn với nửa sau đặt phần mộ. Nấm mồ sau phẳng trên đặt khối đá to có chữ “Tướng Công mộ”. Giữa tường hậu là bức hình phong chạm đôi nghê chầu mặt trời.
Theo bài văn bia “Phạm Công Gia Phổ bi ký” do cụ Nguyễn Trọng Dung soạn năm 1734, thì các đời trước vốn họ Nguyễn, ông bố từng làm Tham trị thừa chính sứ ty Thái Nguyên kiêm Tham ngự ân trung tử, mẹ họ Phạm. Ông người bản xã sinh năm Nhâm Tuất (1682), sinh ra liền đổi theo họ mẹ. Năm 33 tuổi hầu Thái phi, được làm Nội trù tiểu thủy đẳng, độ 37 tuổi thăng hữu đề điểm làm chức Lệnh sử theo bầu nội lực sĩ, năm 38 tuổi cúng tiền vào việc nước được tăng 5 bậc, giữ chức Tả thiếu giám, chưa được một năm kiêm chức Lệnh sử nhất thiên và thăng Thị nội giám, rồi Giám sự, 41 tuổi thăng Thị hầu nhất trông coi các đội thuyền, tiếp lại bỏ gia tư được thăng Thái giám, Đô thái giám rồi tổng Thái giám kiêm chức Thị nội tư thả hình phiên, 47 tuổi là Tuyên lực công thần quận công, thăng Tham đốc, rồi Phó chi thị nội thừa tả Hộ phiên kiêm Thị hậu vệ, phụng sự làm Đốc lãnh đạo Hải Dương, thăng Hữu hiệu điểm, lại làm Trưởng đốc đạo Sơn Tây, 49 tuổi cúng tiền được thăng Đô đốc kiêm sự, 59 tuổi kiêm Đô hiệu điểm, rồi Thiếu bảo cai quản các thuyền ưu nhất, ưu tả và ưu hữu, 51 tuổi làm Chi thị nội thư tả hình phiên, lại coi tả tượng làm đốc lãnh đạo Đông Bắc, làm Thống đốc đạo An Sơn, 52 tuổi Thăng thiếu phó, làm trấn thủ sứ Sơn Tây. Đây cũng là năm dựng bia. Ông đã cúng cho thôn xã nhiều tiền của và ruộng, được cả bàn hậu thần và hậu Phật.
Tương truyền ông là cháu gọi Phạm Mậu Trực bằng cậu, từ nhỏ đã được theo cậu. Lăng Hiển Linh từ cũng là đền thờ, dân địa phương gọi là văn chỉ, hàng năm cúng vào ngày mồng 6 tháng giêng sau cậu một ngày.
Theo Di tích Hà Tây, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, 1999

Văn bia tiêu biểu của Hải Dương

Các văn bia tiêu biểu đã được thống kê ở tỉnh Hải Dương gồm:
1. Sùng Thiên tự bi là tấm bia cổ nhất còn lại trên đất Hải Dương, cao 146 cm, rộng 86 cm, dầy 17 cm đặt trên lưng rùa, chân bia có hình sóng nước, hình núi, một đặc điểm của bia Lý - Trần. Bia được làm bằng đá xanh, khắc dựng năm Khai Hựu thứ 3 (năm 1331), đến năm Thiệu Phong thứ 2 được khắc tiếp phần ruộng đất đặt tại chùa Sùng Thiên, giữa cánh đồng thôn Thị Đức, xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc ngày nay.
2. Thanh Mai Viên Thông tháp bi là tấm bia được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) đặt trước chùa Thanh Mai, nay thuộc xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh nói về tiểu sử Pháp Loa đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam và việc xây dựng tháp Viên Thông. Bia cao 131 cm, rộng 82cm, dầy 14cm đặt trên một con rùa dài 140cm. Chân bia có sóng nước hình núi, một đặc điểm của bia thời Trần.
3. Thanh Hư động - Côn Sơn Tư Phúc tự bi đặt ở trước Thanh Hư Động nay di về trước sân chùa Côn Sơn, thuộc xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh. Bia cao 163cm, rộng 92 cm dầy 17cm đặt trên lưng rùa. Văn bia cho biết Côn Sơn là chốn Phật tổ. Bia ghi lại kỷ niệm sâu sắc về những năm cuối đời của Trần Nguyên Đán vào thế kỷ XIV.
4. Côn Sơn Tư Phúc tự bi là bia chùa Tư Phúc Côn Sơn, dựng năm Hoằng Định thứ 8 (1607). Bia có 6 mặt, cao 180cm, mỗi mặt bên rộng 32 cm, khắc khoảng 3.200 chữ. Đây là tấm bia Bác Hồ đọc ngày 15/2/1965 khi Người về thăm Côn Sơn. Nội dung bia ca ngợi nhà sư Mai Trí Bản có công lớn trong việc tu tạo chùa và ghi khá chi tiết những cá nhân, tập thể tham gia tôn tạo chùa Côn Sơn.
5. Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự là bia chùa Côn Sơn, nhưng trong bia tên chùa thêm chữ Thiên. Bia dựng năm Hoàng Định thứ 15 (1614), kiểu Long đình, cao 75 cm rộng 40 cm, dầy 28,5 cm, khắc 4 mặt khoảng 900 chữ. Nội dung ghi lệnh dụ của Chúa Trịnh Tráng về việc cho thôn Chúc Đình, xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn làm tạo lệ chùa Côn Sơn. Phần dưới ghi văn bản của vua Trần Nhân Tông về cấp người phục vụ và vàng bạc cho chùa để gìn giữ di tích. Cuối bia ghi tên người công đức cho chùa.
6. Đông Dương tự bi là bia lớn, điêu khắc đẹp vào loại nhất của tỉnh, dựng năm Đức Long thứ 4 (1632) tại khu đền chùa thôn Đoàn Xá, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ. Bia cao 192 cm, rộng 133 cm, dầy 26 cm. Nội dung bia ca ngợi công trạng Nguyễn Thế Mỹ tự Vạn Phúc, người bản xã, là lực sĩ, từng giữ chức Nội giám, Đô sát, Tổng Thái giám có nhiều công trạng với triều đình Lê - Trịnh.
7. Lưu truyền phụng tự Trọng tướng bi minh. Bia lưu truyền việc thờ phụng trọng tướng Đinh Văn Tả, thuộc phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, năm 1990 được chuyển về Bảo tàng tỉnh. Bia cao 113cm, rộng 80cm, dầy 17,5cm, khắc dựng năm Cảnh Trị thứ 7 (1669), bia có khoảng 1.500 chữ. Nội dung ca ngợi công đức của tướng quân Đinh Văn Tả cùng chính thất Nguyễn Thị Thân và thứ thất Nguyễn Thị Ngọc Huống, phần còn lại ghi ruộng đất của gia đình cấp cho một số người cầy cấy để thờ phụng vợ chồng tướng quân.
8. Công thần điền tư thổ bi minh lưu truyền là bia kiểu long đình cao 210cm, 4 mặt rộng 78-75 cm dựng trước lăng trọng tướng Đinh Văn Tả tại phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, dựng năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), khắc 4 mặt khoảng 4.300 chữ văn bia gồm Tiểu sử Đinh Văn Tả và ruộng đất.
9. Chiêu Nghi tự sự bi ký là bia ghi việc thờ tự bà Chiêu Nghi tại Lăng Chiêu Nghi Đặng Thị Cúc, tại thôn Ổi Lỗi, xã Hoa Xá, huyện Gia Phúc, nay thuộc xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc. Bia kiểu Long đình, cao 157cm, 4 mặt mỗi mặt rộng 137cm x 75cm, dựng năm Đức Nguyên thứ 2 (1675).
10. Kiến khai Cửu phẩm liên hoa bi ký là bia vuông kiểu Long đình ghi việc xây dựng Cửu phẩm liên hoa, dựng tại chùa Đồng Ngọ xã Cập Nhất, nay thuộc xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà vào năm Chính Hoà thứ 13 (1692). Bia cao 110 cm, các mặt rộng 48 cm. Văn bia được khắc 4 mặt với 3.700 chữ, nội dung ca ngợi thắng cảnh chùa Động Ngọ.
11. Sùng Ân tự bi ký là tấm bia dựng trước chùa Sùng Ân, xã Đông Cao, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, nay thuộc xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang. Bia trán dẹt cao 89 cm, rộng 50 cm, dầy 15 cm, dựng tháng 12 năm Chính Hoà 19 (1698). Văn bia khoảng 700 chữ, nội dung ghi tên những người công đức xây dựng chùa.
12. Bia tháp Phổ Quang gắn trên tháp Phổ Quang trước chùa Thanh Mai nay thuộc xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh cao 84 cm, rộng 53 cm, dầy 15 cm, dựng năm Chính Hoà thứ 23 (1702), khoảng 900 chữ. Văn bia ghi tiểu sử Tuệ Mệnh hoà thượng, hộ quốc thiền sư họ Nguyễn, quê tại xã Cam Xá, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, nay thuộc xã Hồng Khê, huyện Bình Giang.
13. Văn bia Chùa Nghiêm Quang xã An Tràng, huyện Lương Tài, phủ Thuận An, nay đã được chuyển về xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng. Chùa Nghiêm Quang từ thời Trần, Đại danh y Tuệ Tĩnh thiền sư từng chủ trì và làm thuốc chữa bệnh tại đây. Bia dựng tháng 3 năm Chính Hoà thứ 24 (1703), cao 96 cm, rộng 49 cm, dầy 16 cm, có khảng 1.900 chữ. Văn bia ghi việc 3 gia đình ở An Tràng xuất tiền đúc tượng A di đà. Cuối văn bia có bài minh và họ tên những người tham gia công đức.
14. Bia Tân tạo tiền đường, thượng các Khánh Linh tự bi ký dựng trước chùa Khánh Linh, thôn Mẫu (Mũ), xã Tứ Kỳ Hạ, huyện Tứ Kỳ, nay thuộc xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, cao 121 cm, rộng 70 cm, dầy 19 cm. Văn bia khoảng 2.100 chữ, khắc dựng xong vào tháng 9 năm Chính Hoà thứ 25 (1704). Văn bia ghi cảnh đẹp của chùa, việc làm mới tiền đường, cuối bia có bài minh và họ tên những người công đức.
15. Bia Trùng quang tập kỷ ghi lại quá trình trùng tu tôn tạo chùa Thanh Mai vào thế kỷ XVII dựng ở bên phải trước sân chùa, trán dẹt cao 110 cm, rộng 49 cm, dầy 17 cm, khắc 2 mặt, khoảng 1.000 chữ, dựng xong tháng 9 năm Đinh Hợi (Vĩnh Thịnh-1707).
16. Hành dịch đăng gia sơn là một tấm bia ghi lại một bài thơ của Phạm Sư Mạnh (dân gian quen gọi là Mệnh) bên vách trái Động Kính Chủ, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn. Thợ đá khắc theo bài thơ của Phạm Sư Mệnh viết trực tiếp vào vách núi ngày 5 tháng 9 năm 1369.
17. Hoàng Việt Kinh Bắc thừa ty lại phụ Phạm Thị chi mộ là tấm bia mộ chí của bà Phạm Thị Thế, quê tại làng Bất Nạo, nay thuộc xã Kim Anh, huyện Kim Thành. Văn bia khắc vào năm Cảnh Thống thứ 5 (1502). Bia là một khối hộp chữ nhật kích thước khoảng 60 cm x 40 cm x 15 cm, nội dung tự sự sâu sắc và cảm động.
18. Tô quận công thần đạo bi minh là tấm bia ca ngợi công đức của Lê Quang Bí (1504-1566) đặt tại nhà thờ họ Lê, làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, cao 121cm, rộng 68 cm, dầy 17 cm khắc hai mặt khoảng 1.900 chữ. Nội dung văn bia nói về tiểu sử Lê Quang Bí và ruộng đất thế nghiệp của ông.
19. Tiểu tông thế khoa đường ký là bia của một chi họ Vũ Mộ Trạch, tổ chi là cụ Vũ Bạt Tuỵ. Bia dựng tại nhà thờ Thế Khoa, làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang cao 113 cm, rộng 73 cm, dầy 17 cm, khắc 2 mặt ngót 2000 chữ. Bia ca ngợi chi thứ họ Vũ Mộ Trạch nhiều người đỗ đại khoa, làm quan lớn trong triều và hiển đạt.
20. Bia xã Đỗ Xá ghi việc cần biết về tranh chấp cổ tích đã được xử lý dứt điểm theo pháp luật. Bia hình trụ, khắc 6 mặt, cao 135 cm, chiều rộng các mặt 36 - 40 cm trước nghè thôn Đỗ Xã, xã Hoàng Tiến, huyện Chí Linh. Khắc dựng năm Khánh Đức thứ 4 (1652), khoảng 3.000 chữ trong đó có gần 50 chữ đã bị mòn, mờ.
21. Đồng tri phủ chính thất Phạm thị chi mộ chí là bia dựng kiểu Long đình cao 205,4 cm, rộng từ 62 - 63 cm được khắc dựng năm Vĩnh trị thứ 4 (1679) trước lăng Phạm Thị tại xã An Tân, huyện Gia Phúc, nay thuộc xã Gia Tân, huyện Gia Lộc.
22. Hậu thần nhị vị bi ký là bia dựng tại nhà thợ họ Phạm, xã Bồ Dương, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, nay thuộc xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang. Bia trán dẹt cao 120 cm, rộng 80 cm, dầy 17 cm. Bia 2 mặt khắc khoảng 3.400 chữ ghi tiểu sử Phạm tướng công huý Vinh tự Đức Uy quê làng Bồ Dương, huyện Vĩnh Lại.
23. Khánh Đức Nham sơn Hàm Long tự tạo lập bi ký là bia kiểu Long đình, cao 130 cm, rộng 72 cm, dầy 42 cm dựng trước động Hàm Long, xã Minh Tân, huyện Kinh Môn. Bia khắc 4 mặt, khoảng 4.200 chữ dựng vào mùa đông năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718). Nội dung nói về việc xây dựng, tôn tạo chùa và bài minh tả cảnh đẹp động Hàm Long.
24. Trùng tu Trúc Lâm Đệ nhị tổ tháp bi là bia gắn trên tháp Viên Thông, phía sau chùa Thanh Mai, xã Đỗ Xá, huyện Phượng Nhãn, nay thuộc xã Hoàng Hoa Thám, có kích thước 74 cm x 74 cm x 15 cm. Bia có khoảng 1.600 chữ, dựng tháng 9 năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718).
25. Sái phụ Nguyễn Thị Trị sản chí phú tự sự bi ký là bia kiểu Long đình, cao 155 cm, 4 mặt rộng như nhau (64 cm) ghi tiểu sử và tài sản của bà Nguyễn Thị Trị vợ Sái công. Bia khoảng 2.300 chữ, dựng xong vào tháng 4 năm Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720).
26. Hậu thần bi ký là bia kiểu Long đình, cao 115 cm, các mặt bên rộng từ 53 - 55 cm dựng tại bên phải hậu cung đình làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang ca ngợi bà Nhữ Thị Nhuận là di duệ Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng. Văn bia có khoảng 1.500 chữ.
27. Tân Dậu trọng thu cốc nhật tạo là bia hình chữ nhật cao 200 cm, rộng 117 cm, dầy 20 cm dựng tại cánh đồng Tràng bên phải Văn miếu hàng tỉnh, thuộc xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. Văn bia khoảng 570 chữ ca ngợi chế độ giáo dục thời Quang Trung, thống nhất Bắc Hà. Văn bia Tân Dậu là một cơ sở khoa học cho việc trùng tu văn miếu.
28. Chí Linh bát cổ dựng tại Văn chỉ phủ Nam Sách, nay thuộc xã Thanh Quang, huyện Nam Sách. Bia kiểu Long đình cao 180cm các mặt bên rộng từ 50 - 65 cm, khắc 4 mặt, khoảng 3000 chữ, không ghi tên tác giả. Văn bia gồm 9 bài thơ, một bài tựa về bát cổ của Chí Linh.
29. Trùng tu Minh Khánh tự bi ký là bia trán dẹt cao 170 cm, rộng 90 cm, dầy 18 cm khắc hai mặt khoảng 4.200 chữ, dựng bên phải chùa Minh Khánh thuộc thị trấn Thanh Hà hoàn thành mùa thu năm Quý Mão (1843).
30. Đường An Văn chỉ bi - Lịch đại tiên hiền ký là bia trán dẹt, cao 180 cm, rộng 60 cm, dầy 18 cm, khắc 2 mặt, khoảng 2.000 chữ, dựng mùa hạ năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), tại Văn chỉ huyện Đường An, nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang. Bia là tư liệu quý để nghiên cứu các vị đỗ đại khoa của huyện Bình Giang và tỉnh Hải Dương.
31. Mã kiều bi ký là bia trán dẹt, cao 134 cm, rộng 65 cm, dầy 18 cm dựng trước chùa Đông Dương, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, khoảng 650 chữ, hoàn thành tháng 9 năm Tự Đức thứ 8 (1855). Văn bia ghi tác dụng của cầu và phía cuối có bài minh ca ngợi người bắc cầu Đoàn Xá.
32. Chu Văn An hành trạng là bia trán dẹt cao 100 cm, rộng 52 cm, dầy 16 cm, khắc 2 mặt, khoảng trên 1.200 chữ dựng bên phải đền Phượng Hoàng, trên núi Phượng nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh được hoàn thành xong tháng 5 năm Tự Đức thứ 10 (1857). Bia Chu Văn An hành trạng là tư liệu quý để nghiên cứu tiểu sử danh nhân và di tích Phượng Hoàng.
33. Vạn Yên - Dược Sơn linh từ bi ký là bia trán dẹt cao 132 cm, rộng 92 cm, dầy 17 cm, khắc 2 mặt khoảng 750 chữ dựng trong tường ngăn bên trái đền Kiếp Bạc. Văn bia nói sơ lược lịch sử Đền Kiếp Bạc và việc đại tu đền từ năm Bính Tỵ (1876) đến năm Kỷ Mão (1879).
34. Hương Đạo vương từ bi ký là bia trán dẹt, cao 143 cm, rộng 90 cm, dầy 17 cm, khắc 2 mặt, khoảng 1.500 chữ dựng trong tường ngăn bên phải đền Kiếp Bạc, hoàn thành rằm tháng 8 năm Ất Mùi, niên hiệu Thành Thái (1895). Văn bia ghi lại công trạng của Trần Hưng Đạo, cảnh đẹp Kiếp Bạc và sơ lược việc trung tu đền Kiếp Bạc.
35. Bia đền Kiếp Bạc (vô đề) là bia trán dẹt cao 145 cm, rộng 83 cm, dầy 17 cm, khắc hai mặt, khoảng 1.100 chữ, dựng trong tường nằm bên trái đền Kiếp Bạc, hoàn thành tháng 10 năm Khải Định thứ 6 (1921). Bia không trang trí, nội dung cho biết vài nét về lịch sử di tích và quá trình trùng tu vào thời Khải Định.
36. Hải Dương Chí tri hội là bia dựng bên gốc đa phía trái cổng trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự, phố Nguyễn Văn Tố, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương khắc xong trung tuần tháng 5 năm Khải Định thứ 9 (1924). Bia Hội Chí tri là một tư liệu quý để nghiên cứu về giáo dục và lịch sử thành phố Hải Dương đầu thế kỷ XX.

Lăng Phạm Đôn Nghị, dấu ấn nghệ thuật điêu khắc đá thế kỷ XVIII

Lăng Phạm Đôn Nghị, dấu ấn nghệ thuật điêu khắc đá thế kỷ XVIII

Quách Thị Ngọc An – Trang Thanh Hiền
Lăng mộ không chỉ là những di tích để tưởng niệm người chết, mà còn phản ánh nhiều khía cạnh: quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của người đương thời về sinh tử. Ngoài ra, việc xây cất lăng còn phản ánh các giá trị nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc của thế kỷ ấy. Trong vô số các lăng mộ quan lại được xây dựng trong thế kỷ XVIII, lăng Phạm Đôn Nghị, một Quận công thời Hậu Lê (1428- 1789), là một di tích đẹp, khá nguyên vẹn còn tồn tại đến ngày nay. Nằm trên xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, lăng được xây dựng cách đây gần 300 năm. Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo này được xem là khu quần thể lăng mộ thế kỷ XVIII đẹp nhất ở Hoài Đức.
Việc xây lăng mộ là một truyền thống lâu đời trong nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam. Nếu lăng mộ từ thời Lê Sơ về trước dường như chỉ có vua hay các bà hoàng mới được xây lăng, rất hãn hữu mới có lăng đại thần (như lăng Trần Thủ Độ), thì sang thời Hậu Lê lại có chiều hướng phát triển ngược lại. Giai đoạn này, trong hệ thống quản lý quốc gia bên cạnh vua Lê lại có thêm chúa Trịnh, đáng ra sẽ có cả hệ thống lăng mộ của vua Lê và chúa Trịnh. Nhưng thực tế, các lăng mộ vua, chúa còn lại đến ngày nay với niên đại thời Hậu Lê có số lượng rất ít. Một vài lăng có quy mô hơn cả như lăng chúa Trịnh Doanh (Nga Mi, Thanh Hóa - thế kỷ XVIII) lại càng hiếm. Và trên một cơ sở nào đó, quy mô của lăng mộ này có phần tương tự hoặc lớn hơn không nhiều so với các lăng quan lại. Điều này được các nhà nghiên cứu giải thích trên quan điểm lịch sử đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh nội chiến, và bởi sự tiếm quyền lẫn nhau trong xã hội, vua Lê thì bù nhìn và chúa Trịnh nắm quyền thế. Các thế lực này không thể quan tâm một cách sâu sắc đến việc xây lăng mộ cho chính bản thân mình. Hơn nữa việc trả thù cá nhân của các triều đại tiếp sau khiến rất có thể vua chúa có lăng nhưng cũng không thể tồn tại đến bây giờ, hoặc xây lăng nhưng lại ẩn danh như trường hợp lăng chúa Trịnh Doanh, nhưng phải lấy tên bà Thái phi Ngọc Diệm [1,tr.241]. Mặt khác, các quan đại thần nắm giữ quyền lực trong tay, để củng cố cho địa vị của mình đã tự mình xây dựng lăng mộ cho bản thân tại quê hương bản quán. Có lẽ ở thế kỷ XVIII, việc xây cất lăng mộ đã trở thành phong trào. Nó cũng giống như việc cúng tiền để xây đình, chùa, đặt làm tượng hậu để thờ, ý nghĩa của việc lưu danh hậu thế đã khiến người ta không dè xẻn tiền của. Vậy nên các lăng Quận Công xuất hiện chiếm một số lượng lớn như: lăng Phạm Mẫn Trực (Hà Tây - 1713), lăng quận Thạc (Thanh Hóa - 1716), lăng Dinh Hương (Bắc Giang - 1729), lăng họ Đỗ (Bắc Ninh - 1734), lăng Phạm Đôn Nghị (Hà Tây - xây 1734 sửa 1754), lăng Phú Đa (Vĩnh Phúc - 1767), lăng Nguyễn Diễn (Bắc Ninh - 1769), lăng Phạm Huy Đĩnh (Thái Bình - 1772)... Các lăng này có phong cách và qui mô ít nhiều tương đồng.
Lăng Phạm Đôn Nghị có lẽ cũng không nằm ngoài những mô thức chung cho việc xây cất lăng mộ thế kỷ XVIII, nhưng so với rất nhiều lăng hiện tồn, nó lại nằm trong số ít các lăng còn nguyên vẹn các giá trị về nghệ thuật cũng như kiến trúc. Quần thể lăng Phạm Đôn Nghị có hướng Tây Nam, rộng khoảng 850m2, chiếm một bãi đất rộng ở đầu làng, tạo một không gian thoáng đãng. Nét tĩnh mịch phủ mầu thời gian trên lăng nhưng không hoang sơ chìm vào trong quên lãng như ở những lăng khác, mà lăng Phạm Đôn Nghị được con cháu thay nhau trông coi, nhang khói. Bên trong cổng là một khoảng sân rộng có nhiều cây xanh quanh năm xào xạc tạo cho không gian lăng mộ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm lặng.
Quận công Phạm Đôn Nghị một là võ quan từng đi kinh lý giữ yên cõi bờ và bình định những cuộc nổi dậy. Ông cũng là người giàu có, nhiều thế lực, và đã có công dồn tiền của xây dựng quê hương, giúp đỡ dân làng. Đồng thời, ông cũng giành một phần của cải công sức cho dòng họ và xây dựng nơi yên nghỉ cho bản thân. Phạm Đôn Nghị là người đã ghi công lớn cho đất nước, làm Đốc lĩnh các đạo Hải Dương, Kinh Bắc, làm Chưởng đốc xứ Sơn Tây nên được phong tước Quận Công, do vậy lăng của ông cũng được dân làng gọi là ông Quận. Theo lời kể của các bô lão ở làng thì trước đây toàn bộ tường bao xây quanh lăng đều bằng đá ong, cao gần 2m. Nhưng hiện nay tường đá ong này không còn mà được xây lại bằng gạch, chỉ cổng bên trái bằng đá là còn dấu vết đá ong cũ, cổng bên phải được tôn tạo thêm bằng đá ong mới. Vào năm 1999, dòng họ Phạm xây thêm một toà nhà 5 gian làm nơi thờ.
Bước qua gian thờ mới xây, người đến thăm sẽ phải sửng sốt khi bắt gặp toàn bộ khu lăng tẩm kết thành một khối kiến trúc cũng được bao bọc bằng một bức tường đá ong dày gần 1m. Khu mộ được xây rất kiên cố nên trải qua 3 thế kỷ dường như vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu. Lăng mang nhiều nét uy nghi diễm lệ và mang đậm những dấu tích, ý nghĩa lịch sử cũng như giá trị văn hóa nghệ thuật. Cổng vào lăng được làm bằng đá, phía trên cổng được lợp ngói bằng đá ong, hai bên trụ có chạm khắc câu đối. Toàn bộ bốn bức tường bao quanh khu mộ được xây dựng bằng đá ong gần như còn nguyên vẹn. Đôi chó đá được tạc ở hai bên cổng như một qui cách chung nhằm bảo vệ trật tự trị an ngày đêm canh chừng. Đôi chó được tạc mập mạp ngồi phủ phục trên bệ, cổ đeo chuông nhạc với vòng nhạc tròn thể hiện kỹ thuật chạm nổi với trình độ cao.
Hình 1: Cổng vào khu lăng tẩm
Qua cổng tới khu sinh phần đồng thời là nơi thờ chính. Trung tâm đặt một hương án lớn trước một nhà chứa sập thờ, hai bên là hai đẳng thờ đặt trước hai nhà bia. Hương án phía trên ngai, được chạm hình rồng mây, phía dưới là đồ án hoa văn hoa thị xen kẽ với mây trong dạng hình cánh sen. Các đồ án có bố cục khá chỉnh chu, cân đối, mặc dù các họa tiết được lặp đi lặp lại nhưng không gợi sự nhàm chán. Các nghệ nhân chạm khắc đã khéo léo sắp xếp hợp lý giữa mảng lớn nhỏ, giữa vị trí đặt để trên và dưới nên khiến cho người xem lại cảm thấy rất vui mắt. Các đẳng thờ bằng đá hình chữ nhật cao khoảng gần 1m, khối đặc, chạm trổ tinh vi, xung quanh mặt bàn khắc văn kỷ hà lồng móc vào nhau đăng đối. Song song với việc tạo ra các thức chạm khắc cân đối và đăng đối trong các mẫu thức hoa văn trang trí, thì bố cục lăng cũng có tính cách hoà điệu như vậy. Sự đăng đối hai nửa phải trái của hình thức kiến trúc lăng, và các lớp cửa trước sau, đã tạo nên sự tôn nghiêm cho khung cảnh tĩnh mịch này.
Hình 2: Phía bên trong lăng, gồm nhà bia, hương án, tòa thờ
Trong hệ thống tẩm thờ, ngoài những bệ - sập - ngai thờ còn có hệ thống các tượng người và thú xếp từng đôi một đăng đối nhau qua trục đường thần đạo. Các tượng này được làm bằng đá xanh, to bằng kích thước người thực, gây cho người đời sau liên tưởng tới không khí nghiêm trang của cảnh phục dịch khi nhân vật được thờ còn sống. Trong các dạng chạm khắc lăng nói chung, dù là tượng người hay thú (phổ biến là ngựa, voi, chó) được chạm ở dạng tĩnh lặng, thường ở dạng đứng đơn chiếc độc lập. Nhưng tượng ở lăng Phạm Đôn Nghị lại là một trong số ít trường hợp đặc biệt là các tượng này được bố trí thành nhóm đặt cạnh nhau. Điển hình là pho tượng người và ngựa. Cặp đôi tượng người - ngựa này có một sự tương đồng với lăng Dinh Hương (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Nhưng ở lăng Dinh Hương, cặp tượng này là người dắt ngựa, tức có sự liên kết gần kề, thì ở lăng Phạm Đôn Nghị tượng người chỉ đơn thuần được đặt cạnh tượng ngựa để tạo thành nhóm. Con ngựa được tạc trong một khối đá đặc kể cả phần giữa bốn chân. Song, điểm độc đáo ở đây là tính chất hiện thực được gợi tả bởi cặp chân mảnh dẻ lại được các nghệ nhân khéo léo tạc theo dạng phù điêu trên đá. Do vậy, tuy không đục rỗng phần giữa của hay chân ngựa giống như các dạng điêu khắc tượng ngựa thời Lê Sơ, nhưng dáng vẻ của con ngựa vẫn hợp lý và thanh thoát. Cái khối đặc tưởng chừng như nặng nề ấy lại được giải quyết một cách khéo léo bằng việc trang trí yên cương một cách khá cầu kỳ. Không chỉ vậy, chẳng những tóc và bờm đã mang chất trang trí mà yên cương được thắng đầy đủ làm cho vui mắt hẳn lên. Điều này khiến cho toàn bộ khối tượng chắc chắn hơn và vẫn giữ được nét hiện thực cần thiết.
Hình 3: Nhóm tượng quan hầu và ngựa ở lăng Phạm Đôn Nghị
Hình 4 : Tượng quan hầu dắt ngựa ở lăng Dinh Hương (Bắc Giang)
Tượng quan hầu lăng Phạm Đôn Nghị được đặt sát với ngựa. Ở đây, nghệ sĩ đã vận dụng khéo những mảng khối ngang là mình ngựa với khối dọc là thân người tạo nên sự đối lập để tôn nhau lên trong cùng một tổng thể. Con ngựa hiện ra với bốn chân thẳng, đầy đủ dây buộc mõm, yên cương, bàn đạp, vải phủ có hoa văn mây, bông gù, tua rua, lục lạc... rất cầu kỳ. Bên cạnh là một võ quan, mặc áo giáp, một tay úp lên ngực thể hiện sự trung thành, một tay nắm cây chùy dài trông rất sống động và chân thực. So với lăng Dinh Hương, thì nhóm tượng này có phần khác nhau về tỷ lệ tượng người. Ở lăng Dinh Hương tượng người nhỏ nhắn so với tượng ngựa, còn ở lăng này tượng người có tỷ lệ lớn hơn hẳn. Điều này tạo cho nhóm người ngựa tuy tách nhau ra trong một khoảng cách vùa đủ nhưng vẫn tạo cảm giác gắn kết.
Nhân vật võ quan ở đây có tư cách chủ thể hơn so với tượng dắt ngựa của lăng Dinh Hương. Về mặt điêu khắc chân dung nhân vật, thì tính chất võ quan ở các pho tượng này cũng được thể hiện ra một cách rõ ràng hơn với khối cằm bạnh, mũi và má gồ cao. Chân dung của hai nhân vật võ quan trong nhóm tượng người ngựa này cũng khác nhau khá rõ ràng. Một ông có khuôn mặt bạnh hơn, còn ông kia lại thanh thoát hơn. Việc chú ý đến tả thực chân dung cũng là một nét rất đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII- XVIII, mà các bức tượng này được thừa hưởng.
So với các lăng quan lại khác trong thế kỷ XVIII, như lăng Dinh Hương, lăng Bầu, lăng Cẩm Bào, lăng Nội Tròn (đều thuộc Hiệp Hoà, Bắc Giang), lăng họ Đỗ, lăng Nguyễn Diễn (Tiên Sơn - Bắc Ninh), lăng Đoàn Văn Khôi (Ứng Hòa - Hà Tây)... thì cặp tượng quan hầu và ngựa ở lăng Phạm Đôn Nghị và lăng Dinh Hương được xem là những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá. Chúng được xuất hiện khá phổ biến trong các lăng mộ thời kỳ này, nhưng đa phần mang khuynh hướng tự nhiên ít tính trang trí. Các tượng thường được chú trọng vào cách tạo khối trên thân, khiến con vật trở nên đậm chất hiện thực. Do vậy, việc xuất hiện một số mảng chạm tỷ mỷ và mang tính cách điệu cao như phần yên cương, bờm của ngựa ở lăng Phạm Đôn Nghị và lăng Dinh Hương, đã làm hình thức điêu khắc hiện thực này trở nên độc đáo.
Các tượng trong lăng mộ thời Hậu Lê về số lượng và đề tài thường không theo một sự quy định chặt chẽ do tính chất tự phát của việc xây lăng. Như lăng Phạm Mẫn Trực chỉ có hai tượng voi, lăng Phạm Đôn Nghị chỉ có hai tượng người đứng cạnh ngựa, lăng Phạm Huy Đĩnh có cả tượng võ sĩ, ngựa và voi, lăng Dinh Hương ngoài tượng võ quan dắt ngựa, voi, tượng võ sĩ, còn có cả tượng người hầu gái cầm quạt hoặc ôm tráp... đứng ngay trên sinh phần cạnh ngai thờ... Ngay trong số tượng võ sĩ cũng có người cầm gươm, người cầm trùy. Có nhiều lăng có tượng chó gác cổng, vài lăng còn thêm cả tượng phỗng, tượng nghê... Nằm trong dòng chảy chung của tượng lăng mộ thời Hậu Lê, các tượng người và thú ở lăng Phạm Đôn Nghị vừa có cái chung như tượng ở các lăng mộ khác, vừa có nét đặc sắc riêng biệt. Xét về vị trí chung mà nói, thì vị trí các tượng trong lăng Phạm Đôn Nghị vẫn theo một qui tắc nhất định nhìn từ phía trong ra: người - ngựa - chó theo trục thần đạo không có gì đặc biệt. Nhưng việc đặt tượng võ quan sát với tượng ngựa đã làm thay đổi kết cấu chung này khiến chúng tạo thành một nhóm, thay đổi đi cái nhịp điệu đơn giản của một cấu trúc lăng mang tính tôn nghiêm.
Hình 5: Nhà bia bên phải lăng Phạm Đôn Nghị
Một đặc điểm khá độc đáo nữa của lăng Phạm Đôn Nghị là hình tượng võ sĩ cầm chuỳ được chạm khắc nổi ở hai bên cột đá của nhà bia hai bên phần mộ. Nó khá giống với dạng bố cục của lăng Phạm Mẫn Trực (Hà Tây) nhưng khác hẳn lăng họ Ngọ (Bắc Giang), các tượng võ sĩ này được chạm thẳng vào bề mặt đá ở tường bao phía ngoài. Cái vẻ rắn chắc của đá xanh, khiến cho bức chạm khắc này ở lăng Phạm Đôn Nghị có phần trở nên sắc nét. Một lần nữa ta lại gặp hình thức điêu khắc chân dung trên hai bức phù điêu mô tả hai nhân vật một già một trẻ. Đặc biệt nhân vật già hơn một chút với bộ ria mép như cố tình tạo cảm giác uy vũ nhưng thực chất lại rất hiền lành. Trong khi người trẻ lại tỏ ra có vẻ bặm trợn hơn khi dương cây chuỳ theo thế nghiêng nghiêng. Dáng vẻ của họ cũng vậy, không khuôn vào một cách cứng nhắc mà có phần uyển chuyển. Hai bức phù điêu độc đáo này khiến cho khung cảnh của khu sinh phần của Quận công Phạm Đôn Nghị bớt đi tính chất khô lạnh mà trở nên gần gũi thân quen. Ngoài ra cách chạm khắc các trang phục quần áo của hai vị võ quan này cho thấy lối điêu khắc rất đặc trưng cho nghệ thuật thế kỷ XVIII, đó là lối chạm nông vừa phải chi tiết sắc nét, chú trọng đến các nếp và dải áo.
Hình 6: Phù điêu võ sĩ (bên trái)
Hình 7: Phù điêu võ sĩ (bên phải)
Đặc biệt, hai bên khu thờ cúng là hai nhà bia làm bằng đá tảng lớn. Bia bên phải có tên bài văn là “Phạm công gia phả bi ký” kể lại sự tích các đời của dòng họ Phạm. Bia bên trái có tên là “Hiển linh từ hậu thần bi ký” (mặt trước), “Nhất xã thôn hậu phật sự lệ” (mặt sau), nói về việc bầu Phạm Đôn Nghị làm hậu Thần hậu Phật cho làng vì có công đóng góp tiền của, cả hai bia đều dựng năm Long Đức 3 (1734) [3, tr.176]. Mặt bia phía trên chạm đôi rồng chầu được cách điệu kiểu rồng hoá mây, các diềm bia còn lại chạm trang trí hoa văn mây xoắn, hoa dây uốn lượn. Nhưng có lẽ điều độc đáo phải kể đến ở đây chính là nghệ thuật kiến trúc của hai nhà bia này. Cùng đặc điểm giống như nhà chứa sập thờ, khác với kiến trúc của nhà bia ở các lăng khác với đặc trưng vòm mái cong với những yếu tố mềm mại, mỗi nhà bia ở lăng Phạm Đôn Nghị đều có cấu trúc như một long đình với bốn mái đá phẳng và góc cạnh. Mỗi đầu đao và hai đầu mái chạm khắc đầu rồng, phần trung khu chạm hình chữ Vạn. Mặc dù các kiến trúc được thiết kế bằng các khối đá tảng lớn nhưng các nhà bia ở đây vẫn tạo được dáng vẻ thanh thoát. Phải chăng đã có sự chi phối của tâm thức Phật giáo trong kiến trúc lăng mộ ở đây.
Qua khu lăng mộ và đền thờ, mộ Phạm Đôn Nghị nằm sau cùng, được bao bọc bởi những bức tường đá ong. Mộ phần bằng đá tảng hình chữ nhật nằm giữa những bức tường đá ong kiên cố, tuy công trình đã khởi xây từ thế kỷ XVIII nhưng nhờ bảo quản tốt nên các nét chữ khắc trên mộ nhìn từ xa như hoa văn họa tiết vẫn còn sắc sảo. Trải bao thời gian, khu di tích lăng đá Phạm Đôn Nghị được xem là một quần thể kiến trúc điêu khắc đá hoành tráng, độc đáo thời Hậu Lê còn tồn tại đến ngày nay./.
Tài liệu tham khảo:
1.      Trịnh Quang Vũ (2002), Lược sử mỹ thuật Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin
2.      Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng (1989), Mỹ thuật của người Việt, Nxb Mỹ thuật
3.      Nguyễn Du Chi (2001), Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông, Viện Mỹ thuật, Nxb Mỹ thuật.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Lục Bộ Tướng Thánh Nhà Trần


Đông A Điện Súy Thượng Tướng Quân - Quan Nội Hầu - Vạn Tuế Thượng Đẳng Phúc Thần Phù Ủng Đại Vương

PHẠM NGŨ LÃO 

Cuộc Đời

Phạm Ngũ Lão , người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào,Phủ Thượng Hồng (nay là làng Phù Ủng ,xã Phù Ủng, huyện Ân Thi ,tỉnh Hưng Yên).Ông sinh năm 1255, trong một gia đình làm nghề nông, mồ côi cha khi mới lên 5 tuổi. Từ nhỏ ông đã tỏ ra nhanh lẹ, có sức khỏe và chí khí hơn người . Tương truyền, năm ông 13 tuổi, có người trong làng đỗ đạt làm quan thiết đãi cả làng trong 3 ngày , nhưng ông không đến, vẫn say sưa ôn luyện bài vở, luyện tập võ nghệ, với ý nghĩ người ta làm nên công danh sự nghiệp vẻ vang cho làng xóm, còn mình chưa làm nên công cán gì cho làng,nên cảm thấy nghẹn lòng.

Nhà Phạm Ngũ Lão ở gần đường cái, thường ngày ông vẫn ngồi bên đường chẻ tre, vót nan, đan sọt,suy ngẫm về việc nước, ước ao một ngày được đem sức giúp nước, phỉ trí làm trai. Rồi một hôm khắp vùng xôn xao chuyện Hưng Đạo Vương từ Vạn Kiếp trẩy quân qua Phù Ủng để về Thăng Long. Phạm Ngũ Lão trằn trọc suốt đêm không ngủ. Có phải đây là dịp cho mình tìm được chủ tướng hay không?

Sáng hôm sau, Phạm Ngũ Lão dậy thật sớm, đẵn một cây tre to, vác dao ra đường cái quan ngồi đợi sẵn. Tiền quân của Trần Quốc Tuấn do con trai Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng chỉ huy đi trước dẹp đường, thấy Phạm Ngũ Lão bèn quát đuổi. Ông vẫn ngồi im, hiển nhiên đan, vót, như không nghe thấy gì.Quân lính lấy giáo đâm vào đùi, máu chảy ông vẫn không nhúc nhíc. Hưng Đạo Vương tới nơi thấy làm lạ hỏi chuyện; Phạm Ngũ Lão ứng đáp trôi trảy;lại thấy tướng mạo khôi ngô, dũng khí khác thường, biết là người có tài, liền sai lính lấy thuốc rịt vào vết thương rồi cho được theo xe về Kinh đô.

Khi triều đình mở khoa thi võ chọn người cầm quân cấm vệ, Hưng Đạo Vương đã tiến cử Phạm Ngũ Lão với vua, trong kỳ thi ấy ông đã đỗ đầu và được triều đình giao cho trọng trách chỉ huy đội quân cấm vệ-lực lượng tinh nhuệ nhất và bảo vệ nhà vua và kinh thành. Tương truyền vệ sĩ thấy ông xuất thân không thuộc dòng dõi quý tộc nên có ý không phục xin thách đấu. Ông nhận lời xin phép nghỉ ba tháng để luyện thêm võ nghệ. Sau ba tháng khổ công luyện tập không kể đêm ngày từ môn cưỡi ngựa, bắn cung, đánh côn, quyền roi , kiếm pháp…Phạm Ngũ Lão đều thành thạo điêu luyện. Chỉ còn một môn cắp giáo nhảy qua tường hào luyện mãi vẫn chưa vừa ý. Theo gợi ý của mọi người, Phạm Ngũ Lão đắp gò lớn ở ngoài đồng, cho đất vào ống quần dài buộc túm lại rồi nhảy lên, nhảy xuống.Nhờ kiên trì khổ luyện, cuối cùng ông đã thành công. Hết ngày phép trở lại võ đường cùng các vệ sĩ đua tài. Ông sử dụng quyền cước di chuyển nhanh lẹ, khiến cả trăm người không địch nổi, mọi người đều thán phục.


Sự Nghiệp

Tháng giêng năm 1285, quân Nguyên Mông mượn cớ đánh Chiêm Thành xâm lược nước ta. Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương sắp đặt tướng lĩnh quân đội nghênh chiến. Phạm Ngũ Lão được giao nhiệm vụ giữ Vạn Kiếp và chuẩn bị thế trận. Thời gian đầu thế giặc còn mạnh, quân ta rút lui chiến lược, sử dụng chiến tranh du kích để phân tán tiêu diệt giặc. Từ tháng 5 đến tháng 6 năm 1285, quân ta phản công tiêu diệt hệ thống đồn trại ven sông Hồng giải phóng kinh thành Thăng Long. Phạm Ngũ Lão được củ lên tăng cường cùng các tướng chặn đường rút chạy của giặc. Quân giặc bị tiêu diệt quá nửa.Tướng giặc Lý Quán, Lý Hằng bị bắn chết .Chủ tướng giặc là Thái tử Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mới thoát chết. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai toàn thắng.

Sau chiến công của Phạm Ngũ Lão , ông được người con gái yêu của Hưng Đạo Vương là quận chúa Anh Nguyên ngưỡng mộ thầm yêu, trộm nhớ. Biết tình cảm của con gái nhưng hiềm một nỗi , nhà Trần chỉ được gả con trong dòng tộc. Hưng Đạo Vương đã chủ động linh hoạt “đổi” Quận chúa Anh Nguyên từ con đẻ thành con nuôi để tác hợp mối nhân duyên đó. Giải pháp thông minh của vị tổng tư lệnh quân đội triều Trần đã giúp cho cuộc hôn nhân của con gái mình được trọn vẹn, đồng thời thu nhận thêm được một vị tướng tài đức vào gia tộc họ Trần.

Tháng 10 năm 1287, Thoát Hoan lại dẫn bộ binh, kỵ binh và thủy binh chia làm ba mũi xâm lược nước ta một lần nữa.Trước sự kháng cự mãnh liệt của quân dân nhà Trần ,quân Nguyên phải tìm đường rút về nước. Theo sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương , Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận tiêu diệt giặc trên đường rút chạy của chúng ở sông Bạch Đằng, quân giặc bị đánh tan tác.Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích trên đường bộ, trực tiếp đối địch với cánh quân do Thoát Hoan chỉ huy tại Nội Bàng. Quân địch bị tiêu diệt quá nửa. Thoát Hoan một lần nữa phải trà trộn vào đám tàn quân chốn về nước.

Với nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, năm 1288 vua Trần phong cho Phạm Ngũ Lão là Hạ Phẩm phụng sự, năm 1290 nhà vua phong cho ông làm chỉ huy hữu vệ quân Thánh Dực. Khi đó quân Ai Lao đem hơn một vạn thớt voi cướp phá Châu Hoan , Châu Diễn (thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay). Phạm Ngũ Lão nhận lệnh đi dẹp giặc. Ông chỉ huy quân sỹ chặt tre thành từng khúc, chất đầy hai bên đường. Khi giặc lùa voi xông lên, Phạm Ngũ Lão và quân sĩ cầm gậy tre đánh vào chân voi, voi gầm giống tháo chạy trở lại, dày xéo quân Ai Lao, buộc chúng phải lui binh.

Năm Giáp Ngọ (1294) , Thượng Hoàng đích thân đem quân đi đánh giặc Ai Lao. Tướng tiên phong Trung Thành Vương bị giặc vây kín, Phạm Ngũ Lão đưa quân đến giải vây, đánh bại quân Ai Lao. Vua ban cho Phạm Ngũ Lão Kim Phù.

Năm Đinh Dậu (1297) , quân Ai Lao quấy phá vùng sông Tràng Long ở Nghệ An, Phạm Ngũ Lão đem quân tiến đánh, lấy lại được đất cũ được nhà vua ban cho Vân Phù.

Tháng 10 năm 1298 ông được tấn phong làm Kim nghiêm đại tướng quân ở Hữu Vệ.

Tháng 4 năm 1299, ông lại được tấn phong làm Thân Vệ tướng quân,kiêm cai quản quân Thiên Thuộc ở phủ Long Hưng.

Năm Hưng Long thứ 9 (1301), quân Ai Lao cướp phá Đà Giang , Phạm Ngũ Lão đem quân đánh địch ở Mường Mai, bắt sống nhiều quân địch, được phong Thân Vệ đại tướng quân,vua ban cho Quy phù.

Năm Hưng Long thứ 10 ( 1302 ), Phạm Ngũ Lão đánh dẹp được nghịch thần tên là Biếm, được tiến phong chức Điện Súy và ban Hổ phù.

Tháng 5 năm 1312 vua cùng các tướng Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Chẩn…xuất quân đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm là Chế Chí xin hàng.

Tháng 8 năm 1318, Phạm Ngũ Lão cùng Trần Quốc Chuẩn phụng chỉ vua đi đánh Chiêm Thành. Quân đội ta đại thắng-Vua phong Phạm Ngũ Lão tước quan Nội hầu, ban cho Phi Ngự Phù

Ngày 1 tháng 11 năm Canh Thân ( 1320 ), Phạm Ngũ Lão mất tại phủ đệ của vua ban ở vườn cau trong thành Thăng Long, thọ 66 tuổi.Vua phong làm “Thượng đẳng phúc thần”, nghỉ chầu 5 ngày, Thượng hoàng Trần Anh Tông làm bài viếng , có đoạn:



Bạc phạt Xiêm, Lào chiến tráng du

Đương thời danh tướng hãn vi trù

Thành công chi tại năng đông giục

Bất phụ cao ngấm sí Vũ Hầu

Dịch:

Dẹp giặc Lào, Xiêm tỏ tướng tài

Võ thần mấy kẻ được chen vai

Dưới cờ một dạ nên công lớn

Gia Cát trời Nam lại có hai Tướng quân Phạm Ngũ Lão văn võ toàn tài, trung thành , liêm khiết, Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn:” Phạm Ngũ Lão học vấn biểu hiện ở câu thơ, không chỉ chuyên về võ mà dùng vinh tinh diệu, hễ đánh là thắng, đã tấn công là chiếm được, người xưa không ai hơn…”.

Trong sách “ Lịch triều hiến chương loại chí” Phan Huy Chú viết:” Phạm Ngũ Lão có tài múa giáo, làm thơ, lập nhiều công to, trước sau giữ trọn danh dự, tiếng tăm rõ rệt. Tóm lại đều không hổ thẹn là bậc nguyên thần


Bút Tích Tiêu Biểu


THUẬT HOÀI

Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu

Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu

Nam nhi vị liễu công danh trái

Thu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
Dịch nghĩa:
TỎ LÒNG

Cầm ngang ngọn giáo,giữa non sông đã trải mấy thu

Ba quân như hùm,như sói cái trí hùng muốn nuốt cả sao Ngưu

Làm con trai mà không trả xong nợ công danh

Sẽ phải hổ thẹn khi người ta nói đến chuyện Vũ Hầu

Dịch thơ: 

TỎ LÒNG 

Múa giáo non sông trải mấy thu,

Ba quân hùng dũng nuốt sao Ngưu

Công danh nam tử còn vương nợ,

Luống thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu


(Theo Hoàng Việt Thi văn tuyển)

(Bùi Huy Trích.NXB Văn hóa-Hà Nội,1957)
Bình
Âm vang thời đại Đông A với những chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm Ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông đã in dấu trong nhiều trang viết của các nhà thơ đương thời. Phạm Ngũ Lão "đánh đâu thắng đó" cuĩng ghi lại những cảm xúc của mình qua Thuật Hoài - tác phẩm thể hiện rất đẹp hình ảnh và khí thế của người trai thời đại, cũng là tư thế của dân tộc trong những ngày hào hùng ấy.


"Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu"
Bài thơ chữ Hãn vẻn vẹn 28 chữ đã có một dung lượng thông điệp thẩm mỹ lớn, thể hiện khí phách nhà thơ - dũng tướng. Thi ngôn chính là nội dung tư tưởng của thuật hoài, vịnh hoài và cảm hoài. Nhưng sẽ không thể có cái ung dung hào sảng nếu tách bài thơ ra khỏi không khí thời đại bừng bừng "Sát Thát". Bài thơ không tách rời khỏi quỹ đạo tư tưởng của Nho giáo trong mẫu hình người anh hùng cá nhân phong kiến, nhưng trước hết nó là nỗi lòng của người "một thời tuy đã nên tướng giỏi - chí khí anh hùng vẫn khát khao". Giấc mộng công danh luôn là điều ám ảnh của những kẻ sỹ, đại trượng phu thời phong kiến, đi liền với các tước phong: Công Hầu, Khanh Tướng. Nhưng ở "Thuật Hoài", con người đã được phác bằng bằng những câu thơ có sức khái quát cao độ tinh thần dân tộc tự cường.

Bài thơ là sự phản chiếu một thời đại hào hùng, khi lý tưởng trung quân ái quốc hòa hợp trọn vẹn trong tình cảm tâm hồn của nhà thơ, thời đại "vua tôi đồng lòng, anh em hòa hợp, cả nước ra sức". Tậm tư của Phạm Tướng Quân đã phản chiếu tâm nguyện của bao người trai thời Trần. Ý thức rõ giá trị bản thân, nhận rõ sự gắn bó cá nhân với cộng đồng - dân tộc - đất nước. Xúc cảm hào hùng tỏa sáng trong hình tượng thơ đem đến cho người đọc cái nhìn trọn vẹn về con ngời thời đại Đông A.


Di Tích và Lễ Hội

I.Di Tích

Để tưởng nhớ vị tướng tài danh là người con của quê hương, triều đình đã cho lập đền thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão ngay trên nền nhà cũ của gia đình ông.

Quần thể di tích Lịch sử-Văn hóa đền Phù Ủng được tọa lạc trên mảnh đất quê hương Ân Thi anh hùng và mến khách, đây là một trong những di tích có giá trị về nội dung khoa học, lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của dân tộc ta còn lưu lại trên mảnh đất Hưng Yên văn hiến. Cụm di tích được phân bố thành hai khu .

Khu ngoài,bao gồm những lăng, đền, nhà bia,…xắp xếp chung quanh đền thờ Phạm Ngũ Lão.

Khu trong ,bao gồm đền thờ cung phi Tĩnh Huệ, ngôi chùa Cảm Ân và lăng Quốc công Vũ Hồng Lượng.

Từ quốc lộ 38 vào di tích, nhân dân gọi là đường Cán Cờ.Ở khoảng giữa đoạn đường nổi bật lên một bãi đất to giống như lá cờ.Tượng trưng như lá cờ đại dựng cao trước hàng quân sĩ của Tướng quân mỗi khi xuất trận. Ngay phía trước đền có nhiều mô đất to, nhỏ, nhân dân gọi là mô đai, mô cây sòi, mô quả thừng…Tương truyền, đây là nơi tướng quân Phạm Ngũ Lão luyện tập võ nghệ, nghiên cứu binh thư. Phải chăng đây là dấu tích nơi Hưng Đạo Đại Vương gặp Phạm Ngũ Lão trên đường từ Vạn Kiếp về kinh đô Thăng Long.

Đền thờ Phạm Ngũ Lão gồm 5 gian tiền tế và tòa hậu cung, kiến trúc kiểu chồng diêm2 tầng 8 mái. Tương truyền ngôi đền nằm ở vị trí có địa thế đẹp”Thất tinh ứng hậu, hình nhân bái tướng, voi quỳ ngựa phục, bên bút bên nghiên;bên cờ bên kiếm…”.

Bước vào đền thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão, mỗi người chúng ta không khỏi xúc động, dường như được đứng trước khu tượng đài kỷ niệm tưởng nhớ một vị nhân thần có một cuộc đời với những chiến công rạng rỡ. Khói hương huyền ảo và sắc màu vàng son tạo cảm giác thiêng liêng và gần gũi, chứa chan không khí hoài niệm, con người như được trở về thời kỳ oanh liệt hào hùng của lịch sử dân tộc.

Pho tượng lớn nhất trong đền, tạc Đức thánh Phạm, tượng được đúc bằng đồng nặng trên 300 kg tạo tác phong trong tư thế ngồi trên ngai,mặc áo cẩm bào, đầu đội mũ cánh chuồn , tay cầm ngọc quý,gương mặt cương nghị, đôn hậu thể hiện khá rõ nét sắc thái của một dũng tướng, cương trực và từng trải. Chiếc áo cẩm bào đỏ thẫm như ngọn lửa luôn luôn rực cháy từ trái tim nồng nhiệt của ông .Đứng trước vị thánh như thế, lòng thành xin che trở, phù hộ và tâm nguyện phải làm gì để xứng đáng với cha ông.

Cùng thờ trong đền còn có tượng quận chúa Anh Nguyên là vợ Phạm Ngũ Lão.

Nơi đây còn lưu giữ được nhiều hoành phi, câu đối đại tự, sắc phong của các triều đại cùng các hiện vật quý hiếm như ngai, bài vị, ấm chén bạc v.v…nổi bật là 3 bức đại tự “ Phù Ủng linh từ”, “ Đông A Điện súy”, “Vạn tuế phúc thần”…

Đền Mẫu thờ mẹ của Phạm Ngũ Lão kiến trúc thời Nguyễn, gồm 3 giai đoạn tiền tế, hai gian hậu cung, trong đền có tượng mẹ của Tướng quân Phạm Ngũ Lão bằng gỗ và bốn pho tượng người hầu bằng đá thời Trần, tương truyền tượng làm bằng đá lấy từ ải Chi Lăng (Lạng Sơn). Khi Phạm Ngũ Lão làm tướng triều Trần, giặc Nguyên căm tức. Chúng đã bắt mẹ Phạm Ngũ Lão cùng một số dân trong làng đem lên ải Chi Lăng, nhằm ép Phạm Ngũ Lão ra hàng. Bà đã thắt cổ tự vẫn để tỏ rõ khí tiết. Bà được vua tặng bốn chữ “Nghiêm ứng thánh mẫu”, dân làng lập đền thờ gọi là đền Mẫu. Hàng năm, tổ chức cúng giỗ vào ngày 3 tháng 6 âm lịch, ngày bà tuẫn tiết.

Bên phải đền Mẫu có Khuê Văn Các kiến trúc cổ kính 12 mái lợp ngói ống, xưa kia đây là nơi các quan trong triều về tế lễ tới đây bình thơ văn và ngoạn cảnh.

Bên trái đền thờ Phạm Ngũ Lão, có lăng Đức Tiên Công, thân phụ Phạm Ngũ Lão.Lăng được khởi dựng từ thời Trần do Phạm Ngũ Lão xây dựng lăng mộ cho cha mình.Phần chính lăng xây hình chóp long đình, phần mộ hình lục lăng, có thềm đá xung quanh, lăng có tắc môn, cột đồng trụ và hai tam môn 2 bên. Cạnh lăng có ao tầm sét, tục truyền đó là mắt rồng; Khu lăng mộ quanh năm được che phủ dưới bóng mát của những cây cổ thụ có tuổi khoảng từ 200 đến 300 năm.

Cách đền chính không xa ( khu trong ) có chùa Bảo Sơn, tương truyền do Phạm Ngũ Lão xây dựng. Năm 1948, hai chùa bị thực dân Pháp phá hủy chỉ còn lại tam quan hai tầng, tám mái soi bóng xuống dòng sông Cửu An. Năm 1999, nhân dân đầu tư kinh phí phục dựng lại chùa theo kiểu dáng kiến trúc xưa.

Tương truyền Phạm Ngũ Lão có con gái là Tuệ Tĩnh, làm thứ phi vua Trần Anh Tông. Cuối đời bà xin xuất gia tu tại chùa Bảo Sơn, dựng phủ điện phía bên đông chùa, làm nhà riêng ở đằng sau để làm nơi thờ cúng tổ tiên.Khi làm xong,đức Thượng hoàng Trần Minh Tông ngự tới xem ban cho chữ đề biển vàng, đổi tên chùa là “Cảm Ân Tự” . Khi bà mất nhân dân lập đền thờ bà trên nền nhà cũ.Năm 2004, đền thờ cung phi Tĩnh Huệ được trùng tu lại quy mô như ngày nay. Trong đền đặt hương án, đồ thờ, nổi bật là bức tượng Cung phi Tĩnh Huệ và bức đại tự “Hiếu kính toàn đức”.

Trong cụm di tích còn có lăng Quốc công Vũ Hồng Lượng là người làng Phù Ủng, làm quan dưới triều Hậu Lê.Sinh thời ông có công đức tu sửa đền thờ Phạm Ngũ Lão và đặt ra sự lệ cho làng thờ cúng. Lăng Vũ Hồng Lượng được khởi dựng năm Canh Tý ( 1660 ), niên hiệu Vĩnh Thọ thứ3 thời Lê Thần Tông. Đây là một công trình trạm khắc đá nổi tiếng thời Hậu Lê, chạm khắc tinh xảo hình người, con giống và hoa lá.

Về thăm di tích Lịch sử- Văn hóa đền Phù Ủng, cảm nhận đầu tiên của du khách có lẽ đó là vẻ bề thế, khoáng đạt của các hạng mục công trình, đan xen trong từng hạng mục là các cây đại thụ, tạo cho khu di tích một không gian u tịch đượm vẻ linh thiêng.

II.Lễ Hội

Hàng năm, lễ hội truyền thống đền Phù Ủng tổ chức từ ngày 25 tháng chạp, với lễ mục dục ( lau rửa đồ tế khí , tắm tượng ) đảm bảo sạch sẽ, tăng thêm sự linh thiêng. Đêm giao thừa có lễ chúc thánh. Sáng mồng 1 có lễ khai xuân, rước bằng sắc của Phạm Ngũ Lão. Chính hội tổ chức vào ngày 11 tháng giêng âm lịch, tương truyền là ngày Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc giữ nước, có đại lễ, tế nội tán, ngoại tán- đây là ngày sôi động nhất với nghi thức rước cung phi Tĩnh Huệ từ phủ Chúa về lăng Phạm Tiên Công ( trình ông ) sau đó rước về đền thờ Phạm Ngũ Lão ( trình cha ). Khác với lễ rước kiệu của một số địa phương khác, ở lễ rước kiệu cung phi Tĩnh Huệ người dân cùng với quý khách thập phương chen nhau để được chui qua gầm kiệu. Với một suy nghĩ tâm linh là làm như vậy mọi ước muốn của mình sẽ thành hiện thực(!)

Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhiều đội tế các vùng đến tế lễ rất đông. Trong đền chính cung văn hát chầu suốt ngày đêm. Khu vực ngoài đền diễn ra các hoạt động Văn hóa, Thể thao và đặc biệt là các trò chơi vui nhộn diễn lại các tích xưa như:vật cù, hát trống quân, múa rối nước…Đây là điểm hội tụ giao lưu văn hóa vùng, miền tạo nên một không khí lễ hội trang trọng và đậm đà bản sắc dân tộc góp phần nâng cao đời sống văn hóa hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ.