Họ Phạm xã Đông Cơ, Tiền Hải, Thái Bình có gốc làng Doãn Trung, Giao Thủy, Nam Định ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Họ Phạm xã Đông Cơ, Tiền Hải, Thái Bình có gốc làng Doãn Trung, Giao Thủy, Nam Định

Tư liệu gia phả phản ánh thành phần xuất thân, địa vị xã hội của các nguyên mộ (người đứng đầu các lý, ấp, trại, giáp sau khi thành lập huyện), đồng thời phản ánh quá trình lập làng ấp, tinh thần vượt khó, chịu đựng gian khổ của những người đi khẩn hoang. Gia phả họ Trần ở làng Kinh Xuyên (Đông Xuyên) cho biết trận bão 13 tháng 8 năm Tân Tỵ (1881) có 11 người chết. Gia phả họ Phạm ở làng Đức Cơ (bản chữ Hán, soạn năm Tự Đức 31 (Mậu Dần – 1878) do trưởng tộc Phạm Húc giữ, ghi: Gốc tổ làng Doãn Trung (Giao Thuỷ) cuối đời Lê, do đói kém dời đến ở làng Tiểu Hoàng (huyện Chân Định), sau có 1 chi về lập ấp Đức Cơ, tổng Tân Phong (nay thuộc xã Đông Cơ). Gia phả họ Tạ, họ Lê ở làng Diêm Điền (Tây Giang) cho biết họ Tạ, họ Lê đến đay nay đã 12 – 13 đời. Làng Diêm Trì, tổng Tân Phong (nay thuộc xã Tây Phong) là do cụ Mền Thước (Thần Thước) vốn là Tiên chỉ của làng Diêm Điền xuống tổ chức khai phá, được làm Trưởng mộ v.v…

-----------
Ghi chú:
làng Tiểu Hoàng (huyện Chân Định)

Ấp Tiểu Hoàng đã có cách đây hơn 500 năm, nay là đất xã Tây Sơn và thị trấn Tiền hải. Vùng đất trù phú xinh đẹp nằm ở trung tâm của huyện Tiền Hải, đông giáp xã Đông Cơ, tây giáp xã Tây An, nam giáp xã Tây Giang, bắc giáp xã Tây Ninh.

Theo lịch sử đất Thái Bình, ấp Tiểu Hoàng đã được con cháu vị khai quốc công thần triều Lê là Phạm Văn Xảo được Triều đình cho mộ dân về khai phá, lập lên cách đây hơn 500 năm, thuộc huyện Chân Định, Phủ Kiến Xương, Thừa tuyên Sơm Nam (Năm 1469 thời vua Lê Thánh Tông, nước Đại Việt gồm phủ Phụng Thiên và 12 đạo thừa tuyên, dưới các đạo thừa tuyên là các phủ. Phủ Kiến Xương thuộc thừa tuyên Sơn Nam gồm các huyện: Thư Trì, Vũ Tiên, Chân Định). Đây là đất biển bồi, ở đâu có đất có thể khai phá trồng trọt sinh sống được là có người. Bãi biển Chân Định có giồng đất từ Cồn trắng bắc qua Công bồi, Cổ Rồng, Trình Nhì, thôn Bắc, Tiểu Hoàng, Đại Hoàng đã có từ thế kỷ XII, XIII. Ngày ấy dân ở còn lác đác, các địa danh này chưa có tên. Cuối thế kỷ XIII, quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ II năm 1285, đạo quân của Trần Hưng Đạo do tướng Yết Kiêu chặn thuyền địch không cho ngược đường sông Hồng về Thăng Long. Nghĩa quân đi qua thấy vùng đất rộng, có những cây quế lớn đã dừng lại nghỉ chân, chuẩn bị chiến trận. Sau để ghi nhớ công lao to lớn của đức Trần Hưng Đạo, người dân Tiền Châu đã dựng ngôi đền thờ gọi là đền Bắc hay đền Quế (nay ở Thôn Giang Bắc, xã Tây Giang), trong đền có tấm bia đá “Linh từ bi ký” (Bia ghi ở đền thiêng) có ghi sự tích này.

Những người dân được mộ về khai khẩn muối, làm ruộng lập ra ấp Tiểu Hoàng đầu tiên ấy là những người họ Vũ, họ Lê, họ Trần, họ Phạm và một số người của dòng họ khác. Nhân dân ấp Tiểu Hoàng cùng với dân ấp Diêm Điền, Phương Trạch, Công Bồi đắp con đê ngăn nước mặn từ Ngoại đê ra cầu Các Già, ra cánh đồng Phương Trạch. Có đắp được đê, dân trong đê mới yên ổn làm ăn, cày cấy được. Dân cư các dòng họ từ Thanh Hoá, Nghệ An, Nam Định, La Điền, Bổng Điền (Vũ Thư), Hải Dương, An Biên… lại tiếp tục đổ về tìm nơi có đất để khai phá.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ