Một tấm bia mộ thời Lê ở Kim Thành, Hải Dương do Tiến sĩ Phạm Cảnh Lương soạn ~ Cội nguồn họ Phạm

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Một tấm bia mộ thời Lê ở Kim Thành, Hải Dương do Tiến sĩ Phạm Cảnh Lương soạn

MỘT TẤM BIA MỘ THỜI LÊ VỪA MỚI PHÁT HIỆN
NGUYỄN THỊ THẢO
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Ở làng Bất Nạo, huyện Kim Thanh, tỉnh Hải Dương, nay là xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, vừa qua sau 1 cơn bão, cây đa ở miếu Vua Bà bị đổ trật gốc, người địa phương phát hiện được dưới gốc đa một tấm bia mộ, để trong một hộp đá do Tiến sĩ Phạm Cảnh Lương viết để nêu công đức của người chị cả của ông là Phạm Thị Thục Trân.
Tiến sĩ Phạm Cảnh Lương, hiệu là Nguyễn Huy, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn, chức Đạt Tín đại phu, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ Từ Đoan sự, Thanh Hình HIến sát ty, Hiến sát Thuận Hóa. Sách Các nhà Khoa bảng Việt Nam (Nxb Văn học, 1993) viết: “Phạm Cảnh Lương, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức 27 (1496) đời Lê Thánh Tông. Khoa thi này thực số lấy đỗ 30 người, nhưng sách Lịch triều Đăng Khoa chỉ ghi tên 29 người, bỏ sót Hoàng giáp Phạm Cảnh Lương – Nay bổ sung theo bia Văn miếu [Bia này soạn và khắc dựng ngay trong năm Hồng Đức 27 (1496) ].
Sau đây là nội dung tấm bia mộ:
BIA MỘT (MỘ CHÍ)
VỢ QUAN THỪA TY LẠI KINH BẮC
LIÊN HỒ TIÊN SINH HỌ LÊ
Chị ta húy là Quý, tự là Thục Trân, họ Phạm xuất thân trong một gia đình có học. Từ cụ Cao tằng tổ về trước, đời nào cũng có người làm quan hiển đạt. Nhưng gia phả vì sơ suất bị thất lạc nên tên hiệu, quan tước của các vị ấy nay không còn. Cụ Tằng tổ huý là Duyên. Ông nội là Hương lão, huý là Dung, hiệu là Lương Trang Dật Tẩu. Cha là Dực vệ ngự tiền, huý là Ngân, hiệu là Lũ Trang Dật Tẩu. Mẹ họ Đặng, huý là Kỳ.
Cụ Cao tổ bên ngoại là Chuyển vận sứ Nội cung lang, huý là Sinh, hiệu là Trung Kiều tiên sinh. Cụ Tằng tổ (bên ngoại) huý là Tề, là Thái học sinh hiệu Ngư Ẩn tiên sinh. Ông ngoại huý là Tri Tiết, là Thái học sinh, hiệu là Tế Trang Ngai Lão tiên sinh.
Cha mẹ rất chuộng Nho học nghệ thuật, sinh chị là con đầu. Từ tuổi ấu thơ, chị đã có đức hạnh hơn người, ít nói, nhu mì, ôn hòa, điềm đạm. Khi lớn lên, chị về làm dâu họ Lê, dòng dõi Nho môn ở Lê Xá, một dòng họ lớn trâm anh lệnh tộc, thi thư dịch số nối đời. Chồng chị (Liên Hồ tiên sinh) từ lúc còn trẻ đã nổi tiếng học giỏi. Đến khi được ra làm quan ở quận, huyện thì nổi tiếng khí tiết nhà Nho, trải làm quan tại các xứ Thái Nguyên, Kinh Bắc thì nổi tiếng là vị quan giỏi, thanh liêm, cẩn thận. Người anh cả huý là Lậu, hiệu là Thận Sát tiên sinh, làm Mậu lâm tú lang, Tri phủ Khoái Châu, Thường Tín. Người em trai kế tiếp huý là Nguyên Huy, tên là Lạc Thiện, tên hiệu là Tùng Hiên tiên sinh – làm quền Giám sát ngự sử. Cẩn sự tá Lang, Tri huyện Vũ Xương, Gia Lâm.
Hai họ nội ngoại đều thuộc dòng Nho học hiển hách. Vì vậy đức hạnh của chị càng được bồi bổ hoàn thiện. Đầu năm Hồng Đức (1470) hai bên gia đình có mấy cái tang, chị đã tận hiếu lo toan đến nơi đến chốn, cúng dưỡng chu đáo, không hề vì có khó khăn mà phân biệt nội ngoại. Từ bé cho đến nay, ta thường thấy chị luôn tự răn mình không bao giờ giận dữ cáu gắt, đố kỵ, kiêu căng. Đối với các em, các con, các cháu, chị luôn luôn răn dạy phải lấy việc nông tang, Nho học làm trọng, phàm đạo làm con, làm vợ làm mẹ, chị đều rất hiếu thảo, hiền từ, cần kiệm, đức hạnh hòa mục cung kính nhân nghĩa đầy đủ cả. Đáng ra chị phải sống thọ, thế mà lại bị bệnh đau xương cốt nặng, mặc dù thuốc thang chạy chữa hết lòng vẫn không qua khỏi. Chị đã mất vào giờ Sửu đêm ngày 16 tháng 6 Đinh Mùi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) tại quê cha đẻ ở thôn Khả Lũ xã Bất Nạo, hưởng thọ 62 tuổi.
Chị có 5 người con, con trai là Khắc Loại, Khắc Hiếu, Khắc Thiệu đều là Sinh đồ, nổi tiếng trong quận ấp vì tài văn chương cùng đức hạnh v.v…
Chị có 6 người em. Em trai lớn là Cảnh Ngộ làm Tri huyện. Em trai thứ 2 là Cảnh Phúc, là Sinh đồ. Em trai út chính là Cảnh Lương này. Còn 3 em gái là Nghiêm, là Đính là Quế.
Ngày 4 tháng 12 năm nay Cải táng chị, an táng ở cánh đồng này.
Than ôi! Chị ta, con người hiền lành, đức hạnh đã không sống được đến tuổi thượng thọ, không kịp được hưởng chút lộc trời. Sao thần Phật lại chẳng nhân từ với người có nhân đức như vậy. Trước đây, sau khi làm quan không thuận lợi, ta thường đi du học đây đó, mỗi khi đi chị đều răn dạy phải giữ mình, chuyên cần học tập. Đến khi đỗ Tiến sĩ làm quan Hiệu lý, Tri huyện, Ngự sử, Hiến sát sứ, mỗi khi nhậm chức, chị đều căn dặn giữ gìn làm quan chớ có tham lam. Trong đời thường, chị dặn đi dặn lại chớ kiêu căng, mắng nhiếc, hại người. Khi trở lại làm quan đại phu ở Thuận Hóa, thì chị lâm bệnh nặng, lúc lâm chung vẫn nghẹn ngào thương nhớ người em út này. Thật nhân hậu thay! Phải chăng vì chị là chị cả và em là em út, mà trước sau có sự cảm thông sâu sắc này. Em xin thờ chị hết lòng như thờ cha mẹ đẻ báo đáp công ơn. Suốt cả cuộc đời chị luôn dạy bảo các em, các con, các cháu mong cho nên người. Khi sắp qua đời, vẫn lấy hiếu với cha mẹ mà xử hành vi phải trái. Than ôi! một lần nữa ta lại mất chỗ nương tựa. Thương xót thay! Không rõ vì sao trời lại nhẫn tâm nỡ vội vàng cướp chị ta đi, để ta sống một mình! Ta đành ngậm ngùi viết những lời này khắc ghi vào bia đá, nỗi đau xé ruột của mình. Sự đau xót tận cùng không thể viết ra được và cũng không thể nói hết lời được.
Tiến sĩ khoa Bính Thìn, Đại Tín đại phu, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ti Đoan sự tu thiện, Thiếu doãn, Giám sát ngự sử đạo Lạng Sơn, Hình hiến sát ti, Hiến sát Thuận Hóa là Phạm Cảnh Lương, hiệu là Nguyễn Huy soạn văn bia.


Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.395-398)
Nguồn tin: Viện Hán Nôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đưa tôi về Trang chủ